Thursday, May 4, 2023

CHẶN XUẤT CẢNH NGAY TẠI PHI TRƯỜNG : THỰC SỰ VÌ AN NINH hay ĐỂ TRẢ THÙ? (RFA)

 



 

 

 

 

Chặn xuất cảnh ngay tại phi trường: thực sự vì an ninh hay để trả thù?

RFA
2023.05.03

https://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/blocking-exit-at-the-airport-is-for-security-or-for-revenge-05032023160936.html

 

Theo quy định tại Điều 36, Luật Xuất cảnh- Nhập cảnh của công dân Việt Nam năm 2019 thì các trường hợp bị tạm hoãn xuất cảnh bao gồm “bị can, bị cáo, người bị tố giác, người bị kiến nghị khởi tố, người phải thi hành án dân sự, người đang bị cưỡng chế, người đang bị dịch bệnh nguy hiểm lây lan, truyền nhiễm, người mà cơ quan chức năng có căn cứ cho rằng việc xuất cảnh của họ ảnh hưởng đến quốc phòng, an ninh”…    

    

Cơ quan điều tra, viện kiểm sát, cơ quan thi hành án có thẩm quyền sẽ ra quyết định tạm hoãn xuất cảnh, và phải có trách nhiệm thông báo bằng văn bản cho công dân bị hoãn xuất cảnh biết.

 

Cũng theo Điều 36, người có thẩm quyền ra quyết định tạm hoãn xuất cảnh thì có thẩm quyền ra quyết định gia hạn, hủy bỏ quyết định tạm hoãn xuất cảnh và phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về quyết định của mình. Trong trường hợp đặc biệt, Bộ trưởng Bộ Công an thống nhất với người ra quyết định tạm hoãn xuất cảnh về việc cho phép người bị tạm hoãn xuất cảnh được xuất cảnh.

 

Tuy quy định là vậy, nhưng một số người ra đến cửa an ninh bên trong khu vực sân bay, thậm chí chuẩn bị bước lên máy bay đi nước ngoài mới biết mình bị hoãn xuất cảnh. Lý do được nêu ra là “liên quan đến an ninh”.

 

Trường hợp mới nhất xảy ra với Tiến sĩ Nguyễn Quang A hôm 1 tháng 5 năm 2023. Ông Nguyễn Quang A nguyên là Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển IDS, đã bị giải thể. Ông nói với RFA sáng ngày 02 tháng 5: 

 

“Mua vé đi Thái Lan chơi mấy hôm, đến sân bay thì họ chặn và nói không được đi. Mình cũng bảo ‘Ok, không sao cả. Các bạn cho mình một cái biên bản kèm theo một cái quyết định nêu lý do’.”

 

Biên bản tạm hoãn xuất cảnh ghi lý do “liên quan đến an ninh” theo Khoản 9, Điều 36 của Luật Xuất cảnh, Nhập cảnh 2019.

 

Luật sư Võ An Đôn, người bị hoãn xuất cảnh vào tháng 9 năm 2022 nói với RFA sáng ngày 3 tháng 5 năm 2023:

 

“Gia đình tôi được chính phủ Hoa Kỳ cho đi định cư. Tối 27/9/2022, cả gia đình tôi đến phi trường Tân Sơn Nhất, gửi hành lý xong xuôi. Đến khi bước chân qua cửa an ninh để lên máy bay thì họ chặn lại không cho đi và mời vô làm việc. Họ nói vì lý do an ninh. Tôi không hề biết mình không được xuất cảnh cho đến lúc bị chặn lại ở sân bay.

 

Hoãn xuất cảnh vì lý do khác thì họ báo chứ vì lý do an ninh thì họ không báo. Theo tôi, cách làm của họ gây thiệt hại rất nhiều cho những người bị cấm xuất cảnh, bởi trước khi đi người ta bán nhà cửa, đất đai, ruộng vườn, nghỉ làm, nghỉ học hết. Cuộc sống đảo lộn. Mục đích của họ là gây khó khăn.”

 

Một người hoạt động trong ngành tư pháp, yêu cầu ẩn danh, nói với RFA trường hợp của mình:

 

“Tôi không hề biết mình bị cấm xuất cảnh, mà họ gọi là “tạm hoãn xuất cảnh” vì lý do an ninh, cho đến khi tôi làm thủ tục xuất cảnh tại phi trường Tân Sơn Nhất để qua Mỹ thăm mẹ tôi bệnh nặng. Họ chỉ nói vì lý do an ninh và được hệ thống máy tính báo lại khi tôi trình hộ chiếu.

Khi tôi yêu cầu văn bản thì họ in từ hệ thống ra giấy tạm hoãn, và lúc đó tôi mới biết là mình bị hoãn xuất cảnh từ một năm trước, và bị hoãn trong thời hạn là hai năm. Lý do an ninh là một lý do mù mờ, vô căn cứ vì tôi chẳng làm gì hại đến an ninh quốc gia cả. Về nguyên tắc thì khi cấm tôi xuất cảnh phải báo cho biết cả về lý do lẫn thời hạn.

Tôi là một người làm việc trong ngành tư pháp mà còn bị đối xử như thế thì làm sao còn công lý với dân thường?”

 

Nhà báo Võ Văn Tạo, người từng làm Hội thẩm Nhân dân Tòa án Nhân dân Thành phố Nha Trang 10 năm kể với RFA rằng, giữa năm 2015 ông qua Singapore về thì bị giữ tại phi trường Tân Sơn Nhất 12 giờ đồng hồ. Sau đó họ trả lại hộ chiếu và cho về. Ba tháng sau đó, ông có việc qua Campuchia thì bị chặn lại không cho đi và giữ luôn hộ chiếu đến nay chưa trả. Ông Tạo khẳng định việc làm của bên an ninh Việt Nam là trái pháp luật.

 

“Năm 2015, khi qua cổng kiểm tra an ninh họ chặn lại và thông báo bằng miệng, không có một quyết định nào hết là tôi không được phép xuất cảnh. Đến năm 2018, khi tôi phát hiện mình bị ung thư phổi giai đoạn cuối di căn vào xương. Khối u lớn không mổ được nên gia đình khuyên làm đơn gửi sở công an để họ tạo điều kiện cho đi chữa bệnh.

 

Mình đã nói trước là họ sẽ chẳng tạo điều kiện đâu. Nhưng vì chiều ý gia đình nên tôi cũng đưa những chứng cứ y tế xác nhận trình trạng bệnh có đóng dấu đầy đủ, những giấy tờ chứng minh đột biến gien, sinh thiết, tế bào…và cả giấy tờ từ những nơi đã tiếp nhận điều trị bệnh cho mình. Đầy đủ cả, kèm một là đơn nộp lên công an tỉnh. Nhưng rồi họ im lặng, có tạo điều kiện gì đâu.

 

Họ cứ nói chung chung là vì lý do an ninh quốc gia. Nhưng họ không nói rõ mình làm gì ảnh hưởng an ninh quốc gia. Họ cứ nói mù mờ như thế. Còn nói về mức độ vô nhân đạo thì không cho người bệnh nan y đi chữa bệnh là vô nhân đạo nhất.”

 

Điều 23 Hiến pháp năm 2013 ghi nhận: “Công dân có quyền tự do đi lại và cư trú ở trong nước, có quyền ra nước ngoài và từ nước ngoài về nước”. Tuy Hiến pháp quy định như vậy, nhưng những người hoạt động xã hội, người bất đồng chính kiến, những người hoạt động về tự do tôn giáo lại là đối tượng bị nhà nước không cho xuất cảnh.

 

--------------------

Tin, bài liên quan

THỜI SỰ

·        Cơ quan Nhà nước có thi hành đúng pháp luật hay không?

·        “Chị gái tôi bị cầm giữ như một con tin”

·        Làm sao để đóng góp cho đất nước?

·        Quyền tự do đi lại bị xâm phạm

·        Cấm xuất cảnh thu hộ chiếu vì sợ sự thật?





No comments:

Post a Comment