Thursday, March 30, 2023

BẠN KHÔNG QUAN TRỌNG LẮM ĐÂU! (Nguyễn Văn Tuấn)

 



Bạn không quan trọng lắm đâu!    

Nguyễn Tuấn 

28-3-2023  21:42   

https://www.facebook.com/t.nguyen.2016/posts/1703399536774023

 

Ở Việt Nam ngày nay dường như ai cũng nghĩ họ là người quan trọng hay rất quan trọng, và họ đòi phải được 'biết ơn'. Nhưng tôi nghĩ khác ...

 

Các vị trong kĩ nghệ giải trí, có lẽ vì bản chất nghề nghiệp nên họ rất quan trọng hoá cái danh. Họ muốn mọi người phải biết họ là người nổi tiếng. Có người tự phong cho mình là ‘vua’, là ‘ông hoàng’, ‘bà hoàng’ về một loại hình nghệ thuật nào đó. Thành ra, khi họ bị khán giả chỉ trích thì ‘cái tôi’ của họ trỗi dậy và kêu gọi mọi người hãy thông cảm. Thông cảm cho nỗi khổ của giới nghệ sĩ, của người nổi tiếng, của những người phải lao động cực khổ lắm để có ngày cái danh của ngày hôm nay. Khổ lắm.

 

Nhưng cách họ nói làm cho công chúng có cảm giác là chỉ có ngành nghề của họ là cực khổ hơn bất cứ ngành nghề nào khác. Họ còn gieo vào công chúng rằng ngành nghề của họ rất quan trọng, quan trọng đến nổi không có họ thì xã hội sẽ bị tan rã, hỗn loạn, vô nghĩa.

 

Cách đây không lâu, có một tiếp viên của một hãng hàng không trèo lên cõi mạng mô tả nỗi khổ của nghề tiếp viên. Nào là phải thường xuyên xa gia đình, chồng con; là phải làm việc thâu đêm; là phải ăn ngủ thất thường. Trước đó thì mấy người bên ngành y (y tá, bác sĩ) cũng ta thán về nỗi khổ của họ như thế nào: làm việc theo ca, làm việc trong môi trường bệnh tật nguy hiểm, làm không có giờ nghỉ, nhưng thu nhập thấp. Công chúng nghe qua đều thấy tội nghiệp cho họ.

 

Nhưng có cần phải ca thán không? Tôi nghĩ không. Công việc mà bạn đang làm là sự lựa chọn của bạn. Bạn muốn theo ngành y, bạn thi vào trường y, bạn tốt nghiệp và làm cái việc bạn được giao. Trước khi vào nghề, bạn thừa biết ngành nghề đó có những điểm son và điểm đen. Bạn đã chọn ngành tiếp viên / phục vụ thì phải chấp nhận thân phận của người 'làm dâu trăm họ', chấp nhận khen chê, chấp nhận những phiền phức gắn liền với nghề. Không có một ngành nghề nào trên cõi đời này mà không có những khó khăn; ngành nghề nào cũng có những thách thức và nỗi khổ riêng. Bạn đã chọn thì bạn phải chấp nhận sự lựa chọn đó. Thi hào Nguyễn Du đã nói:

 

Đã mang lấy nghiệp vào thân

Cũng đừng trách lẫn trời gần trời xa

 

Ai cũng khổ. Nỗi khổ của mình chắc gì bằng nỗi khổ của người khác.

 

.

Chúng ta không quan trọng

 

Không chỉ ta thán, người ta còn thích kể công. Ngày nay (chỉ ngày nay thôi nhé) người ta, bất cứ ngành nghề nào, đều thích nói về công trạng và vai trò của họ trong xã hội. Cách họ nói giống như là một sự đe doạ gián tiếp: 'Không có chúng tôi thì chúng bây không biết chân thiện mĩ là gì đâu nhé'. Hay 'Không có chúng tôi thì các ông các bà đi xe lửa cả đời'. Họ thậm chí nghĩ rằng 'Nếu không có chúng tôi thì bọn bây sẽ lăn ra chết hết'! Họ làm như họ làm vì chúng ta.

 

Nhưng có thật vậy không? Theo lí thuyết "Invisible Hand" của Adam Smith thì tất cả chúng ta làm việc là vì lợi ích của ... chúng ta. Chúng ta lao động trước hết là có thu nhập nhằm bảo đảm cuộc sống và tồn tại, và qua đó mà đóng góp cho xã hội.

 

Tất cả chúng ta được sanh ra và tồn tại trong thế giới này chỉ để phụng sự. Những gì chúng ta phụng sự cho thế giới này rất ư là nhỏ nhoi. Nó không quan trọng như chúng ta nghĩ hay tưởng. Những thi đua, giải thưởng, chức danh sư sĩ, những xưng tụng 'anh hùng' này nọ, hay tương tự nó chỉ có nghĩa nhỏ nhoi trong một lãnh vực nhỏ nhoi. Nhưng những thứ đó dễ làm cho người ta ảo tưởng rằng mình là người quan trọng, hay đóng góp của mình quan trọng.

 

Nhưng đó là ảo tưởng.

 

Thế giới này quá rộng lớn (và càng ngày càng lớn hơn), tuyệt đại đa số chúng ta không có vai trò gì quá quan trọng đối với người khác.

 

Nếu một mai chúng ta mất đi thì người khác vẫn sống thôi. Không có chúng ta, thì có người khác. Nếu không có chiêu đãi viên hàng không thì chúng ta vẫn có thể bay. Nếu không có bác sĩ hay y tá thì chúng ta vẫn sống, có khi sống lâu hơn. Nếu không có giới khoa học thì chúng ta vẫn tồn tại, dù có thể khó khăn một chút (nhưng sự có mặt của họ có khi đem lại phiền phức cho chúng ta). Nếu không có chánh trị gia và chánh phủ thì đất nước và dân tộc vẫn tồn tại (mà có họ lại có khi đem lại nhiều phiền toái). Thành ra, không nên tự xem mình quá quan trọng, càng không nên xem mình quan trọng hơn người khác.

 

Kể công: hội chứng ái kỉ?

 

Nhưng vì tâm lí xem mình là quan trọng nên có nhiều người ở thích/muốn được công chúng mang ơn họ. Họ khao khát được biết ơn, được khen thưởng, được tâng bốc.

 

Khi họ không đạt được những khao khát đó, họ … giận dỗi. Giống y chang như trẻ em chưa trưởng thành: dễ giận, dễ khóc.

 

Tôi tự hỏi cái xu hướng người làm việc chuyên môn muốn được biết ơn này xuất phát từ đâu. Ngày xưa ở miền Nam không có xu hướng này. Sau 1975, công chúng trong Nam đột nhiên phải làm quen với những cách nói như 'Nhờ ơn Bác, ơn Đảng' (bác và đảng phải viết hoa). Ban đầu còn là lạ, nhưng nghe, đọc và nói riết rồi cũng thành thói quen mà chẳng ai chất vấn. Do đó, giả thuyết của tôi là xu hướng ngành nghề muốn được biết ơn là xuất phát từ cách suy nghĩ 'ơn Bác, ơn Đảng'.

 

Khi họ thấy họ là người quan trọng, có nhiều cách họ thể hiện cái suy nghĩ đó. Sự thể hiện cái quan trọng hiển nhiên nhứt là câu nói: ‘Mày có biết tao là ai không?’ Thỉnh thoảng họ có vẻ không biết thân phụ họ là ai nên hỏi một cách xấc xược: ‘Mày có biết bố mày là ai không?’

 

Cũng có thể xem "Có biết tôi là ai không" và khao khát được biết ơn là biểu hiện của hội chứng ái kỉ. Đó là một rối loạn tâm lí với những đặc điểm nổi bậc như phô trương, ích kỉ, tự cảm thấy mình đặc biệt, chăm chút đến quyền lợi của mình và chỉ của mình. Người ái kỉ thường hay phô trương, thể hiện sự tự tin thái quá, tự đánh giá mình quá cao, hám quyền, hám danh, thích được chú ý. Nói cách khác, những người ái kỉ đặt nặng tính cách "trước và trên", tức là cái gì cũng muốn làm hơn người, trước người khác, chứ không muốn đi cùng người khác.

 

Những người khao khát được biết ơn chưa chắc là kẻ xấu; họ có thể chỉ mắc chứng tâm lí thôi. Nếu là hội chứng ái kỉ thì nguyên nhân là gì? Các nhà tâm lí học cho biết nguyên nhân có thể là do thời còn trẻ nít được nuông chiều thái quá, hay thiếu chăm sóc, hay bị ngược đãi, hay do chấn thương tâm lí, hay kì vọng quá cao. Có thể xem sự khao khát biết ơn là một biểu hiện mang tính tiềm thức Freud về quá khứ kém may mắn vậy.

 

Richard Feynman là một nhà vật lí số 1 trên thế giới, và ông để lại cho đời nhiều câu nói bất hủ. Một trong những câu đó là "The first principle is that you must not fool yourself — and you are the easiest person to fool." Có lẽ dịch sang tiếng Việt là "Nguyên tắc đầu tiên là bạn không được tự huyễn hoặc mình -- và bạn là người dễ huyễn hoặc nhứt." Câu này rất đúng. Đừng tự huyễn hoặc rằng mình là người quan trọng!

 

Tóm lại, ai cũng có nỗi khổ riêng. Ngành nghề nào cũng có nỗi khổ của ngành đó. Đừng hỏi "có biết chúng tôi là ai không" mà hãy hỏi "chúng ta đã phụng sự gì cho chính chúng ta và cho đời". Và, cũng đừng tự huyễn hoặc rằng phụng sự của mình là quan trọng, vì trong thế giới rộng lớn này chúng ta không quan trọng lắm đâu.

 

 

15 BÌNH LUẬN

 




No comments:

Post a Comment