Chế giễu thường được hiểu theo nghĩa tiêu cực là lập lại hành động, giọng
nói của người khác với ý định không thân thiện.
Nhưng theo Eben Harrell, chủ bút của tạp chí Harvard Business Review
trong bài viết “Chế Giễu Có Thể Giúp một Sáng Kiến Thành Công” (Mocking Can
Help an Initiative Succeed) nhằm giới thiệu quan điểm của bà Magdalena
Cholakova, Giáo sư tại Đại học Rotterdam và tác giả của nghiên cứu về tác dụng
của trò đùa. Theo giáo sư Magdalena Cholakova chế giễu không chỉ mang ý nghĩa
tiêu cực nhưng cũng có tác dụng tích cực. Chế giễu là một cách chứng tỏ sự khác
biệt trong quan điểm của hai người hay hai nhóm người về một sự kiện để sau đó
tìm cách giải quyết.
Tại các nước tự do dân chủ chế giễu chẳng những không bị ngăn cấm mà
còn được khuyến khích và bảo vệ bởi hiến pháp như trường hợp Tu Chính Án Thứ Nhất
(Quyền tự do ngôn luận, báo chí, hội họp và quyền kiến nghị chính phủ giải quyết
những bất bình) và Tu Chính Án Thứ Tư (Quyền của mọi người được bảo đảm an toàn
về người, nhà cửa, giấy tờ và tài sản) của Mỹ.
Chế giễu là chuyện thời sự mỗi ngày trên các phương tiện truyền thanh,
truyền hình. Những chế giễu này không chỉ để cười rồi quên mà còn được người bị
chế giễu lắng nghe một cách trân trọng để sửa đổi dù có thể không công khai thừa
nhận. Chưa bao giờ việc chế giễu một bộ trưởng hay ngay cả tổng thống lại trở
thành một tội hình sự.
Nhưng nếu giáo sư Magdalena Cholakova có dịp
nghiên cứu về chế giễu tại Bắc Hàn, Trung Cộng và CS Việt Nam, có thể ông ta sẽ
viết khác hay ít nhất viết thêm “ngoại trừ Bắc Hàn, Trung Quốc và Việt Nam”.
Nhưng điều đó không có nghĩa là người dân ba nước Bắc Hàn, Trung Quốc
và Việt Nam không dám chế giễu giới lãnh đạo.
Một “chế giễu” từ Bắc Hàn.
Ngày 22 tháng 12, 2021, một người dân Bắc Hàn đã can đảm viết trên tường
“Kim Jong Un, you are son
of a b ***. The people are starving to death because of you” (Kim Chính Ân, ông
là đồ khốn nạn. Người dân đang chết đói cũng tại ông). Kim Jong Un ra lịnh
người dân thủ đô Bình Nhưỡng phải nộp mẫu chữ viết tay và kê khai một cách chi
tiết mọi công việc họ đã làm trong ngày câu chế giễu xuất hiện. (India Times,
Jan 05, 2022)
Việt Nam thì sao?
Hành động của Bộ trưởng Tô Lâm khi ngồi ăn bò bít-tết giá 44 triệu đồng
mỗi phần trong khi nhiều triệu người tại Việt Nam không biết ngày mai sống chết
ra sao là một hành vi sai trái nghiêm trọng về cả đạo đức lẫn trách nhiệm của một
bộ trưởng.
Đoạn phim được đầu bếp người Thổ Nhĩ Kỳ Nusret Gökçe đưa lên ‘internet’
ngày 3 tháng 11, 2021. Ngay sau đó, Tô Lâm bị nhiều người chế giễu trong đó có
Bùi Tuấn Lâm đã diễn lại cảnh rắc muối. Nhưng Bùi Tuấn Lâm không phải là người
duy nhất chế giễu Tô Lâm. Tô Lâm bị chế giễu bằng nhiều cách tại trong nước,
ngoài nước và trên các hãng tin, các hệ thống truyền thông, truyền hình khắp thế
giới.
Ai mời, ai trả tiền cho bữa ăn không quan trọng. Ăn mới là điều đáng
nói. Hành động phản cảm của Tô Lâm không thể bào chữa bằng bất cứ một lý do gì.
Khi bộ trưởng Tô Lâm đưa ngón tay cái khen ngon ở London, trong thời
gian đó ở Việt Nam chị Đinh Thị Phương Anh phải đẻ non sau khi ôm đứa con nhỏ
ngồi trên xe máy do chồng chở suốt ba ngày trên đoạn đường 800 kilomet từ Sài
Gòn ra Thanh Hóa.
Khi bộ trưởng Tô Lâm nhìn Salt Bae mỉm cười thỏa mãn ở London, trong thời
gian đó ở Việt Nam cháu Quách Tiến Lộc (trú tại xã Yên Phú, huyện Lạc Sơn, tỉnh
Hòa Bình) phải được mổ ra khỏi bào thai trước khi mẹ qua đời vì bị Covid hành hạ.
Khi bộ trưởng Tô Lâm nhai miếng bít-tết đắt tiền ở London , trong thời
gian đó ở Việt Nam anh phụ hồ Hồ Tám đi bộ một ngàn cây số từ Sài Gòn về Huế và
trên vai chỉ một thùng mì gói.
Khi bộ trưởng Tô Lâm ăn tiêu xa xỉ ở London, trong thời gian đó ở Việt
Nam biết bao nhiêu thảm cảnh chết chóc, rách rưới, đói khát, bịnh tật của hàng
trăm ngàn đồng bào trên đường về quê hương lánh dịch đã diễn ra trong những
ngày cuối năm 2021.
Nếu hành vi tương tự diễn ra tại Mỹ trong cao điểm của mùa đại dịch,
chính khách ăn miếng thịt bò và đưa ngón tay cái tỏ dấu hiệu “tuyệt ngon” kia sẽ
bị mọi khuynh hướng chính trị, tả cũng như hữu, Cộng Hòa lẫn Dân Chủ, phê phán,
khinh rẻ và ngay cả xa lánh.
Tháng 2, 2021, Thượng Nghị Sĩ Ted Cruz, thuộc đảng Cộng Hòa, tiểu bang
Texas, Mỹ đưa con đi nghỉ ở Cancun nhân dịp trường học đóng cửa nghỉ mùa đông
trong lúc hàng triệu người dân Texas chịu rét và mất điện. Thượng nghị sĩ Ted
Cruz sớm nhận ra mình đã hành xử thiếu tế nhị và trở về ngay hôm sau nhưng vẫn
bị báo chí phe Dân Chủ chế giễu suốt tuần lễ sau đó. Ông ở nhà cũng chưa hẳn
Texas có điện nhưng trong cương vị một thượng nghị sĩ ông nên chia sớt khó khăn
và hoạn nạn với người dân thay vì đi nghỉ mát.
Tháng Giêng năm nay TT Joe Biden đi nghỉ ở đảo St. Croix ấm áp trong
lúc nước Mỹ đang chịu đựng cơn bão tuyết gây thiệt mạng 30 người ở Buffalo, New
York, đã bị các chính trị gia và báo chí, nhiều nhất phe Cộng Hòa, mỉa mai, chỉ
trích. Thượng Nghị Sĩ Ted Cruz có cơ hội trả đũa và ông đã gởi cho TT Biden một
‘tweet’ ngay ngày hôm đó “Chúc vui vẻ ở St. Croix” để chế giễu tổng thống. Phe ủng
hộ TT Biden cũng không vừa gì và “phản pháo”, cũng bằng tweet, “Ted Cruz, đạo đức
giả” để nhắc khéo Ted Cruz đã từng đi nghỉ mát không đúng lúc như thế hai năm
trước.
Chính trị Mỹ là vậy. Các chính trị gia và các phe cánh khai thác mọi kẻ
hở, sơ sót để hạ uy tín đối phương. Việc làm của Joe Biden và Ted Cruz đúng là
thiếu chín chắn nhưng có lẽ không ảnh hưởng lớn đến sự nghiệp chính trị của hai
ông. Tuy nhiên, họ sẽ học bài học. Khi đi nghỉ lần tới họ sẽ thận trọng hơn,
ngó sau nhìn trước hơn kỹ càng hơn.
Khác với các chính khách Mỹ, bộ trưởng Tô Lâm vi phạm tiêu chuẩn đạo đức
trầm trọng hơn nhiều nhưng ông ta không ghi nhận, không sửa sai, không giải
thích, không xin lỗi trái lại trả thù một cách tàn nhẫn người dân đã chế giễu
mình.
Bộ trưởng Tô Lâm coi thường dư luận và phán xét của người dân, đơn giản,
chỉ vì ông ta đang giữ chìa khóa nhà tù.
Khi ra tay trả thù Bùi Tuấn Lâm với bản án 5 năm rưỡi tù giam và 4 năm
quản chế Tô Lâm cũng không nhìn xa hơn chút nữa để thấy ba con còn quá nhỏ của
Bùi Tuấn Lâm sẽ sống ra sao khi người cha bươn chải cho cuộc sống gia đình phải
ở trong tù.
Bùi Tuấn Lâm bị kết án vì đã “bịa đặt, xuyên tạc,
bôi nhọ, phỉ báng Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam”. Tuy nhiên, ai
cũng biết đó chỉ là cái cớ. Không riêng kẻ viết bài này, người dân Việt Nam mà
cả thế giới cũng đều biết tội của Bùi Tuấn Lâm là tội chế giễu bộ trưởng Tô Lâm.
Tờ New York Times đăng tin “A Video Mocking a Vietnamese Official’s Lavish Meal Has
Landed Its Maker in Prison” (Video chế nhạo bữa ăn xa hoa của quan chức Việt
Nam đã đưa người dựng ra nó vào tù.)
Hãng tin CNN đăng tin “Vietnam jails noodle vendor who mocked minister’s lavish
dining” (Việt Nam bỏ tù người bán bún chế giễu ăn uống xa hoa của bộ trưởng).
Tờ Diplomat đăng tin “Vietnam Noodle Vendor Jailed For Mocking Security Minister”
(Chủ Quán Bán Bún Việt Nam Vào Tù Vì Chế Nhạo Bộ Trưởng An Ninh).
BBC đăng tin “Salt Bae parody: Vietnam noodle vendor jailed for five years”
(Làm phim nhại Salt Bae: Người bán bún Việt Nam bị bỏ tù 5 năm).
Nói chung, không một cơ quan truyền thông quốc tế nào tin vào nội dung
phán quyết của tòa án CSVN.
Nếu “bôi nhọ, phỉ báng” nhà nước mà phải ở tù thì tại Việt Nam hôm nay
có ít nhất vài chục triệu người đáng bỏ tù hay đang ở trong tù.
Không có một thống kê chính xác nhưng sau 48 năm con số người dân thấy
được bộ mặt thật của chế độ mỗi ngày một đông hơn. Họ không ngồi chờ Trung Cộng
sụp đổ kéo theo CSVN hay hạm đội Mỹ can thiệp mà bào mòn chế độ bằng mọi phương
tiện họ có trong tay. Bức tường chuyên chính dù dày bao nhiêu, dù rắn bao nhiêu
cũng sẽ có ngày sụp đổ.
Nếu không tin, Tô Lâm thử giả dạng thường dân ra những hàng quán dọc đường
phố để nghe những lời than oán của người dân về cuộc sống của họ và nghe họ chế
giễu chế độ độc tài toàn trị thời toàn cầu hóa hiện nay như thế nào.
Một sự kiện nhục nhã như thế đáng lẽ Tô Lâm và giới lãnh đạo CSVN nên
tìm cách quên đi. Đằng này, bằng việc bỏ tù Bùi Tuấn Lâm đảng đã làm cho câu
chuyện “thánh rắc muối” lần nữa trở thành một tin thời sự nóng bỏng, không
riêng tại Việt Nam và mà cả quốc tế suốt tuần qua.
Tô Lâm tự xây và tự nhốt ông ta trong bốn bức tường ô nhục. Bùi Tuấn
Lâm một ngày sẽ ra tù nhưng Tô Lâm thì không. Đoạn phim chế giễu “thánh rắc muối”
của Bùi Tuấn Lâm sẽ chiếu đi chiếu lại trong nhận thức của ông ta cho đến cuối
đời. Cuối cùng ai sẽ thắng ai?
Cho dù Tô Lâm thù vặt và nhất định phải trả thù anh bán bún thì nhà nước
CSVN lẽ ra phải can thiệp để giữ thể diện quốc gia trước dư luận quốc tế và giữ
tư cách của một thành viên Liên Hiệp Quốc. Một bộ trưởng an ninh đầy quyền lực
trả thù một người dân thấp cổ bé miệng là hành động thất nhân tâm, phi đạo đức.
Nhưng bản chất nào thì hiện tượng đó. Cây nào sinh trái đó. Không chỉ Tô Lâm mà
cả cơ chế chính trị CSVN tồn tại đến nay nhờ nuôi dưỡng hận thù.
Với cách hành xử như vậy, đừng mong đảng CSVN có thể thu phục được lòng
người, đoàn kết được dân tộc trước hiểm họa Trung Cộng đang hăm he ngoài biển,
và đừng mong Việt Nam dưới sự cai trị của đảng CS có thể bước ra khỏi con hẻm tối
tăm của chậm tiến và lạc hậu để lớn lên cùng với loài người.
Trần Trung Đạo
https://www.facebook.com/photo/?fbid=724420073020391&set=a.124728546322883
Vợ và 3 con còn nhỏ dại của Bùi Tuấn Lâm
No comments:
Post a Comment