Andrei Soldatov và Irina Borogan - Foreign Affairs
Nguyễn Thị Kim Phụng, biên dịch
https://nghiencuuquocte.org/2023/05/25/tai-sao-putin-can-wagner/
Đang có một cuộc đấu tranh quyền lực ngầm nhằm duy
trì lực lượng đánh thuê tàn bạo của Nga.
Đầu tháng 5, căng thẳng giữa Bộ Quốc phòng Nga
và Wagner, tập đoàn quân sự tư nhân thân cận với Tổng thống Nga Vladimir Putin,
cuối cùng cũng bộc phát. Suốt nhiều tháng, những người lính Wagner đã dẫn đầu
cuộc bao vây Bakhmut của Nga ở miền đông Ukraine, trả cái giá rất lớn về sinh mạng.
Nhưng giờ đây, Yevgeny Prigozhin, thủ lĩnh hiếu chiến của Wagner, không thể chịu
đựng thêm nữa. Trong một đoạn video gây sốc, ông ta đứng bên cạnh xác chết của
những người lính Wagner ở Bakhmut, nói những lời tục tĩu nhắm vào Sergei
Shoigu, Bộ trưởng Quốc phòng Nga, cũng như người đứng đầu bộ tổng tham mưu và
người đứng đầu lực lượng Nga ở Ukraine. Prigozhin đe dọa sẽ rút lực lượng của
mình khỏi Bakhmut nếu họ không được cung cấp thêm đạn dược ngay lập tức.
Đối với nhiều nhà quan sát, một rạn nứt lớn dường
như đang xuất hiện giữa Wagner và Điện Kremlin. Những người khác suy đoán rằng
ngày tàn của Prigozhin đang đến gần, vì ông đã dám gây thù chuốc oán với toàn bộ
giới lãnh đạo quân đội Nga. Nhưng hai ngày sau, Prigozhin rút lại lời đe dọa
rút Wagner ra khỏi Bakhmut, cố gắng cho thấy rằng tình hình đã được giải quyết
theo hướng có lợi cho mình. Sau đó, trong một video mới, ông tiếp tục chỉ trích
một “ông già vui vẻ” giấu tên, người “nghĩ rằng mình hơn người,” khiến nhiều
người ở Moscow băn khoăn về người mà ông nhắc đến. Sau cùng, toàn bộ màn kịch
này trông như một nỗ lực tuyệt vọng của Prigozhin nhằm cứu vãn danh tiếng của
Wagner, với tư cách là đơn vị duy nhất của Nga có khả năng tiến hành các chiến
dịch tấn công, bất chấp những tổn thất thảm khốc ở Bakhmut.
Tuy nhiên, quan điểm này không nhắc đến lý do
tại sao Putin chấp nhận chịu đựng những chiêu trò của Prigozhin và vị trí thực
sự của Wagner trong bộ máy quân đội và tình báo Nga. Trên thực tế, sự trỗi dậy
của Wagner chỉ là bước phát triển gần nhất trong lịch sử lâu dài về sự phụ thuộc
của Nga và Liên Xô vào các lực lượng không chính thức, vốn đã có từ thời
Stalin. Hơn nữa, Wagner có một di sản đáng kể ở Ukraine, lần đầu tiên xuất hiện
ở nước này trong cuộc chiến của Nga tại Donbas từ tám năm trước. Đối với Putin,
Wagner cũng trở thành một phương tiện quan trọng để kiềm chế quân đội, mà ông từ
lâu đã coi là mối đe dọa tiềm tàng đối với sự cai trị của mình. Trái ngược với những
giả định của phương Tây, vai trò nổi bật của Wagner trong cuộc chiến vừa liên
quan đến cán cân quyền lực ở Moscow, vừa liên quan đến những gì đang xảy ra
trên chiến trường ở Ukraine.
LỰC LƯỢNG BÍ MẬT CỦA STALIN
Để hiểu được sức mạnh tương đối của Prigozhin
và Wagner ở Nga, cần phải xem xét cách thức tập đoàn này được nhìn nhận bởi ít
nhất là bốn bộ phận khác nhau của nhà nước Nga: cơ quan tình báo quân sự, được
gọi là GRU; quân đội nói chung; cơ quan an ninh nhà nước, được gọi là FSB; và bản
thân Putin.
GRU đóng vai trò quan trọng trong nguồn gốc của
Wagner, và phần lớn lý do nằm ở những cải cách đầy biến động mà tình báo Nga đã
trải qua vào cuối những năm 2000, đầu những năm 2010. Dưới thời người tiền nhiệm
của Shoigu, Anatoly Serdyukov, người giữ chức Bộ trưởng Quốc phòng Nga từ năm
2007 đến năm 2012, bộ này đã cố gắng giảm vai trò của GRU trong quân đội. Tuy
nhiên, ngay sau khi lên tiếp quản, Shoigu đã thay đổi hướng đi và đưa các nguồn
lực mới vào GRU. Kết quả là, cơ quan này được bổ sung thêm nhân sự mới, nhiều
người trong số họ được tuyển dụng từ Spetsnaz – lực lượng đặc nhiệm của quân đội,
những người vốn do GRU giám sát. Đối với các tướng lĩnh điều hành cơ quan này,
việc sử dụng thêm nhân viên Spetsnaz là việc làm có ý nghĩa: quân đội Nga khi
đó đang can dự vào cuộc xung đột ở Syria, cũng như ở Crimea và miền đông
Ukraine, và GRU đang chuyển trọng tâm sang cái mà họ gọi là “tình báo tích cực”
– tiến hành các hoạt động vũ trang thay vì chỉ đơn thuần khai thác các nguồn
tin gián điệp truyền thống. Trong những năm sau đó, xu hướng dựa vào Spetsnaz
đã phát triển bên trong cơ quan, và Tướng Vladimir Alexeev, người phụ trách
Spetsnaz, được thăng chức làm phó giám đốc thứ nhất của GRU.
Chính giữa trong bối cảnh GRU thay đổi các ưu
tiên, sự tồn tại của Wagner lần đầu tiên xuất hiện trên các phương tiện truyền
thông Nga. Năm 2015, trang tin tức độc lập Fontanka.ru, có trụ sở tại St.
Petersburg, đưa tin rằng các thành viên của tập đoàn quân sự tư nhân đang hoạt
động ở miền đông Ukraine. Fontanka cũng là trang tin đầu tiên báo cáo rằng
Prigozhin là người bảo trợ hàng đầu của Wagner, trong khi Dmitry Utkin, người từng
là chỉ huy Spetsnatz, phụ trách các hoạt động quân sự của tập đoàn. Trên thực tế,
dù không được công bố rõ ràng vào thời điểm đó, một bộ phận mới đã được thành lập
bên trong GRU để giám sát hoạt động của các tập đoàn quân sự tư nhân, bao gồm cả
Wagner. Vài tháng sau khi sự tồn tại của Wagner được nhắc đến lần đầu tiên, một
quan chức GRU đã xác nhận với chúng tôi về sự tồn tại của bộ phận mới này, và
cũng không có gì ngạc nhiên khi nhân viên của bộ phận này là các cựu binh
Spetsnaz. Đối với GRU, Wagner mang đến khả năng dễ dàng phủ nhận các hoạt động
của cơ quan này, vào thời điểm Nga đang công khai phủ nhận việc can dự trực tiếp
vào miền đông Ukraine.
Nhìn bề ngoài, việc sử dụng các tập đoàn quân
sự tư nhân phù hợp với một mô hình chiến tranh mới của thế kỷ 21. Chẳng hạn,
các nhà thầu quân sự đã từng được Mỹ sử dụng ở Iraq, và Wagner có một số điểm
tương đồng với Blackwater, nhà thầu quân sự của Mỹ. Nhưng đối với GRU, Wagner
cũng là sự tiếp nối của một truyền thống lâu đời hơn, có từ thời Xô Viết, khi
Điện Kremlin sử dụng các lực lượng ủy nhiệm để can thiệp vào các cuộc xung đột
trên toàn thế giới. “Giống như khi quân đội của chúng tôi ngụy trang ở Tây Ban
Nha trong Nội chiến của nước này,” một quan chức GRU nói với chúng tôi vào năm
2017, khi được hỏi tại sao cơ quan này cần một tập đoàn quân sự tư nhân như
Wagner.
Dù chính phủ Liên Xô chưa bao giờ chính thức
xác nhận sự can thiệp của mình, rõ ràng là Stalin đã cử các cố vấn quân sự đến
hỗ trợ lực lượng Cộng hòa ở Tây Ban Nha trong thập niên 1930. Tất cả những người
lính Liên Xô đến nước này đều được đặt những cái tên giả nghe giống tiếng Tây
Ban Nha. (Một trong những cố vấn này là vị sĩ quan Liên Xô huyền thoại Haji
Mamsurov, người được biết đến ở Tây Ban Nha với tên Đại tá Xanti, và có lẽ là một
trong những hình mẫu cho nhân vật Robert Jordan trong tiểu thuyết Chuông
nguyện hồn ai của Ernest Hemingway.) Năm 2015, một thị trấn gần Madrid
của Tây Ban Nha đã khánh thành tượng đài Đại tá Xanti trong một buổi lễ có sự
tham gia của con cháu Mamsurov và các quan chức chính phủ Nga.
Các quan chức quân đội Liên Xô và Nga từ lâu
đã coi Nội chiến Tây Ban Nha là một “cuộc chiến vì chính nghĩa”: những người
lính Liên Xô đã đứng về phía chính nghĩa và không thể phủ nhận cuộc chiến này
là chống phát xít, vì phe Cộng hòa đã đối đầu lực lượng Quốc gia của Tướng
Francisco Franco, đồng minh với Mussolini và Hitler. Trong lịch sử chính thức của
Nga, sự can thiệp của Liên Xô vào Tây Ban Nha được coi là nguyên nhân trực tiếp
của Chiến tranh Vệ quốc Vĩ đại – cuộc chiến huyền thoại của Nga chống lại Đức
Quốc xã trong Thế chiến 2.
Đối với GRU, kinh nghiệm của lính Nga trong Nội
chiến Tây Ban Nha đã trở thành một lý do biện minh thuận tiện cho việc họ sử dụng
lực lượng Wagner ở Ukraine, khi Điện Kremlin khẳng định rằng, một lần nữa, họ
đang chiến đấu chống phát xít. Và Wagner thậm chí còn có Đại tá Xanti của riêng
mình: giống như sĩ quan Liên Xô nổi tiếng, Dimitry Utkin đã sử dụng bí danh thời
chiến – Wagner – và những chiến công của ông bao gồm chỉ đạo lính đánh thuê Nga
khi hoạt động ở Syria.
.
CUỘC CHƠI CỦA CÁC VỊ TƯỚNG
Tuy nhiên, một câu hỏi phức tạp hơn nhiều là mức
độ hỗ trợ của Wagner trong quân đội và FSB. Trong những năm kể từ khi xuất hiện
vào năm 2015, và đặc biệt là kể từ khi Nga bắt đầu cuộc chiến hiện tại ở
Ukraine, đặc điểm của các chiến dịch quân sự của Wagner đã thay đổi đáng kể. Họ
bắt đầu như một lực lượng lính đánh thuê ủy nhiệm bí mật, dễ phủ nhận; dần dần
phát triển thành một đơn vị quân đội lớn với các chiến dịch ở nhiều quốc gia, sở
hữu lực lượng pháo binh và không quân của riêng mình; và cuối cùng, dựng những
biển quảng cáo tuyển quân khổng lồ trên đường phố Nga, sản xuất những bộ phim
riêng để tôn vinh lực lượng của họ, và có hẳn một tòa tháp lớn sáng bóng ở St.
Petersburg làm trụ sở tập đoàn. Wagner cũng được biết đến là lực lượng tàn bạo
nhất trong quân đội Nga, công khai khoe khoang về việc giết chết “bọn phản bội”
theo những cách kinh khủng nhất.
Trong lúc Prigozhin ngày càng mạnh dạn chỉ
trích giới lãnh đạo quân đội, nhiều nhà quan sát đã bắt đầu đặt câu hỏi liệu
ông ta có thể tiếp tục nhởn nhơ thêm bao lâu. Hiện tại, GRU vẫn duy trì sự ủng
hộ dành cho Wagner, theo lời các quan chức mà chúng tôi đã phỏng vấn trong lực
lượng Spetsnaz của cơ quan này. GRU dường như tin rằng Wagner vẫn hữu ích.
Nhưng sự hậu thuẫn của GRU không mang lại nhiều
đảm bảo cho Prigozhin. Trong nhiệm kỳ của Putin, đã có những thời điểm đáng chú
ý khi sự hỗ trợ của GRU không có tác dụng gì nhiều. Ví dụ, trong những năm đầu
của thế kỷ này, GRU và lực lượng Spetsnaz đã giám sát một tiểu đoàn quân sự ủy
nhiệm ở Chechnya có tên là Vostok, đứng đầu bởi Ruslan Yamadayev, một nhân vật
quyền lực ở Chechnya. Vostok là một lực lượng hoạt động hiệu quả và Yamadaev
luôn trung thành với GRU. Nhưng điều này là không đủ để bảo vệ ông khi Vostok
có xung đột với Ramzan Kadyrov, Tổng thống Chechnya. Tháng 9/2008, Yamadayev bị
ám sát trong một vụ xả súng khi đang ngồi trong chiếc Mercedes của mình ở một cột
đèn giao thông chỉ cách Nhà Trắng của Moscow (trụ sở của chính phủ Nga) vài
trăm mét. Nhiều người tin rằng vụ ám sát này là theo lệnh của Kadyrov.
Hiện tại, Prigozhin vẫn giữ được sự ủng hộ
trong quân đội, bất chấp những lời chỉ trích gay gắt của ông đối với Bộ Quốc
phòng. Kể từ tháng 9/2022, khi Nga mất phần lớn lãnh thổ sau cuộc tấn công của
Ukraine ở miền đông bắc, Prigozhin đã công khai chỉ trích hệ thống chỉ huy quân
sự của Nga. Tuy nhiên, các phương tiện truyền thông bị kiểm soát chặt chẽ của
Nga, kể cả các phóng viên chiến trường theo chân các đơn vị quân đội, đã được lệnh
giúp quảng bá Wagner và các chiến dịch của tập đoàn này ở Ukraine. Do đó, các tờ
báo thân Điện Kremlin vẫn tiếp tục đăng các bài phỏng vấn sĩ quan của Wagner để
ca ngợi tinh thần chiến đấu của họ.
Ngay lúc này, mức độ ủng hộ Wagner trên các
phương tiện truyền thông Nga vẫn chưa giảm bớt. Hơn nữa, bản thân quân đội Nga
dường như vẫn tiếp tục hỗ trợ Wagner. Theo Prigozhin, sau khi ông phát hành
video Bakhmut, giới lãnh đạo quân sự đã giao cho Tướng Sergey Surovikin, cựu chỉ
huy lực lượng Nga ở Ukraine và là một trong những vị tướng được kính trọng nhất
của Nga, giám sát việc cung cấp đạn dược và tài nguyên cho Wagner.
Prigozhin có một lợi thế là, ngoài ông ta ra,
Wagner vẫn vô danh, và giới lãnh đạo quân sự Nga vẫn không coi họ là đối thủ cạnh
tranh. Dù Prigozhin không ngừng quảng cáo rằng các chiến binh của mình là lực
lượng chiến đấu có năng lực nhất của phe Nga, ông cũng đã nỗ lực giữ cho các sĩ
quan và chỉ huy chiến trường của mình ẩn danh. Không có cái tên nào thuộc
Wagner, kể cả tên của Utkin, là quen thuộc với người dân Nga, và khi những người
lính và sĩ quan của tập đoàn được các phóng viên chiến trường phỏng vấn, họ vẫn
ẩn danh. Sự khoan dung của giới lãnh đạo quân sự đối với Wagner rất quan trọng,
nhưng nó có thể bị rút lại ngay khi quân đội hoặc Điện Kremlin thấy họ nên làm
vậy. Các tướng lĩnh Nga vốn không có lòng trung thành với đồng đội của mình.
Quan trọng không kém đối với Wagner là lập trường
của FSB, cơ quan tình báo chính của Nga. Sau những sai lầm ban đầu khi chiến
tranh nổ ra, FSB gần đây đã lấy lại được chỗ đứng và ảnh hưởng của mình trong
chính phủ Nga. Ở chính nước Nga, FSB đang ngày càng hung hăng hơn trong việc trấn
áp bất kỳ dấu hiệu bất đồng chính kiến nào. Nhưng cơ quan này cũng hoạt động rất
tích cực ở Ukraine, đặc biệt là cục phản gián quốc phòng, đơn vị giám sát quân
đội và được giao nhiệm vụ trấn áp mọi hình thức kháng cự ở các vùng lãnh thổ do
Nga chiếm đóng. Wagner, với tư cách là một đơn vị quân đội, thuộc trách nhiệm của
đơn vị FSB này, và điều đó có lẽ khiến Prigozhin không thoải mái.
CÔNG DỤNG CỦA KẺ XẤU
Nhân tố quan trọng nhất giúp Prigozhin tiếp tục
đứng vững ở Ukraine chính là Putin. Thật vậy, những lời chỉ trích liên tục của
Prigozhin nhắm vào hai nhà lãnh đạo hàng đầu của quân đội Nga nghe vô lý đến mức
chỉ có sự hỗ trợ cá nhân của Putin mới có thể giải thích tại sao nhà lãnh đạo
Wagner vẫn tiếp tục giữ một vai trò trong cuộc chiến. Nhưng tại sao Prigozhin lại
có giá trị đối với Putin?
Lời giải thích nằm ở mối quan hệ phức tạp của
Putin với quân đội Nga. Trong những năm đầu cầm quyền, một trong những thách thức
lớn nhất của Putin là kiểm soát quân đội. Là một trong những quân đội lớn nhất
thế giới ở một đất nước rộng lớn, nơi mọi thứ đều được thực hiện nội bộ, quân đội
Nga có truyền thống đảm bảo rằng thế giới bên ngoài biết càng ít về các chiến dịch
của họ càng tốt. Điều đó có nghĩa là các hình thức giám sát thông thường của
chính phủ và của công chúng – dù là thông qua Quốc hội, cơ quan hành pháp, hay
phương tiện truyền thông – đơn giản là không tồn tại ở Nga. Trong thập niên cầm
quyền đầu tiên, Putin đã tìm cách siết chặt quyền kiểm soát quân đội bằng cách
bổ nhiệm cựu tướng KGB, đồng thời là người bạn thân tín của ông, Sergei Ivanov,
làm Bộ trưởng Quốc phòng. Nhưng Putin đã buộc phải thay thế ông vào năm 2007
khi rõ ràng là những nỗ lực của Ivanov nhằm tiến hành một cuộc cải cách quân đội
đã thất bại. Sau đó, với Shoigu, một người ngoài quân đội khác, Putin lại cố gắng
tìm kiếm nhiều đòn bẩy hơn.
Giờ đây, sau hơn một năm chiến tranh ở
Ukraine, có rất ít bằng chứng cho thấy Putin đã thành công với Shoigu hơn là với
Ivanov. Hơn nữa, Putin hiểu rằng trong thời chiến, quân đội có xu hướng giành
được nhiều quyền lực hơn ở trong nước. Ông biết rõ, nếu cuộc chiến càng kéo
dài, quyền lực của quân đội sẽ càng lớn, và ông sẽ càng khó kiểm soát tình hình
hơn. Và vì ông có xu hướng nhìn thế giới dưới lăng kính của các mối đe dọa, nên
sức mạnh tương đối của quân đội là điều khiến ông lo lắng – trong chừng mực nào
đó, thậm chí còn lo lắng hơn cả hiệu quả của quân đội trên chiến trường.
Kết quả là, Putin đã sử dụng các phương pháp
ngày càng không chính thống để kiềm chế các tướng lĩnh. Chẳng hạn, bắt đầu từ
mùa thu năm 2022, ông khuyến khích các phóng viên chiến trường công khai các vấn
đề trong quân đội. Quan trọng hơn cả là vai trò của Wagner như một lực lượng đối
trọng với quân đội. Đối với Prigozhin, bất chấp thương vong cao bất thường mà
những người lính của ông phải gánh chịu, đây là một tình huống đôi bên cùng có
lợi. Ông nhận ra rằng mình sẽ không bao giờ trở thành mối đe dọa chính trị đối
với Putin, vì ông không có sự hậu thuẫn nào khác trong giới cầm quyền Nga ngoài
sự bảo trợ của chính Putin. Và Putin đã đảm bảo rằng mọi chuyện vẫn sẽ như vậy.
Với địa vị đặc biệt của mình – được quản lý lỏng
lẻo bởi GRU, được quân đội khoan dung, và được Putin bảo vệ – Prigozhin hy vọng
sẽ giữ được vị trí độc tôn của mình trong một triều đình ngày càng giống thời
trung cổ ở Điện Kremlin. Trong tình huống đó, ngay cả những phát ngôn bộc phát
của Prigozhin thực chất có thể là một phần trong kế hoạch: ông ta càng hành động
như một tên hề độc ác thì càng tốt. Đây là một hình mẫu quen thuộc trong lịch sử
Nga. Vào thế kỷ 18, Sa hoàng Peter Đại đế đã phong Alexander Menshikov, tên hề
của chính ông, làm Công tước quyền lực nhất đất nước vì lý do tương tự:
Menshikov, với xuất thân khiêm tốn, không có địa vị trong giới quý tộc Nga,
nhưng lại là kẻ tàn bạo, nhẫn tâm, và hết sức trung thành với Sa hoàng, người
có thói quen dùng gậy đánh Menshikov.
Điều mà Prigozhin dường như không hiểu là nước
Nga của Putin không phải là nước Nga của Peter Đại đế, dù ông và Putin đã cố gắng
biến nó thành như vậy. Nhiều thành phần của xã hội Nga, đặc biệt là bộ máy hành
chính của đất nước, đang dõi theo hành động của ông chủ Wagner với sự kinh
hoàng và ghê tởm. Ngay bây giờ, Wagner đang sử dụng nhiều đạn dược hơn bất kỳ
đơn vị Nga nào khác, điều chỉ có thể được biện minh nếu Wagner làm được những
gì Prigozhin đã hứa – đạt được tiến bộ ở Bakhmut. Nếu họ thất bại trên chiến
trường, thì chiến dịch khổng lồ kéo dài hàng tháng trời – trong đó Wagner đã
khiến hàng nghìn người thiệt mạng và phá hủy một lượng lớn vật tư chiến tranh –
có thể trở thành sự lãng phí các nguồn tài nguyên khan hiếm. Nhưng liệu Putin
có xem thất bại nghiêm trọng của Wagner là một trọng tội hay không lại là một vấn
đề khác. Tổng thống Nga đã từng sử dụng hiệu quả các quan chức và chính trị gia
thất bại, cũng như những tay sai khác – ví dụ như cựu tổng thống và thủ tướng
Dmitry Medvedev. Prigozhin có thể sẽ là người tiếp theo.
--------------------
Andrei Soldatov là nghiên cứu
viên không thường trú tại Trung tâm Phân tích Chính sách Châu Âu, Đồng sáng lập
và Tổng Biên tập của Agentura.ru, một trang tin chuyên giám sát các hoạt động của
cơ quan mật vụ Nga.
Irina Borogan là nghiên cứu
viên không thường trú tại Trung tâm Phân tích Chính sách Châu Âu, Đồng sáng lập
và Phó Tổng Biên tập của Agentura.ru.
Cả hai là đồng tác giả của cuốn “The Compatriots:
The Russian Exiles Who Fought Against the Kremlin.”
Nguồn: Andrei Soldatov và
Irina Borogan, Why Putin Needs Wagner, Foreign
Affairs, 12/05/2023
No comments:
Post a Comment