Việt Nam: mô hình kinh tế "bộc lộ áp lực lớn", nhưng
chỉ đổi mới kinh tế là chưa đủ
Quốc Phương, cộng tác viên RFA Tiếng Việt từ London
29-05-2023
https://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/vn_economy_chang_only_inadequate-05292023113529.html
Ảnh
minh họa: Dự án mở rộng sản xuất giai đoạn 2 ở Công ty Gang thép Thái Nguyên
còn lại đống sắt hỏng. Courtesy Tổ
Quốc
Mặc dù thành tích đạt được qua một số chỉ tiêu của điều hành kinh tế vĩ
mô mà Việt Nam tự đánh giá là đáp ứng, đặc biệt sau ba năm chống chọi với đại dịch
Covid-19, có ý kiến từ giới nghiên cứu chính sách quản lý kinh tế và quản trị
quốc gia cho rằng mô hình kinh tế của Việt Nam đã ‘bộc lộ áp lực lớn’ là tiền đề
để có những thay đổi.
“Điều tôi muốn nhấn mạnh là, khó khăn rõ ràng tạo ra
tâm lý ức chế cho doanh nghiệp. Nhìn vào sự thật, không phải do điều hành của
Chính phủ, mà là mô hình kinh tế bắt đầu bộc lộ áp lực lớn phải đổi thay,” Tiến sỹ Vũ Minh Khương, Phó Giáo sư đang giảng dạy tại Trường Chính sách
công Lý Quang Diệu (Singapore), được Báo điện tử Chính phủ Việt Nam trích lời, thừa nhận
tình hình trong một cuộc tọa đàm liên quan ổn định kinh tế vĩ mô của Việt Nam,
được cổng thông tin của Chính phủ Việt Nam tổ chức hôm chủ nhật 28/5/2023, với
sự tham gia của đại diện hai bộ Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính ở cấp Thứ trưởng,
của học giả và Đại biểu Quốc hội.
“Ta (Việt Nam) đang bước vào giai đoạn mới tăng trưởng,
đòi hỏi đột phá mới về tư duy cũng như ý thức xây dựng quốc gia hiện đại
trong 2-3 thập kỷ tới… Đây là bài toán chung của cả xã hội, không chỉ Quốc hội,
Chính phủ; bài toán tổng hợp, bài toán đổi mới mô hình tăng trưởng toàn diện,
không chỉ đơn thuần đổi mới, bỏ tập tính cũ, chuẩn bị tập tính mới... Ta đã có
40 năm đổi mới rồi, cần những đột phá trong thời gian tới,” vẫn
theo PGS. TS. Vũ Minh Khương cho biết.
Nhân dịp này, từ Sài Gòn, ông Bùi Kiến Thành, cựu cố vấn
về kinh tế, phát triển và hội nhập của ban lãnh đạo Nhà nước và Đảng Cộng sản
Việt Nam thời kỳ trước đây, đưa ra một số nhận định trên quan điểm riêng của ông
với Đài Á Châu Tự Do về điều mà ông cho rằng đã đến lúc Việt Nam cần phải làm
gì để thực sự có sự cải tổ, đổi mới tận gốc rễ, cân bằng, toàn diện, hầu dĩ đem
lại phồn vinh, ổn định cho sự phát triển lành mạnh, ổn định, văn minh được kỳ vọng,
trông đợi của đất nước.
Điều này, qua cuộc trả lời phỏng vấn với RFA Tiếng Việt mà quý vị theo
dõi sau đây, theo kinh tế gia này không chỉ dừng ở một số giải pháp kỹ thuật,
hay tình thế trong điều hành thường nhật, niên khóa nền kinh tế vĩ mô, hoặc sử
dụng một số đòn bẩy, công cụ kỹ thuật nhất định trên thị trường tài chính, vốn
v.v…, mà thay vào đó cần có đổi mới tư duy, đổi mới tư tưởng có tính ‘cách mạng’
sau 37 năm tính từ Đại hội VI của Ban chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt
Nam, vốn được biết đến như Đại hội của ‘mở cửa’ và ‘đổi mới’, ‘ tự cứu mình,
trước khi trời cứu’ của gần bốn chục năm về trước.
Quần áo bán hạ giá 15 đến 50% tại một cửa hàng ở Hà
Nội (minh họa). Reuters
.
"Đổi
mới tư duy, vứt bỏ cách hiểu cũ từ thế kỷ 17, 18"
Ông Bùi
Kiến Thành: Những từ ngữ mà các nhà lãnh đạo của đảng và nhà nước Việt Nam hiện vẫn
sử dụng, nói rằng khu vực kinh tế quốc doanh là chủ đạo này khác, trên thực tế
gọi là ‘arrière-garde’, từ ngữ chỉ sự đoạn hậu trong những cuộc tháo chạy với
hy vọng chặn lại tạm thời những sự đổ vỡ mà thôi. Thế còn, nếu Việt Nam muốn đi tới một nền kinh tế phát triển và một nhà
nước dân chủ chân chính, thì có một điều chúng ta có thể nói ngay như thế
này rằng về vấn đề kinh tế, nhà nước chỉ làm những gì mà tự nhân dân không thể
làm được, còn tất cả những việc khác là kinh tế nhân dân. Vì vậy tất cả những
gì nhà nước Việt Nam hiện nay đang quản lý mà có thể tư nhân hóa được, không nhất
thiết phải nhà nước quản lý nữa, thì theo tôi nên nhanh chóng mà tư nhân hóa
đi. Tức là tôi nhắc lại rằng nhà nước chỉ làm những việc nhân dân tự mình không
làm được, còn khi nhân dân làm được, thì nhà nước sẽ chuyển thành phần, lĩnh vực
kinh tế đó cho nhân dân làm.
Do đó không phải việc của nhà nước là làm kinh tế, mà nhà nước chỉ quản
lý, để cho nhân dân làm kinh tế, nhà nước tạo điều kiện, tạo chính sách cho
nhân dân làm kinh tế, chứ nhà nước không có trách nhiệm làm kinh tế theo lối cũ
tới nay. Ý tôi muốn nói như ở bên Anh quốc, đã có lúc một số lĩnh vực như là điện,
hay là xe lửa, tạm thời có lúc nhà nước chưa trao lại cho nhân dân, để chờ cho
nhân dân làm được và có thể có điều kiện quản lý, thì lúc đó nhà nước rút lui,
giao lại những lĩnh vực đó cho nhân dân làm.
Như vậy, nói cách khác, tôi nhấn mạnh rằng nhà nước
làm quản lý nhà nước, chứ không phải nhà nước quản lý doanh nghiệp. Vì vậy, những
gì ở Việt Nam mà là doanh nghiệp nhà nước bây giờ, thì từ từ nhà nước tạo điều
kiện cho nhân dân làm, còn những gì tạm thời nhân dân chưa làm được, thì nhà nước
tạm thời quản lý.
Như thế chính sách lớn, quản lý lớn là chúng ta phải có một định hướng
như vậy, nhờ đó sẽ thấy nền kinh tế sẽ tiến mạnh hơn lên rất nhiều, chứ đừng
nói mãi rằng kinh tế nhà nước là chủ đạo, rồi nhân dân chỉ là thứ yếu, dù có
nói hình thức rằng tư nhân là ‘quan trọng’, cái đó là chuyện cũ rích của thế kỷ
17, 18 rồi, và Việt Nam đã bước qua khỏi lý luận đó từ dấu mốc của Đại hội
ĐCSVN lần thứ 6 rồi, với nghị quyết của Trung ương ĐCSVN khi đó, mặc dù còn
trong hoàn cảnh nhiều hạn chế khi đó mà tôi sẽ nói thêm khi có dịp, đã nói kinh
tế Việt Nam là kinh tế nhiều thành phần, mà phải hiểu tinh
thần của nó là kinh tế của Việt Nam là kinh tế của ‘quốc dân’, chứ không phải
là của ‘quốc doanh’, vai trò của nhà nước không phải là đi làm kinh tế.
Ảnh minh họa: Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ 13
ngày 30 tháng 1 năm 2021. AFP
Đổi
mới kinh tế có cần cân bằng hài hòa với đổi mới chính trị?
RFA: Liệu Việt
Nam có thể chỉ cần đổi mới về mặt kinh tế thôi, mà không cần phải đổi mới gì về
mặt chính trị, trong đó có đổi mới thể chế, chế độ chính trị - xã hội, xét từ
thời điểm hiện nay?
Ông Bùi
Kiến Thành: Ở nước nào cũng vậy, tiến tới dần dần thì cần có sự
thay đổi, ví dụ trong thời kỳ những năm 1980, Việt Nam đang ngồi trên một chiếc
tàu mà cần phải bẻ lái qua một đường hướng khác. Khi đó Việt Nam cẩn thận để
không làm cho chiếc tàu đó ‘bị lật’, nhưng đường hướng, chiều hướng là phải
thay đổi, vì vậy từ ngữ dùng trong nghị quyết của Đại hội đảng 6 đó rất thận trọng.
Nhưng không phải vì thận trọng như thế mà lại giao toàn quyền cho các nhà lãnh
đạo chính trị cho tới 100 năm nữa, tới 1.000 năm nữa phải giữ thể chế độc tài của
một chế độ chuyên chính vô sản.
Bởi vì từ Đại hội đảng 6 đó, Việt Nam đã từ bỏ chuyên chính vô sản
‘dictature de prolétariat’ để qua một nền kinh tế thị trường, như vậy chúng ta
thấy rằng từ nền kinh tế có thể kéo theo vấn đề về thể chế chính trị. Không thể
nào mà anh độc quyền, độc đoán, độc tài trong một chế độ kinh tế tự do phát triển
được, chiều hướng là anh phải dần dần thay đổi để thích nghi với nền kinh tế tự
do, để hội nhập toàn phần với thế giới.
Mà muốn hội nhập với thế giới, không thể nào anh đứng
riêng ra với lại những Cuba, Triều Tiên, hay Trung Quốc, để mà duy trì một chủ
nghĩa độc đoán được, anh không còn có thể làm một chế độ chuyên chính vô sản nữa,
anh phải tiến tới một chế độ dân chủ, mà trong đó chính Nghị quyết đại hội đảng
6 đã mở đường để nói rõ ràng rằng Việt Nam phải đi tới một chế độ dân chủ, công
bằng văn minh, chứ không phải là một chế độ độc đoán, độc tài, toàn trị, Việt
Nam không thể tiếp tục mãi như thế nữa.
Tất nhiên cần có thời gian để làm, nhưng định hướng thấy là rõ ràng, rằng
đó là một chế độ ở Việt Nam không thể nào duy trì được 100 năm nữa trong một chế
độ độc tài vô sản được, vì chuyện đó là chuyện đã qua rồi, Đại hội 6 đã hủy bỏ
rồi, không còn nhà nước chuyên chính vô sản nữa, mà tiến tới một nhà nước do
dân, vì dân, mà chính Việt Nam đã tuyên bố rõ ràng rằng đó là một nhà nước pháp
quyền, chứ không phải là một nhà nước độc tài. Vì vậy Việt Nam phải cẩn thận
trong những vấn đề chúng ta làm, và phải thấy rõ chủ trương mà các nhà lãnh đạo
đã chấp nhận từ năm 1986 cho đến bây giờ và chúng ta phải thấy rằng con đường
Việt Nam đi là tiến tới một nền dân chủ, tự do, công bằng, văn minh, dựa trên
luật pháp và là một nhà nước pháp quyền.
*
RFA: Ban lãnh đạo
của Nhà nước và Đảng Cộng sản Việt Nam hiện nay có nên quá lo sợ về chuyện mà ở
trên ông có dùng từ nói là ‘lật thuyền’, ‘lật tàu’, hay là trái lại, tự tin
trao lại những quyền và quyền lực vốn dĩ phải luôn thuộc về nhân dân cho nhân
dân?
Ông Bùi
Kiến Thành: Thực sự ra nhiều quyền, hàng loạt quyền đã được ghi rõ trong Hiến pháp
của Việt Nam, chứ không phải là không được ghi. Hiến pháp Việt Nam nói rõ Việt
Nam là một nước dân chủ, chứ không phải là một nước quân chủ, hay là một nước độc
tài. Vì vậy cho nên Việt Nam phải xác quyết rằng Việt Nam muốn đi đến thành một
nước dân chủ, và chúng ta phải tạo ra những bước để đi đến đó, chứ đừng quá chậm
chạp, vì Việt Nam cần phải hội nhập thế giới, và nếu chậm chạp thì sẽ bị thiệt
hại trong vấn đề quan hệ với thế giới bên ngoài.
Vì vậy tôi nhận xét rằng nhà nước Việt Nam hiện nay, cũng như lãnh đạo
không nên sợ sệt, mà sợ cũng không thể tránh được. Vì như thể mặt trời đã lên rồi,
anh không thể nào níu cho mặt trời đừng lên được. Khi rạng đông mặt trời sẽ
lên, hết giờ Tý thì đến giờ Ngọ, quy luật của tạo hóa là như thế và anh đã chấp
nhận Việt Nam là một nước dân chủ, hội nhập với thế giới dựa trên pháp quyền,
và quyền hạn của toàn dân được dân chủ v.v…, anh đã nói như thế, thì anh phải cố
gắng làm. Không có việc sợ, mà sợ cái gì?
Cuộc đời của anh làm quan được mấy chục năm, đâu có phải là đảng phái của
anh làm việc, hoạt động được một trăm năm, thậm chí những chế độ được biết tiếng
trên thế giới từ trước đến nay đều không thoát khỏi những quy luật, nhà Hán được
600 năm rồi cũng suy vi là vì thế nào, nhà Đường phát triển được mấy trăm năm rồi
suy vi là sao? Triều đại đang hưng thì phải cố gắng mà làm cho tốt hơn, chứ đừng
để nó thối nát, suy vi, bại vong rồi khi đó mới níu kéo, rồi khóc lóc, vì vậy
trách nhiệm của lãnh đạo là phải ‘nhất ngôn hưng bang’ để làm cho đất nước hưng
thịnh lên, chứ không phải vì quyền lợi của đảng của mình mà níu kéo cả một đất
nước xuống, nhận đầu của 'con rồng' xuống sình lầy chỉ vì quyền hạn hay quyền lực
nhất thời của mình.
Nhìn vào đó thì biết được đâu là ý chí của người có
lòng yêu nước, hay có trách nhiệm đối với đất nước và nhân dân; Yêu nước, có
trách nhiệm thì phải làm tất cả những gì có thể để làm cho đất nước vươn lên,
cho nhân dân phồn vinh, hạnh phúc, làm tất cả những gì cho đất nước hội nhập với
thế giới hiện đại, văn minh một cách mạnh mẽ, không thể vì quyền lợi nhất thời
của đảng của anh, của nhóm các anh, mà kìm hãm con Rồng Việt Nam lại một cách
phi lý.
Trên đây là ý kiến phát biểu trên quan điểm cá nhân
của ông Bùi Kiến Thành với Đài Á Châu Tự Do hôm 29/5/2023, nhân dịp Quốc hội Việt
Nam khóa 15 đang nhóm họp phiên họp thứ năm thảo luận nhiều vấn đề liên quan lập
pháp và kinh tế - xã hội, đồng thời đang có một số ý kiến được thảo luận xung
quanh ổn định nền kinh tế vĩ mô của quốc gia này, do cơ quan truyền thông của
Chính phủ Việt Nam tổ chức. Mời quý vị đón theo dõi phần tiếp theo ý kiến của
ông Bùi Kiến Thành, theo đó ông đề cập một số khía cạnh được cho là trở ngại về
tư tưởng, tư duy, triết lý, não trạng, tâm lý v.v… lâu nay mà ông coi như những
biểu hiện của chứng ‘ung thư’ khiến cản trở việc Việt Nam lâu nay tiến tới một
cuộc đổi mới triệt để, mạnh mẽ đáng có không chỉ về kinh tế, mà còn về khía cạnh
thể chế, chế độ chính trị - xã hội tổng thể; và đề cập hướng giải pháp giải quyết
vấn đề, hay tháo bỏ khối ‘ung thư’ ấy, giúp Việt Nam sớm đi đúng hướng, từ góc
nhìn và quan niệm riêng của ông.
Ông Bùi Kiến Thành là chuyên gia kinh tế, tài chính,
ông nguyên là Đại Diện Ngân Hàng Quốc Gia Việt Nam tại New York, nguyên Trợ lý
cho Tổng Thống Ngô Đình Diệm, nguyên Chủ tịch Tổng Giám đốc Công ty Bảo Hiểm Quốc
Tế Mỹ (AIU), nguyên Chủ tịch Hiệp Hội Bảo Hiểm Việt Nam, Chủ tịch sáng lập Công
ty Bình Điện VABCO (nay là PINACO). Ông từng cố vấn cho Lãnh đạo Đảng CSVN và
chính phủ VN xây dựng chính sách Đổi Mới, cố vấn cho chính phủ Việt Nam về các
vấn đề phát triển kinh tế, tài chính; giải tỏa cấm vận Mỹ, thiết lập quan hệ
ngoại giao Việt - Mỹ; cố vấn cơ sở pháp lý Chủ quyền Việt Nam trên thềm lục địa
Biển Đông; Tư vấn xây dựng các tập đoàn kinh tế lớn, Hội nhập kinh tế thế giới;
Chỉnh đốn xây dựng Đảng trong sạch vững mạnh, Phát huy Nhà nước Pháp Quyền. Hiện
nay, ông đang nghiên cứu đề án xây dựng “Thành phố Hồ Chí Minh thành Trung tâm
tài chính quốc tế”.
Mời quý vị bấm vào đường dẫn sau đây để theo dõi phần
thứ hai cuộc trao đổi của ông Bùi Kiến Thành với Đài Á Châu Tự Do:
Việt Nam: Tiến tới cuộc ‘Đổi mới’ mới và tìm bệnh căn cho ‘khối
ung thư’ phải gỡ bỏ
No comments:
Post a Comment