Wednesday, March 29, 2023

KHOA HỌC VIỄN TƯỞNG PHẢN ÁNH ĐƯỢC NHIỀU THỨ ĐANG XẢY RA TRÊN THẾ GIỚI (Thiện Lê / Người Việt)

 




Khoa học viễn tưởng phản ảnh được nhiều thứ đang xảy ra trên thế giới

Thiện Lê/Người Việt

March 28, 2023

https://www.nguoi-viet.com/little-saigon/khoa-hoc-vien-tuong-phan-anh-duoc-nhieu-thu-dang-xay-ra-tren-the-gioi/

 

LOS ANGELES, California (NV) – Hiện nay, nhiều tác giả ở Hoa Kỳ và các quốc gia khác sử dụng khoa học viễn tưởng để nói về thế giới, về tương lai, và về những vấn đề phức tạp như thay đổi khí hậu, những thay đổi do chủ nghĩa thực dân tạo ra, toàn cầu hóa, áp bức phụ nữ, sự bất bình đẳng và nhiều vấn đề khác.

 

https://www.nguoi-viet.com/wp-content/uploads/2023/03/DP-khoa-hoc-vien-tuong-EMS-1-1536x1036.jpg

Sách và truyện khoa học viễn tưởng rất phổ biến. (Hình minh họa: Chip Somodevilla/Getty Images)

 

Lâu nay khoa học viễn tưởng là một thể loại đang rất phổ biến trong văn học và điện ảnh. Tuy nói về tương lai hay một thế giới giả tưởng, nhưng nhiều tác giả dùng khoa học viễn tưởng để phản ảnh nhiều thứ đang xảy ra trong thế giới thực tại.

 

Khoa học viễn tưởng thường có tác giả là người ở các nước Tây Âu và là người da trắng, nhưng thể loại này ngày càng có nhiều tác giả đa chủng tộc và đa văn hóa hơn. Đó là chủ đề của buổi hội thảo của tổ chức Dịch Vụ Truyền Thông Thiểu Số (EMS) hôm Thứ Sáu, 24 Tháng Ba.

 

Buổi hội thảo của EMS có nhiều tác giả khoa học viễn tưởng thuộc nhiều văn hóa thảo luận tại sao những thứ như người ngoài hành tinh, vũ trụ và quái vật trở thành những cách phổ biến để phản ảnh những gì đang xảy ra trên thế giới.

 

Diễn giả đầu tiên là bà Ericka A. Hoagland, giáo sư Anh Ngữ và văn học của đại học Stephen F. Austin ở Texas. Bà còn là đồng tác giả của sách “Science Fiction, Imperialism and the Third World,” phân tích những ảnh hưởng của khoa học viễn tưởng với những quốc gia đang phát triển và những quốc gia đó ảnh hưởng thể loại này ra sao.

 

Bà cho sinh viên đọc những câu chuyện nói về những thứ đang xảy ra trong cuộc sống, những gì họ thấy trong tin tức. Một câu chuyện mà bà rất thích là “Mother River” của một tác giả người thổ dân Hoa Kỳ, nói về nước biển dâng cao làm hàng triệu người mất chỗ ở.

 

Bà Hoagland cho hay khoa học viễn tưởng không còn chủ yếu là du hành vũ trụ hay người ngoài hành tinh nữa, mà bây giờ nói về tương lai của thế giới, tập trung vào nhiều cộng đồng và cách họ nhìn về thế giới.

 

Không chỉ vậy, bà còn nói khoa học viễn tưởng từng là thể loại văn học hay điện ảnh dành cho nam giới ở Tây Âu, nhưng bây giờ có nhiều tác giả, độc giả và khán giả là phụ nữ khắp thế giới, mang lại nhiều thay đổi tích cực.

 

https://www.nguoi-viet.com/wp-content/uploads/2023/03/DP-khoa-hoc-vien-tuong-EMS-2-1536x877.jpg

Từ trái, bà Ericka A. Hoagland, bà Libia Brenda và ông Ken Liu. (Hình: Chụp từ màn hình Zoom)

 

Diễn giả thứ hai là bà Libia Brenda, tác giả và thông dịch viên cư ngụ ở Mexico City, Mexico. Bà còn là nghiên cứu viên của đại học Arizona State University.

 

Bà và một số tác giả khác đang viết một truyện khoa học viễn tưởng về núi lửa phun trào, có bối cảnh bắt đầu từ năm 2025 và kéo dài nhiều thập niên. Núi lửa phun trào vì thay đổi khí hậu tạo ra nhiều thay đổi trong khí quyển, trong hệ sinh thái, và truyện của bà Brenda tưởng tượng con người phải sống trong những thay đổi đó dựa theo những lời tư vấn từ các khoa học gia.

 

Bà còn nói mỗi nước Mỹ La Tinh đều có văn hóa riêng, nhưng vẫn bị chủ nghĩa thực dân ảnh hưởng vì từng là thuộc địa các nước Tây Âu, và việc bà Brenda biết nói tiếng Anh là một thay đổi mà chủ nghĩa thực dân tạo ra.

 

Diễn giả thứ ba là ông Ken Liu, tác giả của nhiều truyện thần thoại và khoa học viễn tưởng đoạt các giải thưởng như Nebula, Hugo và World Fantasy.

 

Ông nói mình luôn nghĩ đến công nghệ, và điều đó thay đổi suy nghĩ của ông.

 

Theo ông Liu, thể loại “khoa học viễn tưởng” được đặt tên sai vì gần như không bao giờ nói về khoa học, chỉ tập trung vào công nghệ, nên cho rằng phải gọi là “công nghệ viễn tưởng” mới đúng.

 

Vì công nghệ luôn phát triển trước khoa học, ông Liu cho rằng không ai có thể hiểu được bản chất của con người nếu không hiểu rõ về công nghệ, và nhấn mạnh cộng nghệ làm thay đổi cách con người nhìn về tương lai.

 

Ông cũng nói chủ nghĩa thực dân cũng được thể hiện qua nhiều sách hay phim khoa học viễn tưởng, với những đế quốc áp đặt suy nghĩ và văn hóa của họ lên các nước thuộc địa.


https://www.nguoi-viet.com/wp-content/uploads/2023/03/DP-khoa-hoc-vien-tuong-EMS-3-1536x1027.jpg

Một cảnh trong phim “Blade Runner” công chiếu năm 1982, một biểu tượng của phim khoa học viễn tượng, phản ảnh được thế giới thực tại. (Hình minh họa: Warner Bros./Archive Photos/Getty Images)

 

Diễn giả thứ tư là bà Isis Asare, tổng giám đốc và sáng lập viên Sistah Scifi, nhà sách do người gốc Phi Châu làm chủ đầu tiên ở Hoa Kỳ, được Hiệp Hội Nhà Sách Hoa Kỳ chứng nhận.

 

Bà cho biết thế giới khoa học viễn tưởng không có rào cản, không có ai ngăn cản được mình vì là một phụ nữ gốc Phi Châu và là người đồng tính.

 

Theo bà, người gốc Phi Châu đang có nhiều đóng góp cho thể loại khoa học viễn tưởng, nhất là phim “Black Panther” của Marvel thành công vang dội và tạo ra một phong trào văn hóa. Điều đó làm bà muốn theo dõi những thay đổi lâu dài trong xã hội.

 

https://www.nguoi-viet.com/wp-content/uploads/2023/03/DP-khoa-hoc-vien-tuong-EMS-4-1536x877.jpg

Bà Isis Asare và ông Samit Basu. (Hình: Chụp từ màn hình Zoom)

 

Diễn giả cuối cùng là ông Samit Basu, tác giả tiểu thuyết và nhà sản xuất phim người Ấn Độ. Các tác phẩm của ông gồm có truyện khoa học viễn tưởng và siêu anh hùng, truyện tranh, truyện ngắn, sách cho trẻ em và sách về chuyện có thật.

 

Ông nhấn mạnh lại quan điểm của các diễn giả trước, và nói thể loại khoa học viễn tưởng giúp ông làm thay đổi được suy nghĩ của nhiều người về thế giới, nhất là độc giả và khán giả trẻ tuổi.

 

Tác giả Basu còn nói khoa học viễn tưởng tuy nói về một thế giới trong tương lai, nhưng có khả năng phản ảnh được nhiều thứ trong thế giới hiện nay, và điều đó là một lý do khiến nhiều người tìm đến thể loại văn học hay điện ảnh này. [qd]

 

—–
Liên lạc tác giả: le.thien@nguoi-viet.com





No comments:

Post a Comment