Monday, May 1, 2023

VẪN 'CHẬM CHỄ' TRONG XIN LỐI, ĐÍNH CHÍNH (Trân Văn / Thiên Hạ Luận)

 



Vẫn ‘chậm chễ’ trong xin lỗi, đính chính

Trân Văn  -  Thiên Hạ Luận

01/05/2023

https://www.voatiengviet.com/a/van-nhat-dinh-la-cham-che-/7073094.html

Ở phút 16:37 trong Clip giới thiệu “Vua tiếng Việt – Mùa 2, Tập 28, phát sóng vào ngày 14/4/2023 đặt trên YouTube, “chậm chễ” vẫn còn nguyên...

 

Hình : https://gdb.voanews.com/01000000-0aff-0242-82fe-08db49e87277_w1023_r1_s.png

Trích xuất từ chương trình Vua Tiếng Việt trên kênh YouTube của Gameshow Truyền Hình Việt Nam

 

Tính đến thời điểm này, Đài Truyền hình Việt Nam (VTV) vẫn chưa thèm đả động gì đến những khiếm khuyết không những không thể tưởng tượng mà còn không thể chấp nhận trong chương trình “Vua tiếng Việt”.

 

                                                        ***

 

“Vua tiếng Việt” là trò chơi truyền hình do VTV sản xuất, phát định kỳ trên kênh VTV3 từ trung tuần tháng 9/2019 đến nay và được quảng bá là nhằm giúp khán giả tìm hiểu, khám phá sự phong phú, thâm thúy của tiếng Việt qua từ vựng, ngữ pháp, ca dao,... trong đời sống, đồng thời còn nhằm gìn giữ sự trong sáng vốn có của tiếng Việt....

 

Gần đây, sau khi một số người phát giác “Vua tiếng Việt” sai nghiêm trọng, chẳng hạn buộc thí sinh phải xác định như thế nào là viết đúng hai từ “chậm trễ” và khẳng định “chậm... chễ” mới... đúng. Một số người am tường tiếg Việt, trong đó có ông Hoàng Tuấn Côn(1) bắt đầu quan tâm đến “Vua tiếng Việt” và chỉ ra thêm nhiều sai sót khác. Ví dụ “chuyên gia tiếng Việt” do VTV mời làm cố vấn đã giải thích “đá đưa đầu lưỡi” (nói năng giảo hoạt, xảo trá) là... “đặt viên đá vào đầu lưỡi thì đá sẽ rơi” và không phân biệt được thế nào là thành ngữ, thế nào là tục ngữ... “Vua tiếng Việt” còn chọn sai ngữ liệu và giải thích sai về “Ông tha mà bà chẳng tha, còn sợ cái lụt 23  tháng mười”...

 

Khó mà kể hết sự thất vọng và những ý kiến phản hồi của công chúng. Có người như ông Chu Mộng Long kháy: Chiên da Vịt ngữ học hiểu thành ngữ "đá đưa đầu lưỡi" là đặt viên đá vào đầu lưỡi! Tôi đảm bảo cả vạn giáo sư tiến sĩ ngôn ngữ học không nhận ra đó là cách giải thích thô bỉ... (2)!

 

Có người như Song Hà dựa vào đó viết hẳn một chuyện hài với các tình tiết rất đáng cười nhưng đọc xong lại không thể... cười: Đang hì hục sửa xe đạp ngoài sân, chợt con gái chạy ra hỏi: Bố ơi, tại sao người ta lại bỏ viên đá vào đầu lưỡi?. Mình ngơ ngác hỏi lại: Ai? Ai bỏ đá đầu lưỡi? Con gái bảo: Con vừa xem trên tivi, có bác nhà thơ hẳn hoi nói viên đá nó nặng nên đặt đầu lưỡi thì nó rơi. Thế đá ở đây là đá lạnh hay đá cuội hả bố? Nghe câu được, câu mất, với lại đang mải sửa xe nên mình đoán mò: Chắc là đá lạnh con ạ! Có thể trong lúc các bác ấy ngồi uống bia với nem chua ở vỉa hè, có bác phê quá gắp cục đá bỏ vào lưỡi để xem trụ được bao lâu. Không ngờ đá nặng quá nên... rơi … mất! Bố đừng nói linh tinh, nãy con xem chương trình Vua tiếng Việt thì có câu “Đá đưa đầu lưỡi”. Bác nhà thơ giải thích như này này: “Cái viên đá nó nặng mà, nên đặt đầu lưỡi nó hay rơi...”. Con có nghe nhầm không đấy, chứ bố là bố không tin có nhà thơ nào lại giải thích tào lao như thế cả, nhất lại là nói trên tivi cho hàng triệu người xem?! Để lát con mở lại cho bố nghe. Giải thích xong, bác nhà thơ còn gửi lời chúc mừn.g đến người chơi vì “Anh đã biết thêm một câu tục ngữ mới” nữa kia.

 

Nghe đến đây mình đành phải vứt con xe đạp ghẻ đấy, chạy vào để xem liệu có phải con gái đang coi một chương trình tấu hài trên truyền hình không. Nhiều khi xem hài mà không biết người ta diễn hài lại hóa ra con người nghiêm túc quá. Nhưng xem xong, biết chắc chắn đây là chương trình “Vua tiếng Việt” vẫn chiếu trên tivi thì bất ngờ thực sự. Đầu tiên là bất ngờ với trình độ tiếng Việt của một nhà thơ nổi tiếng, khi không thể hiểu được ý nghĩa đơn giản của từ “đá đưa” trong câu thành ngữ “Đá đưa đầu lưỡi” (chưa kể nhà thơ còn nhầm lẫn thành ngữ trên là tục ngữ). Tiếp theo, bất ngờ với sự hiểu biết của người dẫn chương trình, vốn nghĩ mình rất thâm thúy qua status đứa con giai bé bỏng U50 dám chê mẹ nấu bánh chưng hồi đầu năm. Cố vấn chương trình sai thì người dẫn cũng phải nhận ra để can thiệp ngay, hoặc ít ra là hỏi lại nếu thấy chưa chính xác. Tuy nhiên mọi chuyện vẫn diễn ra bình thường như không có gì xảy ra. Và cuối cùng, bất ngờ khi ban biên tập một chương trình - vốn được đặt cái tên đao to, búa lớn “Vua tiếng Việt” (nghe nhang nhác mấy anh tự nhận “Ông hoàng nhạc Việt”, hay “Nữ hoàng nội y” trong showbiz) lại để lọt lưới một lỗi ngớ ngẩn trong một chương trình vẫn “dạy” cho người khác về tiếng Việt.

 

Song Hà kết luận: Trước khi trở thành “Vua tiếng Việt”, các anh nên đúng tiếng Việt đi đã, cho bọn trẻ con chúng nó noi theo. Chứ cả một ê kíp trăm con người mà cứ “chậm chễ” với “trậm trễ” noạn cả nên như này thì chả trách các cháu bây giờ hay cãi lại bố, mẹ (chứ chẳng lẽ dám cãi lại đài).

 

                                                  ***

 

Tuy những sai sót của “Vua tiếng Việt” là hết sức rõ ràng và những sai sót này đã trở thành một trong những chủ đề nóng trên mạng xã hội suốt tuần vừa qua nhưng VTV không những không thèm xin lỗi và cũng chẳng thiết sửa sai. Ở phút 16:37 trong Clip giới thiệu “Vua tiếng Việt – Mùa 2, Tập 28, phát sóng vào ngày 14/4/2023 đặt trên YouTube, “chậm chễ” vẫn còn nguyên (4) để người Việt nhìn vào đó mà... tìm hiểu, khám phá sự phong phú, thâm thúy của tiếng Việt qua từ vựng, ngữ pháp, ca dao,... trong đời sống, đồng thời còn nhằm gìn giữ sự trong sáng vốn có của tiếng Việt... như VTV từng tuyên bố. Xứ này, đã dính tới “vua” thì đều có quyền như thế?

 

-------------

Chú thích

 

(1) https://www.facebook.com/TuancongThuphong

 

(2) https://www.facebook.com/Chumonglong/posts/pfbid0tsZ1G1eP4mh99nT4gpZsnBMyjzzum77EtELEGgdbePnWgNxZdgTFWm3yX5kTgmG6l

 

(3) https://www.facebook.com/songhass/posts/pfbid0RyNo5TrxY5ZBXDmS1DU9yy7g9PBgsQLuF7baM33Mkw8MWQrTQgbPSd4PDXYBWN6Xl

 

(4) https://www.youtube.com/watch?v=X9qcgVY39BI





No comments:

Post a Comment