Wednesday, March 29, 2023

TẬP CẬN BÌNH NÊN TỰ TRÁCH MÌNH (Hiếu Chân / Người Việt)

 



Tập Cận Bình nên tự trách mình

Hiếu Chân/Người Việt

March 28, 2023

https://www.nguoi-viet.com/binh-luan/tap-can-binh-nen-tu-trach-minh/

 

Các nước củng cố mối liên kết an ninh để đề phòng sự bành trướng của Trung Quốc, hình thành một thế trận mới ở Châu Á-Thái Bình Dương.

 

https://www.nguoi-viet.com/wp-content/uploads/2023/03/A1-Tap-Can-Binh-tu-trach-1536x1169.jpg

Ông Ferdinand Marcos Jr. (trái), tổng thống Philippines, thăm Nhật hôm 9 Tháng Hai, được ông Fumio Kishida, thủ tướng Nhật, đón tiếp. Philippines ngày càng gần Mỹ, Nhật, Úc, Nam Hàn vì cách hành xử nói một đằng làm một nẻo của giới lãnh đạo Trung Quốc. (Hình minh họa: Kimimasa Mayama – Pool/Getty Images)

 

Chuyến thăm Nhật kéo dài năm ngày của ông Ferdinand Marcos Jr., tổng thống Philippines, hồi giữa Tháng Hai đánh dấu một sự thay đổi quan trọng trong chính sách đối ngoại của Manila. Không chỉ dẫn theo 240 nhà lãnh đạo doanh nghiệp ký kết các hợp đồng và thỏa thuận đầu tư, tài chính với các công ty Nhật trị giá tới $13 tỷ, ông Marcos còn đồng ý với ông Fumio Kishida, thủ tướng Nhật, để đơn giản hóa các thủ tục cho phép các lực lượng phòng vệ Nhật Bản (Self-Defense Force – SDF) được bố trí ở Philippines khi cần thiết, chẳng hạn như trong các thảm họa thiên tai hoặc cứu trợ nhân đạo.

 

.

Philippines xoay trục

 

Thỏa thuận đơn giản hóa thủ tục bố trí lực lượng SDF tại Philippines là bước mở đầu tiến tới một hiệp ước về thăm viếng lẫn nhau giữa các lực lượng Nhật và Philippines, gọi là Visiting Force Agreement (VFA) tương tự như hiệp định đã có giữa Philippines và Hoa Kỳ.

 

Trước đó vài ngày, ông Marcos cũng đã thỏa thuận với ông Lloyd Austin, bộ trưởng Quốc Phòng Mỹ, mở rộng sự hiện diện của quân đội Mỹ tại đảo quốc này từ ở năm căn cứ hiện nay lên chín căn cứ, trong đó có một căn cứ ở tỉnh Palawan giáp quần đảo Trường Sa.

 

Sau khi từ Tokyo trở về, Tổng Thống Marcos đã mời ông Richard Marles, bộ trưởng Quốc Phòng Úc, đến hội đàm hôm 22 Tháng Hai và hai bên đồng ý tổ chức những cuộc đối thoại thường xuyên cấp bộ trưởng Quốc Phòng của hai nước. Giữa Philippines và Úc đã có hiệp định VFA, và nếu Nhật cùng tham gia thì ba đồng minh quan trọng của Mỹ ở Thái Bình Dương đã có thể phối hợp nhau cùng tập trận và tuần tra trên Biển Đông, chia sẻ một phần gánh nặng của Hải Quân Mỹ – lực lượng vẫn đang thực hiện đều đặn các chiến dịch tuần tra bảo vệ tự do hải hành (FONOPs) trên tuyến hàng hải đông đúc nhất thế giới này.

 

Mục tiêu của những thỏa thuận này không gì khác hơn là đối phó với sự hung hăng và chèn ép của Trung Quốc.

 

Bắc Kinh tất nhiên không hài lòng với bước chuyển biến của Manila. Ngay trước khi ông Marcos đến Tokyo, tàu Hải Cảnh Trung Quốc đã chiếu tia laser “cấp độ quân sự” vào một tàu Tuần Duyên của Philippines đang chở nhu yếu phẩm tiếp tế cho lính của họ ở Bãi Cỏ Mây trong vùng đặc quyền kinh tế của Philippines, làm mù mắt tạm thời các thủy thủ hôm 6 Tháng Hai. Hành động của Trung Quốc được cho là lời cảnh cáo Manila chớ có tăng cường quan hệ với Nhật và Mỹ.

 

Trước đó, trong chuyến thăm của ông Marcos tới Bắc Kinh hồi Tháng Giêng, hai bên đã ký kết các hợp đồng trị giá $22.8 tỷ và thỏa thuận “quản lý thích hợp những sự khác biệt bằng các phương thức hòa bình.” Nhưng sau đó, Trung Quốc vẫn hành động càn rỡ, liên tục đe dọa và chèn ép Philippines ở Biển Đông. Bộ Ngoại Giao Philippines lên án hành vi chiếu tia laser của Trung Quốc là “hành động gây hấn” xảy ra ngay sau chuyến thăm Trung Quốc của Tổng Thống Marcos.

 

Từ những sự việc như vậy, người Philippines thất vọng não nề với cách hành xử nói một đằng làm một nẻo của giới lãnh đạo Trung Quốc. Nếu tìm một nguyên nhân cho sự “xoay trục” của chính quyền Marcos – trái ngược với chính sách chống Mỹ, thân Bắc Kinh của người tiền nhiệm Rodrigo Duterte – thì đó chính là cách hành xử của Trung Quốc.

 

.

Các liên minh không chính thức

 

Trong các diễn biến liên quan, hai nhóm tương trợ an ninh không chính thức trong vùng Châu Á-Thái Bình Dương đã có những bước tiến mới.

 

Tại một căn cứ Hải Quân ở San Diego, ông Joe Biden, tổng thống Mỹ, cùng ông Rishi Sunak, thủ tướng Anh, và ông Anthony Albanese, thủ tướng Úc, đã công bố chi tiết kế hoạch giúp Úc đóng các tàu ngầm chạy bằng năng lượng nguyên tử trong khuôn khổ hiệp ước an ninh AUKUS. Thỏa thuận còn bao gồm việc Mỹ và Anh bố trí luân phiên các đội tàu ngầm nguyên tử của hai nước tại các hải cảng miền Tây Úc, sau này sẽ có thêm sự tham gia của đội tàu ngầm lớp Virginia mà Úc mua được – tất cả tạo thành “xương sống” của lực lượng tàu ngầm tân tiến canh chừng Biển Đông

 

Rồi trong tuần đó, bộ trưởng Quốc Phòng ba nước Anh, Nhật và Ý gặp nhau ở Tokyo để thỏa thuận hợp tác chế tạo chiến đấu cơ phản lực thế hệ thứ 6, do ba tập đoàn công nghệ quốc phòng lớn nhất của ba nước – gồm Mitsubishi Heavy Industries của Nhật, BAE System của Anh và Leonardo của Ý – thực hiện. Trước tiên thỏa thuận đặt cơ sở cho việc phát triển và nâng cấp các công nghệ truyền thông và thông tin của các chiến đấu cơ mới, sẽ ra mắt vào giữa thập niên tới. Sự tham gia của hai quốc gia Châu Âu (Anh và Ý) vào các thỏa thuận vũ khí mới ở Châu Á cho thấy đang có sự mở rộng đáng kể quan hệ hợp tác an ninh giữa Thái Bình Dương và Đại Tây Dương để cùng đối phó với những thế lực chuyên chế đang nổi lên.

 

Trong chiều hướng tương tự, ông Olaf Scholz, thủ tướng Đức, dẫn phần lớn nội các của chính phủ Đức đến Tokyo để tham dự “hội nghị tham vấn” với nội các của chính phủ Nhật lần đầu tiên hôm 17 Tháng Ba. Phát biểu tại cuộc họp báo chung sau hội nghị, Thủ Tướng Kishida nói hai chính phủ Nhật và Đức đã đồng ý tăng cường chuỗi cung ứng khoáng sản, chất bán dẫn, pin xe hơi và các lĩnh vực chiến lược khác, nhằm “chống lại sự ép buộc kinh tế, nỗ lực của nhà nước nhằm mua lại công nghệ một cách bất hợp pháp và các hành vi phi thị trường.” Ông không đề cập trực tiếp tới Trung Quốc nhưng rõ ràng ám chỉ các hành động của Bắc Kinh. Nên để ý, Nhật và Đức là hai nước bại trận và bị tàn phá nặng nề trong Đệ Nhị Thế Chiến nhưng sau đó đã vươn lên từ đống tro tàn, trở thành hai nền dân chủ, hai nền kinh tế hàng đầu của thế giới. Sự hợp tác giữa hai nước này có một sức nặng đáng kể về địa chính trị ở cả Châu Âu và Châu Á.

 

Mới đây Nhật và Nam Hàn, hai cựu thù và cũng là hai nền dân chủ quan trọng nhất ở Đông Á, đã quyết định hòa giải với nhau, giải quyết hậu quả lịch sử của việc Nhật xâm lược và chiếm đóng Nam Hàn từ 1910 đến 1945 gây nhiều tội ác đối với người dân nước này, cùng đoàn kết để đối phó Trung Quốc.

 

Ông Yoon Suk Yeol, tổng thống Nam Hàn, nói rằng Nhật “đã chuyển hóa từ chế độ quân phiệt xâm lăng thành một quốc gia có thể hợp tác vì chia sẻ những giá trị phổ biến” và hai nước Nhật-Hàn cần liên kết với nhau “trong các lĩnh vực an ninh, kinh tế, khoa học và kỹ thuật” để “bảo vệ tự do, hòa bình và thịnh vượng không những cho hai nước mà còn cho cả thế giới.” Đáp lại ông Kishida, thủ tướng Nhật, nói “Nam Hàn là một láng giềng quan trọng mà chúng ta cần cộng tác để đối phó với nhiều thử thách trong cộng đồng quốc tế.” Thử thách đó chính là Trung Quốc cùng chính sách bành trướng hung hăng của đảng Cộng Sản mà cả Tokyo và Seoul đều biết họ không thể đơn phương chống lại được.

 

.

Kỷ sở bất dục…

 

Từ chuyển biến của Philippines, chiến lược gia tăng phòng thủ của Nhật, Nam Hàn và sự củng cố các liên minh kinh tế quân sự của Mỹ, Úc, Châu Âu, không khó để nhận ra một thế trận mới bao quanh Trung Quốc ở Châu Á-Thái Bình Dương đang hình thành. Thế trận đó không hoàn toàn do Mỹ dàn dựng mà tự các nước lo sợ một nước lớn và tham lam ở ngay trước ngưỡng cửa của họ.

 

Bắc Kinh tất nhiên đổ lỗi cho Hoa Kỳ và tố cáo Washington có chính sách “bao vây, cô lập và chèn ép Trung Quốc” như phát biểu mới đây của ông Tập Cận Bình, chủ tịch Trung Quốc, chỉ đích danh Hoa Kỳ cản trở sự phát triển của Trung Quốc. Nhưng cổ nhân có dạy “tiên trách kỷ, hậu trách nhân” – trách mình trước rồi hãy đổ lỗi cho người; kinh sách Nho giáo cũng nói “Kỷ sở bất dục, vật thi ư nhân” – điều gì mình không muốn thì chớ làm cho người khác. Ông Tập Cận Bình dường như đã quên hết những châm ngôn này.

 

Thực tế, những sự thay đổi nói trên là phản ứng tất nhiên khi cán cân sức mạnh của khu vực xấu đi nhanh chóng sau hơn một thập niên Bắc Kinh đầu tư rất mạnh vào hiện đại hóa quân đội theo chỉ đạo của ông Tập Cận Bình. Việc canh tân quân đội của ông Tập tập trung vào gia tăng năng lực tấn công của các lực lượng Hải Quân, Không Quân, hỏa tiễn chiến lược của Trung Quốc bao trùm lên cả khu vực Châu Á-Thái Bình Dương. Hiện đại hóa quân đội đi cùng với những chính sách bành trướng lãnh thổ, đe dọa và chèn ép các nước nhỏ làm cho tất cả các láng giềng của Trung Quốc phải tìm cách liên kết với nhau, và với Mỹ, để tồn tại. Để xảy ra tình huống này ông Tập nên tự trách mình thay vì đổ lỗi cho người khác. [qd]

 




No comments:

Post a Comment