Wednesday, March 29, 2023

TẠI SAO ÔNG TRỌNG, ÔNG THƯỞNG, ÔNG HUỆ, ÔNG CHÍNH 'KHÔNG NGHĨ, KHÔNG LÀM'? (Trân Văn)

 



Tại sao ông Trọng, ông Thưởng, ông Huệ, ông Chính ‘không nghĩ, không làm’?

Trân Văn

29/03/2023

https://www.voatiengviet.com/a/tai-sao-ong-trong-ong-thuong-ong-hue-ong-chinh-khong-nghi-khong-lam-/7026931.html

 

Xét về bản chất, Dự thảo “Nghị định Quy định về khuyến khích, bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám đột phá vì lợi ích chung” là sự thừa nhận chủ trương, chính sách bất cập, phi lý...

 

https://gdb.voanews.com/10070000-0aff-0242-5845-08da5aac67f2_w1023_r1_s.jpg

Khi “Sống, làm việc theo Hiến pháp, pháp luật” đã trở thành một loại tuyên ngôn của “nhà nước pháp quyền XHCN” ở Việt Nam thì tại sao từ trên xuống dưới vẫn cứ phải lập đi lập lại về “dám nghĩ, dám làm”?

 

Chính quyền Cộng hòa XHCN Việt Nam tiếp tục chứng minh họ có thể làm những chuyện mà phần còn lại của nhân loại “không thể”, “không dám”, “không cần”, “không muốn”... làm (1) và dự thảo “Nghị định Quy định về khuyến khích, bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám đột phá vì lợi ích chung” do Bộ Nội vụ soạn và công bố chính là bằng chứng mới nhất.

 

Theo dự thảo vừa kể thì chính quyền Việt Nam không chỉ... “khuyến khích” cán bộ “dám nghĩ, dám làm” mà đang lập quy để... “bảo vệ” những cán bộ... “dám nghĩ, dám làm”. Không những không xử lý (2), chính quyền Việt Nam còn có ý định... “tuyên dương, khen thưởng” những cán bộ... “dám nghĩ, dám làm” và hứa hẹn sẽ “ưu tiên bồi dưỡng, quy hoạch, bổ nhiệm vào vị trí cao hơn hoặc được bổ nhiệm, quy hoạch vượt cấp” (3).

 

                                                       ***

Văn minh nhân loại đã giúp ngạn ngữ pháp lý (legal maxim) “công dân được phép làm mọi thứ luật pháp không cấm” (everything which is not forbidden is allowed) phát triển thêm vế sau “công chức chỉ được làm những điều mà luật pháp cho phép” (for the individual citizen, everything which is not forbidden is allowed; but for public bodies, and notably government, everything which is not allowed is forbidden) để ngăn chặn sự tùy tiện, lạm quyền và điều này trở thành nền tảng luật pháp của nhiều quốc gia (4).

 

Tuy không công khai xác lập quan điểm vừa đề cập là nền tảng luật pháp nhưng rất nhiều tài liệu, giáo trình liên quan đến “công chức, công vụ” ở Việt Nam thừa nhận - “công dân được phép làm mọi thứ luật pháp không cấm” và “công chức chỉ được làm những điều mà luật pháp cho phép”. Chẳng hạn trong “Tài liệu bồi dưỡng thi nâng ngạch chuyên viên cao cấp khối đảng, đoàn thể năm 2011”, ở phần về “Chế độ công vụ và quản lý cán bộ, công chức” nhấn mạnh: Trong khi mọi người dân được làm những việc mà pháp luật không cấm thì cán bộ, công chức chỉ được làm những gì mà pháp luật cho phép. Chấp nhận sự hạn chế về quyền (quyền hạn) là yêu cầu chủ yếu của cán bộ, công chức trong hoạt động công vụ - theo quan điểm “chấp nhận sự thiệt thòi về phía nhà nước (công chức) để đem lại lợi ích cho xã hội”. Có thể phối kiểm bằng cách download tài liệu mới dẫn từ website của Tạp chí Xây dựng đảng (5) và xem trang 22.

 

Đâu phải tự nhiên mà chính quyền Việt Nam đề ra - giương cao khẩu hiệu “Sống, làm việc theo Hiến pháp, pháp luật”. Khi “Sống, làm việc theo Hiến pháp, pháp luật” đã trở thành một loại tuyên ngôn của “nhà nước pháp quyền XHCN” ở Việt Nam thì tại sao từ trên xuống dưới vẫn lải nhải về “dám nghĩ, dám làm”, giờ thậm chí còn toan... “lập quy” – ban hành “Nghị định Quy định về khuyến khích, bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám đột phá vì lợi ích chung”?

 

Xét về bản chất, Dự thảo “Nghị định Quy định về khuyến khích, bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám đột phá vì lợi ích chung” là sự thừa nhận chủ trương, chính sách bất cập, phi lý, hệ thống chính trị, hệ thống công quyền từ trung ương đến địa phương không chỉ trì trệ mà còn hết sức kém cỏi nên hiệu quả hoạt động tệ hại đến mức phải sử dụng biện pháp... “lập quy” thúc giục cá nhân công chức... “mạnh dạn đột phá, tháo gỡ những điểm nghẽn, nút thắt, những vấn đề chưa có quy định hoặc có nhưng không còn phù hợp với thực tiễn”! Với hệ thống chính trị, hệ thống công quyền từ trung ương đến địa phương như thế, có cần phải dùng đến 75% tổng thu ngân sách để nuôi và duy trì hoạt động hay không? Tại sao Tổng Bí thư, Chủ tịch Nhà nước, Chủ tịch Quốc hội, Thủ tướng không nghĩ, không làm để tạo ra sự thay đổi cần thiết, bảo đảm “Sống, làm việc theo Hiến pháp, pháp luật” vẫn là tôn chỉ của “nhà nước pháp quyền XHCN” mà lại khuyến khích cá nhân công chức “dám nghĩ, dám làm”?

 

Hồi trung tuần tháng 9 năm ngoái, trước tình trạng hoạt động của hệ thống y tế gần như tê liệt vì thiếu đủ thứ, khi họp với lãnh đạo các tỉnh, thành phố trên toàn quốc, ông Phạm Minh Chính lấy tư cách Thủ tướng ra lệnh: “Cương quyết, dứt khoát không vì thủ tục hành chính, vì vướng mắc quy định, vì thiếu trách nhiệm mà để thiếu thuốc, sinh phẩm, vật tư y tế kéo dài” (3).

 

Dường như nhận thấy chừng đó chưa đủ để thiên hạ hoang mang, lúc ấy, ông Chính – người có học hàm Phó Giáo sư, học vị Tiến sĩ Luật – giải thích thêm: “Ai làm sai thì phải xử lý, kỷ luật nhưng không để vì xử lý, kỷ luật mà để ảnh hưởng tới việc bảo vệ sức khỏe, tính mạng người dân”. Có động não tới... nhũn não cũng không thể hiểu tại sao đã “cương quyết, dứt khoát” không để “thủ tục hành chính” và “quy định” cản trở khiến “thuốc, sinh phẩm, vật tư y tế” khiếm hụt rồi trở thành “thiếu trách nhiệm”, mà... “làm sai thì phải xử lý, kỷ luật”? Tại sao đã “làm sai thì phải xử lý, kỷ luật” mà còn đòi hỏi “không để vì xử lý, kỷ luật mà để ảnh hưởng tới việc bảo vệ sức khỏe, tính mạng người dân”?

 

Tại sao những người vừa góp mặt trong cơ quan ban hành văn bản lập pháp (ĐBQH), vừa đứng đầu các cơ quan hành pháp (Thủ tướng) nơi ban hành những văn bản lập quy như ông Chính lại đặt ra các quy phạm pháp luật gây “vướng mắc” nhưng thay vì bãi bỏ, sửa đổi lại khuyến khích thuộc cấp nên “dũng cảm” làm ngược lại? Bởi ông Chính nói riêng và hệ thống chính trị, hệ thống công quyền nói chung như thế nên tình trạng hoạt động của hệ thống y tế gần như tê liệt vì thiếu đủ thứ mới kéo dài cho đến giờ này!

 

                                                         ***

Hệ thống chính trị, hệ thống công quyền và hệ thống truyền thông chính thức tại Việt Nam từng tôn vinh ông Đinh La Thăng, ông Nguyễn Bá Thanh như những điển hình “dám nghĩ, dám làm”. Tháng 2/2015, ở tang lễ ông Nguyễn Bá Thanh, ông Tô Huy Rứa thay mặt lãnh đạo đảng, nhà nước, quốc hội chính phủ ca ngợi ông Thanh là “một người tài năng, trí tuệ, dám nghĩ, dám làm” (7). Bây giờ thiên hạ đã rõ hậu quả của việc ông Thanh “dám nghĩ, dám làm” nghiêm trọng và nặng nề thế nào! Tương tự, tháng 3/2016, ông Thăng còn được tung hô là “hiện tượng”, là tấm gương về “văn hóa lãnh đạo” vì “dám nghĩ, dám làm” (7).

Một năm sau, cũng hệ thống chính trị, hệ thống công quyền và hệ thống truyền thông chính thức tại Việt Nam trở mặt, chỉ trích ông Thăng, bảo ông nên “dám chịu trách nhiệm” (8). Ông Thăng đã bị truy cứu trách nhiệm, đã bị phạt nhưng ngoài thường dân đã, đang, cũng như sẽ còn gánh chịu hậu quả, có ai “dám nhận trách nhiệm” liên đới không?

 

----------------------

Chú thích

 

(1) htps://vietnamfinance.vn/bo-truong-nguyen-manh-hung-nguoi-viet-co-the-lam-ra-nhung-thu-ma-the-gioi-chua-tung-lam-20180504224228952.htm

 

(2) https://vnexpress.net/bo-noi-vu-de-xuat-can-bo-dam-nghi-dam-lam-duoc-mien-ky-luat-4585334.html

 

(3) https://thanhnien.vn/can-bo-dam-nghi-dam-lam-co-the-duoc-bo-nhiem-vuot-cap-185230327120610693.htm

 

(4) https://en.wikipedia.org/wiki/Everything_which_is_not_forbidden_is_allowed

 

(5) http://www.xaydungdang.org.vn/Uploads/thuhuyen/4-ChuyendeCongvu-Congchuc.pdf

 

(6) https://vtv.vn/chinh-tri/thu-tuong-lam-ro-nguyen-nhan-tien-do-tiem-vaccine-phong-covid-19-o-mot-so-dia-phuong-dang-cham-lai-20220913100958144.htm

 

(7) https://www.danang.gov.vn/chinh-quyen/chi-tiet?id=4835&_c=3

 

(8) https://cand.com.vn/Phong-su-Tieu-diem/Hien-tuong-dinh-La-Thang-hay-cau-chuyen-ve-van-hoa-lanh-dao-i384116/

 

(9)

https://vietnamnet.vn/hy-vong-nguoi-dam-nghi-dam-lam-thi-cung-dam-nhan-sai-pham-370702.html





No comments:

Post a Comment