Ở Trung Quốc, tỷ lệ kết hôn đang giảm xuống và 'giá cô dâu'
đang tăng lên
Cù
Tuấn dịch
Tóm tắt: Chính sách một con của
Trung Quốc đã dẫn đến việc có quá ít phụ nữ. Các chú rể hiện đang phải trả nhiều
tiền sính lễ hơn cho các cô vợ, và truyền thống này đang vấp phải sự phản đối
ngày càng tăng.
30 phụ nữ ngồi trên ghế gỗ, đối diện nhau theo
khung hình chữ nhật. Ở phía trước căn phòng là biểu tượng búa liềm của Đảng Cộng
sản cầm quyền, với một tấm biển tuyên bố mục đích của cuộc họp: “Hội nghị
chuyên đề của những phụ nữ trẻ chưa lập gia đình ở độ tuổi phù hợp.”
Các quan chức ở Daijiapu, một thị trấn ở đông
nam Trung Quốc, đã tập hợp những người phụ nữ để ký cam kết công khai rằng họ sẽ
từ chối "giá cô dâu" cao, một phong tục đám cưới trong đó người đàn
ông phải đưa tiền cho gia đình vợ tương lai như một điều kiện đính hôn. Chính
quyền địa phương mô tả sự kiện này vào đầu năm nay trong một thông báo trên
trang web của mình, cho biết họ hy vọng mọi người sẽ từ bỏ những phong tục lạc
hậu như vậy và góp phần “bắt đầu một xu hướng văn minh mới”.
Khi Trung Quốc phải đối mặt với tình trạng dân
số ngày càng giảm, các quan chức đã đả phá truyền thống lâu đời về quà cưới để
cố gắng thúc đẩy số lượng hôn nhân, vốn đang suy giảm. Khoản phí này, được biết
đến trong tiếng Quan thoại là caili (Hán Việt: thái lễ), đã tăng vọt trên khắp
Trung Quốc trong những năm gần đây — trung bình 20.000 đô la ở một số tỉnh —
khiến hôn nhân ngày càng trở nên đắt đỏ hơn. Các khoản chi này thường được cha
mẹ của chú rể thực hiện.
Để hạn chế hủ tục này, chính quyền địa phương
đã triển khai các chiến dịch tuyên truyền như sự kiện Daijiapu, hướng dẫn phụ nữ
chưa lập gia đình không cạnh tranh với nhau để đòi giá cao nhất. Một số quan chức
thị trấn đã áp đặt giới hạn đối với số tiền caili hoặc thậm chí can thiệp trực
tiếp vào các cuộc đàm phán riêng tư giữa các gia đình.
Truyền thống này đã vấp phải sự phản đối ngày
càng tăng của công chúng khi thái độ thay đổi. Trong số những người Trung Quốc
có trình độ học vấn cao hơn, đặc biệt là ở các thành phố, nhiều người có thể
coi đó là tàn tích của chế độ gia trưởng coi phụ nữ như tài sản được bán đi cho
hộ gia đình khác. Ở các vùng nông thôn, nơi phong tục này có xu hướng phổ biến
hơn, nó cũng không còn được ưa chuộng đối với những người nông dân nghèo, những
người phải tiết kiệm thu nhập trong vài năm hoặc phải mắc nợ mới có thể kết
hôn.
Mặc dù vậy, chiến dịch của chính phủ cũng đã bị
chỉ trích là củng cố định kiến phân biệt giới tính đối với phụ nữ. Các phương
tiện truyền thông Trung Quốc, khi mô tả vấn đề gia tăng các khoản tiền sính lễ
này, thường mô tả những phụ nữ tìm kiếm số tiền lớn là tham lam.
Sau khi sự kiện Daijiapu lan truyền trên mạng
xã hội, một loạt người bình luận đặt câu hỏi tại sao gánh nặng giải quyết vấn đề
lại đổ hết lên đầu phụ nữ. Một số người bình luận kêu gọi các quan chức triệu tập
các cuộc họp tương tự dành cho nam giới để dạy họ cách trở thành đối tác bình đẳng
hơn trong hôn nhân.
Ở Trung Quốc, “giống như hầu hết các chính
sách của nhà nước về hôn nhân, phụ nữ là mục tiêu trung tâm,” Gonçalo Santos,
giáo sư nhân chủng học nghiên cứu về nông thôn Trung Quốc tại Đại học Coimbra,
Bồ Đào Nha, cho biết. “Đó là lời kêu gọi mang tính gia trưởng đối với phụ nữ để
duy trì trật tự xã hội và sự hài hòa, để hoàn thành vai trò làm vợ và làm mẹ của
họ.”
Với việc nhắm mục tiêu vào phụ nữ, các chiến dịch
chính thức như sự kiện Daijiapu đã bỏ qua thực tế rằng vấn đề này một phần là
do chính phủ Trung Quốc tạo ra. Trong suốt 4 thập kỷ của chính sách một con,
các bậc cha mẹ thường thích con trai hơn, dẫn đến tỷ lệ chênh lệch giới tính
cao và làm gia tăng sự cạnh tranh để có được một cô vợ.
Sự mất cân bằng rõ rệt nhất ở khu vực nông
thôn Trung Quốc, nơi hiện có 19 triệu nam giới nhiều hơn nữ giới. Nhiều phụ nữ
nông thôn thích kết hôn với đàn ông ở thành phố để có được giấy phép đăng ký hộ
khẩu thành thị (hukou), cho phép được đến trường học, có nhà ở và dịch vụ chăm
sóc sức khỏe tốt hơn.
Những người đàn ông nghèo hơn ở các vùng nông
thôn phải trả nhiều tiền hơn để kết hôn vì gia đình của những người phụ nữ muốn
có một sự đảm bảo chắc chắn hơn rằng họ có thể chu cấp cho con gái của họ.
Nhưng động thái này thay vào đó có thể khiến nhà trai chìm sâu hơn vào cảnh
nghèo đói.
Yuying Tong, giáo sư xã hội học tại Đại học Hồng
Kông, cho biết: “Điều này đã khiến nhiều gia đình tan vỡ. Bố mẹ tiêu hết tiền
và bị phá sản tài chính, chỉ để tìm vợ cho con trai họ.”
Các quan chức đã thừa nhận khả năng hạn chế của
họ trong việc loại bỏ một phong tục mà nhiều gia đình coi là dấu hiệu của địa vị
xã hội. Theo các nhà nghiên cứu về phong tục này, ở các vùng nông thôn, hàng
xóm có thể buôn chuyện về những phụ nữ đòi giá rẻ hơn, và đặt câu hỏi liệu có
điều gì không ổn với họ hay không.
Truyền thống này cũng liên quan đến thái độ cố
hữu về vai trò của phụ nữ là người chăm sóc gia đình. Các nhà nghiên cứu cho biết,
ở các vùng nông thôn Trung Quốc, khoản tiền này vẫn được coi là việc mua sức
lao động và khả năng sinh sản của cô dâu từ cha mẹ cô ấy. Sau khi kết hôn, người
phụ nữ thường được kỳ vọng sẽ về ở với nhà chồng, mang thai và đảm đương việc
nhà, nuôi dạy con cái và chăm sóc nhà chồng.
Nhưng khi chi phí sinh hoạt tăng cao đã làm lộ
ra những lỗ hổng trong mạng lưới an sinh xã hội của Trung Quốc, khiến cho việc
đòi khoản tiền sính lễ cao có thể là một cách để các gia đình có thu nhập thấp
sinh được con gái có một khoản tiết kiệm cho các hóa đơn y tế bất ngờ hoặc các
trường hợp khẩn cấp khác. Và với cha mẹ sống lâu hơn, một số phụ nữ đang đòi hỏi
mức giá cao hơn để được đền bù cho việc cô ấy phải trở thành người chăm sóc
chính của thế hệ già hơn, các nhà nghiên cứu cho biết.
Các nhà xã hội học cho biết một cách hiệu quả
hơn để chính phủ hạn chế truyền thống này là tăng ngân sách cho việc chăm sóc
trẻ em và chăm sóc sức khỏe cho người cao tuổi.
Liu Guoying, 58 tuổi, một người chuyên mai mối
ở Nam Xương, thành phố thủ phủ của tỉnh Giang Tây, nơi nổi tiếng với giá cô dâu
có thể vượt quá 50.000 USD, cho biết khi ngày càng nhiều thanh niên Trung Quốc
trì hoãn hoặc bỏ qua hôn nhân, kỳ vọng của cha mẹ họ về các khoản tiền hôn nhân
đang thay đổi.
Bà Liu cho biết, các bậc cha mẹ mong muốn tạo
điều kiện thuận lợi cho một khởi đầu suôn sẻ cho cuộc hôn nhân đang ngày càng
chuyển khoản thanh toán cho các cặp vợ chồng mới cưới như một món quà. Bà Liu
cũng nói, một số bậc cha mẹ rất muốn con gái của họ kết hôn, đến mức họ sẵn
sàng đòi ít tiền mặt hơn miễn là con rể tương lai đối xử tốt với con gái họ.
Bà Liu nói: “Thật tội nghiệp cho tấm lòng của
các bậc cha mẹ trên thế giới."
Một thế hệ phụ nữ mới, có trình độ học vấn cao
hơn cha mẹ của họ, cũng có thể đóng một vai trò trong việc thay đổi thái độ
xung quanh vấn đề này. Một cuộc khảo sát năm 2020 với khoảng 2.000 người ở
Trung Quốc cho thấy các cặp vợ chồng có học thức cao thường đòi tiền sính lễ ít
hơn, họ tin rằng yêu nhau là đủ.
Nhưng ngay cả đối với những phụ nữ như Luki
Chan, 27 tuổi, đã học đại học, một cơ hội mà mẹ cô chưa bao giờ có, việc thoát
khỏi áp lực của truyền thống quê hương có thể là khó khăn.
Cô Chan lớn lên ở vùng núi Phúc Kiến, một tỉnh
ở đông nam Trung Quốc, nơi tiền sính lễ thường rất cao. Mẹ cô hy vọng sẽ nhận
được ít nhất 14.000 đô la từ chú rể khi cô kết hôn, cô nói, để trả lại số tiền
mẹ cô đã chi cho việc học của cô.
Giờ đây, cô Chan đang xây dựng sự nghiệp của
riêng mình ở Thượng Hải với tư cách là một nhà biên kịch và đang làm thủ tục
đăng ký kết hôn với bạn trai người Đài Loan. Cô Chan lo sợ rằng khi bố mẹ cô
phát hiện ra, yêu cầu về sính lễ của họ cuối cùng sẽ chiếm ưu thế. Cô Chan từ
chối truyền thống trên, coi nó tương đương với việc mình bị bán.
Cô nói: “Khi tôi nhìn thấy hệ thống gia trưởng
bóc lột phụ nữ và phong tục hôn nhân không phù hợp với phụ nữ, tôi rất sợ phải
thảo luận về hôn nhân với gia đình mình."
Các quan chức coi các khoản sính lễ đắt tiền
là một vấn đề cấp bách có thể cản trở sự phát triển kinh tế và gây ra bất ổn xã
hội.
Trên khắp đất nước, các thành phố đang cố gắng
phổ biến ý tưởng đính hôn mà không phải giao tiền. Trong tháng này, các quan chức
địa phương ở Nam Xương đã tổ chức một đám cưới tập thể miễn phí cho 100 cặp đôi
kết hôn đồng thời bên trong một sân vận động thể thao lớn, hô khẩu hiệu “Chúng
tôi muốn hạnh phúc, chứ không phải tiền sính lễ”.
Các cặp đôi mặc trang phục cưới truyền thống của
Trung Quốc màu đỏ và vàng, thực hiện nghi lễ trong một vũ đạo đồng bộ. Người
thân của họ theo dõi từ khán đài, với các quan chức chính quyền địa phương ngồi
tại những vị trí ghế chính.
Nhưng trong một dấu hiệu cho thấy phong tục
này vẫn còn tồn tại, hàng chục cư dân trên khắp Trung Quốc trong năm qua đã
phàn nàn với các quan chức địa phương trên các bảng tin trực tuyến về các khoản
tiền sính lễ cắt cổ.
Trong một bài đăng vào mùa hè năm ngoái, một
người dân cho biết anh ta đang “cầu xin” chính quyền địa phương điều chỉnh các
khoản thanh toán trong hôn nhân ở ngôi làng nông thôn Baixiang của anh ta ở tây
nam Trung Quốc, nơi có nhiều nông dân sống trong cảnh nghèo đói.
Ba tuần sau, các quan chức quận trả lời rằng họ
đã cử một nhóm điều tra viên đến thẩm vấn bạn gái của cư dân tại nhà của cô ấy.
Cô nói với các nhà điều tra rằng cha mẹ cô đã đồng ý gả cô với giá khoảng
40.000 USD và từ chối lời yêu cầu giảm giá của cô. Gia đình bạn trai cô chỉ mới
trả một nửa số tiền cho đến nay.
Sau “những nỗ lực tuyệt vời của tất cả các
bên”, các quan chức cho biết, cha của bạn gái đã đồng ý khoản tiền sính lễ khoảng
9.000 đô la và trả lại phần còn dư cho gia đình nhà trai. Việc hoàn trả diễn ra
tại văn phòng Đảng Cộng sản địa phương, với sự chứng kiến của các quan chức đảng.
Các quan chức kết thúc báo cáo của họ bằng một
thông điệp dành cho cặp đôi: “Chúc các bạn có một cuộc sống hạnh phúc!”
-----
Hình ảnh:
1: https://www.facebook.com/photo?fbid=6293935727311721&set=pcb.6293938200644807
Các quan chức ở một thành phố phía đông Trung
Quốc đã tổ chức một đám cưới tập thể để khuyến khích người dân chống lại những
“hủ tục”, chẳng hạn như “giá cô dâu”/tiền sính lễ cao. Đó là những khoản thanh
toán mà chú rể phải trả cho gia đình vợ tương lai của họ.
2: https://www.facebook.com/photo?fbid=6293935667311727&set=pcb.6293938200644807
Chụp ảnh cưới gần Tử Cấm Thành ở Bắc Kinh vào
năm ngoái.
3: https://www.facebook.com/photo?fbid=6293935687311725&set=pcb.6293938200644807
“Điều này đã khiến nhiều gia đình tan vỡ,” một
giáo sư xã hội học cho biết. “Bố mẹ tiêu hết tiền và phá sản tài chính chỉ để
tìm vợ cho con trai họ.”
4: https://www.facebook.com/photo?fbid=6293935770645050&set=pcb.6293938200644807
Trong số những người Trung Quốc có trình độ học
vấn cao hơn, đặc biệt là ở các thành phố, nhiều người có thể coi tiền sính lễ
là tàn tích của chế độ gia trưởng coi phụ nữ như tài sản được bán cho hộ gia
đình khác.
.
Bài gốc :
https://www.nytimes.com/.../china-crackdown-bride-prices...
NYTIMES.COM
In China, Marriage Rates Are Down and ‘Bride
Prices’ Are Up
In China, Marriage Rates Are Down and ‘Bride Prices’ Are Up
.
Bài liên quan:
Một
thiếu niên Trung Quốc đã tìm thấy cha mẹ đẻ của mình sau khi tìm kiếm trên mạng
xã hội. Cậu đã tự sát sau khi cuộc đoàn tụ đã trở thành bi kịch.
No comments:
Post a Comment