Ukraine và tính bất định của
trật tự toàn cầu (P1)
Hal Brands - Foreign Affairs
Nguyễn Thị
Kim Phụng, biên dịch
https://nghiencuuquocte.org/2023/03/27/ukraine-va-tinh-bat-dinh-cua-trat-tu-toan-cau-p1/
Điều gì sẽ xảy ra nếu cuộc chiến ở Ukraine diễn ra
theo một cách khác – hoặc chuyển hướng đột ngột?
Người ta nói rằng vòng cung đạo đức của vũ trụ
rất dài, nhưng nó luôn hướng về phía công lý. Đây là một cách hay để phân tích
năm đầu tiên của cuộc chiến của Nga ở Ukraine. Đúng là người Ukraine khó mà thấy
được công lý trong một cuộc xung đột đã tàn phá lãnh thổ, nền kinh tế, và con
người của đất nước họ. Nhưng chí ít, cuộc chiến cũng đã hủy hoại quân đội của Tổng
thống Nga Vladimir Putin và làm tiêu tan khát vọng đế quốc của ông. Cuộc chiến
đã chứng kiến Ukraine vượt xa gần như tất cả những kỳ vọng ban đầu. Nó đã thống
nhất và tiếp thêm sinh lực cho phương Tây. Dường như, người tốt đang chiến thắng,
còn kẻ xấu đang phải nhận sự trừng phạt mà vũ trụ dành cho những ai chọn đứng về
lề trái của lịch sử.
Rất dễ để nghĩ rằng kết quả này là không thể
tránh khỏi. Chế độ và lực lượng vũ trang của Putin quá thối nát, quá trình
chinh phục lãnh thổ trong thời hiện đại đã trở nên quá khó khăn, và sức mạnh của
cộng đồng dân chủ đoàn kết ủng hộ Ukraine quá dữ dội khiến Moscow không thể có
cơ hội giành chiến thắng. Cuộc chiến chỉ đơn giản đã bộc lộ sự bền bỉ của thế
giới tự do – cũng như điểm yếu của kẻ thù của họ.
Đó là một câu chuyện hay, nhưng lại không phải
là sự thật. Cuộc chiến, đặc biệt là trong những tháng đầu tiên, là một cuộc cạnh
tranh rất sít sao. Thành công của Ukraine – thậm chí là sự tồn tại của nước này
– chưa bao giờ được đảm bảo vững chắc. Những lựa chọn khác nhau ở Kyiv, Moscow,
và Washington có thể tạo ra những kết quả hoàn toàn khác nhau, đối với Ukraine
và đối với phần còn lại của thế giới. Nếu Putin đánh bại Ukraine, các nhà hoạch
định chính sách phương Tây có thể sẽ phải vật lộn với tình trạng mất an ninh
lan rộng ở Đông Âu, với sự hình thành một “trục chuyên chế,” và với sự bất ổn
toàn cầu gia tăng. Có lẽ vẫn còn quá sớm để xem cuộc chiến ở Ukraine là cuộc
chiến củng cố trật tự tự do; thay vào đó, nó có thể đã làm suy yếu trật tự này.
Hiểu rõ những gì có thể xảy ra ở Ukraine là việc
làm cần thiết khi xung đột bước sang năm thứ hai. Chỉ bởi vì cuộc chiến đang diễn
ra theo hướng tích cực đối với Ukraine và thế giới phương Tây không có nghĩa là
mọi thứ sẽ tiếp tục diễn ra theo ý muốn của họ. Chiến tranh là một trong những
điều ngẫu nhiên nhất của nhân loại, và kết quả của cuộc chiến này phụ thuộc rất
nhiều vào các quyết định trong tương lai, cũng như các quyết định đã được đưa
ra cho đến nay. Các sự kiện ở Ukraine cũng nhắc nhở chúng ta rằng trật tự thế giới
không phải là sản phẩm của quy luật tự nhiên hay tính tất yếu về đạo đức. Nó là
kết quả của các chính sách được theo đuổi dưới áp lực khủng khiếp của khủng hoảng.
Căng thẳng toàn cầu có thể bắt nguồn từ những điều nhỏ nhặt; “vòng cung của vũ
trụ” chính xác là những gì con người chúng ta tạo ra.
.
TẠO RA SỐ PHẬN CỦA RIÊNG MÌNH
Theo bất kỳ tiêu chuẩn lịch sử hợp lý nào, thế
giới ngày nay là một nơi cực kỳ hòa bình, thịnh vượng, và dân chủ. Thế giới đó
là kết quả của những xung đột toàn cầu kết thúc bằng chiến thắng của những người
ủng hộ trật tự tự do – nhưng chuyện không nhất thiết phải diễn ra như vậy.
Nếu một hoặc hai trận chiến ở miền bắc nước
Pháp hồi tháng 8-tháng 9/1914 có kết cục khác đi, Đức có thể đã nhanh chóng chiến
thắng trong Thế chiến I. Ngay cả sau khi cuộc Đại chiến trở thành một cuộc cạnh
tranh khốc liệt, Đức vẫn có thể thắng thế. Nếu chế độ quân chủ Đức chịu lắng
nghe lời khuyên của các cố vấn dân sự, những người phản đối việc nối lại chiến
tranh tàu ngầm không giới hạn vào đầu năm 1917, thì Mỹ đã không tham chiến, và
những kẻ thù của Đức – một nước Nga chuẩn bị diễn ra cách mạng, một nước Pháp
kiệt quệ, một nước Anh gần như vỡ nợ – có thể đã bị khuất phục.
Nếu Thế chiến I diễn ra khác đi, thì phần còn
lại của thế kỷ 20 cũng sẽ khác đi. Nước Đức chiến thắng sẽ cai trị một Trung
Âu rộng lớn, kéo dài từ Bỉ đến Trung Đông. Các hình thức chính phủ chuyên
chế sẽ lên ngôi; chủ nghĩa phi tự do và sự bất ổn có thể từ lục địa Á-Âu do Đức
thống trị lan tỏa ra bên ngoài.
Tính bất định của Thế chiến II thậm chí còn
cao hơn. Khi nhìn lại, chiến thắng của phe Đồng minh – vượt trội hơn so với phe
Trục về tiền bạc, nhân lực, và máy móc – dường như là không thể tránh khỏi,
nhưng vào thời điểm đó, chẳng có ai cảm thấy như vậy. Các chiến lược táo bạo và
được triển khai đúng lúc đã cho phép Đức và Nhật chiếm được châu Âu và phần lớn
châu Á-Thái Bình Dương. Đầu năm 1942, phe Trục có thể đã cắt đứt được các tuyến
tiếp tế toàn cầu của Đồng minh bằng các chiến dịch đồng tác chiến ở Trung Đông
và Ấn Độ Dương. Nhưng họ đã lỡ mất cơ hội này, và cuối cùng, Đức và Nhật đã phải
thất bại. Tuy nhiên, sự ngẫu nhiên và sự may mắn vẫn đóng vai trò quan trọng:
khác biệt giữa chiến thắng và thất bại trong các cuộc đụng độ quan trọng như Trận
Midway nhỏ đến mức có thể quy về mức độ chính xác trong việc thả một vài quả
bom vào thời khắc quyết định của một vài phi công.
Kết quả của cuộc xung đột lớn tiếp theo, Chiến
tranh Lạnh, đã mở ra thời đại của toàn cầu hóa và sự thống trị của dân chủ. Dù
khối tư bản đã vượt trội hơn hẳn khối cộng sản trong một thời gian dài, nhưng
nó vẫn có thể dễ dàng tan rã ngay từ đầu. Nếu Washington không thực hiện Kế hoạch
Marshall và thành lập khối Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương – hai điểm khác biệt triệt
để so với truyền thống ngoại giao của Mỹ – vào cuối những năm 1940, Tây Âu có
thể đã sụp đổ, và kéo theo là cả cán cân quyền lực toàn cầu.
Đảo ngược thực tế lịch sử không đơn thuần chỉ
là trò chơi “giả sử.” Suy ngẫm về việc liệu các sự kiện lớn có thể đã khác đi
như thế nào nhấn mạnh cho chúng ta thấy rằng thực tế ngày nay không phải là thực
tế duy nhất từng có thể xảy ra. Chiến tranh là một hiện tượng phức tạp và không
thể đoán trước, vì vậy, thế giới nơi các cuộc đại chiến hình thành cũng là một
thế giới không thể đoán trước.
.
ĐÁNH BẠI SỐ PHẬN
Một năm trước, nhiều nhà phân tích đã không
mong đợi một Ukraine độc lập tiếp tục tồn tại đến tận bây giờ. Khi Putin xâm lược
vào tháng 2/2022, ông đã hình dung về một chiến dịch phủ đầu, nhanh chóng chiếm
giữ thủ đô và các thành phố lớn khác của Ukraine, lật đổ chính phủ và tiêu diệt
mọi kháng cự còn sót lại của nước này. Ở Điện Kremlin, và cả ở Washington, người
ta nghĩ rằng Kyiv sẽ thất thủ chỉ sau vài ngày và kháng cự thông thường sẽ sớm
chấm dứt. Sau đó, Moscow sẽ kiểm soát phần lớn Ukraine, dẫn đến một cuộc nổi dậy
của người Ukraine dù với triển vọng không mấy sáng sủa. Một số nhà phân tích
phương Tây thậm chí còn đi xa hơn khi phân tích những hậu quả để lại ở một
Ukraine thất bại.
Đối với Ukraine, những hậu quả đó sẽ rất khủng
khiếp – các phiên tòa trá hình, các vụ hành quyết tập thể, và tình trạng hỗn loạn
ở các khu vực mà Nga đã chiếm đóng. Hậu quả toàn cầu cũng sẽ rất đáng ngại.
Putin có thể đã đánh cược vào đế chế hậu Xô-viết mà ông vẫn mong mỏi từ lâu. Một
đất nước Ukraine bù nhìn có thể đã bị kéo vào một liên bang cùng với Nga và
Belarus. Còn Moldova sẽ phải chịu áp lực nặng nề khi Moscow dựng lên một hành
lang đất liền nối với Transnistria, khu vực ly khai đã có
quân Nga đồn trú. Sau sự can thiệp thành công của Nga vào Kazakhstan hồi tháng
1/2022, sự chiếm đóng Belarus trên thực tế, và cuộc tấn công tàn bạo vào
Ukraine, liệu có còn nước cộng hòa thuộc Liên Xô cũ nào dám bất tuân mệnh lệnh
của Moscow?
Câu trả lời có lẽ là các quốc gia vùng Baltic,
nhờ vào liên minh của họ với Washington. Nhưng NATO sẽ phải đối mặt với tình trạng
mất an ninh ở mặt trận phía đông. Thông qua Belarus và Ukraine, Nga có thể tìm
cách đe dọa Latvia, Litva, và Ba Lan. Chi phí và mức độ khó khăn khi bảo vệ các
đồng minh của Mỹ sẽ tăng lên gấp bội, trong khi Nga có thêm nhiều con đường tiềm
năng để mở một cuộc tấn công, vì một liên bang do Moscow lãnh đạo sẽ có biên giới
với NATO dài hơn nhiều. Phần Lan và Thụy Điển có lẽ vẫn muốn trở thành thành
viên NATO, nhưng cuộc tranh luận trong liên minh về việc có nên kết nạp họ hay
không – và theo đó đối đầu với một Putin táo bạo – có thể gây tranh cãi hơn nhiều.
Khi đó, tương lai của trục chuyên chế sẽ rất
tươi sáng. Một chiến thắng của Nga sẽ mang lại động lực địa chính trị quan trọng
cho quan hệ đối tác Moscow-Bắc Kinh. Một nước Mỹ bị dàn trải sức mạnh sẽ phải đối
mặt với các đối thủ quân sự đang nổi lên ở cả châu Âu và châu Á. Cuộc xâm lược
thành công ở Ukraine có thể vẫn khiến các nền dân chủ sợ hãi ở châu Âu và châu
Á gia tăng chi tiêu quân sự, nhưng nó cũng sẽ tạo ra một bầu không khí hỗn loạn
trên toàn cầu có lợi cho “kẻ săn mồi” và khiến các nền dân chủ phải chật vật chống
trả từ một vị thế yếu hơn so với vị thế hiện tại của họ.
Xét về mặt ý thức hệ, Putin sẽ củng cố sức mạnh
trong nước; mức độ ủng hộ của người dân dành cho ông sẽ tăng vọt, giống như sau
khi ông sáp nhập Crimea vào năm 2014. Những người ủng hộ chế độ chuyên chế trên
khắp thế giới sẽ ca ngợi sự tàn nhẫn và xảo quyệt của Putin. Mỹ, vừa mới rút
quân trong hỗn loạn khỏi Afghanistan, sẽ phải đối mặt với hàng loạt những lời
tuyên bố rằng các nền dân chủ đang thoái trào.
Chắc chắn, chiến thắng ở Ukraine sẽ không khiến
Moscow trở nên bất bại. Một cuộc nổi dậy trường kỳ, được hỗ trợ bởi các nước
NATO, có thể làm suy yếu sức mạnh của Nga. Mỹ và nhiều đồng minh sẽ đáp trả Nga
bằng các biện pháp trừng phạt. Nhưng một chiến dịch trừng phạt mạnh tay cũng chẳng
thể vượt qua một cuộc chiến thông thường với kết thúc nhanh chóng, vì trong kịch
bản này, một số nước châu Âu có thể ủng hộ việc sớm quay trở lại “tình trạng
bình thường.” Sự nhiệt tình ủng hộ cuộc nổi dậy của người Ukraine cũng có thể
suy yếu vì những lý do tương tự.
May mắn thay cho Ukraine và phương Tây, kịch bản
trên đã không xảy ra. Đế chế hậu Xô-viết của Nga đang sụp đổ: các quốc gia
Trung Á đang lo lắng, và đến cả Belarus cũng sẽ không tham gia cuộc chiến của
Putin. Tình hình đang trở nên tốt đẹp hơn cho NATO. Liên minh đã tập hợp xung
quanh Ukraine, tăng cường phòng thủ sườn phía đông, và đang trong quá trình
chào đón Phần Lan và Thụy Điển. Cộng đồng các nền dân chủ tiên tiến trên toàn cầu
đã trở nên mạnh mẽ và kiên cường, trong khi ảnh hưởng và quyền lực của Nga bị
suy giảm. Quan hệ Trung-Nga cũng bị ảnh hưởng, một phần vì Putin đã yêu cầu những
khoản viện trợ mà Trung Quốc vẫn chần chừ cung cấp. Ngày nay, chẳng có ai thán
phục trước những thành tựu của chế độ chuyên chế. Ở nơi chiến trường và trên
toàn thế giới, khoảng cách giữa những gì Putin mong muốn và những gì ông ta đạt
được là rất lớn. Nhưng việc nước Nga sẽ kết thúc trong thất bại không phải luôn
luôn rõ ràng.
Đúng là cuộc chiến cho thấy nhiều nhà quan sát
phương Tây đã đánh giá quá cao sức mạnh quân sự của Nga, thứ đã bị hủy hoại bởi
nhiều yếu tố, gồm nạn tham nhũng tràn lan và cơ cấu lực lượng thiên về thiết
giáp hơn bộ binh. Nhiều nhà phân tích phương Tây, có lẽ bị ảnh hưởng bởi sự sụp
đổ nhanh chóng của Afghanistan vào năm 2021, đã đánh giá thấp ý chí và khả năng
chiến đấu của Ukraine.
Dù vậy, không có gì đảm bảo rằng Ukraine sẽ chịu
được đợt tấn công ban đầu của Nga. Sau cùng thì, các chế độ và quân đội yếu kém
vẫn có thể hoạt động tốt trên chiến trường. Trước khi Hồng quân – bị suy yếu bởi
các cuộc thanh trừng của Stalin – bị Phần Lan làm cho bẽ mặt vào năm 1939-1940,
họ đã từng đè bẹp một cường quốc mạnh hơn là Nhật Bản ở Mãn Châu. Và lý do khiến
rất ít nhà phân tích dự đoán chính xác diễn biến của cuộc chiến hiện tại ở
Ukraine là bởi nó được định hình bởi những diễn biến rất khó đoán: Nga đã thất
bại thảm hại trong việc khai thác lợi thế của mình, Ukraine đã thể hiện sức mạnh
bất ngờ và khắc phục được việc thiếu chuẩn bị cho chiến tranh, và thế giới bên
ngoài, đặc biệt là Mỹ, đã thúc đẩy Kyiv với sự hỗ trợ chưa từng có.
Không điều nào trong số này là không thể tránh
khỏi. Hồi tháng 1/2022, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky trông giống
Ashraf Ghani hơn là Winston Churchill, vì ông có vẻ rất thờ ơ trước một thảm họa
đang rình rập. Mỹ và các đồng minh châu Âu chỉ dành cho Ukraine sự ủng hộ khiêm
tốn và đầy do dự sau các cuộc xâm lược của Nga vào năm 2014 và 2015. Thử thay đổi
bất kỳ yếu tố định hình nào nói trên, và diễn biến của cuộc chiến có thể sẽ rất
khác.
(Còn tiếp một phần)
*****
Ukraine và
tính bất định của trật tự toàn cầu (P2)
Hal Brands - Foreign
Affairs
Nguyễn Thị Kim Phụng, biên dịch
https://nghiencuuquocte.org/2023/03/28/ukraine-va-tinh-bat-dinh-cua-trat-tu-toan-cau-p2/
CÓ THỂ VÀ CÓ LẼ
Hãy xem xét những ngày đầu đầy hỗn loạn của cuộc
chiến, khi Ukraine lâm vào tình thế khó khăn nghiêm trọng. Quân đội của nước
này được trang bị kém và phải chịu áp đảo về quân số trên các mặt trận quan trọng,
thậm chí lên đến tỷ lệ 12:1 ở các vùng xung quanh Kyiv. Lực lượng Nga khi đó đã
càn quét miền nam Ukraine, chiếm Kherson và thiết lập một hành lang đường bộ nối
với Crimea. Ở phía bắc và phía đông, các thành phố lớn – gồm cả Kyiv và Kharkiv
– đã bị bao vây. Những kẻ phá hoại và sát thủ người Nga nhanh chóng xuất hiện ở
Kyiv, tìm cách giết Zelensky và tiêu diệt chính phủ Ukraine.
Trong vòng vài ngày, tình hình trở nên tồi tệ
đến mức Mỹ đã hỏi Zelensky liệu ông có muốn chạy trốn hay không (và đề nghị
giúp ông sơ tán), một hướng hành động mà nhiều cố vấn của ông đã khuyến nghị. Nếu
Zelensky rời khỏi đất nước, hoặc Kyiv thất thủ, thì giới tinh hoa Ukraine có thể
đã dao động hoặc đào tẩu – như giới tinh hoa Afghanistan đã làm khi việc
Taliban tiếp quản trở thành không thể tránh khỏi, và như một số quan chức
Ukraine đã làm ở miền nam trong cuộc tiến công của Nga. Chính phủ Ukraine thực
sự có thể đã bị phân mảnh. Tuy nhiên, Putin đã thua ván cờ này vì Zelensky kiên
định ở lại – bắt đầu quá trình biến đổi của ông, trở thành một biểu tượng của sự
đoàn kết và phản kháng quốc gia – và vì một số yếu tố có liên quan với nhau.
Chưa kể đến là những sai lầm của Nga. Kế hoạch
tấn công của Putin chứa rất nhiều sai sót. Không mong đợi giao tranh gay gắt,
người Nga đã dàn quân thành nhiều tuyến tiến công, làm giảm khả năng đối phó với
sự phản kháng mạnh mẽ từ người Ukraine. Bị ám ảnh với những bí mật, chế độ
Putin chỉ thông báo kế hoạch tấn công cho các chỉ huy chủ chốt, các bộ trưởng,
và các đơn vị quân đội một vài ngày trước khi chiến tranh nổ ra. Cách tiếp cận
này vẫn không ngăn được tình báo Mỹ phát hiện ra cuộc tấn công. Nhưng nó lại
khiến các lực lượng Nga không được chuẩn bị sẵn sàng cho một cuộc xung đột dữ dội
và khó chịu. Kết hợp với việc Putin không bổ nhiệm một chỉ huy chiến trường duy
nhất, khiến các quân chủng và thậm chí các đơn vị riêng lẻ của Nga phải chiến đấu
trong cuộc chiến đơn độc của họ thay vì làm việc theo nhóm – ví dụ, lực lượng đổ
bộ đường không của Nga đã chật vật tự chiếm giữ các sân bay quan trọng mà không
có hỗ trợ để trấn áp hệ thống phòng không của đối phương, cũng không có hỗ trợ
từ lực lượng mặt đất lớn hơn.
Một vài trong số các vấn đề trên đây có liên
quan đến bản chất cá nhân hóa của chế độ Putin. Nhưng kế hoạch của người Nga
không nhất thiết phải tệ đến vậy, và ngay cả những cải tiến khiêm tốn cũng có
thể mang lại lợi ích lớn. Nếu Nga tập trung vào ít mặt trận hơn – dù là củng cố
vị thế ở Kyiv hay ưu tiên ngăn chặn lính Ukraine ở phía đông – họ có thể đã áp
đảo lực lượng phòng thủ nhỏ và được trang bị kém của Ukraine. Nếu ban lãnh đạo
Nga gửi thông báo sớm hơn cho các đơn vị chủ chốt, họ đã có thể chuẩn bị các kế
hoạch chiến thuật và hoạt động hỗ trợ hậu cần tốt hơn. Sau cùng, cuộc tấn công
hỗn loạn của Nga đã tạo điều kiện để các lực lượng Ukraine cầm chân địch thành
công, phòng thủ vững chắc ở thủ đô và kéo quân đội của Putin vào một cuộc chiến
dài đẫm máu.
Những sai lầm của Nga đã trở nên trầm trọng
hơn bởi sự ngoan cường bất ngờ, dù hơi lộn xộn, của hàng phòng thủ Ukraine. Đất
nước Ukraine chưa sẵn sàng cho một cuộc chiến, vì hầu như các quan chức chỉ dự
đoán nhiều nhất là một chiến dịch lớn nhắm vào miền đông Ukraine. Putin đã
không thể mở đường đến thủ đô Kyiv nhờ sự hy sinh anh dũng của các đơn vị
Ukraine trấn giữ các điểm trọng yếu, chẳng hạn như cây cầu nối hai thành phố
Bucha và Irpin. Nỗ lực đó đã được hỗ trợ bởi một lượng lớn dân thường và quân
nhân dự bị, những người đã tăng cường cho các đơn vị chính quy, báo cáo vị trí
của lực lượng Nga, và góp phần vào cuộc kháng chiến toàn xã hội theo cách này
hay cách khác.
Quân đội Ukraine cũng thể hiện ấn tượng ở những
khía cạnh quan trọng. Họ sử dụng địa hình một cách thành thạo, tiến hành các cuộc
tấn công dồn dập nhắm vào các đoàn quân Nga đang di chuyển qua các khu vực cây
cối rậm rạp, khiến sông Irpin tràn bờ để làm chậm bước tiến của kẻ thù. Họ khai
thác các công nghệ đơn giản, chẳng hạn như máy bay không người lái giá rẻ có thể
nhắm mục tiêu vào xe tăng Nga. Trong những thời khắc quan trọng, các chỉ huy
Ukraine đã triển khai các nguồn lực khan hiếm ở nơi mà chúng tạo ra tác động
đáng kể – chẳng hạn, họ sử dụng khả năng hạn chế của pháo binh Ukraine để ngăn
chặn, hoặc chí ít là cản trở, Nga chiếm Sân bay Hostomel bên ngoài Kyiv để từ
đó tạo ra một cây cầu hàng không có thể giúp Moscow đưa lực lượng tiếp viện
quan trọng đến thẳng cửa ngõ thủ đô Ukraine.
Ban lãnh đạo chính trị từng bị áp đảo trước
đây của Ukraine cũng bắt đầu thể hiện vượt trội. Đặc biệt, Zelensky đã sử dụng
tất cả các kỹ năng của mình để tập hợp dân chúng, duy trì sự gắn kết của chính
phủ, và giành được sự đoàn kết quốc tế. Ukraine đã vượt qua giai đoạn đầu của
cuộc chiến bởi vì họ đã thành công vừa đủ, ở số khu vực vừa đủ, để ngăn chặn cuộc
tấn công kém hiệu quả của Nga – và bởi vì phản ứng dũng cảm và lan tỏa đáng
kinh ngạc trước cuộc xâm lược đã giúp bù đắp cho sự thiếu chuẩn bị gần như chí
mạng.
Và hàng phòng thủ Ukraine đã được củng cố bởi
viện trợ nước ngoài. Dù chính quyền của Tổng thống Mỹ Joe Biden tỏ ra bi quan về
triển vọng của Ukraine, họ vẫn quyết tâm khiến Putin khó hoàn thành cuộc chinh
phục của mình. Rút kinh nghiệm từ những thất bại trong kế hoạch dự phòng của
chính nước Mỹ trong quá trình rút quân khỏi Afghanistan, Washington đã chuẩn bị
kỹ lưỡng cho cuộc chiến của Nga ở Ukraine.
Trước cuộc xâm lược, loạt cảnh báo không ngớt
của Mỹ đã xóa tan những đám mây mơ hồ của Putin, thứ mà ông sử dụng để tìm cách
khơi mào chiến tranh. Những cảnh báo đó cũng khuyến khích một số chỉ huy
Ukraine sơ tán các khí tài không quân và pháo binh có thể đã bị phá hủy nếu
không được sơ tán. Điều quan trọng là Mỹ đã cảnh báo Ukraine về các yếu tố
chính trong kế hoạch xâm lược của Nga, chẳng hạn như việc chiếm giữ Sân bay
Hostomel, nhờ đó phản ứng của Kyiv đã được đẩy nhanh. Washington nhiều khả năng
cũng hỗ trợ Ukraine theo những cách thiết yếu khác – chẳng hạn như giúp ngăn chặn
cuộc tấn công mạng đáng sợ từ Điện Kremlin – nhưng có rất ít chi tiết được công
khai. Dù có thế nào, việc chính phủ Mỹ đã sẵn sàng cho cuộc chiến đã bù đắp cho
thực tế là chính phủ Ukraine không hề sẵn sàng.
Quan trọng nhất là sự đảo ngược gần như hoàn
toàn các chính sách trước đây liên quan đến việc trang bị vũ khí cho Ukraine, một
sự thay đổi bắt đầu dưới thời chính quyền Donald Trump, và tăng tốc đáng kể dưới
thời Biden. Một Ukraine không có sự hỗ trợ quân sự của phương Tây sẽ chẳng tài
nào sống sót qua những tháng đầu tiên, hoặc thậm chí những tuần đầu tiên, của
cuộc chiến đối đầu một nước Nga được trang bị tốt hơn. Nhưng ngay cả trước cuộc
xâm lược, Mỹ và một số đồng minh NATO đã bắt đầu vội vã cung cấp vũ khí chống
tăng và phòng không, đạn dược và các nguồn vật tư khác cho Ukraine. Theo Politico
Europe, khi Ukraine cạn kiệt đạn dược sau nhiều tuần giao tranh, Bulgaria –
với sự hỗ trợ của Mỹ và Anh – đã chấp thuận cung cấp khẩn cấp các loại đạn tiêu
chuẩn của Liên Xô để lấp đầy khoảng trống. Kể từ thời điểm đó trở đi, sự hỗ trợ
của phương Tây – tình báo chiến lược và chiến thuật, viện trợ kinh tế và hỗ trợ
quân sự – luôn đóng vai trò quyết định việc thành công hay thất bại của
Ukraine. Đồng thời, Mỹ cũng thực hiện chức năng cần thiết là “giám sát một cách
trung lập” – và đảm bảo rằng can thiệp từ bên ngoài sẽ có lợi cho Kyiv – bằng
cách đe dọa Trung Quốc với các biện pháp trừng phạt và các hậu quả khác nếu nước
này cung cấp viện trợ quân sự và kinh tế mà Putin mong đợi.
.
THOÁT HIỂM TRONG GANG TẤC
Nói tóm lại, sự kết hợp giữa những sai lầm ngớ
ngẩn của Nga, sự quyết tâm và tính sáng tạo của Ukraine, và hỗ trợ từ nước
ngoài đã giúp Kyiv thoát hiểm trong gang tấc. Tuy nhiên, dù cuộc tấn công ban đầu
của Putin đã thất bại và quân đội Nga phải rút lui đẫm máu khỏi Kyiv, thì quỹ đạo
của cuộc xung đột vẫn là bất định.
Vào mùa xuân và mùa hè năm 2022, Nga sở hữu những
lợi thế quan trọng, chẳng hạn như dự trữ pháo binh và đạn dược lớn hơn. Putin
khi ấy vẫn có những lựa chọn nhất định. Nếu ông huy động thêm 300.000 quân vào
mùa xuân thay vì đợi đến mùa thu, ông đã có thể kết hợp lợi thế về nhân lực với
lợi thế về pháo binh khi các lực lượng Nga tái tập trung tấn công vào các vị
trí của Ukraine ở Donbas. Nga cũng có thể đã bắt đầu tấn công một cách có hệ thống
vào cơ sở hạ tầng của Ukraine ngay từ mùa xuân năm 2022, trước khi họ cạn kiệt
kho dự trữ vũ khí dẫn đường chính xác. Trong chiến tranh, đúng thời điểm là điều
quyết định tất cả, và Ukraine đã thành công một phần vì Putin luôn chậm trễ
trong việc thích nghi với các điều kiện thay đổi.
Bất chấp những thất bại này, tính đến tháng
6/2022, cuộc tấn công của Nga ở Donbas đã khiến Ukraine phải chịu áp lực. Lực
lượng Ukraine đang thiếu hụt rất nhiều về pháo binh; họ chịu tổn thất nặng nề
và gần như đã bị bao vây tứ phía ở Severodonetsk. Sự can thiệp của phương Tây một
lần nữa giúp đảo ngược tình thế. Việc cung cấp Hệ thống Hỏa tiễn Cơ động cao
(HIMARS) và hệ thống tên lửa đa bệ phóng M-270 do Mỹ sản xuất, cũng như pháo
M777 do Anh sản xuất, đã bù đắp cho bất lợi về pháo binh của Ukraine – kết hợp
với thông tin tình báo có độ chính xác cao từ Washington và những nước khác – cho
phép Kyiv tiến hành các cuộc tấn công tàn khốc nhắm vào các kho chứa đạn dược,
trung tâm chỉ huy, và các địa điểm hậu cần của Nga. Khi cuộc tấn công của Nga
rơi vào bế tắc, lực lượng của Putin yếu đến mức họ đã bị đánh gục trong cuộc tấn
công kép sau đó của Ukraine ở Kharkiv và Kherson.
.
KHÔNG CÓ GÌ CHẮC CHẮN
Đưa ra những kịch bản lịch sử khác với thực tế
có thể khai sáng cho chúng ta về tương lai cũng như quá khứ. Trong trường hợp
này, nó cho thấy rằng thành công của Ukraine dựa trên những yếu tố không đảm bảo
sẽ tồn tại lâu dài. Một mặt, mức độ gắn kết xã hội và chính trị của Ukraine đã
tăng đáng kể kể từ những ngày đầu cuộc chiến. Nhưng sự gắn kết đó sẽ bị thử
thách trong năm tới, khi chiến tranh kéo dài và giới tinh hoa Ukraine bắt đầu
hướng tới cuộc bầu cử tổng thống vào tháng 3/2024. Khi tình hình chính trị của
Ukraine trở nên nóng hơn, việc ra quyết định hợp lý – về các vấn đề cơ bản như
địa điểm và thời điểm phát động các cuộc tấn công trong tương lai – có thể trở
nên khó khăn hơn.
Tương tự, Ukraine đã được hưởng lợi rất nhiều
từ kế hoạch kém cỏi của Nga, từ việc lính Nga khó thích nghi với những thất bại
trên chiến trường và giới lãnh đạo chính trị Nga khó nắm bắt mức độ của những
thách thức mà nước này phải đối mặt. Nếu hoạt động của Moscow được cải thiện dù
chỉ ở mức khiêm tốn, Kyiv có thể sẽ phải đối mặt với một cuộc chiến hoàn toàn mới.
Không ai nên loại trừ điều này. Quân đội ở
ngay cả những xã hội đàn áp nhất cũng có thể học hỏi, và so với năm ngoái, Nga
có thể đang tiến hành một cuộc chiến thông minh hơn, dù vẫn khá man rợ. Từng từ
chối gọi nó là cuộc xâm lược, và từng hứa với người Nga rằng nó sẽ không ảnh hưởng
đến cuộc sống của họ, Putin cuối cùng đã thừa nhận rằng một cuộc chiến lâu dài
và tiêu hao đang chờ họ ở phía trước. Quân đội của ông đang chuẩn bị phòng thủ
nhiều lớp ở các khu vực bị chiếm đóng, đồng thời tiến hành đào tạo lực lượng mới
được huy động và thực hiện các cuộc tấn công cơ sở hạ tầng tàn bạo nhằm phá hoại
nền kinh tế Ukraine và làm suy yếu hệ thống phòng không của nước này. Cuộc tấn
công mùa đông xung quanh Bakhmut đã dẫn đến tổn thất nặng nề cho Nga, nhưng như
nhà phân tích quân sự Michael Kofman đã chỉ ra, nó cũng đã tước đi thế chủ động
của Kyiv. Hơn nữa, người Nga chỉ mất các nhân sự không có nhiều giá trị – cụ thể
là là tù nhân – trong khi Ukraine mất các nhân viên tinh nhuệ hơn.
Chỉ vì Ukraine không thua cuộc chiến không có
nghĩa là họ đã thắng. Một loạt các kịch bản tương lai vẫn có thể xảy ra, nếu
không muốn nói là chúng có khả năng xảy ra như nhau: từ một chiến thắng hoàn
toàn của Ukraine, dẫn đến việc giải phóng toàn bộ lãnh thổ bị Nga chiếm đóng; đến
một kịch bản trong đó Nga giữ được một phần đáng kể lãnh thổ của Ukraine trong
tương lai gần; đến sự leo thang thành đối đầu trực tiếp giữa Nga và NATO.
Cũng có một cảnh báo cho Washington trong phân
tích này: những gánh nặng lớn nhất có thể vẫn còn đang chờ phía trước. Ukraine
tồn tại được đến lúc này vì Mỹ và các đồng minh của họ đã giúp giảm đáng kể sự
chênh lệch sức mạnh giữa Kyiv và Moscow, và đảm bảo rằng Putin không thể chỉ
đơn giản leo thang hoặc tấn công dữ dội để thoát khỏi cuộc xung đột. Tuy nhiên,
khi Nga huy động nhiều nhân lực và nguồn lực kinh tế hơn – đồng thời nhập khẩu
máy bay không người lái, pháo binh, và các năng lực khác từ Iran và Triều Tiên
– chi phí để giúp Kyiv vượt lên trong cuộc đối đầu này sẽ tăng lên. Hãy nhớ đến
quyết định gần đây của một số quốc gia NATO – cung cấp xe tăng chiến đấu cho
Ukraine – một quyết định báo trước nhu cầu về các thiết bị tiên tiến khác trong
những tháng tới, cho dù đó là tên lửa tầm xa hay máy bay chiến đấu thế hệ thứ
tư.
Cuối cùng, nếu kết quả của cuộc chiến không được
định sẵn, thì tác động của nó đối với thế giới cũng vậy. Kết quả của xung đột sẽ
định hình nhận thức về sự hiệu quả của chuyên chế và dân chủ, về mức độ an ninh
mà NATO được hưởng ở mặt trận phía đông và mức độ ảnh hưởng của Nga đối với các
nước láng giềng. Đối với những vấn đề này và cả các vấn đề khác, tác động của một
cuộc chiến nơi quân Nga thất bại hoàn toàn sẽ khác với tác động của một cuộc
chiến kết thúc bằng việc quân Nga chiếm đóng các khu vực quan trọng của Ukraine
và Moscow có thể tiếp tục chiến sự khi họ muốn. Kịch bản thứ hai có lẽ không phải
là một chiến thắng đối với thế giới tự do. Ngoài ra, vẫn còn những kịch bản
khác có thể thay đổi đáng kể cục diện toàn cầu, chẳng hạn như khi Trung Quốc
quyết định hỗ trợ trực tiếp cho Moscow. Cuộc chiến ở Ukraine mang đến nhiều bài
học, nhưng có lẽ bài học quan trọng nhất là: trật tự toàn cầu không phải vốn dĩ
đã vững chắc, hay vốn dĩ rất mong manh. Sức mạnh của nó chính là sức mạnh của
những người coi trọng nó, và có thể tập hợp cùng nhau để duy trì nó khi bị thử
thách.
---------------
Hal Brands là giáo sư
tại Trường Nghiên cứu Quốc tế Cấp cao Johns Hopkins, nghiên cứu viên cấp cao tại
Viện Doanh nghiệp Mỹ, và chuyên gia bình luận của Bloomberg. Ông là đồng tác giả
của cuốn sách “Danger Zone:
The Coming Conflict With China.”
Nguồn:
Hal Brands, “Ukraine
and the Contingency of Global Order,” Foreign Affairs, 14/2/2023
No comments:
Post a Comment