Wednesday, May 31, 2023

THƯỢNG ĐỈNH CỦA "CỘNG ĐỒNG CHÍNH TRỊ CHÂU ÂU" TẠI MOLDOVA CÓ Ý NGHĨA GÌ? (Trọng Thành / RFI)

 



Thượng đỉnh của ‘‘Cộng đồng Chính trị Châu Âu’’ tại Moldova có ý nghĩa gì ?

Trọng Thành  -  RFI

Đăng ngày: 30/05/2023 - 16:21

https://www.rfi.fr/vi/qu%E1%BB%91c-t%E1%BA%BF/20230530-thuong-dinh-cong-dong-chinh-tri-chau-au

 

Ngày 01/06/2023, tại Chisnau, thủ đô Moldova, sẽ diễn ra thượng đỉnh ‘‘Cộng đồng Chính trị Châu Âu’’ lần thứ hai. Lãnh đạo của 47 quốc gia châu Âu, ngoại trừ Nga và Belarus, tham dự sự kiện này. Sáng kiến ‘‘Cộng đồng Chính trị Châu Âu’’, được tổng thống Pháp Emmanuel Macron đưa ra hồi tháng 6/2022, từng bị coi là một giải pháp tình thế - nhằm hỗ trợ Ukraina bị Nga xâm lược, mong muốn được kết nạp khẩn cấp vào Liên Âu, nhưng Liên Âu chưa thể đáp ứng. Giải pháp từng gây nhiều hoài nghi.

 

https://s.rfi.fr/media/display/6f55fd0e-4645-11ed-81b2-005056a97e36/w:980/p:16x9/AP22279483530741.webp

44 lãnh đạo châu Âu tham dự thượng đỉnh đầu tiên của Cộng đồng Chính trị Châu Âu, tại Praha, Cộng hòa Séc, ngày 6/10/2022. AP - Petr David Josek

 

‘‘Cộng đồng Chính trị Châu Âu’’ một tổ chức quốc tế hay một cơ chế hợp tác?

 

Cộng đồng Chính trị Châu Âu (Communauté Politique Européenne/European Political Community - CPE/ECP), là một khuôn khổ hợp tác không chính thức giữa các nước châu Âu, theo sáng kiến của tổng thống Pháp Emmanuel Macron, đưa ra ngày 09/05/2022, hơn hai tháng khi Nga bắt đầu tấn công Ukraina. Vào thời điểm đó, Ukraina, nạn nhân xâm lược, đã hối thúc Liên Hiệp Châu Âu (EU) tăng tốc tiến trình kết nạp Kiev. Ngay sau khi Matxcơva xua quân tấn công Ukraina, Liên Âu và phương Tây nói chung đã siết chặt hàng ngũ, hậu thuẫn Kiev chống xâm lăng, nhưng khối 27 nước không thể nhanh chóng kết nạp Ukraina như kỳ vọng của quốc gia châu Âu này. 

 

‘‘Cộng đồng Chính trị Châu Âu’’ được tổng thống Pháp đề xuất như một giải pháp bước đệm cho Ukraina, cùng một số quốc gia thuộc vùng ảnh hưởng của Nga. Quan điểm của tổng thống Pháp, là ‘‘Liên Âu không phải là phương tiện duy nhất để xác lập các quan hệ hợp tác ổn định tại châu Âu’’. Theo Le Monde, sáng kiến của tổng thống Pháp thoạt tiên ‘‘đã từng gây nhiều hoài nghi, đặc biệt ở Đức cũng như nhiều quốc gia muốn gia nhập EU, vì lo ngại sáng kiến này là biện pháp thay thế cho việc mở rộng Liên Hiệp Châu Âu’’, tuy nhiên rút cục Cộng đồng Chính trị Châu Âu đã được tuyệt đại đa số các nước châu Âu hưởng ứng.

 

Tại thượng đỉnh lần đầu của Cộng đồng Chính trị Châu Âu, tổ chức ngày 06/10/2022, tại Praha, Cộng Hòa Séc, chủ tịch luân phiên của Liên Hiệp Châu Âu nửa cuối năm 2022, đã có 44 nguyên thủ và người đứng đầu chính phủ các quốc gia châu Âu tham dự. Nga, quốc gia xâm lược Ukraina và Belarus, đồng minh của Nga, đã cho Matxcơva mượn đất làm bàn đạp tấn công Ukraina, dĩ nhiên không phải là khách mời. Thượng đỉnh lần thứ hai tổ chức tại Chisnau, thủ đô Moldova, có lãnh đạo của 47 nước. Ngày 25/05, đại diện 47 nước châu Âu đã có cuộc họp trù bị ở Bruxelles, để chuẩn bị cho thượng đỉnh.  

 

 

Vì sao thượng đỉnh được tổ chức tại Moldova ?

 

Moldova – quốc gia gần 3,5 triệu dân, thành viên của Liên Xô cũ – là láng giềng của Ukraina. Thủ đô Moldova nằm cách Odessa, thành phố cảng miền tây nam Ukraina chừng 200 km. Odessa cũng như khu vực miền tây Ukraina nói chung đã bị Nga nhiều lần oanh kích. Tại Moldova, Nga có nhiều ảnh hưởng quan trọng. Trong thời gian gần đây, giới quan sát nói đến nhiều hoạt động gây bất ổn, trong đó có các biểu tình chống chính quyền Moldova diễn ra thường xuyên, với bàn tay của Nga. Trung tuần tháng 5/2023, bộ trưởng Quốc Phòng Moldova, Anatoli Nosatii, nói đến các đe dọa về an ninh cho dù ‘‘đe dọa quân sự chưa phải là ngay trước mắt’’.

 

·        Đọc thêm : Chính quyền Moldova công bố chi tiết kế hoạch lật đổ của Nga

 

Chính quyền Moldova kiên quyết hướng đến hội nhập vào Liên Âu, sau cuộc bầu cử lập pháp 2021, khi phe thân Liên Âu giành thắng lợi áp đảo. Tháng 6/2022, Liên Âu chính thức công nhận quy chế ứng cử viên vào Liên Âu đối với Moldova, cùng lúc với Ukraina. Ủng hộ mạnh mẽ hơn nữa Moldova là một lý do chính của thượng đỉnh lần thứ hai của Cộng đồng Chính trị Châu Âu, tại thủ đô Chisnau.

 

Dân biểu Nghị Viện Châu Âu, Nathilie Loiseau (đảng Horizons), nhấn mạnh thượng đỉnh này là dịp để tái khẳng định Moldova là thành viên của đại gia đình châu Âu. Thượng đỉnh được tổ chức trước một cái mốc quan trọng với Moldova và Ukraina. Tháng 10/2023, Ủy Ban Châu Âu sẽ đưa ra quyết định về việc mở các đàm phán gia nhập Liên Hiệp đối với hai quốc gia Liên Xô cũ.

 

·        Đọc thêm : Putin đã có kế hoạch kiểm soát Moldova ngay cả trước khi xâmlược Ukraina

 

Cuộc xâm lăng Ukraina của Nga, đe dọa một số quốc gia láng giềng của Ukraina, cũng là thách thức an ninh với toàn châu Âu. Theo phủ tổng thống Pháp, khuôn khổ hợp tác của Cộng đồng Chính trị Châu Âu có thể mang lại các giải pháp cho nhu cầu về an ninh của châu Âu ở tầm toàn châu lục, bất kể là đối với quốc gia nào, thành viên Liên Hiệp Châu Âu hay không. Moldavia, nằm ở tuyến đầu của châu Âu, đang ‘‘bị Nga đe dọa trực tiếp’’, lẽ dĩ nhiên cần đến sự chú ý đặc biệt của châu Âu. Theo báo Pháp, chỉ riêng việc lãnh đạo của 47 quốc gia châu Âu tề tựu tại Chisnau, thủ đô của quốc gia Moldova nhỏ bé, đã là một ‘‘tín hiệu đoàn kết của châu Âu (với Moldova), đối mặt với nước Nga hùng mạnh’’ (xã luận Ouest France, ngày 29/05/2023).  

 

 

‘‘Cộng đồng Chính trị Châu Âu’’ có thể mang lại điều gì cụ thể cho các nước châu Âu ?

 

Cộng đồng Chính trị Châu Âu chỉ là một khuôn khổ hợp tác ‘‘không chính thức’’, một diễn đàn, không có trụ sở, không có ngân sách. Tại các thượng đỉnh, cũng không có các lịch trình chính thức được công bố, cũng không có kết luận chính thức nào dự kiến đưa ra. Trên Le Monde, nhà sử học Luuk van Middelaar, đồng tác giả một nghiên cứu về chủ đề này, nhận định điều căn bản là Cộng đồng Chính trị Châu Âu là dịp cho phép các nước châu Âu ‘‘nối lại với tinh thần của nền ngoại giao Westphalia’’ (diplomatie westphalienne), từng cho phép châu Âu khép lại thời kỳ chiến tranh huynh đệ tương tàn hồi thế kỷ 17 (cuộc ''Chiến Tranh 30" 1618 -1648 và cuộc ''Chiến Tranh 80 năm'' 1568-1648, tức cuộc chiến giành độc lập của Hà Lan), duy trì được một nền hòa bình khá lâu dài. Tinh thần của ‘‘nền ngoại giao Westphalia’’ cũng đã cho phép các thế lực châu Âu đầu thế kỷ 19, sau hội nghị Vienna, tìm được cách thức hợp tác, duy trì hòa bình (concert européen) (*).

 

Một đặc điểm chính của ‘‘nền ngoại giao Westphalia’’ là việc khẳng định sự hợp tác mật thiết giữa các quốc gia có chế độ chính trị, xã hội khác biệt. Tại Cộng đồng Chính trị Châu Âu, ‘‘tất cả các nước bình đẳng’’, dù là thành viên Liên Âu hay là các quốc gia đang ứng cử vào EU, dù là nước Serbia ‘thân Nga’’, nước Hungary ‘‘dân tộc chủ nghĩa’’ hoặc Thổ Nhĩ Kỳ bị coi là ‘‘độc tài’’, với hành trình đến với EU đã trở thành ‘‘quá khứ xa xăm’’, cũng như Anh Quốc, vừa chọn con đường ly dị với EU. Liên Hiệp Châu Âu không hề có tiếng nói gì chủ đạo tại đây, cho dù trong hậu trường, khối 27 nước đảm nhiệm một phần chính khâu hậu cần tổ chức.

 

Làm sống dậy ‘‘Tinh thần của nền ngoại giao Westphalia’’

 

Bài ''Cộng đồng Chính trị Châu Âu, một câu lạc bộ kiểu mới sinh ra do chiến tranh tại Ukraina....'', trên Le Monde (La Communauté politique européenne, club d’un genre inédit...’’), thừa nhận Cộng đồng Chính trị Châu Âu là một cơ chế hợp tác đang trong quá trình ‘‘tìm kiếm hướng đi’’. Tuy nhiên, ngay tại thượng đỉnh này, sẽ có các thảo luận về một số dự án hợp tác về an ninh, trước hết là an ninh mạng và an ninh của một số cơ sở hạ tầng xung yếu (như đường ống dầu khí).

 

Nhiều quốc gia như Đức hay Anh ủng hộ cơ chế hợp tác không chính thức, không gò bó này của châu Âu, cách xa hẳn với các định chế của Liên Âu, sẽ cho phép ‘‘khơi thông bế tắc trong nhiều hồ sơ’’ và có thể mang lại các động lực chính trị mới. Ông Sebastian Maillard, giám đốc Viện Jacques Delors, coi đây là sự tiếp nối của thứ quan hệ ngoại giao ‘‘phi chính thức và tự do’’, cho phép lãnh đạo các nước thảo luận trong tâm thế thoải mái về những vấn đề quan trọng, đặc biệt về an ninh mà không bị đặt trước áp lực phải đưa ra các quyết định. Một số thương thuyết về nhiều hồ sơ nóng cũng dự kiến diễn ra trong thời gian thượng đỉnh Cộng đồng Chính trị Châu Âu, như đàm phán tìm hòa bình giữa Armenia và Azerbaijian.

 

 

Cộng đồng Chính trị Châu Âu: Viễn kiến, hy vọng và những thách thức

 

Cựu cố vấn về châu Âu của tổng thống Pháp, ông Alexandre Adam, trong bài ''Cộng đồng Chính trị Châu Âu, tương lai của một trực giác'', khẳng định sáng kiến ‘‘Cộng đồng Chính trị Châu Âu’’ của tổng thống Macron là tiếp nối viễn kiến của cố tổng thống Pháp François Mitterand, về xây dựng các cơ chế hợp tác chính trị cho châu Âu. Năm 1992, trước một hội nghị của Hội Đồng Toàn Châu Âu, cố tổng thống Pháp đã đề xuất thiết lập một cơ chế cho phép ‘‘đối thoại thường xuyên (giữa các nước châu Âu), và được tổ chức trên cơ sở bình đẳng giữa các nước’’ (Le Grand Continent, ngày 29/05/2023). 

 

Tuy nhiên, cố tổng thống Mitterand nêu lên sáng kiến như vậy vào lúc châu Âu đã bắt đầu bước vào một thời kỳ hòa bình mới, còn giờ đây, chiến tranh đang trở lại cửa ngõ châu Âu. Cộng đồng Chính trị Châu Âu mang lại hy vọng, nhưng thách thức là vô cùng lớn. Giới quan sát cũng chờ những đòn trả đũa của chính quyền Putin, cản trợ hợp tác giữa các nước châu Âu, chưa kể các bất đồng, xung khắc rất lớn trong nội bộ châu Âu chờ dịp để bùng lên.

 

---------------

Chú thích

 

(*) ‘‘Tinh thần ngoại giao Westphalia’’ đi kèm với ''trật tự Westphalia’’, được giới chuyên gia coi như ‘‘một cột mốc đầu tiên’’ đánh dấu sự ra đời của ‘‘một hệ thống quan hệ quốc tế, dựa trên việc tôn trọng chủ quyền của các quốc gia, và sự bình đẳng của các quốc gia (bất kể lớn nhỏ) về mặt luật pháp’’. ''Thế cân bằng giữa các cường quốc'' được coi là cơ sở cho hệ thống này, nguyên tắc cho phép duy trì một nền hòa bình lâu dài. Đây được coi là nền tảng đầu tiên cho sự hình thành của hệ thống quan hệ chính trị quốc tế thời hiện đại sau này (trích theo "Bách Khoa Toàn Thư về Lịch sử Châu Âu số hóa", với đồng chủ trì là LabEx EHNE – Đại học Sorbonne) https://ehne.fr/fr/encyclopedie/th%C3%A9matiques/relations-internationales/organiser-le-syst%C3%A8me-international/organiser-le-syst%C3%A8me-international

 

-------------------------------

CÁC NỘI DUNG LIÊN QUAN

UKRAINA - CHÂU ÂU

TT Pháp Emmanuel Macron muốn tạo ra một « cộng đồng chính trị châu Âu »

CHÂU ÂU - HỢP TÁC

Cộng đồng Chính trị Châu Âu họp phiên đầu tiên ở Praha

 

 

 



No comments:

Post a Comment