Cindy Nguyễn, 15 tuổi vào đại học, tốt nghiệp tối ưu, đọc
diễn văn ra trường
Đằng-Giao/Người Việt
May 25, 2023
LOS
ANGELES, California (NV) – Cindy Nguyễn, vào đại học lúc 15 tuổi, tốt
nghiệp cử nhân hạng danh dự cao nhất lúc 19 tuổi, được đọc diễn văn ra trường
ngày Thứ Tư, 24 Tháng Năm, và vẫn nỗ lực nghiên cứu phương thức chữa bệnh bằng
tế bào gốc qua một chương trình của NASA.
https://www.nguoi-viet.com/wp-content/uploads/2023/05/DP-Cindy-Nguyen-Tot-Nghiep.jpg
Cindy Nguyễn đọc diễn văn tại lễ tốt nghiệp Đại Học
Khoa Học Tự Nhiên và Xã Hội của đại học Cal State Los Angeles hôm Thứ Tư, 24
Tháng Năm. (Hình: Chụp qua màn hình YouTube của Cal State LA)
Cindy vào đại học qua chương trình đặc biệt “Early Entrance Program,” chọn
ngành hóa sinh và tìm cách khám phá những phương pháp mới để thúc đẩy sự phát
triển của liệu pháp tế bào gốc (stem cell therapy) điều trị bệnh đau tuyến tụy
hay bệnh tiểu đường loại 1.
Mùa Hè năm nay, cô sinh viên cử nhân 19 tuổi này sẽ tham gia chương trình
nghiên cứu của NASA tại đại học Cal State Los Angeles.
Nói về việc vào đại học năm 15 tuổi, Cindy khiêm nhường nói: “Cháu không
nghĩ mình là một nhân tài. Cháu chỉ biết cháu thích đại học hơn là trung học bởi
vì ở đại học, cháu được chọn lớp theo ý mình và được học theo thời khóa biểu của
mình.”
Chương trình đại học không hề khó khăn đối với cô bé 15 tuổi. Và bốn năm
qua, Cindy chỉ tận hưởng sự tự do của người trưởng thành.
Ngay từ nhỏ, Cindy đã đã được mẹ dạy phải coi trọng học vấn.
Cindy nhớ lúc nghỉ Hè năm lớp Hai, mẹ cô chở đi mua sách toán, Anh Văn,
và lịch sử lớp Ba để cô học trước.
Tự học ở nhà trong ba tháng Hè, cô hiểu hết chương trình cho cả niên khóa
tới, nên khi nhập học, cô như chỉ ôn lại những điều đã biết.
Việc này có lợi mà cũng có hại. Lợi là cô quen thuộc với bài vở, và hại
là, vì không có thử thách, cô cảm thấy chán. Chính vì thế, khi vào Cal State
Los Angeles, Cindy như rồng gặp mây, vô cùng thích thú với những kiến thức mới,
với những thử thách bất ngờ.
Cindy khám phá niềm đam mê môn hóa sinh của mình khi gia nhập nhóm nghiên
cứu dưới sự hướng dẫn của Giáo Sư Xin Wen.
Hiện tại, một trong những nghiên cứu của Cindy là bảo vệ tế bào gốc, làm
cho các tế bào này kéo dài tuổi thọ, để có thể sử dụng vào việc điều trị.
“Hiện nay, các liệu pháp tế bào gốc là một lĩnh vực nghiên cứu rất phổ biến,
nhưng gặp một vấn đề gay go là việc phải lưu trữ tế bào gốc ở nhiệt độ rất lạnh
và các tế bào có thể bị tổn hại do bị đóng băng,” Cindy nói. “Nguyên cứu của tụi
cháu là kéo dài tuổi thọ của tế bào từ 72 đến 96 tiếng.”
Làm được vậy, phương pháp trị liệu bằng tế bào gốc sẽ được áp dụng rộng
rãi hơn, và cho nhiều bệnh nhân hơn.
Cô tiếp: “Với dự án này, cháu cố gắng bảo vệ các tế bào gốc trung mô bằng
cách bổ sung một loại protein có chức năng ngăn chặn sự đóng băng, đó là lý do
tại sao nghiên cứu này được gọi là ‘protein chống đông.’”
Vẫn theo Cindy, các “protein” này có thể tìm thấy ở một số cá hoặc ong.
Trong những năm qua, Cindy giành được nhiều học bổng, bao gồm học bổng
“Anthony Fratiello Endowed,” học bổng “William James Dermody,” học bổng “First
Generation” của Coca-Cola, học bổng “International Scholars,” và nhiều học bổng
khác.
Mới đây, Cindy được học bổng “Edison STEM-Net Research Fellowship,” giúp
cô một khoản tài chánh và cho phép cô làm việc với Giáo Sư Wen, để tìm phương
pháp mới ngăn chặn “protein” bị đông lạnh để có thể áp dụng vào kỹ nghệ dược phẩm,
thực phẩm, và vật chất khác.
Trong sinh hoạt đại học, Cindy là một nhà giáo dục sức khỏe, trong vai
trò thành viên Ủy Ban Cố Vấn Sức Khỏe Sinh Viên, thuộc Trung Tâm Y Tế Sinh Viên
của trường. Ngoài ra, cô cũng là chủ tịch Ủy Ban Sức Khỏe Tâm Thần.
Hôm Thứ Tư, 24 Tháng Năm, Cindy tốt nghiệp cử nhân ngành hóa sinh với
danh dự cao nhất, “Summa Cum Laude,” và là diễn giả chính tại lễ tốt nghiệp Đại
Học Khoa Học Xã Hội và Tự Nhiên của đại học Cal State Los Angeles.
https://www.nguoi-viet.com/wp-content/uploads/2023/05/DP-Cindy-Nguyen-Cal-State-LA-1068x713.jpg
Tân cử nhân Cindy Nguyễn. (Hình: J. Emilio
Flores/Cal State LA)
Cindy Nguyễn là con duy nhất của ông Nguyễn Văn Diên và bà Lê Thị Thanh
Phương, gốc Quảng Ngãi. Gia đình cô qua Mỹ theo diện H.O. 30 của ông ngoại năm
1995.
Ở nhà, Cindy được cha mẹ và ông ngoại gọi là Diễm.
Cha mẹ cô đều phải làm “những công việc nặng nhọc” để sinh sống.
Bà Phương, mẹ cô, thành thật nói: “Trời ơi, khi con tôi xin tôi cho nó vô
đại học năm 15 tuổi, tôi sợ lắm. Tôi sợ nó chịu không nổi, sẽ bị áp lực tâm lý.
Lúc đầu tôi không chịu, nhưng nó cứ năn nỉ hoài. Tới lần thứ ba thì tôi và ba
nó đành phải chiều con.”
“Tới lúc này thì tôi hoàn toàn yên tâm rồi. Tôi biết chắc con gái tôi sẽ
làm được tất cả những gì nó muốn làm. Tôi và ba nó rất muốn học nhưng không có
điều kiện. Bây giờ nó đại diện cho gia đình rồi,” bà Phương tiếp.
Bà tâm sự: “Cindy học giỏi thì cả gia đình cùng mừng, nhưng điều làm cả
nhà tôi hãnh diện là Cindy rất ngoan ngoãn và lễ phép với mọi người.”
Tham gia nghiên cứu với Giáo Sư Wen, Cindy có cơ hội thực tập tại bệnh viện
City of Hope ở Duarte, một trung tâm chuyên nghiên cứu ung thư, để hợp tác làm
việc trong một dự án liên quan đến việc sử dụng các hệ thống chống đông lạnh để
bảo quản lạnh các tế bào gốc nhằm điều trị các bệnh khác nhau.
Bảo quản lạnh là sử dụng nhiệt độ rất thấp để giữ các tế bào và mô sống
nguyên vẹn về mặt cấu trúc. Chính kinh nghiệm này làm Cindy quan tâm đến nghiên
cứu y học.
Cindy cũng là niềm hãnh diện của thầy cô.
“Cindy là một người hiếu học, một nhà nghiên cứu tài năng, và một nhà
lãnh đạo bẩm sinh,” Giáo Sư Wen nói. “Cô ấy đón nhận những nhiệm vụ đầy thử
thách và giải quyết chúng một cách dễ dàng. Cindy xuất sắc về mọi mặt trong những
năm học tại Cal State Los Angeles. Tôi may mắn được chứng kiến sự trưởng thành
của cô ấy trong suốt ba năm qua và tôi tin rằng cô sẽ tiếp tục xuất sắc,” Giáo
Sư Wen nói.
Tốt nghiệp cử nhân, Cindy vẫn tiếp tục nghiên cứu với Giáo Sư Wen trong
chương trình của NASA.
“Về lâu về dài, cháu hy vọng có thể sử dụng kiến thức và kinh nghiệm của
mình để cống hiến cho cộng đồng, đặc biệt là gia tăng sức mạnh cho họ và ủng hộ
họ,” Cindy nói.
“Cháu sẽ nghỉ một năm để đi làm kiếm tiền giúp gia đình rồi cháu sẽ quay
lại lấy bằng MD hoặc PhD,” Cindy chia sẻ dự định tương lai gần.
Cô kết luận: “Cháu thích nghiên cứu vì cháu rất mê học hỏi nhưng cháu
cũng thích làm bác sĩ chữa bệnh để vừa giúp bệnh nhân, vừa có tiền giúp ba mẹ.
Có lẽ sau này cháu sẽ vừa nghiên cứu, vừa chữa bệnh.” [đ.d.]
—–
Liên lạc tác giả: ngo.giao@nguoi-viet.com
No comments:
Post a Comment