Tuesday, May 30, 2023

175 QUỐC GIA HỌP TẠI PARIS CHUẨN BỊ MỘT HIỆP ƯỚC CHỐNG Ô NHIỄM RÁC THẢI NHỰA (Trọng Thành / RFI)

 



175 quốc gia họp tại Paris chuẩn bị một hiệp ước chống ô nhiễm rác thải nhựa

Trọng Thành  -  RFI

Đăng ngày: 29/05/2023 - 14:10

https://www.rfi.fr/vi/qu%E1%BB%91c-t%E1%BA%BF/20230529-175-qu%E1%BB%91c-gia-h%E1%BB%8Dp-t%E1%BA%A1i-paris-chu%E1%BA%....BA%A3i-nh%E1%BB%B1a

 

Đại diện 175 quốc gia thành viên Liên Hiệp Quốc họp tại trụ sở Unesco, ở Paris, kể từ hôm nay, 29/05/2023, trong vòng 5 ngày, để thảo luận về một hiệp ước quốc tế chống ô nhiễm nhựa, dự kiến hoàn tất vào năm tới. Đây là vòng đàm phán thứ hai trong số 5 vòng đàm phán được lên kế hoạch. Vòng thứ nhất diễn ra tại Uruguay hồi tháng 11/2022 năm ngoái.

 

https://s.rfi.fr/media/display/402dd174-fa40-11ec-9ccd-005056a90284/w:980/p:16x9/AP21139534986026.webp

Ảnh minh họa: Rác thải nhựa trong một bãi rác hoang gần đập Alibeykoy, ngoại ô Istanbul. Ảnh chụp ngày 19/5/2021. AP - Mucahit Yapici

 

Chương trình Môi trường của Liên Hiệp Quốc, cơ sở tổ chức các đàm phán công bố một dự án nhằm giảm 80% rác thải nhựa từ đây đến 2040. Ba mảng hành động chính là tái sử dụng, tái chế và thay thế bao bì ny lon, hộp nhựa…, bằng các vật liệu khác. Các hóa chất độc hại, được sử dụng để chế tạo sản phẩm nhựa, cũng là mục tiêu nhắm đến trong báo cáo của Chương trình Môi trường của Liên Hiệp Quốc, trong số 13.000 hóa chất được sử dụng, có hơn 3.000 loại được coi là nguy hiểm.

 

Về tác hại của nhựa, trả lời RFI, bà Juliette Franquet, giám đốc của tổ chức phi chính phủ về môi trường Zero waste France cho biết thêm: 

 

‘‘Tác hại của nhựa vừa là do sản xuất từ các ​​nhiên liệu hóa thạch, tức là từ dầu mỏ và khí đốt, nhưng đồng thời cũng là do các chất phụ gia rất độc hại. Nhựa do đó rất có hại cho môi trường và sức khỏe của chúng ta. Hơn 700 loài động vật biển đang bị đe dọa bởi ô nhiễm nhựa. Giờ đây, chúng ta đang chứng kiến các hậu quả của một loại vật liệu đã được sử dụng ngày càng rộng rãi chỉ trong một vài thập niên. Chúng ta thấy nhựa trong nước, trong đất, thậm chí trong không khí. Các nghiên cứu chứng minh rằng những hậu quả đáng kể khi chúng ta hít phải nhựa, chúng ta ăn phải nhựa’’.

 

Cuộc chiến chống nạn ô nhiễm nhựa đầy thách thức, bởi hiện tại, sản lượng nhựa đã tăng hơn gấp đôi trong vòng 20 năm, với 460 triệu tấn, và có thể tăng gấp ba từ nay đến năm 2060, nếu không có biện pháp ngăn cản. 

 

.

Đối đầu giữa hai quan điểm

 

Tại cuộc đàm phán ở Paris lần này, nổi lên sự đối đầu giữa hai quan điểm. Một số nước, tiêu biểu là Trung Quốc, Mỹ, Ả Rập Xê Út, và các nước thuộc khối sản xuất dầu mỏ OPEP nói chung, có chủ trương bảo vệ các ngành công nghiệp hóa dầu quốc gia. Ngược lại, một liên minh khoảng 50 quốc gia, do Rwanda và Na Uy đứng đầu, bao gồm Liên Âu, Canada, Chilê, và Nhật Bản, đặt mục tiêu chấm dứt hoàn toàn ô nhiễm rác thải nhựa trước 2040. Điều đó cũng có nghĩa là cắt giảm mạnh việc sản xuất nhựa.

 

Để thúc đẩy đàm phán, trước thềm hội nghị toàn thể 175 quốc gia, các bộ trưởng và đại diện của hơn 50 quốc gia đã họp riêng vào ngày thứ Bảy, 27/05, tại Paris. Liên minh nói trên kêu gọi quốc tế đồng thuận về một hiệp ước với các biện pháp chế tài nghiêm ngặt trong lĩnh vực này.

 

Trả lời AFP, nhà hoạt động môi trường Diane Beaumenay-Joannet, thuộc tổ chức phi chính phủ Surfrider Foundation Europe, cho biết một trọng tâm của cuộc họp lần này tại Paris là vấn đề quan hệ Bắc – Nam (tức giữa các nước giàu và các nước nghèo), với các chủ đề chính là ‘‘trợ giúp phát triển, chia sẻ công nghệ, tài trợ’’. Bà Diane Beaumenay-Joannet cũng chỉ trích việc ‘‘các quốc gia phát triển tiêu thụ nhiều nhất cũng là những nước gây ô nhiễm nhất, và cũng chính họ chuyển khâu sản xuất sang các nước khác, chuyển rác thải sang các nước khác’’.

 

-----------------------------------

Các nội dung liên quan

LIÊN HIỆP QUỐC - Ô NHIỄM

Liên Hiệp Quốc muốn thông qua hiệp ước về ô nhiễm nhựa

 

Tạp chí Xã hội

Túi nhựa tự phân hủy sinh học có thực sự thân thiện với môi trường?

 

CHÂU Á - NHẬT BẢN

Nhật Bản ra biện pháp mới giảm thiểu rác thải nhựa

 





No comments:

Post a Comment