Sunday, March 26, 2023

NHIỀU LÃNH ĐẠO CHÂU ÂU ĐẾN TRUNG QUỐC BÀN VỀ "HÒA NÌNH" CHO UKRAINA (Thu Hằng / RFI)

 



Nhiều lãnh đạo Châu Âu đến Trung Quốc bàn về “hòa bình” cho Ukraina

Thu Hằng  -  RFI

Đăng ngày: 25/03/2023 - 11:52

https://www.rfi.fr/vi/qu%E1%BB%91c-t%E1%BA%BF/20230325-nhi%E1%BB%81u-l%C3%A3nh-%C4%91%E1%BA%A1o-ch%C3%A2u-%C3%A2u-%C4%91%E1%BA%BFn-trung-qu%E1%BB%91c-b%C3%A0n-v%E1%BB%81-h%C3%B2a-b%C3%ACnh-cho-ukraina

 

Tổng thống Pháp Emmnanuel Macron công du Trung Quốc từ ngày 05-08/04/2023 cùng với chủ tịch Ủy Ban Châu Âu Ursula von der Leyen để bàn với chủ tịch Tập Cận Bình về “tái lập hòa bình” ở Ukraina. Nhưng ngay tuần tới, thủ tướng Tây Ban Nha Pedro Sanchez đến Bắc Kinh để thảo luận về kế hoạch của Trung Quốc giải quyết cuộc xung đột ở Ukraina.

 

https://s.rfi.fr/media/display/18c22eaa-cafb-11ed-bd6e-005056bfb2b6/w:980/p:16x9/AP22346734808097.webp

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và chủ tịch Ủy Ban Châu Âu Ursula von der Leyen dự kiến tới Bắc Kinh từ ngày 05 đến 08/04/2023 để bàn về tình hình Ukraina với chủ tịch Trung Quốc. (Ảnh tư liệu ngày 12/12/2022 tại Paris). AP - Michel Euler

 

Theo thông báo ngày 24/03 của điện Elysée, tổng thống Pháp Macron luôn nhấn mạnh đến “cam kết duy trì đối thoại liên tục và khắt khe với Trung Quốc”, sẽ “có những trao đổi sâu sắc về chiến tranh Ukraina để tìm cách tái lập hòa bình và theo hướng tôn trọng luật pháp quốc tế, đặc biệt là chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Ukraina”.

 

Trả lời đài RFI ngày 25/03, nhà nghiên cứu Elvire Fabry, Viện Jacques Delors (Paris), nhận định chuyến công du kết hợp với chủ tịch Ủy Ban Châu Âu nhằm gia tăng trọng lượng trong việc yêu cầu Trung Quốc can thiệp chấm dứt cuộc xung đột Nga-Ukraina.

 

“Chúng ta thấy rằng hiện nay, thông điệp quan trọng mà Emmanuel Macron muốn truyền tải trong chuyến công du tới Bắc Kinh, đó là tập trung vào nhu cầu trong ngắn hạn là tìm ra giải pháp tiến tới một thỏa thuận hòa bình giữa Ukraina và Nga. Các nước châu Âu cũng có một nhiệm vụ cấp bách là nhất trí với nhau để điều chỉnh lại chiến lược của họ đối với Trung Quốc.

 

Nhưng trước mắt, điều quan trọng nhất là cố gây ảnh hưởng, tạo sức ép đối với ông Tập Cận Bình để bản thân ông sử dụng mối quan hệ đối tác ưu ái với Vladimir Putin nhằm tiến tới một kịch bản thỏa thuận hòa bình. Cuộc xung đột ở Ukraina đè nặng lên toàn bộ nền kinh tế thế giới và không có lợi cho phục hồi kinh tế của Trung Quốc vốn phụ thuộc rất nhiều vào sự phát triển của nền kinh tế toàn cầu này”.

 

Ngoài chủ đề Ukraina, các cuộc trao đổi song phương trong khuôn khổ chuyến công du của ông Macron cũng sẽ tập trung “vào các cuộc khủng hoảng quốc tế ở Trung Đông, châu Phi và những căng thẳng ở vùng Ấn Độ-Thái Bình Dương”.

 

Pháp và Trung Quốc sẽ thảo luận về tương lai quan hệ đối tác chiến lược trên mọi lĩnh vực, đặc biệt về kinh tế, sau khi Trung Quốc mở cửa trở lại sau nhiều năm đóng cửa chống dịch Covid-19.

 

------------------------------

CÁC NỘI DUNG LIÊN QUAN

TẠP CHÍ TIÊU ĐIỂM

Kế hoạch hòa bình cho Ukraina : Thực tế và những ý đồ của Trung Quốc

 

CHIẾN TRANH UKRAINA - TRUNG QUỐC - HÒA BÌNH

Ukraina: Phương Tây phản ứng lạnh nhạt về kế hoạch hòa bình của Trung Quốc

 

PHÂN TÍCH

Khi Trung Quốc gây xáo trộn bàn cờ Ukraina





No comments:

Post a Comment