Quốc Phương, cộng tác viên RFA Tiếng Việt từ London
2023.05.26
Trung Quốc
vừa mở một cuộc tập trận với “cường độ cao” ở Biển Đông với một đội tàu hải
quân được cho là khá mạnh tham gia, một tàu khu trục lớn 10.000 tấn lớp 055 của
Hải quân Quân giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA) dẫn đầu, trong bối cảnh mà
truyền thông Trung Quốc gọi là “căng thẳng gia tăng”.
Tàu khu trục Type 052D Trường Sa và các tàu
khu trục Type 054A Liễu Châu và Nhạc Dương trực thuộc lực lượng hải quân của Bộ
Tư lệnh Chiến khu phía Nam PLA, kết hợp với sự dẫn dắt của tàu khu trục lớn nói
trên, đã tiến hành một cuộc tập trận phối hợp ở Biển Đông mà Trung Quốc gọi là
Biển Nam Trung Hoa trong hơn 80 giờ, kéo dài trên bốn khu vực, trong bốn ngày ba
đêm, theo bản tin của Đài truyền hình Trung ương Trung Quốc (CCTV) hôm thứ ba
tuần này và được Hoàn
Cầu Thời Báo dẫn lại hôm thứ tư 24/5/2023.
Diễn biến này xảy ra vào thời điểm mà mới đây
Trung Quốc cho tàu khảo sát Hướng Dương Hồng 10 cùng các tàu hải cảnh, tàu cá
Trung Quốc xâm phạm khu vực mà Việt Nam tuyên bố là vùng đặc quyền kinh tế
mình, bên cạnh việc Trung Quốc cũng triển khai “đèn báo hiệu” tại quần đảo Trường
Sa mà đã bị Việt Nam lên tiếng phản đối.
Bình luận việc Trung Quốc mới thông báo có cuộc
tập trận ở Biển Đông như trên, bên cạnh các diễn biến được cho là phức tạp khác
mà nước này tiến hành ở vùng biển này, hôm 26/5, một nhà nghiên cứu an ninh khu
vực và quan sát tình hình Biển Đông nêu nhận xét với Đài Á Châu Tự Do từ Việt
Nam:
“Liên kết tất cả chuỗi hành động này của Trung Quốc,
có thể thấy một điều rằng tham vọng độc chiếm Biển Đông chưa bao giờ phai nhạt
trong tâm chí của các lãnh đạo Trung Quốc, và dù quốc tế có phản đối như thế
nào, Trung Quốc vẫn muốn đạt được điều đó trong tầm tay của họ, và bên cạnh cuộc
tập trận như chính báo chí, truyền thông của Trung Quốc đưa tin, một trong những
điều quan trọng là họ sẽ luôn luôn quấy nhiễu, đe dọa những quốc gia khác ngay
trong vùng đặc quyền kinh tế của chính quốc gia đó.” - nhà nghiên
cứu Hoàng Việt, thành viên Ban nghiên cứu
Luật Biển, Liên đoàn luật sư Việt Nam, nói với RFA Tiếng Việt từ Sài Gòn hôm
26/5.
Ông Hoàng Việt nói tiếp:
“Trung Quốc đang bất chấp tất cả những phản đối của
các nước láng giềng ở khu vực và các nước có tuyên bố chủ quyền trên Biển Đông,
và cuộc tập trận mới này của Trung Quốc có hàm ý rất nhiều, thứ nhất là đối với
các quốc gia Đông Nam Á, khi Trung Quốc, bên cạnh cạnh tranh với Mỹ, muốn thể
hiện sức mạnh là một cường quốc vô địch ở đây và với mục tiêu như đã nói của họ
là phải độc chiếm Biển Đông, thì những cuộc tập trận khoe cơ bắp như thế này có
hàm ý rằng nếu quốc gia nào ở khu vực mà có hành động phản khác, thì sẽ có thể
phải đối diện với sức mạnh quân sự của Trung Quốc, và tốt nhất là nên đối thoại,
hợp tác riêng rẽ với Trung Quốc, còn đương nhiên đối với Mỹ, họ gửi một thông
điệp khác rằng vùng biển này là ‘ao nhà’ của Trung Quốc.”
.
Có thể tin tưởng được Trung Quốc?
Trên truyền thông chính thống của Việt Nam hôm
26/5, báo Thanh Niên online đưa ra bình luận cho rằng Trung Quốc
“nói một đường làm một nẻo”, bài báo có đoạn:
“Hoàn Cầu Thời báo của Trung Quốc, cuối tháng 3/2025
vừa qua đưa tin Bắc Kinh cam kết sẵn sàng hợp tác với ASEAN để đưa ra các đảm bảo
về mặt thể chế để xây dựng Biển Đông thành vùng biển hòa bình, hữu nghị và hợp
tác. Cam kết được đưa ra khi Ngoại trưởng Trung Quốc Tần Cương gặp Tổng thư ký
ASEAN Kao Kim Hourn tại Bắc Kinh.”
Ngoài ra, trong một diễn biến khác, từ ngày
23/5 đến 25/5/2023, Trung Quốc vừa cử tàu huấn luyện Thích Kế Quang của Hải
quân thăm xã giao thành phố Đà Nẵng của Việt Nam, khi được đề nghị bình luận về
việc có thể rút ra điều gì từ chuỗi các động thái và tín hiệu trên, nhà nghiên cứu Hoàng Việt đáp:
“Nếu có câu hỏi đặt ra qua những tín hiệu
trái chiều trên rằng liệu Việt Nam có thể tin tưởng Trung Quốc hay là không,
thì câu trả lời theo tôi là ‘Không, không thể!’ bởi vì không phải bây giờ, hay
tới gần đây, mà trong suốt thời gian rất dài, ít nhất là từ năm 1990 cho đến
bây giờ, Trung Quốc luôn luôn có lối hành động, cư xử như vậy, tức là luôn nói
một đằng, làm một đằng.
Gần đây trong một hội nghị hồi mới năm ngoái, đánh dấu
kỷ niệm UNCLOS, tức Công ước Liên Hợp Quốc về Luật biển năm 1992, rồi DOC tức
là Tuyên bố về ứng xử của các quốc gia trên Biển Đông, ông Vương Nghị còn nhắc
nhở các đại biểu, nói rằng ‘Trung Quốc là một quốc gia yêu chuộng hòa bình và
chưa hề tấn công một quốc gia nào khác!’ Thật khó tin! Đó là một ví dụ, và
chúng ta không thể nào mà tin tưởng được chuyện đó, khi rõ ràng trên thực tế
Trung Quốc đã và đang là một quốc gia có rất nhiều những tham vọng về lãnh thổ,
và đó là một điều mà hầu hết các quốc gia trên thế giới và khu vực, trong đó có các nước ở khu vực Biển Đông, đều lo ngại về Trung Quốc.”
.
Dự báo hành động của Trung Quốc và ứng phó “vùng
xám”
Nhìn vào thời gian tới đây, nhà nghiên cứu, luật
gia Hoàng Việt đưa ra nhận định có tính chất dự phóng, từ góc nhìn riêng:
“Cá nhân tôi từ năm ngoái, cho đến thời điểm này,
tôi vẫn khẳng định và dự báo rằng những hành động của Trung Quốc trên Biển Đông
sẽ không bao giờ giảm bớt. Thời gian vừa qua, thấy báo chí Việt Nam ít đưa tin
về diễn biến an ninh trên Biển Đông, thì nhiều người cho rằng Biển Đông đang
yên ắng, nhưng tôi xin thưa rằng không hề yên ắng chút nào.
Thời gian tới đây, tôi cho rằng Trung Quốc sẽ tiếp tục
những hành động đe dọa và đe dọa quân sự, bằng cách một mặt là thông qua các cuộc
tập trận và gửi thông điệp đe dọa qua đó, và thứ hai là họ vẫn tiếp tục các hoạt
động với chiến thuật ‘vùng xám’ để thực hiện tham vọng. Chiến thuật vùng xám
này sẽ vẫn tiếp diễn với những cách thức như Trung Quốc cho những tàu như tàu lấy
danh nghĩa là ‘nghiên cứu khoa học’ như mới nhất là cử tàu Hướng Dương Hồng 10
vào ‘quấy nhiễu’ cùng với các tàu hải cảnh, tàu dân binh hộ tống, để xâm phạm
vùng đặc quyền kinh tế của nhiều quốc gia trong khu vực Đông Nam Á, đặc biệt là
vùng EEZ này của Việt Nam.
Nhưng tôi cho rằng Trung Quốc sẽ nâng tầm của chiến
thuật vùng xám này. Đây là điều mà Việt Nam nên quan tâm, chẳng hạn như có những
thực thể mà trước đến nay chưa có người nào chiếm giữ ở khu vực Trường Sa, với
việc mà người ta đo trong một ngày có bao nhiều tàu của Việt Nam hay của một nước
nào đi qua đó, thì Trung Quốc nâng số lượng chuyến tàu của họ đi ngang qua đó,
và trên thực tế gần đây họ tăng cường việc này giống như là họ đã làm với khu vực
Đá Ba Đầu hồi năm 2021. Họ không chỉ đi qua, họ cho tàu neo đậu ở ngay gần đó,
mặc dù có nhiều nơi họ chưa xây cất gì, nhưng qua đó họ thiết đặt sự hiện diện
của họ ‘thường xuyên’ hơn và đó là cách mà Trung Quốc sẽ tăng cường làm. Tức là
họ vẫn có hành vi dùng chiến thuật vùng xám, nhưng không chỉ lặp lại như cũ, mà
còn nâng tầm lên một mức độ cao hơn, để đạt được mục đích của họ.
Việt Nam đã từng đối phó chiến thuật vùng xám của
Trung Quốc rất tốt hồi năm 2014, nhưng trong tình hình mới thì phải chuẩn bị tốt
hơn, và cần phải tăng cường sự ủng hộ của quốc tế, cần phải lên tiếng sớm cho
quốc tế biết. Gần đây, theo tôi quan sát, tàu Hướng Dương Hồng của Trung Quốc
đã vào quấy nhiễu từ sớm trong tháng này, nhưng mãi gần đây Việt Nam mới cho bộ
phận người phát ngôn Bộ Ngoại giao lên tiếng, thì như thế là quá chậm. Phải làm
sớm hơn, lên tiếng mạnh mẽ, rộng rãi hơn để tranh thủ sự ủng hộ của quốc tế và
tôi không cho rằng do việc Việt Nam vừa qua lựa chọn cách bày tỏ thái độ trước
cuộc chiến tranh ở Ukraine như đã làm mà nếu và khi tới đây có bị Trung Quốc đe
dọa, sử dụng chiến thuật vùng xám uy hiếp, rồi xâm phạm hải phận trắng trợn, có
mức độ nghiêm trọng, vi phạm luật pháp quốc tế rõ ràng, mà tiếng nói của Việt
Nam cất lên, sẽ không được quốc tế lắng nghe và quan tâm như trước.
Lý do là vì Trung Quốc là một thế lực đang lên và
đang gây quan ngại, lo ngại với rất nhiều quốc gia ở quốc tế trên toàn cầu,
cũng như khu vực. Việt Nam cần tiếp tục làm tốt việc củng cố an ninh bờ biển của
mình, tiếp tục làm tốt như hồi năm 2014, đeo bám, theo dõi quyết liệt tàu thuyền
của Trung Quốc xâm phạm chủ quyền, đồng thời kêu gọi sự ủng hộ của quốc tế,
cũng như chuẩn bị tốt cho dư luận ở trong nước, có sự chuẩn bị tốt và chủ động,
sáng tạo, sẽ giúp cho việc đối phó, ứng phó với sách lược, thủ đoạn vùng xám của
Trung Quốc một cách hiệu quả hơn.”
Trở lại với việc Quân giải phóng nhân dân
Trung Quốc vừa tiến hành tập trận bốn ngày, ba đêm trên Biển Đông, theo truyền
thông Trung Quốc tuần này, lực lượng hải quân của Trung Quốc đã tiến hành các
bài tập “chống tàu, phòng không và chống tàu ngầm bắn đạn thật được bao gồm”
trong kịch bản, kế hoạch tập trận.
“Cuộc tập trận đã mài giũa khả năng định hướng chiến
đấu của từng tàu và toàn bộ đội tàu, đồng thời đặt nền tảng vững chắc để thực
hiện các cuộc đấu tranh quân sự linh hoạt và tăng cường khả năng đối phó với
các tình huống khẩn cấp một cách nhanh chóng và hiệu quả. Cuộc tập trận là một
hoạt động thường lệ không nhằm vào bất kỳ bên thứ ba nào, nhưng nó được thực hiện
trong bối cảnh địa chính trị phức tạp, trong đó Hoa Kỳ gần đây đã tập hợp
Philippines và tiến hành cuộc tập trận chung Balikatan lớn nhất ở Biển Đông nhắm
vào Trung Quốc. Các cuộc tập trận thường xuyên của Trung Quốc có thể đóng vai
trò như một thông điệp rằng Trung Quốc sẽ không thỏa hiệp trước hành động khiêu
khích và gây bất hòa thông qua sức mạnh quân sự của Mỹ, đồng thời rằng các nước
nên đối thoại và tìm kiếm sự hợp tác,” - Chen Xiangmiao,
Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Hải quân Thế giới tại Viện Nghiên cứu Biển Đông
Quốc gia, được dẫn lời nói với Hoàn cầu Thời báo của Trung Quốc hôm thứ tư,
24/5/2023.
-------------------
Tin, bài liên quan
THỜI SỰ
·
Thấy
gì từ vị trí của Việt Nam trong danh sách khách mời hội nghị G7 ở Nhật Bản?
·
Diễn
biến nhanh của Trung Quốc ở Biển Đông và ứng phó của Việt Nam
·
Việt Nam
lo ngại về nhà hàng lẩu của Trung Quốc trên đảo Phú Lâm
·
Việt
Nam trong các sự kiện ngoại giao cấp tập của Nga-Trung- Nhật
·
Trung
Quốc gây sức ép lên Việt Nam từ cả hai phía đông và tây?
No comments:
Post a Comment