Saturday, April 1, 2023

HỌC GIẢ hay GIÁN ĐIỆP? (Nguyễn Xuân Diện) - BỞI VÌ SÁCH KHÔNG CHỈ LÀ SÁCH (Phạm Việt Hưng)

 



Học giả hay Gián điệp?

Nguyễn Xuân Diện

29 Tháng Ba, 2023

http://vanviet.info/tren-facebook/hoc-gia-hay-gin-diep/

 

Đây là cái kính có gắn camera của một nữ học giả Trung Quốc, làm việc ở Viện nghiên cứu biển Nam Trung Hoa (Biển Đông của VN) thuộc Đại học Hạ Môn – Trung Quốc, dùng để chụp trộm tài liệu quý của Viện Nghiên cứu Hán Nôm.

 

Dung lượng của kính này là 64 GB. Ả này bị thủ thư phòng đọc bắt quả tang, lập biên bản có sự chứng kiến của An ninh A87, Bộ Công an.

 

https://scontent-sjc3-1.xx.fbcdn.net/v/t1.6435-9/45024635_1930395757263386_6957266936942034944_n.jpg?stp=dst-jpg_s600x600&_nc_cat=110&ccb=1-7&_nc_sid=8bfeb9&_nc_ohc=jkTKRT6V_lgAX-uE5HX&_nc_ht=scontent-sjc3-1.xx&oh=00_AfCFwvAfPp-UksE8GCS60C5LUqJTCVmFkE1joHSOfJAfiw&oe=644A8CA0

Chiếc kính mà vị “học giả” Trung Quốc đã dùng để chụp trộm tài liệu của Viện Nghiên cứu Hán Nôm

 

Cô này ngồi hươ hươ một lúc chụp được 175 trang sách và dữ liệu tự động chuyển từ kính sang điện thoại và máy tính luôn (máy tính và điện thoại không được mang vào chỗ ngồi), không cần dây nối.

 

Sự việc xảy ra sáng 30 tháng 10 năm 2018.

 

Viện Nghiên cứu Hán Nôm cấm cửa cô ả này. Đây là lần thứ hai bọn học giả Tàu bị bắt quả tang, lập biên bản khi chụp trộm tài liệu quý của Viện Nghiên cứu Hán Nôm.

 

Cô ả đến Việt Nam theo đường bộ qua cửa khẩu Hữu Nghị. Và đến đọc sách buổi đầu tiên tại Viện Nghiên cứu Hán Nôm sáng 30 tháng 10 năm 2018.

 

Cô này đã có 2 đơn xin được đọc sách tại Viện Nghiên cứu Hán Nôm, đơn thứ nhất gồm khoảng 200 cuốn sách.

 

Đơn thứ nhất có các tài liệu liên quan đến lịch sử, địa lý, cương vực nên ông Phó Viện trưởng không đồng ý cho đọc.

 

Đơn thứ 2 cô ta đưa ra 15 đầu sách thì ông Phó Viện trưởng chỉ đồng ý với 7 đầu sách.

 

Trong 7 đầu sách thì có 4 cuốn thuộc bộ sách "Minh Mệnh chính yếu", tức là những ghi chép chủ yếu về các mặt của đời sống Việt Nam vào thời vua Minh Mạng.

 

"Minh Mệnh chính yếu" chính là tài liệu mà nữ học giả kia chụp lén.

 

"Minh Mệnh chính yếu" ghi chép các chính sách quan trọng dưới triều Minh Mệnh, chia thành 22 mục: Kính Thiên, Pháp tổ, Đôn thân, thể thần, Cầu hiền, Kiến quan, Cần chính, Ái dân, Trọng nông, Sùng kiệm, Lễ nhạc, giáo hóa, Chế binh, Thận hình, Tài phú, Pháp độ, Dùng văn, Phân vũ, Quảng ngôn lộ, Cố phong thủ, Phủ biến, Khu viễn.

 

Theo PGS.TS Trịnh Khắc Mạnh, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Hán Nôm:

 

Trong tác phẩm Minh Mệnh chính yếu 明命政要 có đoạn ghi về Hoàng Sa như sau: “英吉利商船遭風難于黃沙, 逸入平定省九十餘人. 帝命省臣宣旨賑給, 皆叩頭長跪不已. 衷懷感激溢於言貌. 省臣以聞”(Thương thuyền nước Anh gặp nạn ở Hoàng Sa, hơn 90 người trôi dạt vào tỉnh Bình Định. Nhà vua sai tỉnh thần tuyên chỉ chẩn cấp, mọi người đều cúi đầu lạy tạ mãi. Sự cảm động trong lòng của họ thể hiện ra lời nói và khuôn mặt. Tỉnh thần đã tâu lên).

 

Ngày 31.10.2018, tôi đã đăng thông tin tại đây. Bài đã có 5.100 like và 3073 lượt chia sẻ, 971 bình luận.

 

N.X.D

 

=============================================

 

Bởi vì sách không chỉ là sách  

Phạm Việt Hưng

1 Tháng Tư, 2023

http://vanviet.info/van-de-hom-nay/boi-v-sch-khng-chi-l-sch/

 

Phải coi sách cổ là tài liệu hiện vật lịch sử vô giá chứ không chỉ là một dạng ghi chép văn bản. Nếu không thì việc mất sách cổ sẽ còn tái diễn.

 

Sự việc Viên Nghiên cứu Hán Nôm mất sách cổ phát lộ hồi cuối năm ngoái thu hút sự quan tâm đặc biệt của giới sử học và nhiều nhà nghiên cứu văn hóa trong nước. Hôm qua (30/3), bản viện lại tiếp tục ra Thông cáo số 3 về việc mất/thất lạc và hư hại tài liệu Hán Nôm và như mấy tháng qua: Vẫn chưa “chỉ mặt, đặt tên” được ai là người phải chịu trách nhiệm cho vụ việc nghiêm trọng này.

 

Trong Thông cáo số 3 này có đoạn: “Sự việc mất/thất lạc và hư hại tài liệu cần được giải quyết trên tinh thần trân trọng tài liệu một cách đúng mức (không hạ thấp, không thổi phồng) và tinh thần khoa học nghiêm túc; giải quyết một cách công khai, minh bạch, có căn cứ pháp lí”.

 

Cũng trong thông cáo mới nhất này, cụm từ “photocopy”, “bản sao” được lặp lại rất nhiều lần. Việc này mang tính chất thống kê, nhưng bị một số người hiểu nhầm rằng, cho dù mất sách thì bản sao vẫn còn, hàm ý không ảnh hưởng tới việc mất nội dung hay công tác nghiên cứu. Trên thực tế, trong Thông cáo số 1, ngày 21/12/2022, điều này đã được Viện Nghiên cứu Hán Nôm nhắc tới ở điểm 11: “tức là nội dung sách không bị mất”.

 

Logic này là một cách hiểu sai rất tai hại, nên cần phải minh định một số điều sau về sách.

Trong công tác nghiên cứu lịch sử, văn hóa, việc lưu giữ bản gốc sách có ý nghĩa cực kỳ quan trọng. Nó không chỉ nằm ở nội dung các trang sách mà nó là dạng tư liệu vật lý có thật. Tư liệu ấy có niên đại, có thể được xác định bằng nhiều cách bao gồm cả các công cụ khoa học. Tư liệu ấy còn lưu trữ các thông tin về địa điểm, quá trình, diễn biến và có đời sống riêng – những thứ không chỉ nằm ở nội dung văn tự bên trong các trang sách.

 

Bản sách gốc như một dấu mốc có thật để chứng minh vô vàn những thứ mà bản sao không bao giờ làm được.

 

Để cho dễ hiểu, chúng ta thử hình dung việc chứng minh việc đánh dấu chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa chẳng hạn. Tư liệu lâu đời nhất chúng ta thu thập được có ghi nhận địa danh hai quần đảo này là bản đồ vẽ xứ Quảng Nam trong “Toàn tập thiên nam tứ chí lộ đồ thư” do Đỗ Bá, tự Công Đạo, biên soạn vào năm 1686. Cuốn sách bằng bằng chứng vật lý có thật để Việt Nam tuyên cáo với thế giới về tính lịch sử lâu đời của vấn đề – thứ mà dùng một bản sao sẽ hoàn toàn vô tác dụng mặc dù các nội dung giữa bản gốc và bản sao hoàn toàn không suy suyển.

 

Tương tự như vậy, nghiên cứu về người Việt cổ từ thời đồ đá cũ, người ta phải dùng những bằng chứng vật lý thu thập được từ núi Đọ (Thanh Hóa), chứ không thể dùng một thứ bản sao bằng thạch cao. Một hiện vật có niên đại 30,40 vạn năm mới có giá trị nghiên cứu, còn các bản sao dù có sao chép hoàn hảo tới đâu thì cũng là vô tác dụng.

 

Trong số những cuốn sách đã mất tại Viện Nghiên cứu Hán Nôm, có bản sách độc bản hàng trăm năm tuổi, lưu giữ chúng không chỉ là lưu giữ nội dung và phải coi đó là hiện vật lịch sử, là tài liệu của một thời kỳ, giai đoạn lịch sử và có giá trị vĩnh viễn.

 

Thế mới nói, coi sách chỉ là sách thì thật là… thất sách. Và chắc chắc, việc mất mát những tài liệu lịch sử vô giá của đất nước sẽ còn tái diễn dài dài nếu như không một ai phải chịu trách nhiệm cho điều này.

 

Nguồn: https://www.nguoiduatin.vn/boi-vi-sach-khong-chi-la-sach-a600718.html

 

 




No comments:

Post a Comment