30/04 nghĩ về hoà
giải và tự do tư tưởng
Bùi Văn Phú
Gửi đến BBC Tiếng Việt từ Berkeley, California
29 tháng 4 năm 2023
https://www.bbc.com/vietnamese/articles/cy7pddv10rwo
Từ Ất Mão 1975 đến Quý Mão 2023 là 48 năm, tròn 4
con giáp từ ngày nước Việt Nam thống nhất.
Sau 10 năm với chính sách bao cấp khiến kinh tế
gặp khó khăn, từ dấu mốc “đổi mới” 1986 mở cửa giao thương với phương Tây, bỏ
chủ trương kinh tế tập trung, ban hành những cải cách cho giới tiểu thương tự
do kinh doanh, tạo ra nền kinh tế nhiều thành phần, bắt đầu từ đó Việt Nam phát
triển.
Những cải cách kinh tế đã đưa Việt Nam thoát
nghèo. Một thập niên sau “đổi mới”, Hoa Kỳ không còn chính sách cấm vận với Hà
Nội và hai nước nối lại bang giao, từ đó nền kinh tế Việt Nam tăng trưởng nhanh
đáng kể, đem lại nhiều cải thiện trong đời sống của dân. Hình ảnh xếp hàng mua
nhu yếu phẩm được thay bằng các cửa hàng tràn ngập thực phẩm cho người tiêu
dùng chọn lựa, xe đạp trên đường phố vắng dần, thay vào là xe gắn máy và ngày
nay xe ô tô cũng đã có nhiều.
Trước dịch Covid-19, trong gần hai thập niên
kinh tế Việt Nam tăng trung bình 7% mỗi năm. Theo số liệu của World Bank, năm
2000 GDP tính theo đầu người của Việt Nam là 395 USD, năm 2021 là 3756 USD.
Ngày nay Việt Nam được xếp vào hạng những quốc
gia có thu nhập bình quân theo đầu người ở mức trung.
Nhưng phát triển kinh tế đã không dẫn đến những
cải cách chính trị như nhiều người từng hy vọng. Ngược lại, Việt Nam, cũng như
Trung Quốc, tuy mở cửa giao thương với thế giới nhưng về chính trị nhà nước lại
gia tăng kiểm soát, không cho dân quyền tự do phát biểu quan điểm, không được lập
hội, không được tự do ứng cử. Những ai bất đồng quan điểm và chỉ trích nhà nước
thì bị trấn áp hay bỏ tù.
30/04: Việt Nam hoà giải
chưa xong nên vẫn phải cấm đoán, kiểm duyệt?
Có những ngày 30/04 trước
năm 1975 'không nhuốm màu chiến trận'
VNCH - VN Cộng sản:
Mỗi cuộc chiến phải nhiều lần chảy máu
Về mặt tư tưởng, qua Ban Tuyên giáo hay Bộ
Thông tin và Truyền thông thường có những quyết định cấm không cho phát hành,
hay thu hồi nếu đã được in, các tác phẩm gây nhức nhối cho lãnh đạo.
“Chuyện kể năm 2000” của Bùi Ngọc Tấn, “Petrus
Ký, nỗi oan thế kỷ” của nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Đầu hay việc Hội Nhà Văn cho
tái bản tác phẩm “Một cơn gió bụi” của Trần Trọng Kim là những thí dụ.
Nhiều sách của tác giả trong nước đã phải in
và phát hành ở hải ngoại như: “Đèn cù” của Trần Đĩnh, “Tiếng chim báo bão” của
Tiêu Dao Bảo Cự, “Hồi ký của một thằng hèn” của Tô Hải, “Suy tư và ước vọng” của
Nguyễn Thanh Giang, “Đổi mới, niềm vui chưa trọn” của Trần Độ.
https://ichef.bbci.co.uk/news/800/cpsprodpb/8286/live/dea5c0c0-e66a-11ed-a142-ab0e42bfd9c3.png
Tác phẩm của
Trần Đĩnh và Trần Độ xuất bản tại Hoa Kỳ
Trên phương diện truyền thông đại chúng, báo
chí thường nhận lệnh miệng không được đưa các tin “nhạy cảm”, có nghĩa là không
phù hợp với quan điểm của lãnh đạo.
Mới đây nhất, khi nhà văn Dương Thu Hương được
trao giải Cino Del Duca ở Pháp, các báo Tuổi Trẻ, Thanh Niên nhanh đưa tin, rồi
nhận lệnh phải vội gỡ bài xuống, chỉ vì nhà văn là người phê bình chế độ và
dùng văn chương để nói lên những hiện thực xã hội dưới chế độ cộng sản.
Khi nhà phê bình văn học Đặng Tiến qua đời bên
Pháp, báo chí trong nước cũng được lệnh không loan tin, dù ông là người ủng hộ
Hà Nội trong thời chiến tranh, đã về nước nhiều lần, gặp gỡ giao lưu rộng rãi với
giới sinh hoạt văn học nghệ thuật và có sách được xuất bản trong nước. Những
năm qua ông tham gia “Văn đoàn độc lập”, thành lập năm 2014 là một tổ chức đứng
ngoài sự kiểm soát của nhà nước.
Với chính sách kiểm duyệt văn hoá, những tác
phẩm không phù hợp với quan điểm chính thống sẽ không có cơ hội được phát hành
tại Việt Nam.
Nhà văn Nguyễn Phan Quế Mai với tác phẩm “The
Mountains Sing” xuất bản năm 2019 tại Hoa Kỳ, được nhiều nhà phê bình văn học
ca ngợi, nhưng tới nay vẫn không có bản tiếng Việt vì có nhắc đến cải cách ruộng
đất trong tác phẩm.
Tiểu thuyết “The Sympathizer” của Nguyễn Thanh
Việt được giải Pulitzer 2016 ở Mỹ cũng không có bản tiếng Việt phát hành trong
nước. Còn tác phẩm “The Refugees” của ông, được Phạm Viêm Phương dịch ra tiếng
Việt mang tên “Người tị nạn” (Nxb Hội Nhà Văn, 2017) thì bị kiểm duyệt, phải bỏ
đi truyện ngắn viết về sinh hoạt chống cộng của người Việt ở California.
Trước đây, khi tác giả Nguyễn Đức Tùng từ
Canada muốn tác phẩm “Thơ đến từ đâu” (Nxb Lao Động, 2009) – gồm những phỏng vấn
của ông với nhiều văn thi sĩ – được in trong nước thì chính ông đã làm việc rất
sát với biên tập viên của nhà xuất bản để nội dung được trung thực nhất, nhưng
khi tác phẩm ra đời một số nhà thơ nhà văn như Nam Dao, Thận Nhiên đã ngạc
nhiên và khi thấy nội dung phần phát biểu của họ không đúng ý như đã trả lời phỏng
vấn, mà theo nhà thơ Thận Nhiên còn trái ngược với ý của ông.
Dịch giả Dương Tường qua đời hồi tháng 2 vừa
qua, tiến sĩ sử học Trần Đức Anh Sơn trên Face Book ngày 25/2/2023 đã cho biết
là trong bản dịch tác phẩm “Roots” của nhà văn Mỹ Alex Haley viết về một gia
đình người nô lệ da đen, ông “phát hiện ra Dương Tường đã không dịch ba chương
cuối của bản gốc tiếng Anh (các chương 118, 119 và 120). Ông cũng lược bỏ hai
đoạn trong 117 chương mà ông đã dịch” trong bản dịch tiếng Việt “Cội rễ” đã xuất
bản (Nxb Tác Phẩm Mới, 1985).
Trong nước nay đã cho in bản dịch các sách
kinh điển về tư tưởng hay lý thuyết chính trị như “Cộng hoà – The Republic” của
Plato, “Chính thể đại diện – Representative Government” và “Bàn về tự do – On
Liberty” của John Stuart Mill, nhưng không rõ dịch chính xác như thế nào.
Hay những tác phẩm thời Việt Nam Cộng hoà, những
tác phẩm viết ở hải ngoại được phép in lại trong nước tôi cũng thường tự hỏi là
so với bản chính có bị sửa chữa, cắt bớt cho hợp với quan điểm nhà nước hay
không. Như tập trường thiên tiểu thuyết lịch sử “Sông Côn mùa lũ” của Nguyễn Mộng
Giác được in lại trong nước, được cả hãng phim của Đài Truyền hình TP. Hồ Chí
Minh mua bản quyền để chuyển thể thành phim bộ, hay những tác phẩm của Nguyễn
Thị Thuỵ Vũ, của nhóm Tự lực Văn đoàn, những sách của tác giả hải ngoại như Nhật
Tiến, Du Tử Lê, Bùi Vĩnh Phúc có bị kiểm duyệt hay sửa đổi gì không?
https://ichef.bbci.co.uk/news/800/cpsprodpb/4209/live/2a3997a0-e66b-11ed-a142-ab0e42bfd9c3.png
Chuyện vượt biển ít có tài liệu trong nước ghi lại. Cảnh nghĩa trang trại
tị nạn Galang, Indonesia
Nhà nước kêu gọi hoà giải, nhưng tất cả những
gì liên quan đến quá khứ hay lý lịch Việt Nam Cộng hoà, thuyền nhân vượt biển
thì không được hoan nghênh, tôn trọng, không cho phổ biến.
Năm 2005 Hà Nội đã dùng áp lực ngoại giao để
phá bỏ bia tưởng niệm thuyền nhân do cộng đồng người Việt dựng lên trong trại tị
nạn Galang ở Indonesia.
Diễn viên Quan Kế Huy khi nhận giải Oscar hồi
đầu năm nay đã phát biểu mình là gốc thuyền nhân tị nạn đã làm cho Ban Tuyên
giáo bực bội.
Hanni Phạm, người Úc gốc Việt là một ca sĩ
K-Pop nổi tiếng trong nhóm nhạc NewJeans ở Hàn Quốc đã bị binh đoàn AK-47 sỉ vả,
kêu gọi tẩy chay chỉ vì cô ca sĩ trẻ tuổi này là con, là cháu của một gia đình
gốc Việt Nam Cộng hoà luôn trân quí những giúp đỡ của nước Úc cho miền Nam
trong thời chiến tranh.
Ông Tô Văn Lai, giám đốc sáng lập của Thuý Nga
Paris By Night, qua đời cũng bị nhà nước cấm báo chí đưa tin, cho dù rất nhiều
người trong nước thích xem các chương trình ca nhạc của trung tâm này.
Ngay cả hai nhạc sĩ danh tiếng nhất của Việt
Nam là Trịnh Công Sơn và Phạm Duy nhà nước cũng không muốn họ có gì liên hệ với
chế độ Việt Nam Cộng hoà.
Phim “Đất khổ” về nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, của
đạo diễn Hà Thúc Cần thực hiện năm 1973, bị cấm chiếu khi đó vì mang tiếng phản
chiến. Thế nhưng 35 năm sau, trong dịp giỗ nhạc sĩ vào năm 2008, ban tổ chức muốn
chiếu vài đoạn khi ca sĩ hát những “Ca khúc Da vàng”, nhưng an ninh không cho phép,
theo lời của thi sĩ Đỗ Trung Quân là người có tham gia tổ chức lễ giỗ. Gia đình
của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn có bản DVD phim, nhưng không bao giờ chiếu công khai
cho công chúng được xem.
Nhạc sĩ Phạm Duy, bỏ quốc tịch Mỹ trở về nước
sinh sống và đã hồi tịch, được cấp chứng minh nhân dân, tuy thế phần lớn các ca
khúc của ông vẫn chưa được phép phổ biến trong nước. Nhạc sĩ cùng nhà thơ Đỗ
Trung Quân hoàn tất bộ phim ghi lại lịch sử trường ca “Con đường cái quan”
nhưng đến nay phim vẫn còn nằm trong kho.
Khánh Ly sau nhiều lần về hát trên quê hương,
bỗng một hôm giữa khung trời Đà Lạt nơi bà khởi đầu sự nghiệp văn nghệ, bà cất
tiếng ca: “Một ngàn năm nô lệ giặc tầu, một trăm năm đô hộ giặc tây…” là những
ca từ của Trịnh Công Sơn còn bị cấm trong nước, thế là chương trình Khánh Ly ở
Hà Nội không thể diễn ra vì bị cúp điện.
Tuấn Ngọc cũng thường đi sô trong nước, mới
đây ông không hát “Trời vào thu Việt Nam buồn lắm em ơi…” mà thay lời “Trời vào
thu chiều nay buồn lắm em ơi…”
https://ichef.bbci.co.uk/news/800/cpsprodpb/6295/live/0bf86230-e66b-11ed-a142-ab0e42bfd9c3.jpg
Sách về Việt Nam trong thư viện Đại học U.C.
Berkeley
Năm 2004 nhà văn Phạm Thị Hoài nói chuyện tại
Đại học Berkeley có đưa ra nhận xét rằng văn học Việt Nam thời sau đổi mới là
“thời hoàng kim của tự kiểm duyệt”.
Hai mươi năm sau tình hình sinh hoạt văn học
nghệ thuật trên quê hương Việt Nam vẫn thế. Đó là kiểm duyệt và trừng phạt, như
Khánh Ly, hay tự kiểm duyệt như trường hợp của Tuấn Ngọc.
Nhà văn Dương Thu Hương thì không chấp nhận sự
kiểm duyệt, bà muốn sống tự do, suy nghĩ tự do, tự do viết. Từ khi theo đoàn
văn công vào miền Nam ngày 30/4 bà nhận ra ngay mình đã bị lừa khi được tiếp cận
với những tác phẩm văn chương của miền Nam.
Nhiều nhà văn, nhà thơ thường đề cập đến những
“chuyến đi thực tế” mà theo bà thì không cần thiết, vì thực tế chính là những
gì bà đang trải nghiệm và đã đưa vào văn chương, làm nên những tác phẩm có giá
trị văn học mà hệ quả là Dương Thu Hương đã bị giam tù và giờ phải sống lưu
vong bên Pháp.
Trong những ghi chép về các tiếp xúc với nhà
văn mới được giải Cino Del Duca 2023, Vương Trí Nhàn qua một lần phỏng vấn có hỏi
“Tại sao viết văn?”, Dương Thu Hương trả lời: “Thấy nhờ đó đấu tranh chống cái
ác tốt hơn”.
Đó chính là sức mạnh của tự do tư tưởng. Người
Việt trong nước có mấy ai dám suy nghĩ, dám viết như bà.
Một lần vào thư viện Đại học U.C. Berkeley tìm
sách, tôi thấy trên kệ có những tác phẩm của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nằm cạnh
các tác phẩm của nhà văn Nguyễn Ngọc Ngạn, của giáo sư Nguyễn Ngọc Huy. Đây
đúng là biểu hiện của tự do tư tưởng.
Ba mươi tháng Tư, nhà nước hay nói chuyện hoà
giải với người Việt ở nước ngoài. Tôi tự hỏi bao giờ các thư viện ở Việt Nam mới
có sách của Bùi Tín cạnh sách của Bùi Tùng, Dương Thu Hương sát bên Dương Tường,
Nguyễn Chí Vịnh bên cạnh Nguyễn Chí Thiện.
-------------------------------
LIEN
Tin liên quan
·
30/04: Việt Nam hoà giải
chưa xong nên vẫn phải cấm đoán, kiểm duyệt?
·
VNCH - VN Cộng sản:
Mỗi cuộc chiến phải nhiều lần chảy máu
No comments:
Post a Comment