Wednesday, April 26, 2023

Ở MỘT THIÊN ĐƯỜNG MÙ KHÁC (VietTuSaiGon)

 



Ở một thiên đường mù khác

VietTuSaiGon

Thứ Hai, 04/24/2023 - 21:41 — VietTuSaiGon

https://www.rfavietnam.com/node/7611

 

Nhà văn Dương Thu Hương, người vừa đoạt giải văn chương danh giá Cino del Duca World Prize 2023 (được xem là đứng sau Nobel văn học), một người Pháp gốc Việt, có thể xem đó là niềm tự hào của người Việt. Nhưng, dường như các báo trong nước hoàn toàn im lặng về thông tin này, bù cho các trang báo quốc tế đưa tin về giải văn chương của Dương Thu Hương như một điểm sáng văn hóa. Tại sao lại có chuyện Quan Kế Huy đoạt Oscar được báo trong nước tung hê mặc dù ông gốc Hoa, ngược lại, Dương Thu Hương thì im lặng?

 

Điều này có vẻ như ứng với một tác phẩm của Dương Thu Hương - Những thiên đường mù. Ở một nơi, như bà nói, người ta đã chọt mắt con người để con người trở nên mù lòa và tin rằng sự mù lòa, tăm tối của mình là một thiên đường. Nữ nhà văn từng ngồi khóc trên đường Sài Gòn những ngày sau 30 tháng 4 năm 1975 sau khi bà nhận ra rằng mọi tuyên truyền để có cuộc “giải phóng thần thánh” miền Nam, tiến quân vào Sài Gòn là một cách chọc mù mắt nhiều thế hệ, người ta đã nhầm tưởng và đã tấn công vào một nền văn minh mà ở đó, mọi giá trị tự do, nhân văn đã được hình thành ổn định. Điều đó cũng đồng nghĩa với việc kẻ man rợ đã chiến thắng. Đương nhiên, với cái nhìn của một nhà văn đích thực, không chấp nhận thỏa hiệp với những cái phi nhân văn, thì đây là một nỗi đau lớn của nhân loại.

 

Và, tiếng khóc, những giọt nước mắt cũng như sự miệt mài dấn thân cho văn chương phản tỉnh, chấp nhận rủi ro với hành động phá vỡ các giá trị tưởng chừng ổn định và khuôn mẫu trong văn chương xã hội chủ nghĩa, thậm chí ném thẳng trái phá vào đại tự sự Cộng sản xã hội chủ nghĩa… Dương Thu Hương nhanh chóng trở thành cái gai trong mắt nhà lãnh đạo, và chuyện bà ngồi tù là chuyện dễ hiểu dưới chế độ độc tài, độc đảng.

 

Sau những tháng ngày ngồi tù, bà tị nạn chính trị sang Pháp, đây cũng là thời gian bà tiếp tục viết các tác phẩm Bên kia bờ ảo vọng, Đồi Bạch đàn, Lưu ly, Hậu cung của con tim… và đặc biệt là Đỉnh Cao Chói Lọi. Có thể nói rằng sau Những thiên đường mù, Đỉnh cao chói lọi là tác phẩm có tính phản tư chính trị đậm đặc của Dương Thu Hương và đương nhiên, đó như một biểu chữ phản ánh tính cách của nhà văn Dương Thu Hương.

 

Tác phẩm của Dương Thu Hương bị cấm xuất bản tại Việt Nam, chí ít là cho đến lúc này. Điều này dễ dàng lý giải tại sao các báo nhà nước tại Việt Nam tuyệt nhiên không đưa tin về giải thưởng danh giá của một nhà văn gốc Việt. Và ở một chừng mực khác, sự im lặng này vô hình trung vẽ ra một thiên đường mù khác giữa thiên đường xã hội chủ nghĩa này.

 

Chỉ cách đây vài chục giờ đồng hồ, tuổi trẻ Việt Nam đã xếp hàng, vây bủa lấy cô diễn viên chuyên đóng phim sex Nhật Bản, sự mừng đón này khiến người ta có thể nhầm tưởng rằng tuổi trẻ Việt Nam đang đón mừng một minh tinh màn bạc nào đó cỡ như Quan Kế Huy.

Nhưng mấy ai biết rằng cỡ một giọng ca được xem là nữ hoàng chân đất như Khánh Ly, khi ra Hà Nội ca hát, tuổi trẻ gần như không biết thông tin và đêm bà hát, tự dưng nhà hát Lớn cúp điện.

 

Thế thì không phải ngẫu nhiên mà cô diễn viên chuyên đóng phim giới tính xuất hiện ở Việt Nam trở thành tiêu điểm mừng đón của giới trẻ.

 

Điều này khiến cho nhiều người quan tâm đến văn hóa, chính trị và xã hội Việt Nam phải lắc đầu ngao ngán. Sự ngao ngán này không hẳn thất vọng về giới trẻ Việt Nam mà nó lại hướng sang phía các nhà lãnh đạo, những người có trách vụ quản lý và điều hướng văn hóa trong hệ thống nhà nước.

 

Hay nói khác đi, những thiên đường mù không những giảm bớt mà ngày càng trương nở, phì đại trên đất nước hình chữ S này, nó được bảo chứng bằng sự bưng bít thông tin và bất chấp nhu cầu văn hóa cũng như bất chấp sự phá vỡ căn cơ văn hóa, lũng đoạn các giá trị nhân văn và gây khủng hoảng thế hệ.

 

Các thế hệ liên tục nối nhau đi vào ngõ cụt, văn hóa một chiều nhanh chóng đẩy con người đến với tung hê, tuyên truyền, vỗ tay, xếp hàng và giành giật vật dục nhưng lại bỏ lơ mọi giá trị văn hóa có chiều kích nhân bản.

 

Chính vì lẽ này mà con người ngày càng trở nên máu lạnh và ù lì về chính trị, thậm chí sống cơ hội, xôi thịt, sống chết mặc bây. Nhưng bù vào đó, bản năng gốc về dục tính được cởi mở và tính tranh giành trong vật dục được phát huy hết cỡ.

 

Điều này lý giải tại sao thông tin các giải thưởng lớn mang tầm quốc tế với người Việt trở thành điểm nhạy cảm của chế độ và các tờ báo phải cân nhắc rất kĩ lưỡng khi chạy tin về văn hóa trong khi rất thoải mái chạy tin xe cán chó hoặc những thông tin kiểu như hôm nay diễn viên A, B, C nào đó ăn gì, mặc quần áo màu gì, đi đến đâu, thậm chí có những chuyện tế nhị lẽ ra không nên lên mặt báo thì người ta vẫn cho chạy và câu view bằng những thứ đó.

 

Thử nghĩ, nếu như thông tin về Dương Thu Hương được loan tải tại Việt Nam, điều này cũng đồng nghĩa với việc báo chí thông tin cho đại chúng biết rằng Việt Nam có một nhà văn tên Dương Thu Hương, đã đoạt giải danh giá, và bạn đọc sẽ đi tìm tác phẩm của nhà văn ấy bằng nhiều cách, thậm chí người ta đặt câu hỏi về việc tác phẩm của bà bị cấm xuất bản tại Việt Nam.

 

Hay nói khác đi, việc thông tin về giải thưởng danh giá của Dương Thu Hương tại Việt Nam chẳng khác nào giới thiệu bà đến độc giả và quảng cáo bà trước bạn đọc, đây là việc tối kị của nhà cầm quyền. Bởi nó chẳng mang lại bất kì lợi lộc nào cho chế độ, thậm chí nó còn vạch trần chế độ thêm một lần nữa.

 

Mặc dù báo chí nhà nước không loan tin, nhưng với đại đa số người cầm bút tại Việt Nam, mỗi giải thưởng danh giá hay giải thưởng nhỏ của một nhà văn gốc Việt ở bên ngoài Việt Nam hoặc đang sống ngay trong nước được bên ngoài trao giải đều là tin vui và điều đó đóng vai trò động viên, khích lệ cũng như lên dây cót cho các lựa chọn dũng cảm, dám nói, dám viết của rất nhiều người.

 

Điều này dẫn đến hệ quả nhà văn biết phản tỉnh, phản tư ngày càng nhiều và tác phẩm có cái nhìn đa diện, không ngại đụng chạm với đảng cầm quyền cũng ngày càng nhiều tỉ lệ.

Một khi văn chương vượt thoát được các biên kiến về chính trị để phản ánh sắc thái dân tộc, phản ánh chiều kích văn hóa cũng như các giá trị lịch sử, chính trị, kinh tế, môi trường và đời sống xã hội của dân tộc đó, thì mới có thể hi vọng được về sự phát triển tầm vóc của tác phẩm văn chương.

 

Ngược lại, tác phẩm quanh quẩn trong những thiên đường mù, nó sẽ biến thành loại thuốc độc gây mù cho cả mắt và trí tuệ của dân tộc.

 

Bởi vậy, còn lâu lắm Dương Thu Hương mới được nhắc tên một cách chính thức, chính qui tại Việt Nam!

 

Nhà văn Dương Thu Hương, người vừa đoạt giải văn chương danh giá Cino del Duca World Prize 2023 (được xem là đứng sau Nobel văn học), một người Pháp gốc Việt, có thể xem đó là niềm tự hào của người Việt. Nhưng, dường như các báo trong nước hoàn toàn im lặng về thông tin này, bù cho các trang báo quốc tế đưa tin về giải văn chương của Dương Thu Hương như một điểm sáng văn hóa. Tại sao lại có chuyện Quan Kế Huy đoạt Oscar được báo trong nước tung hê mặc dù ông gốc Hoa, ngược lại, Dương Thu Hương thì im lặng?

 

Điều này có vẻ như ứng với một tác phẩm của Dương Thu Hương - Những thiên đường mù. Ở một nơi, như bà nói, người ta đã chọt mắt con người để con người trở nên mù lòa và tin rằng sự mù lòa, tăm tối của mình là một thiên đường. Nữ nhà văn từng ngồi khóc trên đường Sài Gòn những ngày sau 30 tháng 4 năm 1975 sau khi bà nhận ra rằng mọi tuyên truyền để có cuộc “giải phóng thần thánh” miền Nam, tiến quân vào Sài Gòn là một cách chọc mù mắt nhiều thế hệ, người ta đã nhầm tưởng và đã tấn công vào một nền văn minh mà ở đó, mọi giá trị tự do, nhân văn đã được hình thành ổn định. Điều đó cũng đồng nghĩa với việc kẻ man rợ đã chiến thắng. Đương nhiên, với cái nhìn của một nhà văn đích thực, không chấp nhận thỏa hiệp với những cái phi nhân văn, thì đây là một nỗi đau lớn của nhân loại.

 

Và, tiếng khóc, những giọt nước mắt cũng như sự miệt mài dấn thân cho văn chương phản tỉnh, chấp nhận rủi ro với hành động phá vỡ các giá trị tưởng chừng ổn định và khuôn mẫu trong văn chương xã hội chủ nghĩa, thậm chí ném thẳng trái phá vào đại tự sự Cộng sản xã hội chủ nghĩa… Dương Thu Hương nhanh chóng trở thành cái gai trong mắt nhà lãnh đạo, và chuyện bà ngồi tù là chuyện dễ hiểu dưới chế độ độc tài, độc đảng.

 

Sau những tháng ngày ngồi tù, bà tị nạn chính trị sang Pháp, đây cũng là thời gian bà tiếp tục viết các tác phẩm Bên kia bờ ảo vọng, Đồi Bạch đàn, Lưu ly, Hậu cung của con tim… và đặc biệt là Đỉnh Cao Chói Lọi. Có thể nói rằng sau Những thiên đường mù, Đỉnh cao chói lọi là tác phẩm có tính phản tư chính trị đậm đặc của Dương Thu Hương và đương nhiên, đó như một biểu chữ phản ánh tính cách của nhà văn Dương Thu Hương.

 

Tác phẩm của Dương Thu Hương bị cấm xuất bản tại Việt Nam, chí ít là cho đến lúc này. Điều này dễ dàng lý giải tại sao các báo nhà nước tại Việt Nam tuyệt nhiên không đưa tin về giải thưởng danh giá của một nhà văn gốc Việt. Và ở một chừng mực khác, sự im lặng này vô hình trung vẽ ra một thiên đường mù khác giữa thiên đường xã hội chủ nghĩa này.

 

Chỉ cách đây vài chục giờ đồng hồ, tuổi trẻ Việt Nam đã xếp hàng, vây bủa lấy cô diễn viên chuyên đóng phim sex Nhật Bản, sự mừng đón này khiến người ta có thể nhầm tưởng rằng tuổi trẻ Việt Nam đang đón mừng một minh tinh màn bạc nào đó cỡ như Quan Kế Huy.

Nhưng mấy ai biết rằng cỡ một giọng ca được xem là nữ hoàng chân đất như Khánh Ly, khi ra Hà Nội ca hát, tuổi trẻ gần như không biết thông tin và đêm bà hát, tự dưng nhà hát Lớn cúp điện.

 

Thế thì không phải ngẫu nhiên mà cô diễn viên chuyên đóng phim giới tính xuất hiện ở Việt Nam trở thành tiêu điểm mừng đón của giới trẻ.

 

Điều này khiến cho nhiều người quan tâm đến văn hóa, chính trị và xã hội Việt Nam phải lắc đầu ngao ngán. Sự ngao ngán này không hẳn thất vọng về giới trẻ Việt Nam mà nó lại hướng sang phía các nhà lãnh đạo, những người có trách vụ quản lý và điều hướng văn hóa trong hệ thống nhà nước.

 

Hay nói khác đi, những thiên đường mù không những giảm bớt mà ngày càng trương nở, phì đại trên đất nước hình chữ S này, nó được bảo chứng bằng sự bưng bít thông tin và bất chấp nhu cầu văn hóa cũng như bất chấp sự phá vỡ căn cơ văn hóa, lũng đoạn các giá trị nhân văn và gây khủng hoảng thế hệ.

 

Các thế hệ liên tục nối nhau đi vào ngõ cụt, văn hóa một chiều nhanh chóng đẩy con người đến với tung hê, tuyên truyền, vỗ tay, xếp hàng và giành giật vật dục nhưng lại bỏ lơ mọi giá trị văn hóa có chiều kích nhân bản.

 

Chính vì lẽ này mà con người ngày càng trở nên máu lạnh và ù lì về chính trị, thậm chí sống cơ hội, xôi thịt, sống chết mặc bây. Nhưng bù vào đó, bản năng gốc về dục tính được cởi mở và tính tranh giành trong vật dục được phát huy hết cỡ.

 

Điều này lý giải tại sao thông tin các giải thưởng lớn mang tầm quốc tế với người Việt trở thành điểm nhạy cảm của chế độ và các tờ báo phải cân nhắc rất kĩ lưỡng khi chạy tin về văn hóa trong khi rất thoải mái chạy tin xe cán chó hoặc những thông tin kiểu như hôm nay diễn viên A, B, C nào đó ăn gì, mặc quần áo màu gì, đi đến đâu, thậm chí có những chuyện tế nhị lẽ ra không nên lên mặt báo thì người ta vẫn cho chạy và câu view bằng những thứ đó.

 

Thử nghĩ, nếu như thông tin về Dương Thu Hương được loan tải tại Việt Nam, điều này cũng đồng nghĩa với việc báo chí thông tin cho đại chúng biết rằng Việt Nam có một nhà văn tên Dương Thu Hương, đã đoạt giải danh giá, và bạn đọc sẽ đi tìm tác phẩm của nhà văn ấy bằng nhiều cách, thậm chí người ta đặt câu hỏi về việc tác phẩm của bà bị cấm xuất bản tại Việt Nam.

 

Hay nói khác đi, việc thông tin về giải thưởng danh giá của Dương Thu Hương tại Việt Nam chẳng khác nào giới thiệu bà đến độc giả và quảng cáo bà trước bạn đọc, đây là việc tối kị của nhà cầm quyền. Bởi nó chẳng mang lại bất kì lợi lộc nào cho chế độ, thậm chí nó còn vạch trần chế độ thêm một lần nữa.

 

Mặc dù báo chí nhà nước không loan tin, nhưng với đại đa số người cầm bút tại Việt Nam, mỗi giải thưởng danh giá hay giải thưởng nhỏ của một nhà văn gốc Việt ở bên ngoài Việt Nam hoặc đang sống ngay trong nước được bên ngoài trao giải đều là tin vui và điều đó đóng vai trò động viên, khích lệ cũng như lên dây cót cho các lựa chọn dũng cảm, dám nói, dám viết của rất nhiều người.

 

Điều này dẫn đến hệ quả nhà văn biết phản tỉnh, phản tư ngày càng nhiều và tác phẩm có cái nhìn đa diện, không ngại đụng chạm với đảng cầm quyền cũng ngày càng nhiều tỉ lệ.

Một khi văn chương vượt thoát được các biên kiến về chính trị để phản ánh sắc thái dân tộc, phản ánh chiều kích văn hóa cũng như các giá trị lịch sử, chính trị, kinh tế, môi trường và đời sống xã hội của dân tộc đó, thì mới có thể hi vọng được về sự phát triển tầm vóc của tác phẩm văn chương.

 

Ngược lại, tác phẩm quanh quẩn trong những thiên đường mù, nó sẽ biến thành loại thuốc độc gây mù cho cả mắt và trí tuệ của dân tộc.

 

Bởi vậy, còn lâu lắm Dương Thu Hương mới được nhắc tên một cách chính thức, chính qui tại Việt Nam!

 

VietTuSaiGon's blog





No comments:

Post a Comment