Thursday, February 23, 2023

TỪ ‘ĐỖ HỮU CA’ NHÌN RA THẾ GIỚI (Nguyễn Ngọc Chu)

 



TỪ ‘ĐỖ HỮU CA’ NHÌN RA THẾ GIỚI

Nguyễn Ngọc Chu

23-2-2023  05:15    

https://www.facebook.com/chu.nguyenngoc/posts/pfbid0JVZNtrk81KzAeQuXgUcyEkQoMu6AhRiUUSgtjSWRLTRUVE7ZjmyWLXKU9VxzNqVvl

 

Các vụ chống tham nhũng quyết liệt đến tận các chức vụ thuộc hàng cao nhất trong chính quyền – đang được nhân dân nhiệt liệt hoan nghênh, ủng hộ. Nhưng khi các vụ tham nhũng ở các quan chức bậc cao toang ra một phần thì cũng đồng thời bung ra những ung nhọt ghê sợ, làm cho nhiều người phải rùng mình.

 

Nói đến ông Đỗ Hữu ca không phải nói đến cá nhân mà nói đến một đội ngũ. Nói về đội ngũ những người như ông Đỗ Hữu Ca là để nhìn ra nguyên nhân.

 

1. VÔ TIỀN

 

Việc các quan chức nhận hối lộ với số tiền lớn hơn 1 triệu đô la không còn là chuyện mới, cũng không phải là cá biệt.

 

Như ông cựu Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Bắc Son nhận 3 triệu đô la trong vụ AVG (https://tuoitre.vn/3-trieu-usd-xep-day-2-vali-1-balo-duoc-ong-nguyen-bac-son-de-ngoai-bancong-20191019151938607.htm)

 

Hay như Dương Chí Dũng khai chuyển 1 triệu đô la cho ông Thứ trưởng thượng tướng Phạm Quý Ngọ từ bà Trương Mỹ Lan (Vạn Thịnh Phát) trong dự án di dời và chuyển đổi công năng cảng Sài Gòn (https://tuoitre.vn/nhung-loi-khai-chan-dong-cua-duong-chi-dung-tai-toa-589099.htm). Còn bao nhiêu thí dụ nữa, đã bị phát hiện. Và hằng ha sa số các vụ chưa bị phát hiện.

 

Vụ ông thiếu tướng Đỗ Hữu Ca sau khi về hưu, nhận 35 tỷ đồng để chạy án nhưng lại không đưa cho ai, đã lột tả thêm sự đa mặt của tham nhũng thời nay

 

Đã từng là Giám đốc lực lượng Công an của một thành phố lớn như Hải Phòng, trong tư cách người bảo vệ pháp luật, nhưng Ông Đỗ Hữu Ca lại nhận một khoản tiền lớn mà không thực hiện nghĩa vụ, chẳng những đã vi phạm pháp luật, lại không còn một mảy may tín nghĩa. Tư cách Ông Đỗ Hữu Ca thua xa thảo khấu giang hồ, chứ đừng nói đến vị trí đứng đầu lực lượng Công an của một thành phố lớn.

 

Ở mặt khác, về hưu rồi mà ông Đổ Hữu Ca còn có khả năng chiếm đoạt 35 tỷ đồng trong một phi vụ, vậy thì khi đương chức Giám đốc Công an thành phố Hải Phòng ông Đổ Hữu Ca đã tham nhũng ở mức độ nào? Thật khó mà dự báo được con số.

 

Thêm một bình diện khác, là ông Đỗ Hữu Ca có 4 bằng đại học. Nó phản ánh căn bệnh sính bằng cấp của tầng lớp cán bộ có chức có quyền hiện nay. Rất nhiều người như ông Đỗ Hữu Ca – “sặc sỡ” về bằng cấp và chức danh. Nó trưng bày sự giả tạo của việc học. Nó làm cho người ta không thể tin cậy vào bằng cấp. Nó minh chứng cho sự cấp phát bằng bừa bãi. Nó khẳng định sự xuống cấp đến tai hoạ của giáo dục.

 

Trường hợp ông Đỗ Hữu Ca không giống như các trường hợp tham nhũng khác. Ông Đỗ Hữu Ca là một thân hình (figure) trọng lượng, góp phần làm cho tham nhũng của quan chức thời nay trở nên vô tiền, không một chế độ nào trong quá khứ bì được.

 

2. TỪ ‘ĐỖ HỮU CA’ NHÌN RA TOÀN QUỐC

 

Từ trường hợp ông Đỗ Hữu Ca nhìn ra toàn quốc có thể hình dung được bức tranh tham nhũng toàn cảnh: Khắp nơi lô nhô đầy rẫy những Đỗ Hữu Ca.

 

Tại sao những người như ông Đỗ Hữu Ca lại leo lên được đến những chức vụ cao quan trọng trong bộ máy nhà nước? Không chỉ một Đỗ Hữu ca mà có hàng ngàn người như Đỗ Hữu Ca. Ngay cả nhân sự cấp cao cho Đại hội 13, dù đã tuyên bố làm rất kỹ, không để lọt nhiều cán bộ biến chất như Đại hội 12, rốt cục, chỉ một thời gian sau Đại hội 13, đã lộ ra không ít cán bộ biến chất. Như vậy là quy trình lựa chọn cán bộ có lỗi, chứ không phải “lọt lưới”. Từ đó rút ra kết luận thứ nhất là phải THAY ĐỔI THỂ THỨC LỰA CHỌN CÁN BỘ. Điều này được nhiều người nói đến nhiều lần, nhưng vẫn chưa thay đổi. Chừng nào còn chưa thay đổi thể thức lựa chọn cán bộ, thì chừng đó cán bộ biến chất còn tiếp tục leo lên cao trên thang bậc công quyền.

 

Tại sao ông Đỗ Hữu Ca lại biến chất dần sau nhiều năm làm việc trong bộ máy công quyền, càng lên cao càng biến chất? Và có hàng ngàn người nối theo nhau biến chất như ông Đỗ Hữu Ca? Ấy là do bản chất của cơ chế vận hành hệ thống đẻ ra. Từ đó đi đến kết luận thứ hai là THAY ĐỔI CƠ CHẾ VẬN HÀNH HỆ THỐNG. Điều này được nhắc đến thường xuyên. Nhưng đến nay, vẫn chưa thay đổi. Chừng nào còn chưa thay đổi cơ chế vận hành hệ thống, thì chừng đó, cán bộ càng lên chức vụ cao càng có nguy cơ bị biến chất nhiều hơn.

 

Câu hỏi tiếp theo là, đã hàng chục năm, tai sao đến bây giờ mới phát hiện ra ông Đỗ Hữu Ca tham nhũng, biến chất? Như vậy là bộ máy thanh tra, kiểm sát làm việc không hiệu quả. Ông Đỗ Hữu Ca cũng không phải “lọt lưới”, hay là trường hợp cá biết. Cho nên, kết luận thứ ba là phải THAY ĐỔI CƠ CHẾ KIỂM SÁT, THANH TRA.

 

Câu hỏi tiếp nữa là, đã nhiều người bị kỷ luật như ông Đỗ Hữu Ca, tại sao người sau vẫn không sợ, vẫn tiếp tục phạm tội? Mong muốn “kỷ luật một người làm gương cho nhiều người” không trở thành hiện thực. Như vậy là hệ thống pháp luật chưa hiệu quả. Dẫn đến kết luận thứ tư là phải ĐỔI MỚI NỀN TƯ PHÁP.

 

Tại sao ông Đỗ Hữu Ca và những kẻ tham nhũng khác (chẳng hạn như trong vụ Việt Á) dễ dàng có được những khoản tiền khổng lồ từ hối lộ? Bởi vì những kẻ hối lộ có được lợi nhuận do nâng giá trong những hợp đồng mua bán với đại diện sở hữu nhà nước. Chính nguồn tài chính thuộc sở hữu nhà nước, là những mỏ tiền khổng lồ, để cho những kẻ cơ hội lợi dụng lỗ hở mà chiếm đoạt. Dẫn đến kết luận thứ năm là TỐI THIỂU HOÁ SỞ HỮU NHÀ NƯỚC VÀ ĐỔI MỚI PHƯƠNG THỨC QUẢN LÝ SỞ HỮU NHÀ NƯỚC.

 

Cho nên, từ ‘Đỗ Hữu Ca’ nhin ra toàn quốc, chỉ sơ bộ thôi, cũng đã thấy 5 bài toán cần giải:

 

a/. THAY ĐỔI THỂ THỨC LỰA CHỌN CÁN BỘ.

b/. THAY ĐỔI CƠ CHẾ VẬN HÀNH HỆ THỐNG.

c/. THAY ĐỔI CƠ CHẾ KIỂM SAT, THANH TRA.

d/. ĐỔI MỚI NỀN TƯ PHÁP.

e/. TỐI THIỂU HOÁ SỞ HỮU NHÀ NƯỚC VÀ ĐỔI MỚI PHƯƠNG THỨC QUẢN LÝ SỞ HỮU NHÀ NƯỚC.

 

Tiếp tục đặt câu hỏi, sẽ nhô ra các bài toán cần giải quyết. Nhưng đâu là lời giải tổng thể cuối cùng?

 

3. TỪ ‘ĐỖ HỮU CA’ NHÌN RA THẾ GIỚI

 

Từ trường hợp ông Đỗ Hữu Ca nhìn ra thế giới thì thấy trên toàn thế giới gần hai trăm quốc gia mà chỉ Việt Nam và Trung Quốc có cùng chung những chứng bệnh tham nhũng. Cho dù Trung Quốc chống tham nhũng còn quyết liệt hơn Việt Nam, nhưng cũng như Việt Nam, tham nhũng ở Trung Quốc mỗi ngày thêm sinh sôi nảy nở. Sự bành trướng tham nhũng ở Trung Quốc và ở Việt Nam có cùng nguyên nhân từ ‘cấu trúc nhà nước’.

 

Từ ‘Đỗ Hữu Ca’ nhìn ra toàn quốc thì thấy nhiều bài toán phải giải, mà 5 bài toán nêu trên là những vấn đề cụ thể. Nhưng từ ‘Đỗ Hữu Ca’ mà nhìn ra thế giới thì thấy ngay lời giải tổng thể cuối cùng cho bài toán chống tham nhũng. Cho nên, nhìn ra thế giới mới dễ thấy nguyên nhân gốc rễ của bệnh tham nhũng đang bùng phát trong nước. Đó là ‘cấu trúc nhà nước’.

 

Chỉ có giải bài toán ‘cấu trúc nhà nước’ mới giúp cho công cuộc chống tham nhũng đi đến ‘thắng lợi hoàn toàn’.

 

 

https://www.facebook.com/photo/?fbid=2912519945548083&set=a.225605000906271

Đỗ Hữu Ca

 

.

384 BÌNH LUẬN   

 

Nguyễn Đình Bin

Rất đồng tình với phân tích và kết luận của TS Nguyen Ngoc Chu. Cũng theo mạch suy nghĩ đó, tôi xin mạo muội nêu thêm cái khóa cuối cùng phải mở để giải quyết rốt ráo, căn cơ thảm họa này.

Đó là: Muốn “giải bài toán ‘cấu trúc nhà nước’” thì phải giải quyết cái gốc đẻ ra nó là tư duy của Đảng lãnh đạo, vì ở VN cũng như Trung Quốc Đảng lãnh đạo trực tiếp, tuyệt đối và toàn diện. Nhất nhất mọi cái, đều theo nghị quyết, chỉ thị , quyết định… của Bộ Chính Trị.

Còn giải quyết cái gốc theo hướng nào thì Đảng CSVN nên rút ngay bài học mà chính Đảng đã giải quyết thành công, tuy chưa đầy đủ, triệt để, nhưng đã tạo ra bước ngoặt dẫn đến các thành tựu lớn là thực hiện đổi mới về kinh tế (1986). Đó là từ bỏ kinh tế XHCN đã hoàn toàn lạc hậu để vận dụng thành tựu của nhân loại đã đạt được cho đến nay là kinh tế thị trường.

Theo tinh thần ấy, nay giải quyết cái gốc thì Đảng phải từ bỏ hệ thống chính trị hiện hành đã hoàn toàn lỗi thời, là nguyên nhân gốc đẻ ra thảm trạng của Đảng, xã hội và đất nước hiện nay, để vận dụng thành tựu của loài người trên lĩnh vực này là mô hình quản trị quốc gia thực sự dân chủ, hiệu quả mà các nước phát triển, tiên tiến, văn minh, giầu có nhất trên thế giới đang vận dụng, có nước đã từ mấy trăm năm nay, mà nước ta đang ra sức tăng cường phát triển quan hệ.

 

.

Quyen Tran Van

TS Nguyễn Ngọc Chu viết chí phải! Nói một cách đơn giản là: lãnh đạo độc quyền sẽ sinh ra "vừa đá bóng, vừa thổi còi". Các nước phát triển đã trải qua lịch sử phát triển lâu đời của họ và đã minh chứng ''tam quyền phân lập" là mô hình cấu trúc và tổ chức nhà nước tốt nhất cho đến thời điểm hiện nay. Việt Nam muốn trở nên một quốc gia văn minh và thịnh vượng cũng phải thay đổi cấu trúc và tổ chức nhà nước thôi.

 

Than Hai Thanh

Anh viết rất cụ thể rõ ràng,anh dùng do " cấu trúc nhà nước" nhưng cái sâu xa và căn bản là do thể chế chính trị độc đảng thì không bao giờ chống tham nhũng được anh à.

 





No comments:

Post a Comment