NỘI DUNG :
CSIS: ‘2023 là năm tốt nhất để Biden mời Nguyễn Phú Trọng sang Mỹ’
Người Việt
.
Bước ngoặt mới cho quan hệ Việt-Mỹ?
Nguyễn Quang Dy
===============================================
.
.
CSIS: ‘2023 là năm tốt nhất để Biden mời Nguyễn Phú Trọng sang Mỹ’
Người Việt
March 30, 2023
https://www.nguoi-viet.com/hoa-ky/csis-2023-la-thoi-diem-tot-nhat-de-biden-moi-trong-sang-my/
WASHINGTON, DC (NV) – “Tổng Thống
Joe Biden nên để tên ông Nguyễn Phú Trọng, tổng bí thư đảng Cộng Sản Việt Nam,
vào danh sách khách mời của Tòa Bạch Ốc trong các tính toán ngoại giao năm 2023
bởi vì trong những năm gần đây Việt Nam nổi lên như một trong những đối tác
quan trọng nhất của Washington ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương và là quốc
gia trực tiếp đương đầu trước tham vọng khống chế vùng Đông Nam Á, đặc biệt khu
vực Biển Đông, của Trung Quốc.”
Đó là lời mở đầu của tác giả Murray Hiebert trong bài phân tích có tựa
đề “Biden Should Invite Vietnam’s Party Chief for a Visit” (tạm dịch “Biden nên
mời lãnh đạo đảng của Việt Nam thăm Mỹ”), đăng trên trang web của Trung Tâm
Nghiên Cứu Chiến Lược và Quốc Tế (Center for Strategic and International
Studies – CSIS) ở Washington, DC, hôm Thứ Hai, 27 Tháng Ba.
https://www.nguoi-viet.com/wp-content/uploads/2023/03/TS-biden-trong-1536x1062.jpeg
Phó
Tổng Thống Joe Biden (phải) cụng ly với Tổng Bí Thư Nguyễn Phú Trọng
trong bữa tiệc tại Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ, Washington, DC, hồi năm 2015. (Hình
minh họa: Brendan Smialowski/AFP via Getty Images)
Ông Hiebert là một nhà phân tích kỳ cựu của Trung Tâm Đông Nam Á tại
CSIS.
Tòa Bạch Ốc cho biết, hôm Thứ Tư, 29 Tháng Ba, Tổng Thống Joe Biden có
một cuộc điện đàm với Tổng Bí Thư Nguyễn Phú Trọng.
Thông cáo báo chí của Tòa Bạch Ốc đưa ra trong ngày cho biết: “Tổng Thống
Joe Biden hôm nay điện đàm với Tổng Bí Thư Nguyễn Phú Trọng của Việt Nam. Tổng
Thống Biden tái khẳng định Hoa Kỳ cam kết ủng hộ một Việt Nam mạnh mẽ, thịnh vượng,
tự cường, và độc lập, và nhắc rằng 2023 là kỷ niệm 10 năm quan hệ đối tác toàn
diện Việt Nam và Hoa Kỳ.”
“Hai nhà lãnh đạo cũng thảo luận tầm quan trọng của việc gia tăng và mở
rộng quan hệ song phương, trong khi cùng làm việc với nhau để giải quyết các
thách thức trong khu vực như thay đổi khí hậu, bảo đảm một Ấn Độ-Thái Bình
Dương tự do và rộng mở, và tình trạng môi trường tệ hại và an ninh dọc sông
Mekong. Tổng Thống Biden cũng nhấn mạnh cam kết của Hoa Kỳ đối với vai trò
trung tâm của ASEAN, tôn trọng nhân quyền, và hợp tác với Việt Nam trong các mục
tiêu khí hậu đầy tham vọng,” vẫn theo Tòa Bạch Ốc.
Trong bài viết của mình, ông Hiebert cũng nhắc sự kiện 10 năm quan hệ đối
tác toàn diện Việt-Mỹ.
Ông cho biết thêm Washington đã vận động Hà Nội trong nhiều năm để
xem xét nâng cấp mối quan hệ lên đối tác chiến lược nhưng Việt Nam từ chối, có
lẽ một phần do lo ngại phản ứng từ Trung Quốc.
Tuy nhiên, trong những tuần gần đây, Việt Nam tỏ ý sẵn sàng nâng cấp
quan hệ với Mỹ, nhưng muốn thực hiện điều này song song với chuyến thăm của
lãnh đạo đảng, tức ông Trọng, vẫn theo ông Hiebert.
Ông nhận định: “Đây là thời điểm lý tưởng cho Việt Nam vì Tổng Bí Thư
Trọng đã đến thăm Bắc Kinh ngay sau đại hội đảng Cộng Sản Trung Quốc kết thúc
vào Tháng Mười năm ngoái.”
Ông thêm, trên danh nghĩa, hai đảng cầm quyền tại Việt Nam và Trung Quốc
là tri kỷ về ý thức hệ, nhưng thực tế mối quan hệ “anh em” này trở nên căng thẳng
kể từ khi Trung Quốc xua quân đánh sáu tỉnh biên giới phía Bắc Việt Nam vào năm
1979 và vụ Trung Quốc hạ đặt một giàn khoan dầu nước sâu khổng lồ trong vùng đặc
quyền kinh tế của Việt Nam hồi năm 2014.
Chuyến thăm của ông Trọng tới Bắc Kinh vào cuối năm ngoái giúp “giảm áp
lực” cho Việt Nam và có một “khoảng trống” để tăng cường quan hệ với Washington
trong những tháng tới và đây cũng là thời điểm tối ưu đối với Mỹ trước khi chuẩn
bị bước vào giai đoạn tranh cử tổng thống vào năm 2024, vốn được dự đoán là rất
gay gắt, vẫn theo tác giả.
Ông Hiebert viết tiếp rằng kể từ khi Việt Nam bình thường hóa quan hệ với
Mỹ vào năm 1995 và nhanh chóng xây dựng mối quan hệ kinh tế, chính trị và an
ninh với “kẻ cựu thù,” Hà Nội đã xem Washington như một hàng rào và “vùng đệm”
để chống lại Bắc Kinh. Những người Việt Nam có tinh thần độc lập kiên cường phải
rất thận trọng khi tăng cường quan hệ với người Mỹ bởi vì từ Hà Nội đến biên giới
Trung Quốc chỉ chưa đầy 60 dặm.
Xét đến mối quan hệ chặt chẽ giữa Mỹ và Việt Nam trên nhiều lĩnh vực hợp
tác đôi bên thì đã “quá lâu” không có một chuyến đi thăm chính thức của một nhà
lãnh đạo Việt Nam đến Mỹ.
Việt Nam chưa có chuyến thăm chính thức tới Mỹ kể từ khi cựu Thủ Tướng
Nguyễn Xuân Phúc đến thăm vào năm 2017. Ông Trọng đã đến thăm Washington một lần
trước đó vào năm 2015 dưới thời Tổng Thống Barack Obama. Phó tổng thống khi đó
là ông Biden đã đón tiếp người đứng đầu đảng Cộng Sản Việt Nam tại một bữa ăn
trưa ở Bộ Ngoại Giao vì ngoại trưởng Mỹ lúc đó là ông John Kerry bị mắc kẹt ở
Pháp sau khi bị thương trong một vụ tai nạn xe đạp.
Ông Hiebert cho biết thêm, một số người đặt câu hỏi liệu ông Trọng, 78
tuổi, và gặp một số vấn đề về sức khỏe trong những năm gần đây, có đủ sức khỏe
cho chuyến bay kéo hơn 20 giờ tới Washington, DC hay không. Những người gần đây
khi gặp nhà lãnh đạo đảng Cộng Sản Việt Nam này tin chắc rằng ông Trọng có thể
chịu đựng được chuyến đi nếu có những chặng nghỉ một vài lần trên đường.
Việc ông Trọng là nhà lãnh đạo nước ngoài đầu tiên đến thăm Bắc Kinh
sau đại hội đảng Trung Quốc năm ngoái và trong những tháng gần đây cách chức một
số quan chức có vẻ nghiêng về phương Tây vì cáo buộc tham nhũng đã làm dấy lên
đồn đoán rằng nhà lãnh đạo Việt Nam và đảng có thể xoay trục về phía Trung Quốc,
theo ông Hiebert.
Hình : https://www.nguoi-viet.com/wp-content/uploads/2023/03/Thong-Cao-Toa-Bach-Oc.jpg
Bản
thông cáo của Tòa Bạch Ốc về cuộc điện đàm giữa Tổng Thống Joe Biden và Tổng Bí
Thư Nguyễn Phú Trọng. (Hình: Chụp qua màn hình)
Nhưng các nguồn tin ở Việt Nam lập luận rằng, theo ông Hiebert, chuyến
thăm Bắc Kinh của Tổng Bí Thư Trọng đã giúp ông “rảnh tay” với Trung Quốc một
thời gian để nâng cấp quan hệ với Mỹ lên mức “đối tác chiến lược,” điều mà Hà Nội
đã từng làm với Bắc Kinh nhiều năm trước đó.
“Điều đáng chú ý là ông Trọng bắt đầu chiến dịch chống tham nhũng lần đầu
tiên cách đây hơn một thập niên, vì vậy nguồn gốc của chiến dịch này khó có thể
nói là ông sao chép sáng kiến từ ông Tập Cận Bình, chủ tịch Trung Quốc,” ông
Hiebert cho biết. “Do đó, nếu có một lời mời từ Washington sẽ kiểm tra suy đoán
từ một số quan sát cho rằng ông Trọng tìm cách tái cân bằng với Bắc Kinh.”
.
Theo ông Murray Hiebert, Việt Nam và Mỹ có thể cân
nhắc đưa bốn trọng điểm sau đây vào quan hệ đối tác chiến lược:
- Trước hết, Washington và Hà Nội có thể
tìm một thỏa thuận nhằm thúc đẩy khả năng phục hồi của chuỗi cung ứng để bảo đảm
nguồn đầu vào ổn định và đa dạng, đặc biệt là trong lĩnh vực kỹ nghệ. Hai bên
có thể khám phá việc bổ sung chuyển giao công nghệ và tạo thuận lợi cho thương
mại song phương. Việt Nam là một trong những nước hưởng lợi nhiều nhất khi các
công ty ngoại quốc như Apple tìm kiếm các cơ hội sản xuất thay thế trong bối cảnh
căng thẳng gia tăng giữa Washington và Bắc Kinh trong những năm gần đây.
- Thứ hai, Việt Nam và Mỹ coi an ninh ở Biển Đông là ưu tiên
hàng đầu. Khi Hà Nội tìm cách hiện đại hóa quân đội vào năm 2030 và đa dạng hóa
để không phụ thuộc vào thiết bị của Nga, Washington có thể giúp cung cấp cho Việt
Nam công nghệ để bảo vệ chủ quyền (bao gồm cả thông qua thương mại quốc phòng)
và nâng cao nhận thức của Việt Nam về những gì Trung Quốc và các nước khác đang
làm ở vùng biển tranh chấp. Mỹ quan tâm đến việc đẩy mạnh các cuộc tập trận
chung giữa lực lượng tuần duyên và các chiến hạm hải quân đôi bên, điều mà Việt
Nam hiện phần nào vẫn tỏ ý “miễn cưỡng” tham gia.
- Thứ ba, hai nước có thể đẩy mạnh hợp tác ứng phó với biến
đổi khí hậu, trọng tâm là bảo vệ môi trường vùng đồng bằng sông Mekong màu mỡ
đang bị đe dọa nghiêm trọng vì các đập thủy điện ở thượng nguồn sông, trong đó
có một số đập do Trung Quốc xây dựng. Đôi bên cũng có thể cùng phối hợp làm việc
để giảm lượng khí thải, thúc đẩy các nguồn năng lượng tái tạo và phát triển các
kỹ thuật nông nghiệp “thông minh.”
- Thứ tư, Hà Nội và Washington, vốn tổ chức nhiều cuộc đối
thoại hàng năm về nhiều chủ đề, có thể cân nhắc kết hợp những cuộc đối thoại
này thành một cuộc đối thoại quốc phòng và chiến lược cấp cao bao gồm hợp tác
an ninh, quan hệ đầu tư và thương mại, nhân quyền và biến đổi khí hậu. Hai phía
có thể hợp tác giải quyết những khó khăn về an ninh mạng và thực thi pháp luật
mặc dù hai chính phủ có quan điểm khác nhau về mức độ kiểm soát của nhà nước đối
với người dân của họ.
“Xét lịch trình chính trị ở Mỹ và Việt Nam, 2023 là năm tốt nhất để Mỹ
mời tổng bí thư Việt Nam sang thăm. Năm 2024 nước Mỹ sẽ bận rộn với không khí tranh
cử và năm 2025 ở Việt Nam là những cuộc đua trước thềm đại hội đảng lần thứ 14,
sẽ được tiến hành đầu năm 2026,” ông Hiebert kết luận. (MPL) [đ.d.]
.
==================================================
.
.
Bước ngoặt mới cho quan hệ Việt-Mỹ?
Nguyễn Quang Dy
https://nghiencuuquocte.org/2023/04/01/buoc-ngoat-moi-cho-quan-he-viet-my/
Năm 2015, TBT Nguyễn Phú Trọng đến thăm Mỹ và được Tổng thống Obama tiếp
chính thức tại Phòng Bầu Dục ở Nhà Trắng như khi đón tiếp nguyên thủ quốc gia.
Trong phát biểu của Phó Tổng thống Biden khi chiêu đãi TBT Nguyễn Phú Trọng tại
Bộ Ngoại Giao, ông đã đọc câu thơ Kiều “Trời còn để có hôm nay. Tan sương đầu
ngõ vén mây giữa trời”. Không biết ông Biden có định “bói Kiều” hay không,
nhưng có lẽ năm nay là thời điểm phù hợp để “vén mây giữa trời” và nâng cấp
quan hệ Việt-Mỹ.
Kỷ niệm 10 năm
Nhân dịp kỷ niệm 10 năm đối tác toàn diện giữa Mỹ
và Việt Nam (2013-2023), Tổng thống Biden đã điện đàm với TBT Nguyễn Phú Trọng
ngày 29/3/2023. Hai vị lãnh đạo đã “nhắc lại lời mời hai bên đi thăm lẫn nhau,
và vui vẻ nhận lời, giao cho các cơ quan liên quan thu xếp vào thời gian phù hợp”.
Đây là một sự kiện có ý nghĩa quan trọng, mở ra bước ngoặt mới cho quan hệ hai
nước.
Tuy chưa rõ “thời gian phù hợp” là khi nào, nhưng dư luận cho rằng chuyến
thăm Mỹ của TBT Nguyễn Phú Trọng có thể diễn ra vào tháng 7/2023. Ngoại trưởng
Antony Blinken có kế hoạch đi thăm Việt Nam vào tháng 4/2023, có thể để chuẩn bị
cho chuyến thăm của TBT Nguyễn Phú Trọng. Trong thời gian gần đây, nhiều đoàn Mỹ
đã đến thăm Việt Nam, trong đó có sáu quan chức cao cấp và đoàn của Hội đồng
Kinh doanh Mỹ-ASEAN gồm 52 công ty.
Mấy năm nay, điện đàm cấp cao giữa lãnh đạo các nước đã trở thành bình
thường, nhưng cuộc điện đàm này đặc biệt quan trọng và nhạy cảm, nên Việt Nam
không muốn làm ồn ào vì “yếu tố Trung Quốc”. Việt Nam đã thận trọng và kiên nhẫn
chờ thời cơ thích hợp, với phương châm “coi thực chất quan hệ quan trọng hơn
hình thức”. Nay thời cơ chín muồi đã đến, sau khi TBT Nguyễn Phú Trọng đã đi
thăm Trung Quốc như một nước cờ thế.
Theo các chuyên gia phân tích, chuyến thăm Trung Quốc của TBT Nguyễn
Phú Trọng cuối 10/2022 đã “thử thách chính sách ngoại giao cây tre của Việt
Nam”. Sau khi Nga xâm lược Ukraine (24/2/2022), áp lực chọn phe chưa bao giờ mạnh
như thế, đe dọa phá vỡ sự cân bằng trong quan hệ của Việt Nam với các nước lớn
như Trung Quốc, Mỹ, và Nga.
Việt Nam buộc phải vận dụng “ngoại giao cây tre” với các nước lớn và
chơi cờ thế (hedging) để chờ thời cơ thay đổi tình thế nhằm “tái cân bằng chiến
lược”. Theo Alexander Vuving, Việt Nam phải nhượng bộ Trung Quốc về một số vấn
đề nhỏ để làm giảm áp lực trong các vấn đề lớn hơn có thể đe dọa ổn định và an
ninh quốc gia. Nhưng Vuving cho rằng “không có dấu hiệu Việt Nam sẵn sàng quay
trở lại quỹ đạo của Trung Quốc”.
Vuving cho rằng sẽ đến lúc Việt Nam và Mỹ tuyên bố “đối tác chiến lược”
khi lãnh đạo hai nước gặp nhau. Lẽ ra điều đó phải diễn ra từ lâu rồi nhưng
quan hệ Việt-Mỹ rất nhạy cảm vì yếu tố Trung Quốc. “Đây là yếu tố then chốt để
hình thành hay làm mất đi nội hàm chiến lược trong quan hệ hai nước”.
Cơ hội và rủi ro
Tại cuộc điều trần tại Thượng viện Mỹ (13/7/2021), ứng viên đại sứ mới
tại Việt Nam Marc Knapper nói rằng nâng cấp quan hệ hai nước lên đối tác chiến
lược là ưu tiên hàng đầu, ông sẽ thực hiện điều đó bằng cách tăng cường quan hệ
an ninh với Việt Nam. Đó không chỉ là ưu tiên của Đại sứ Knapper mà còn là ưu
tiên của chính quyền Biden. Lâu nay nhiều người vẫn lo ngại cam kết của đại sứ
mới có thể bất khả thi vì còn nhiều rào cản.
Trong một lần trao đổi với báo chí ở Hà Nôi cuối năm 2022, đại sứ
Knapper tự tin hơn khi nói rằng năm 2023 hai nước sẽ kỷ niệm 10 năm quan hệ đối
tác toàn diện. Đó là dịp tốt để hai nước có thể nâng cấp lên đối tác chiến lược,
vì quan hệ hai nước “về bản chất cốt lõi mang tầm chiến lược”. Ông nhấn mạnh “nếu
đây không phải là quan hệ đối tác chiến lược thì tôi không biết như thế nào mới
là chiến lược”, và cho rằng “bầu trời là giới hạn”.
Đại sứ Knapper lạc quan “Trên cơ sở những giá trị chung, lợi ích chung
và lòng tin giữa hai nước, chúng tôi thực sự tin tưởng rằng việc nâng cấp quan
hệ lên đối tác chiến lược sẽ mở ra nhiều cánh cửa để hai nước hợp tác chặt chẽ
hơn nữa”. Các đại sứ Mỹ tiền nhiệm vẫn tiếp tục hoạt động tích cực nhằm thúc đẩy
quan hệ hai nước, trong đó có Đại sứ Daniel Krittenbrink (hiện là trợ lý ngoại
trưởng) và Đại sứ Ted Osius (hiện là chủ tịch Hội đồng kinh doanh Mỹ – ASEAN).
Hơn một năm qua, tuy quan hệ hai nước vẫn phát triển tốt về kinh tế và
an ninh quốc phòng, nhưng mục tiêu nâng cấp quan hệ lên đối tác chiến lược vẫn
dậm chân tại chỗ, chủ yếu vì lo ngại Trung Quốc phản ứng. Trong khi chiến tranh
Ukraine lôi kéo sự quan tâm của Mỹ và các cường quốc Châu Âu (như Anh, Pháp, Đức),
leo thang căng thẳng ở eo biển Đài Loan cũng lôi kéo sự quan tâm của Mỹ và các
cường quốc Châu Á (như Nhật).
Điều đó làm các nước khu vực (như ASEAN, Úc và Tân Tây Lan) lo ngại nếu
Mỹ và các cường quốc khác giảm mức ưu tiên ở khu vực này, Trung Quốc có thể
tranh thủ cơ hội để bắt nạt các nước tại Biển Đông và tăng cường ảnh hưởng đối
với các nước nhỏ tại Nam Thái Bình Dương. Tuy Chiến lược An ninh Quốc gia mới của
Mỹ vẫn khẳng định Trung Quốc là thách thức chính và đối thủ của Mỹ tại khu vực,
nhưng lo ngại đó vẫn chưa hết.
Tuy chính quyền Biden tăng cường củng cố quan hệ với các đồng minh và đối
tác, trong đó có khu vực Đông Nam Á, nhưng tình hình nội bộ bất ổn của Mỹ gần
đây về cả kinh tế và chính trị, cũng làm cho các nước khu vực này lo ngại về ưu
tiên và cam kết của Mỹ. Nếu ưu tiên của Mỹ ở khu vực Đông Bắc Á (bao gồm Đài
Loan) và với Philippines tăng lên, thì ưu tiên của Mỹ ở khu vực Đông Nam Á (bao
gồm Biển Đông) và với Việt Nam có thể giảm bớt xuống.
Tại sao 2023?
Theo Murray Hiebert (CSIS), “2023 là năm tốt nhất để Biden mời TBT Nguyễn
Phú Trọng sang thăm Mỹ”. Mấy năm qua, việc này đã bị trì hoãn vì yếu tố Trung
Quốc và tình trạng sức khỏe của ông Trọng. Nhưng năm 2024 Mỹ sẽ tranh cử tổng
thống, và năm 2025 Việt Nam sẽ chuẩn bị đại hội Đảng, nên sẽ khó đi thăm hơn. Vấn
đề sức khỏe của ông Trọng có thể giải quyết được nếu bố trí điểm dừng chân hợp
lý cho chuyến bay dài tới Mỹ.
Việt Nam gần đây đã nổi lên như một trong các đối tác quan trọng nhất của
Mỹ tại khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, và là một nước “tiền tuyến” chống
chọi sức ép từ Trung Quốc ở Đông Nam Á, nhất là tại Biển Đông. Trong bối cảnh Mỹ
và Trung Quốc tăng cường cạnh tranh chiến lược tại khu vực này, Việt Nam dễ bị
mắc kẹt, phải tìm cơ hội hóa giải bằng cách tăng cường quan hệ với Mỹ.
Trong nhiều năm qua, Mỹ đã vận động Việt Nam nâng cấp quan hệ lên đối
tác chiến lược, nhưng Hà Nội vẫn trì hoãn vì lo ngại Trung Quốc phản ứng. Nhưng
gần đây, Việt Nam tỏ ra sẵn sàng nâng cấp quan hệ lên đối tác chiến lược nếu Tổng
thống Biden mời TBT Nguyễn Phú Trọng sang thăm. Việc ông Trọng đi thăm Bắc Kinh
(10/2022) giúp Việt Nam có dư địa để nâng cấp quan hệ với Mỹ trong những tháng
tới.
Tuy ông Trọng đi thăm Bắc Kinh làm dấy lên tin đồn lãnh đạo Việt Nam có
thể xoay trục sang Trung Quốc. Nhưng các chuyên gia am hiểu tình hình khu vực
cho rằng việc ông Trọng đi thăm Bắc Kinh đã tạo ra tình huống (latitude) để ông
có thể đi thăm Washington nhằm nâng cấp quan hệ lên đối tác chiến lược. Vì vậy,
Hiebert cho rằng ông Trọng được Washington mời chính thức sẽ giúp xác nhận liệu
tin đồn nói trên là có cơ sở hay không.
Theo Hiebert, có bốn trụ cột cho đối tác chiến lược Việt-Mỹ. Một là thỏa
thuận nhằm thúc đẩy khả năng phục hồi chuỗi cung ứng. Hai là coi an ninh tại Biển
Đông là ưu tiên hàng đầu và Mỹ có thể giúp Việt Nam về công nghệ quốc phòng để
bảo vệ chủ quyền. Ba là tăng cường hợp tác đối phó với biến đổi khí hậu, chủ yếu
là bảo vệ môi trường đồng bằng sông Mekong. Bốn là tổ chức đối thoại cấp cao
hàng năm về chiến lược và quốc phòng.
Quan hệ Việt-Mỹ đã vượt qua một quãng đường dài, từ kẻ thù thành bạn,
nay là đối tác chiến lược. Nhưng trong bối cảnh cạnh tranh chiến lược Mỹ-Trung,
Việt Nam dễ mắc kẹt vì “yếu tố Trung Quốc. Vì vậy, TBT Nguyễn Phú Trọng không
thể đi thăm Trung Quốc vào năm 2019 vì lý do sức khỏe, cũng như vì “yếu tố
Trung Quốc” cản đường.
Sau cuộc gặp cấp cao Mỹ-Triều tại Hà Nội (2/2019) Tổng thống Donald
Trump đã mời TBT Nguyễn Phú Trọng thăm Mỹ. Tuy đó là một cơ hội tốt, nhưng Việt
Nam vẫn chưa sẵn sàng nâng cấp quan hệ lên đối tác chiến lược vì điều kiện chưa
chín muồi. Các chuyên gia cho rằng đối tác chiến lược Việt-Mỹ lúc đó còn một
khoảng cách khá xa.
Theo Derek Grossman (RAND) chuyến thăm Việt Nam của Phó Tổng thống
Harris (8/2021) đã mở đường cho Tổng thống Biden nâng cấp đối tác chiến lược với
Việt Nam. Trung Quốc tuy không muốn thấy điều đó, nhưng chắc họ không dại gì
phá vỡ hòa bình và ổn định khu vực, chỉ vì Việt Nam muốn tăng cường hợp tác an
ninh với Mỹ. Tuy nhiên, Washington không nên thúc ép Hà Nội phải chọn phe, trừ
phi Hà Nội sẵn sàng làm điều đó.
Lời cuối
Đến nay, Việt Nam đã có quan hệ đối tác chiến lược với 18 nước nhưng
chưa có Mỹ. Vì vậy, nâng cấp quan hệ với Mỹ lên đối tác chiến lược là một điều
tất yếu, chỉ là vấn đề thời gian. Nếu quá sớm cũng không được, hay quá muộn
cũng có hại cho Việt Nam, vì tương quan trong quan hệ Việt-Trung và Việt – Mỹ.
Nay cơ hội đã có và thời điểm đã tới. Nhưng đối tác chiến lược với Mỹ không
thay thế cho nội lực và cân bằng chiến lược nước lớn.
------------
Tham khảo
1)
Trump-Trọng Summit Remains in Limbo, Nguyen Quang Dy, YaleGlobal, January 2, 2020
2)
Veep Diplomacy: Managing US Ties in Asia, Nguyen Quang Dy, Asialink, 18 August 2021
3)
Will Vietnam Be America’s Next Strategic Partner? Alexander Vuving,
Diplomat, August 21, 2021
4)
Tương lai quan hệ Việt–Trung và Việt–Mỹ, Nguyen Quang Dy, NCQT, 31/10/2022
5)
Biden Should Invite Vietnams Party Chief for a Visit, Murray Hiebert, CSIS,
March 27, 2023
No comments:
Post a Comment