Tại
sao hiệp ước mới của LHQ về “Biển cả” lại quan trọng đến vậy?
Nguyễn Thanh Mai, biên dịch
Các vùng biển quốc
tế bị lãng quên từ lâu cuối cùng sẽ nhận được nhiều sự bảo vệ hơn
Biển cả, thứ bao phủ gần
ba phần tư bề mặt Trái đất, có vai trò duy trì và điều hòa sự sống trên hành
tinh. Mỗi năm, nó hấp thụ khoảng một phần tư lượng carbon dioxide do nhân loại
thải ra. Ngoài ra nó cũng có giá trị kinh tế. Thực phẩm, vận tải biển, du lịch
và các hoạt động khác trên đại dương có trị giá khoảng 2,5 nghìn tỷ đô la hàng
năm. Nhưng gần hai phần ba đại dương nằm ngoài vùng
đặc quyền kinh tế, kéo dài 200 hải lý (370km) từ bờ biển của các quốc gia. Điều này có
nghĩa là khoảng 219 triệu km vuông đại dương, được gọi là “biển cả”, nằm ngoài
thẩm quyền của bất kỳ quốc gia nào. Những khu vực này dễ bị tàn phá bởi các nhà
nước, doanh nghiệp và tội
phạm. Hai phần ba trữ lượng cá ở
vùng biển cả bị khai thác quá mức, theo Liên minh Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế –
một mạng lưới liên kết các nhóm bảo tồn và các chính phủ. Nhưng không có cách
nào để giải quyết những vấn đề này – cho đến bây giờ. Vào ngày 4 tháng 3, các
nhà đàm phán tại Liên Hợp Quốc đã đồng ý về hiệp ước quốc tế đầu
tiên để bảo vệ vùng biển cả. Hiệp ước này có thể đạt được những gì?
Chỉ có khoảng 1% các vùng
biển hiện đang trong trạng thái được bảo vệ, bao gồm một vùng biển 600.000km2 của
Bắc Đại Tây Dương vốn quan trọng với các loài chim biển. Hiệp ước Biển cả mới sẽ
thiết lập một khuôn khổ pháp lý cho nhiều khu vực như vậy. Bất kỳ quốc gia nào
ký thỏa thuận cuối cùng – mà chỉ riêng việc phê chuẩn có thể sẽ mất vài năm – sẽ
có thể đề xuất bảo vệ một khu vực biển cả và đề xuất các biện pháp, chẳng hạn
như giới hạn đánh bắt cá hoặc vận tải biển, để giúp bảo vệ vùng biển đó. Các
bên quan tâm khác, bao gồm các nhà khoa học và doanh nghiệp, sẽ xem xét các đề
xuất như vậy trước khi các quốc gia bỏ phiếu. Nếu đạt được sự ủng hộ của đủ số
quốc gia theo quy định, khu vực được bảo vệ đó sẽ được thành lập. Các bên ký kết
hiệp ước sau đó sẽ có nghĩa vụ áp dụng các quy tắc đối với khu vực đó thông qua
các cơ quan khác như Tổ chức Hàng hải Quốc tế, nơi điều chỉnh nghành vận tải biển.
Lần đầu tiên, các bên ký
kết cũng sẽ có nghĩa vụ thực hiện các đánh giá tác động môi trường đối với các
hoạt động có khả năng gây tổn hại như khai thác biển sâu. Và họ sẽ phải chia sẻ
với các quốc gia khác dữ liệu và công nghệ cần thiết cho việc nghiên cứu khoa học
hoặc giám sát môi trường. Hiệp ước cũng bao gồm các quy tắc điều chỉnh việc
phân chia lợi nhuận thu được từ “tài nguyên di truyền biển”, như nguyên liệu từ
thực vật và động vật đại dương được sử dụng bởi các ngành công nghiệp như dược
phẩm và mỹ phẩm. Việc tiếp cận các tài nguyên này từ lâu đã làm cho nỗ lực đạt
được một thỏa thuận quốc tế về biển cả khó khăn hơn. Nhưng bất chấp đột phá lần
này, sẽ không dễ dàng để tìm ra cách chia sẻ lợi nhuận một cách “công bằng và
bình đẳng”, như hiệp ước yêu cầu.
Thỏa thuận này sẽ giúp
các quốc gia đáp ứng cam kết bảo vệ 30% diện tích đất liền và biển của thế giới
vào năm 2030, như đã thỏa thuận tại COP15, một hội nghị thượng đỉnh về đa dạng sinh học của
Liên Hợp Quốc được tổ chức vào năm ngoái. Các vùng biển cả có thể không
có các hệ sinh thái đa dạng sinh học đầy màu sắc như ở vùng biển gần bờ, nhưng
mọi phần của biển phải mạnh khỏe nếu muốn các đại dương mạnh khỏe. Và các hệ
sinh thái mạnh khỏe sẽ giảm thiểu biến đổi khí hậu bằng cách điều chỉnh nhiệt độ,
hấp thụ carbon và sản xuất oxy. Chỉ riêng hiệp ước mới sẽ không thể đạt được điều
đó; thay vào đó cần phải có giám sát toàn diện. Vẫn chưa rõ nó sẽ được thực thi
như thế nào (ví dụ,
các tổ chức quản lý nghề cá đã phải vật lộn để giữ cho hoạt động đánh cá ở vùng biển cả được bền vững).
Các quốc gia từ lâu đã đưa ra những lời hứa đầy tham vọng nhưng chưa được thực
hiện về vấn đề đa dạng sinh học. Nhưng ít ra một phần bị lãng quên từ lâu của
hành tinh đang được quan tâm.
-----------
Nguồn: “Why
a new UN treaty to safeguard the “high seas” matters”, The Economist, 08/03/2023.
No comments:
Post a Comment