Thursday, March 23, 2023

TỔNG THỐNG UKRAINE MỜI GỌI TRUNG QUỐC ĐỐI THOẠI về CUỘC XUNG ĐỘT VỚI NGA (RFI)

 



NỘI DUNG :

Cuộc tấn công ngoại giao Trung Quốc đặt ra thách thức cho Mỹ

Anh Vũ  -  RFI

.

Kế hoạch hòa bình cho Ukraina: Mỹ cáo buộc Trung Quốc chỉ ‘‘lặp lại’’ các tuyên truyền của Nga

Trọng Thành  -  RFI

.

Tổng thống Ukraina mời gọi Trung Quốc đối thoại về cuộc xung đột với Nga

Minh Anh  -  RFI

 

====================================================

.

.

Cuộc tấn công ngoại giao Trung Quốc đặt ra thách thức cho Mỹ

Anh Vũ  -  RFI

Đăng ngày: 22/03/2023 - 15:22

https://www.rfi.fr/vi/ph%C3%A2n-t%C3%ADch/20230322-cu%E1%BB%99c-t%E1%BA%A5n-c%C3%B4ng-ngo%E1%BA%A1i-giao-trung-qu%E1%BB%91c-%C4%91%E1%BA%B7t-ra-th%C3%A1ch-th%E1%BB%A9c-cho-m%E1%BB%B9

 

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình vừa kết thúc chuyến thăm Matxcơva, để gặp tổng thống Vladimir Putin khẳng định mối quan hệ Nga-Trung « không giới hạn », đồng thời cũng là dịp để Bắc Kinh khẳng định vị thế trong các hồ sơ quốc tế như một « cường quốc có trách nhiệm ».

 

https://s.rfi.fr/media/display/83796604-c809-11ed-9436-005056bfb2b6/w:980/p:16x9/000_33BR8Z6.webp

Tổng thống Nga Vladimir Putin (P) và chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại điện Kremlin, Matxcơva, Nga ngày 21/03/2023. AFP - GRIGORY SYSOYEV

 

Chuyến đi của lãnh đạo Trung Quốc được giới quan sát tập trung chú ý vào kế hoạch hòa bình cho Ukraina sẽ được triển khai thế nào. Dù không mấy ai hy vọng chuyến công du của ông Tập sẽ tạo được bước đột phá trong giải quyết xung đột tại Ukraina. Nhưng Washington theo dõi với mối lo ngại những bước đi ngoại giao mới đây sẽ giúp Bắc Kinh tạo được uy tín trên trường quốc tế.

 

Những tuần qua, Trung Quốc liên tiếp đưa ra những sáng kiến lớn về vấn đề an ninh toàn cầu, ngày càng tỏ ra tích cực can dự và các hồ sơ nóng của thế giới. Hôm 21/02 vừa rồi, Bắc Kinh giới thiệu dự án hòa bình lớn có tên gọi « sáng kiến cho an ninh toàn cầu ». Tài liệu kêu gọi ủng hộ giải quyết các điểm nóng của thế giới, cụ thể, hiện nay là cuộc khủng hoảng Ukraina, thông qua đối thoại và đàm phán. Trước chuyến đi của ông Tập Cận Bình tới Matxcơva, hôm 10/03, tại Bắc Kinh, Trung Quốc tổ chức thành công cuộc hòa giải, tái lập quan hệ giữa Iran và Ả Rập Xê Út, sau 7 năm là đối thủ kình địch nhau trong khu vực Trung Cận Đông, nơi từ nhiều thập kỷ qua, Hoa Kỳ vẫn là quốc gia điều hành chủ yếu bàn cờ địa chính trị.

 

Giới quan sát đã nhận thấy những nỗ lực ngoại giao của Trung Quốc trong khu vực này không chỉ là lợi ích kinh tế qua các hợp đồng dầu mỏ, hay bán vũ khí cho các nước được Trung Quốc giúp mang lại sự ổn định, mà còn đạt mục tiêu rộng hơn, thu hẹp sự ảnh hưởng của Hoa Kỳ trên trường quốc tế.

 

Riêng với hồ sơ Ukraina, từ đầu cuộc chiến tranh xâm lược của Nga, Hoa Kỳ và các nước phương Tây vẫn tự tin là vẫn đang làm chủ cuộc chơi. Giờ đây, Washington tỏ nghi ngại bản kế hoạch hòa bình 12 điểm cho Ukraina, sẽ có thể dẫn đến việc ngừng bắn, tạo cơ hội cho Nga có thời gian củng cố lại lực lượng đã bị cuộc kháng cự của Ukraina từ hơn một năm nay làm tiêu hao đáng kể. Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken đã tuyên bố : « Thế giới không nên bị lòe bịp bởi một ý đồ chiến thuật nào đó của Nga được Trung Quốc ủng hộ để làm bế tắc cuộc chiến tranh theo điều kiện của họ. »

 

Nhưng nhiều giới chức và chuyên gia Mỹ đã khẳng định, ngoại giao của Trung Quốc không nhằm chấm dứt cuộc chiến tranh này mà chỉ là để cố gắng thay đổi cách nhìn nhận về Trung Quốc. Ông Robert Daly, giám đốc Viện Kissinger thuộc Center Wilson của Mỹ, được AFP trích dẫn, nhận định : « Tập Cận Bình muốn được nhìn nhận và coi trọng như là một con người hòa bình, ông ta quan tâm đến điều này nhiều hơn là kiến tạo điều gì đặc biệt để đạt đước hòa bình ở Ukraina. Đó mới chính là thông điệp. »

 

Ngay sau khi đắc cử tổng thống Hoa Kỳ, ông Joe Biden đã tuyên bố hùng hồn rằng nước Mỹ đang trở lại dẫn dắt thế giới. Washington ngày càng thuyết phục được các đồng minh phương Tây coi Trung Quốc như là mối đe dọa toàn cầu. Quan điểm này càng được phát triển rộng ở châu Âu sau khi gần đây, Washington khẳng định Bắc Kinh đang dự định cung cấp vũ khí cho Nga.

 

Chuyên gia Daly cho rằng việc Tập Cận Bình thể hiện mình là một nhà trung gian hòa giải sẽ tạo một hiệu ứng nhất định ở châu Âu, đặc biệt ở nhiều nước đang phát triển không mấy đồng tình với điểm duy trì trật tự thế giới dựa trên các luật lệ do Mỹ đặt ra.

 

Theo chuyên gia Daly, ông Tập không chú trọng vào hòa bình hay ngừng bắn ở Ukraina. Những gì ông ta làm chỉ là để chứng tỏ ông có qua tâm đến hòa bình, tôn trọng chủ quyền lãnh thổ của nước khác.

 

Trong khi ngoại trưởng Mỹ, Antony Blinken nhìn nhận việc Iran và Ả Rập Xê Út hòa hợp là « điều tốt », dù là dưới bàn tay của Trung Quốc. Nhưng Trung Quốc chỉ nhảy vào cuộc chơi ở những nơi có chọn lọc. Iran và Arập Xê Út là những nước mà Hoa Kỳ đều bất lực không thể điều khiển được. 

 

Còn theo bà Tôn Vân (Yun Sun), giám đốc chương trình nghiên cứu về Trung Quốc tại Stimson Center (Mỹ), « thỏa thuận Iran-Ả Rập Xê Út đã khiến nhiều người ở Hoa Kỳ khó chịu ». Chuyên gia này giải thích thêm,Trung Quốc đã rời bỏ dần với chính sách ngoại giao « chiến lang » được triển khai từ nhiều năm qua. « Nhưng vấn đề là để xem liệu Trung Quốc có khả năng đề xuất một trật tự thế giới mới, tôi không cho là như vậy », bà Tôn Vân nhấn mạnh.

 

Evan Feigenbaum, cựu quan chức Hoa Kỳ hiện đang làm việc tại Quỹ Carnegie vì Hòa bình Quốc tế, nhận định chính sách ngoại giao của Trung Quốc hiện nay chỉ có thể giúp ích, nếu không muốn nói là rất nhiều, ở châu Âu – nhưng không có chuyện thắng Hoa Kỳ.

 

« Bắc Kinh hiểu Washington sẽ coi bất kỳ hoạt động ngoại giao nào của Trung Quốc chỉ là biểu diễn, nhưng người Mỹ không phải là khán giả của Trung Quốc, vì vậy Bắc Kinh có thể không quan tâm lắm đến những gì Washington nghĩ », chuyên gia Evan Feigenbaum bình luận.

 

.

.

=================================================

.

.

Kế hoạch hòa bình cho Ukraina: Mỹ cáo buộc Trung Quốc chỉ ‘‘lặp lại’’ các tuyên truyền của Nga

Trọng Thành  -  RFI

Đăng ngày: 22/03/2023 - 13:06

https://www.rfi.fr/vi/qu%E1%BB%91c-t%E1%BA%BF/20230322-k%E1%BA%BF-ho%E1%BA%A1ch-h%C3%B2a-b%C3%ACnh-cho-ukraina-m%E1%BB%B9-c%C3%A1o-bu%E1%BB%99c-trung-qu%E1%BB%91c-ch%E1%BB%89-l%E1%BA%B7p-l%E1%BA%A1i-c%C3%A1c-tuy%C3%AAn-truy%E1%BB%81n-c%E1%BB%A7a-nga

 

Trong tuyên bố chung Trung - Nga hôm qua, 21/03/2023, lãnh đạo Nga đánh giá cao ‘‘lập trường khách quan và không thiên vị’’ của Trung Quốc ‘‘về vấn đề Ukraina’’,‘‘các ý tưởng mang tính xây dựng’’ trong kế hoạch hòa bình cho Ukraina của Trung Quốc. Cùng ngày, chính quyền Mỹ đã lên tiếng tố cáo Bắc Kinh hoàn toàn đứng về phía Nga, ‘‘lặp lại các tuyên truyền’’ của Matxcơva.

 

https://s.rfi.fr/media/display/800b9f70-c50a-11ed-8675-005056bfb2b6/w:980/p:16x9/2023-03-15T151047Z_1883303955_RC25DZ9FGYM4_RTRMADP_3_UKRAINE-CRISIS-USA-DRONE.webp

Phát ngôn viên Hội Đồng An Ninh Quốc Gia của Nhà Trắng John Kirby phát biểu ở Washington, Hoa Kỳ ngày 17/02/2023. REUTERS - EVELYN HOCKSTEIN

 

Trong cuộc trả lời báo giới hôm qua, phát ngôn viên Hội Đồng An Ninh Quốc Gia của Nhà Trắng, ông John Kirby, đã bác bỏ vai trò được gọi là ‘‘tích cực’’ của Trung Quốc trong việc giải quyết xung đột Nga - Ukraina ‘‘bằng con đường chính trị-ngoại giao’’ như khẳng định của tuyên bố Trung Nga, được Le Monde đăng tải. Ông John Kirby nhấn mạnh điều căn bản là Trung Quốc ‘‘đã không hề lên án cuộc xâm lăng của Nga’’‘‘không ngừng mua dầu và năng lượng của Nga’’, và chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và chế độ của ông ấy đã ‘‘liên tục nhắc lại các tuyên truyền của Nga, đó là bằng cách này hay cách khác, đây là cuộc chiến của phương Tây chống lại Nga, và đây là một mối đe dọa sống còn với tổng thống Nga Putin’’.

 

Theo ông John Kirby, nếu Trung Quốc muốn ‘‘đóng vai trò mang tính xây dựng’’, thì điều ngay lập tức cần làm là ‘‘gây áp lực để buộc Nga phải rút quân khỏi Ukraina, các vùng lãnh thổ thuộc chủ quyền của Ukraina, hối thúc tổng thống Putin ngừng ném bom các thành phố, bệnh viện và trường học; ngăn chặn tội ác chiến tranh và các hành động tàn bạo’’.

 

Đài Euro News nhận định đây là ‘‘chỉ trích mạnh mẽ nhất’’ của chính quyền Mỹ đối với đề xuất trung gian hòa bình của Trung Quốc cho đến nay. Phát ngôn viên Hội Đồng An Ninh Quốc Gia của Nhà Trắng cũng lên án Trung Quốc và Nga muốn ‘‘thay đổi các quy tắc’’ của trật tự quốc tế hiện hành.

 

NATO kêu gọi Trung Quốc đối thoại ‘‘trực tiếp’’ với TT Ukraina

 

Về phần mình, tổng thư ký NATO, Jens Stoltenberg, hôm qua trong một cuộc họp báo tại Bruxelles, kêu gọi nếu Trung Quốc muốn kế hoạch hòa bình của Bắc Kinh được coi là nghiêm túc, thì họ cần đối thoại ‘‘trực tiếp’’ với tổng thống Ukraina Volodymyr Zelensky.

 

Lãnh đạo NATO nhấn mạnh : ‘‘thỏa thuận ngừng bắn hay bất cứ giải pháp nào không tôn trọng chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Ukraina sẽ chỉ là cách để đóng băng chiến tranh, và cho phép Nga khôi phục lực lượng, để tấn công một lần nữa’’.

 

Pháp : Trung Quốc có thể đóng ‘‘một vai trò tích cực’’

 

Về kế hoạch hòa bình cho Ukraina của Trung Quốc, chính quyền Pháp có những lời lẽ mềm dịu hơn khi khẳng định Trung Quốc có thể ‘‘đóng một vai trò tích cực trong việc thuyết phục Nga chấp nhận các thương thuyết hòa bình một cách thiện chí’’ với Ukraina, theo một thông cáo của bộ Ngoại Giao Pháp. Tuy nhiên, Paris cũng khắng định Matxcơva dường như ‘‘trong giai đoạn hiện tại’’ chưa có ý định chấm dứt chiến tranh.

 

---------------------------

CÁC NỘI DUNG LIÊN QUAN

''Kế hoạch hòa bình’’ cho Ukraina của Trung Quốc bất khả thi

 

 

===========================================

.

.

Tổng thống Ukraina mời gọi Trung Quốc đối thoại về cuộc xung đột với Nga

Minh Anh  -  RFI

Đăng ngày: 22/03/2023 - 11:47

https://www.rfi.fr/vi/qu%E1%BB%91c-t%E1%BA%BF/20230322-t%E1%BB%95ng-th%E1%BB%91ng-ukraina-m%E1%BB%9Di-g%E1%BB%8Di-trung-qu%E1%BB%91c-%C4%91%E1%BB%91i-tho%E1%BA%A1i-v%E1%BB%81-cu%E1%BB%99c-xung-%C4%91%E1%BB%99t-v%E1%BB%9Bi-nga

 

Hôm qua, 21/03/2023, không lâu sau tuyên bố chung của tổng thống Nga Vladimir Putin và chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, tổng thống Ukraina Volodymyr Zelensky đã lên tiếng « mời gọi » Trung Quốc đối thoại và « mong chờ một lời hồi đáp » từ phía Bắc Kinh. 

 

https://s.rfi.fr/media/display/51e1a9b0-c89c-11ed-9173-005056a90321/w:980/p:16x9/2023-03-21T174444Z_105257296_RC2GYZ9OFUGU_RTRMADP_3_UKRAINE-CRISIS-JAPAN-ZELENSKIY.webp

Tổng thống Ukraina Volodymyr Zelensky trong cuộc họp báo ở Kiev, Ukraina ngày 21/03/2023. REUTERS - STAFF

 

Stéphane Siohan, thông tín viên đài RFI tại Kiev tường trình : 

 

« Đường dây điện thoại của Volodymyr Zelensky luôn bận rộn. Đó là vì, ông hầu như điện đàm hàng ngày với một số nguyên thủ hay lãnh đạo quốc tế. 

 

Tuy nhiên, đường dây nối giữa Kiev và Bắc Kinh chưa được sử dụng, bởi vì nguyên thủ Ukraina trong thời chiến và Tập Cận Bình chưa bao giờ nói chuyện qua điện thoại kể từ đầu cuộc xâm lược của Nga.  

 

Tối thứ Ba, Volodymyr Zelensky đã mời gọi Trung Quốc đối thoại, và ông tuyên bố đang chờ phản hồi lời mời này, vào lúc đồng nhiệm Trung Quốc đang có chuyến thăm ba ngày ở Matxcơva. 

 

Tổng thống Ukraina nói : « Chúng tôi đã đề nghị với Trung Quốc trở thành đối tác để tìm kiếm một giải pháp cho cuộc xung đột tại Ukraina », và nói thêm rằng ông đã nhận thấy các tín hiệu nhưng chưa có các đề xuất cụ thể. 

 

Trên thực tế, chính quyền Kiev tìm cách thiết lập một kênh liên lạc nhằm tránh xảy ra kịch bản mà tất cả mọi người đều lo sợ : Đó là Trung Quốc quyết định cung cấp vũ khí cho quân đội Nga. 

 

Ở cấp độ này, Ukraina đặt nhiều hy vọng vào thế yếu của Matxcơva trong bộ đôi chiến lược Nga – Trung, và những áp lực kín đáo của Bắc Kinh để thúc đẩy điện Kremlin chấm dứt chiến tranh. »

 

--------------------------------

CÁC NỘI DUNG LIÊN QUAN

KẾ HOẠCH HÒA BÌNH UKRAINA - TRUNG QUỐC

''Kế hoạch hòa bình’’ cho Ukraina của Trung Quốc bất khả thi

 

PHÂN TÍCH

Ukraina lo âu theo dõi chuyến thăm Matxcơva của Tập Cận Bình

 





No comments:

Post a Comment