Thursday, March 2, 2023

TÂN CHỦ TỊCH NƯỚC : THƯỞNG "NGOAN" NÊN ĐƯỢC THƯỞNG? (Iris An / Saigon Nhỏ)

 



Tân chủ tịch nước: Thưởng “ngoan” nên được thưởng?

Iris An
1 tháng 3, 2023

https://saigonnhonews.com/thoi-su/viet-nam/tan-chu-tich-nuoc-thuong-ngoan-nen-duoc-thuong/

 

Tại kỳ họp bất thường của Quốc hội diễn ra sáng 2 Tháng Ba theo giờ Việt Nam, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã trình Quốc hội xem xét “bầu” ông Võ Văn Thưởng, ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư, đại biểu Quốc hội khóa XV thuộc đoàn Đại biểu Quốc hội TP Đà Nẵng, giữ chức chủ tịch nước nhiệm kỳ 2021-2026. Kết quả cuối cùng chẳng có gì bất ngờ: Khoảng 10g sáng ngày 2 Tháng Ba giờ Việt Nam, báo chí trong nước chính thức loan tin: Võ Văn Thưởng được “bầu” làm chủ tịch nước.

 

 

https://saigonnhonews.com/wp-content/uploads/2023/03/tt.jpg

Thưởng “ngoan” nên được Trọng “thưởng” (chinhphu.vn)

 

Người thay thế Nguyễn Xuân Phúc

 

Sự việc từ chức của ông Nguyễn Xuân Phúc đã được báo trước khi vụ lùm xùm của công ty Việt Á diễn ra; và ngày 18 Tháng Một 2023, việc Quốc hội Việt Nam họp bất thường miễn nhiệm chức vụ chủ tịch nước và “cho thôi” nhiệm vụ đại biểu Quốc hội khóa 15 của Nguyễn Xuân Phúc là điều không có gì ngạc nhiên đối với giới thạo tin chính trị.

 

Sự rời ghế của ông Nguyễn Xuân Phúc được che đậy bằng những lời lẽ rất hoa mỹ: “Trung ương đánh giá ông đã có nhiều nỗ lực trong lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành công tác phòng, chống dịch Covid-19 đạt kết quả quan trọng. Tuy nhiên, ông chịu trách nhiệm chính trị của người đứng đầu khi để nhiều cán bộ có vi phạm, khuyết điểm, gây hậu quả rất nghiêm trọng”.

 

Nhưng ai cũng biết rằng Phúc và gia đình Phúc chính là “trùm cuối” đứng đằng sau và gây nên vụ lùm xùm của công ty Việt Á, làm bao nhiêu sinh mạng vô tội bị chết oan trong đại dịch Covid-19. Những người làm việc trực tiếp dưới quyền của Nguyễn Xuân Phúc như hai ông Phó Thủ tướng Phạm Bình MinhVũ Đức Đam đã được phê chuẩn “cho thôi nhiệm vụ” theo “nguyện vọng cá nhân”, hay nói một cách thẳng thắn hơn là bị đề nghị chủ động từ chức để bảo toàn thể diện cho cá nhân, cũng là cho Chính phủ Việt Nam và cho Đảng Cộng sản. Ba cán bộ cấp cao khác là ông Nguyễn Thanh Long (cựu Bộ trưởng Y tế), ông Chu Ngọc Anh (cựu Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội) đã bị bắt và ông Mai Tiến Dũng (nguyên Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ) bị Ban Bí thư cảnh cáo.

 

https://saigonnhonews.com/wp-content/uploads/2023/03/Tieu-su-Vo-Van-Thuong.jpg

Sơ lược tiểu sử Võ Văn Thưởng

 

Như truyền thống chính trị của Đảng Cộng sản Việt Nam, những người từ chức trong tình thế bắt buộc ấy sẽ phải im hơi lặng tiếng trên các phương tiện truyền thông đại chúng. Những bài viết nêu phát biểu của ông Nguyễn Xuân Phúc sau sự kiện từ chức đó đã bị gỡ bỏ nhanh chóng trên báo chí Việt Nam. Cũng theo truyền thống chính trị cộng sản Việt Nam, người đã bị thất thế, lui vào hậu trường thì không còn cơ hội trở lại. Điều này rất khác với các thể chế chính trị ở đa số các quốc gia trên thế giới, khi một nguyên thủ bị thất cử hay bị buộc từ chức thì vẫn có cơ hội quay trở lại chính trường.

 

Ngay sau khi Nguyễn Xuân Phúc “từ chức”, hậu trường chính trị đã rò rỉ tin rằng đã có một số giải pháp cho chức danh chủ tịch nước được Bộ Chính trị đưa ra. Thứ nhất, đó là Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng kiêm nhiệm luôn chức danh này. Giải pháp thứ hai được đưa ra là đề cử Tô Lâm, đương kim Bộ trưởng Bộ Công an, cũng là Ủy viên Bộ Chính trị có quyền lực bậc nhất sau Nguyễn Phú Trọng. Tuy nhiên giải pháp này không nhận được sự đồng tình từ hai phía: Từ chính một số thành viên của Bộ Chính trị và từ chính Tô Lâm. Lý do một số thành viên của Bộ Chính trị nêu ra là: Ông Tô Lâm có khá nhiều “phốt bẩn” gây mất uy tín đối với quốc tế và dân chúng trong nước.

 

Vụ bắt cóc ông Trịnh Xuân Thanh, nguyên Đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam, nguyên Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Hậu Giang và Đại biểu Quốc hội khóa XIV, ngay trên đất Đức theo chỉ đạo của ông Tô Lâm đã làm ảnh hưởng đến quan hệ ngoại giao của Việt Nam với Đức và Slovakia. Sau đó, đầu Tháng Mười Một 2021, một đoạn video được đăng trên tài khoản TikTok của đầu bếp nổi tiếng Nusret Gökçe, còn được biết với biệt danh “Salt Bae”, cho thấy ông Tô Lâm đang ăn uống xì xụp tại nhà hàng của Salt Bae ở Luân Đôn, nơi nổi tiếng có món thịt bò dát vàng đắt tiền.

 

Những vụ việc như vậy khiến hình ảnh Tô Lâm không được sáng sủa cho lắm trong con mắt thế giới và trong dân chúng Việt Nam. Mặt khác, những người thạo tin cũng cho thấy Tô Lâm chủ động từ chối ghế chủ tịch nước. Tay trùm công an này hiểu rằng với cương vị Bộ trưởng Bộ Công an, đương sự mới thật sự có quyền lực, có đủ “thanh kiếm và lá chắn” để bảo vệ mình, sau khi thanh kiếm của mình “nhuốm máu” vô số đồng chí. Dưới thời Tô Lâm, loạt quan chức cấp cao, từ Đinh La Thăng, Nguyễn Bắc Son, Trương Minh Tuấn, Nguyễn Đắc Chung… đến thậm chí Nguyễn Xuân Phúc cũng phải rơi đài. Do đó, Tô Lâm – để cảnh giác tránh những đòn thù cũng như để “bịt đầu mối” – không ngu gì rời ghế trùm công an.

 

https://saigonnhonews.com/wp-content/uploads/2023/03/th.jpg

Trùm công an Tô Lâm (ảnh: Thanh Niên)

 

Giải pháp thứ ba mang tính dung hòa được đưa ra, đó là đưa Võ Văn Thưởng, Thường trực Ban Bí thư vào ghế chủ tịch nước. Võ Văn Thưởng được đánh giá là con người an toàn, không nổi trội về mặt năng lực, biết nghe lời, có vẻ “ngoan”, kiểu người không phải thuộc loại chính trị hoạt đầu và biết biến báo như đám chính trị quỷ quyệt nham hiểm đất Bắc.

 

Trong cơ cấu quyền lực “bộ tứ”, gồm Tổng Bí thư – Chủ tịch nước – Thủ tướng Chính phủ – Chủ tịch Quốc hội, thường được mệnh danh là “tứ trụ”, chủ tịch nước chỉ mang tính nghi thức là chính. Khác với Trung Quốc, làm chủ tịch nước của chế độ cộng sản Việt Nam chỉ để ban lệnh ân xá tù nhân và ký giấy khen thưởng.

 

Võ Văn Thưởng có một “ưu điểm” nổi bật: “Ngoan”, ít nhất là trong mắt Nguyễn Phú Trọng. Thưởng có vẻ là một trong những “đồng chí” hiếm hoi còn trung thành với lý tưởng cộng sản, trong cái đám quan chức cộng sản ngày càng trở nên xôi thịt. Thưởng gắn bó sâu với hệ thống tuyên giáo đảng, từ khi còn là Phó Bí thư thường trực Thành ủy TP.HCM, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương đến hiện tại là Thường trực Ban Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản.

 

Võ Văn Thưởng cũng chưa gây ra “phốt bẩn” nào, không có tai tiếng gì quá đáng, không biết có “ăn” gì không, nhưng ít nhất ở thời điểm này, đương sự không dính líu phi vụ tham nhũng nào. Quan trọng nhất, Thưởng tỏ ra là học trò giỏi của thầy Nguyễn Phú Trọng. Thưởng luôn nhai đi nhai lại những câu lý thuyết cộng sản sáo rỗng đậm mùi tuyên giáo. Trong cái sân khấu chính trị với bối cảnh bộ máy đảng thối nát đến mức không cái lò nào có thể đốt hết củi, ít ra, Thưởng cũng đáng được “thưởng”, cho dù phần thưởng này chẳng có mấy giá trị thực tế.





No comments:

Post a Comment