Monday, June 5, 2023

HÁT CÁC BÀI HÁT YÊU NƯỚC TRÊN FACEBOOK, THẦY GIÁO DẠY NHẠC ĐẶNG ĐĂNG PHƯỚC ĐỐI DIỆN VỚI ÁN TÙ (Quốc Phương, RFA)

 



Hát các bài hát yêu nước trên Facebook, thầy giáo dạy nhạc Đặng Đăng Phước đối mặt với án tù

Quốc Phương, cộng tác viên RFA Tiếng Việt từ London
2023.06.05

https://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/singing-patriotic-songs-on-fb-music-teacher-faces-jail-term-06052023134042.html

 

Thầy giáo dạy nhạc Đặng Đăng Phước ôm cây đàn ghi ta say sưa hát bài “Gánh xiếc to trên quê hương bé nhỏ” của nhạc sĩ Tuấn Khanh với các ca từ da diết:

 

Gánh xiếc to trên quê hương bé nhỏ

Người người lặng yên, u uất trong tim

Gánh xiếc to trên quê hương cháy đỏ

Bài học tự do đâu chỉ cơm no

Gánh xiếc to sao không nghe tiếng cười

Tiếng vỗ tay sao như tiếng khóc người

Vuốt mặt nhìn nhau

Bỗng thấy nghẹn lời

 

Đoạn video bài hát dài năm phút này được ông đăng trên Facebook cá nhân có tên Đặng Phước vào ngày 1/8/2021. Khoảng một năm sau, vào ngày 8/9/2022, ông bị bắt với cáo buộc “Tuyên truyền chống nhà nước” và đoạn video bài hát này là một trong ba đoạn video bài hát yêu nước có sự tham gia của ông được đăng trên Facebook ở các thời điểm khác nhau trở thành bằng chứng để Viện Kiểm sát Nhân dân tỉnh Đắk Lắk dùng để cáo buộc ông vi phạm Điều 117 Bộ luật Hình sự.

 

Theo bản cáo trạng mà RFA có được, đĩa CD ghi lại hình ảnh và âm thanh ba bài hát của ông đã được Cơ quan An ninh Điều tra, Công an tỉnh Đắk Lắk đem đi giám định và kết luận:

 

“Đây là những nội dung có chứa nhiều ngôn từ xuyên tạc sự thật, phỉ báng chính quyền nhân dân, cố tình bôi đen sự thật, nói xấu chính quyền nhằm làm suy giảm lòng tin của người dân vào sự quản lý, điều hành của chính quyền, Nhà nước, cổ suý tinh thần ‘dấn thân’ đấu tranh cho cái gọi là ‘dân chủ, nhân quyền’ nhằm lật đổ chính quyền nhân dân.”

 

Phó Giám đốc phân ban Châu Á, đại diện tổ chức Theo dõi Nhân quyền Quốc tế - Human Rights Watch (HRW), ông Phil Robertson nói: “Sự coi thường quyền tự do ngôn luận của giới lãnh đạo Việt Nam thậm chí còn lan sang cả những nhà hoạt động đã hát một vài bài hát chỉ trích họ.”

 

Người kêu gọi đổi mới

 

Trước phiên toà xét xử thầy giáo dạy nhạc Đặng Đăng Phước vào ngày 6/6/2023, giới quan sát nhân quyền quốc tế lên tiếng kêu gọi Chính phủ Việt Nam bỏ mọi cáo buộc đối với ông, đồng thời ca ngợi ông là người đổi mới và chính quyền phải xin lỗi thày giáo này.

 

Gọi ông Đặng Đăng Phước, 60 tuổi, cựu giáo viên âm nhạc tại trường Cao đẳng Sư phạm Đắk Lắk, là “nhà vận động chống tham nhũng”, ông Phil Robertson, Phó Giám đốc phụ trách khu vực Châu Á của HRW, nêu quan điểm:

 

Chính quyền Việt Nam sử dụng những điều luật lạm dụng và quá rộng rãi của mình để truy tố những người kêu gọi cải cách. Các nhà chức trách nên ngay lập tức hủy bỏ các cáo buộc đối với Đặng Đăng Phước và các nhà hoạt động khác, những người đóng vai trò quan trọng trong việc loại bỏ tận gốc những sai phạm và tham nhũng mà chính phủ tuyên bố sẽ phản đối.”

 

Ông Phước, thường bình luận về các vấn đề xã hội, chính trị và môi trường, đồng thời ủng hộ chính nghĩa của người nghèo và người yếu thế, bao gồm những người khiếu kiện về quyền sở hữu đất đai và các nhóm thiểu số người Thượng. Ông từng viết: “Tôi bảo vệ lẽ phải và những người bất lực. Tôi không quan tâm đến danh tiếng và sự giàu có.” Vì lý do này, ông nói rằng ông “lên tiếng để giúp giảm bớt bất công xã hội.”

 

Cáo trạng của Viện Kiểm sát Nhân dân tỉnh Đắk Lắk kết luận“Quá trình sử dụng Facebook, Phước đã viết, đăng tải, tàng trữ, phát tán, tuyên truyền lên trang Facebook nhiều bài viết có nội dung không khách quan; không đúng sự thật, vu khống, xúc phạm, bôi nhọ uy tín, danh dự của Đảng, Nhà nước, phỉ báng chính quyền nhân dân; bịa đặt, gây hoang mang trong nhân dân, gây chiến tranh tâm lý nhằm mục đích chống Nhà nước Cộng hoà Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam”.

 

Theo cáo trạng: “Từ đầu năm 2019 đến ngày 10/8/2022, Phước đã viết, đăng tải lên trang Facebook ‘Đặng Phước' 20 bài viết có nội dung nêu trên."

 

Tổ chức HRW cho rằng, trong thập niên qua, ông Đặng Đăng Phước đã vận động chống tham nhũng và lạm quyền ở cấp cơ sở:

 

“Ông đã ủng hộ việc bảo vệ tốt hơn các quyền dân sự và chính trị, bao gồm quyền tự do ngôn luận, biểu đạt, lập hội, hội họp và tôn giáo. Ông công khai phản đối luật an ninh mạng năm 2018 mang tính đàn áp của Việt Nam. Đặng Đăng Phước đã ký nhiều kiến nghị ủng hộ dân chủ, trong đó có Kiến nghị 72, ban hành vào tháng 01 năm 2013, kêu gọi thay đổi hiến pháp để cho phép bầu cử đa đảng. Ông cũng đã ký Tuyên ngôn Công dân Tự do, ban hành vào tháng 2 năm 2013, tìm cách bãi bỏ điều 4 trong Hiến pháp năm 1992 của Việt Nam, trong đó trao cho Đảng Cộng sản Việt Nam độc quyền về quyền lực. Tuyên bố kêu gọi tạo ra một hệ thống chính trị đa đảng, phân chia quyền lực và phi chính trị hóa các lực lượng vũ trang. Ông cũng lên tiếng để nâng cao nhận thức về các dự án kinh tế bóc lột có tác động tiêu cực đến môi trường. Vào tháng 5 năm 2016, ông đã ký tuyên bố phản đối Formosa, một công ty thép của Đài Loan đã đổ chất thải độc hại và gây ra thảm họa ô nhiễm biển nghiêm trọng dọc theo bờ biển miền trung Việt Nam.”

 

Theo dõi vụ án với ông Đặng Đăng Phước từ Pháp, hôm 05/6, ông André Menras, nhà hoạt động và nhà quan sát nhân quyền của Việt Nam được nhiều người biết đến và có tên tiếng Việt là Hồ Cương Quyết, nói với Đài Á Châu Tự Do:

 

Nếu chính quyền và Đảng Cộng sản Việt Nam có một chút công lý và trí tuệ, vì họ rất ấu trĩ, thì thậm chí phải xin lỗi ông Phước, bởi vì ông ấy là một công dân xứng đáng của Việt Nam.”

 

 

Không có tội

 

Theo thông tin từ bà Lê Thị Hà, vợ ông Đặng Đăng Phước, hiện có bốn luật sư tham gia bào chữa cho chồng bà gồm ba luật sư đến từ văn phòng luật sư Hưng Đạo Thăng Long là luật sư Nguyễn Hà Luân, luật sư Lê Văn Luân, luật sư Phạm Lệ Quyên; và luật sư Lê Xuân Anh Phú tại Buôn Mê Thuột. Nhóm luật sư này đã có cuộc gặp gỡ thân chủ trực tiếp trong trại giam hôm 5/6/2023. Theo luật sư Lê Văn Luân từ Văn phòng luật sư Hưng Đạo Thăng Long, nhóm luật sư đã được tạo điều kiện ‘thuận lợi’. Luật sư Lê Văn Luân nói:

 

Các luật sư chiều nay đã vào gặp ông Đặng Đăng Phước, về tinh thần và tư tưởng, ông thông suốt, mạnh mẽ và giữ quan điểm như trước. Tất nhiên, ông thừa nhận hành vi, còn tội danh, ông cho rằng ông đang thực hiện những quyền nói sự thật. Cho (phiên xử) ngày mai, ông đã chuẩn bị nội dung bào chữa cho chính mình. Về cơ bản, các nội dung bào chữa là tốt, bao quát được toàn bộ sự việc trong vụ án của ông ấy. Ông ấy được đối xử tốt, về sức khỏe cũng như về tinh thần lẫn thể chất, ông lạc quan tích cực, khỏe khoắn, không có dấu hiệu gì cho thấy bị suy nhược hay bị khủng hoảng về tâm lý gì cả.”

 

Khi được hỏi về quan điểm với vụ án và đường hướng chung bảo vệ thân chủ, ông nói thêm:

 

Thực ra, quan điểm của chúng tôi vẫn bảo vệ ông Đặng Đăng Phước trên cơ sở thực hiện hành vi, nhưng xét về mặt cấu thành và trách nhiệm hình sự thì ông không (có tội), chúng tôi vẫn thống nhất với quan điểm như thế và trong các vụ án tương tự với điều 117, mọi quan điểm của chúng tôi vẫn mang tính nguyên tắc về việc nhà nước pháp quyền thì cần bảo vệ quan điểm tư tưởng, bày tỏ chính trị hơn là trừng phạt bằng một tội danh hình sự.”

 

Ông Bùi Văn Châu Tuấn, một người tự gọi mình là ‘dân oan’ ở địa phương tại tỉnh Đắk Lắk được chính quyền triệu tập trong tư cách ‘người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan’, nói với RFA một ngày trước phiên tòa:

 

“Vì tôi là người được phiên tòa triệu tập như người liên quan, tôi không muốn phát biểu ở đây, nhưng thực sự mà nói thì thầy Đặng Đăng Phước vô tội, và nếu như phiên tòa công tâm, cứ nhìn những người như chúng tôi thì hiểu, chúng tôi bị oan ức tới cỡ nào, và thầy đã giúp đỡ chúng tôi ra sao, nhưng nếu có một phiên tòa đàng hoàng, vì nhân dân, thì nên trả tự do lại cho thầy Phước ngay tại tòa.”

 

Về phần mình, bà Lê Thị Hà, vợ của nhà giáo Đặng Đăng Phước bày tỏ quan điểm và mong muốn của bà về phiên tòa với Đài Á Châu Tự do ngay trước thềm phiên xử, bà nói:

 

“Ở Việt Nam, bắt ai, bắt khi nào, xử khi nào và xử bao nhiêu năm là quyền trong tay của họ, nhưng với tôi, chồng tôi vô tội. Mong muốn của tôi là chồng tôi được trả tự do vô điều kiện.”

 

-------------------------

Tin, bài liên quan

THỜI SỰ

 

Bộ Ngoại giao Mỹ: vận động cho nhân quyền, dân chủ ở Việt Nam là chống lại Đảng, nhà nước!

 

“Tuyên truyền” Điều 331 cho học sinh, có thực tế?

 

Tự do báo chí khu vực ĐNA: Việt Nam “cá biệt trong nhóm cá biệt”

 

Lực lượng 47 và sự kiểm duyệt trên mạng xã hội

 

CPJ trao giải Tự do Báo chí Quốc tế khiếm diện cho nhà báo Phạm Đoan Trang





No comments:

Post a Comment