Monday, June 26, 2023

CHẾ ĐỘ ĐỘC ĐẢNG CSVN DO CÔNG AN, QUÂN ĐỘI BẢO VỆ. AI BẢO VỆ CHẾ ĐỘ ĐA ĐẢNG? (Nguyễn Văn Đài)

 



Chế độ độc đảng CSVN do công an, quân đội bảo vệ. Ai bảo vệ chế độ đa đảng?

Nguyễn Văn Đài  

Thứ Hai, 06/26/2023 - 15:55 — nguyenvandai

https://www.rfavietnam.com/node/7683

 

Sáng 15-6, Hội nghị Đảng ủy Công an Trung ương 6 tháng đầu năm 2023 đã diễn ra tại Hà Nội.

 

Ông Nguyễn Phú Trọng trên cương vị Tổng bí thư và Uỷ viên đảng uỷ công an trung ương đã có phát biểu chỉ đạo hội nghị.

 

Ông Nguyễn Phú Trọng thêm một lần nữa nhấn mạnh việc xây dựng lực lượng công an phải với tinh thần “Chỉ biết còn đảng là còn mình”.

 

Điều này được hiểu là lực lượng công an được thành lập chỉ với mục đích là bảo vệ cho quyền lực cai trị đất nước và người dân của đảng CSVN.


 

Ông Nguyễn Phú Trọng từ khi ngồi vào ghế Tổng bí thư, trong hầu hết các Hội nghị công an trung ương, ông Trọng đều nhắc đi nhắc lại điều này. Ông Trọng luôn coi hai lực lượng công an và quân đội như “thanh kiếm và lá chắn” của đảng và chế độ độc đảng CSVN.

 

Trước khi làm rõ xem tại sao đảng và chế độ CSVN phải dựa vào quân đội và công an bảo vệ, chúng ta hãy xem các chế độ dân chủ đa đảng do ai bảo vệ?

 

Các chế độ dân chủ đa đảng trên thế giới đều được xây dựng lên bởi sự ưng thuận của các lực lượng chính trị, các đảng phái và người dân.

 

Bởi vậy, các chế độ dân chủ đa đảng được người dân và các đảng phái chính trị cùng bảo vệ.

 

Các lực lượng cảnh sát, an ninh, quân đội không có nhiệm vụ bảo vệ chế độ dân chủ đa đảng.

 

Các chính phủ, đảng cầm quyền có thể thường xuyên bị thay đổi qua các kỳ bầu cử.

 

Khi đảng cầm quyền, người lãnh đạo đất nước không thực hiện đúng cam kết, lời hứa với cử tri, hoặc đưa ra những chính sách làm tổn hại tới lợi ích của đất nước và người dân. Các tầng lớp Nhân dân có quyền sử dụng các quyền hiến định để buộc nhà lãnh đạo phải từ chức, giải tán quốc hội, chính phủ để tiến hành tổng tuyển cử.

 

Đảng cầm quyền và người lãnh đạo đất nước không được sử dụng quân đội, cảnh sát để chống lại ý nguyện của Nhân dân.

 

Chính quyền và người lãnh đạo đất nước có thể bị thay đổi, nhưng chế độ dân chủ đa đảng không bị thay đổi.

 

Trong chế độ dân chủ đa đảng, lực lượng cảnh sát, an ninh để bảo vệ trật tự pháp luật, bảo vệ sức khoẻ, tính mạng và tài sản của người dân. Còn lực lượng quân đội thì bảo vệ chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ.

 

Trở lại với chế độ độc đảng CSVN. Tại sao công an, quân đội phải bảo vệ?

 

Từ khi đảng CSVN cướp được chính quyền vào ngày 19 tháng 8 năm 1945. Họ đã tước đoạt quyền làm chủ đất nước của Nhân dân, biến người dân từ địa vị làm chủ đất nước thành bị cai trị, bị bóc lột.

 

Chế độ độc đảng CSVN tước đoạt đất đai của người dân và đất nước. Khai thác cạn kiệt tài nguyên thiên nhiên, quan chức từ trung ương tới địa phương đều hủ bại và tham nhũng,…

 

Hiển nhiên, mọi tầng lớp Nhân dân đều bất mãn với đảng và chế độ độc đảng CSVN. Nhiều tầng lớp người dân đã đứng lên đấu tranh với nhiều hình thức khác nhau.

 

Tầng lớp chóp bu lãnh đạo đảng CSVN sử dụng các lực lượng công an, quân đội như những công cụ để trấn áp người dân nhằm bảo vệ chế độ.

 

Đây là một điều bất công với người dân và đất nước Việt Nam.

 

Nhân dân Việt Nam phải lao động đổ mồ hôi, nước mắt, thậm chí cả máu để đóng thuế nuôi dưỡng cả chế độ, trong đó có lực lượng công an. Tiền thuế của người dân được sử dụng để mua sắm trang bị cho lực lượng công an từ giày, dép, tất, quần áo, vũ khí,…, mọi thứ nhu yếu phẩm hằng ngày, khám chữa bệnh miễn phí cho cả gia đình, con cái của họ đi học miễn phí,…

 

Nhưng mục đích tồn tại của ngành công an lại là trấn áp những người đóng thuế nuôi mình để bảo vệ cho chế độ và đảng CSVN.

 

Các lực lượng công an, quân đội nên hiểu rằng chỉ khi nào không còn chế độ độc đảng CSVN thì khi đó các lực lượng công an, quân đội mới thực là của Nhân dân.

 

Quay về với Nhân dân, ủng hộ cho cuộc đấu tranh chuyển từ độc tài, độc đảng sang dân chủ thì đó mới là sứ mệnh của các lực lượng công an, quân đội giai đoạn hiện nay.

 

 

nguyenvandai's blog

 

 




No comments:

Post a Comment