Monday, February 27, 2023

TẬP CẬN BÌNH CÂN NHẮC HẬU QUẢ CỦA VIỆC HỖ TRỢ NGA (Katsuji Nakazawa   -   Nikkei Asia)

 



Tập Cận Bình cân nhắc hậu quả của việc hỗ trợ Nga

Katsuji Nakazawa   -   Nikkei Asia    

Nguyễn Thị Kim Phụng, biên dịch

27/02/2023

https://nghiencuuquocte.org/2023/02/27/tap-can-binh-can-nhac-hau-qua-cua-viec-ho-tro-nga/

 

Mỹ có thể coi Trung Quốc là nước tài trợ khủng bố?

 

Sau vụ Mỹ bắn rơi khí cầu do thám Trung Quốc vốn đã bay qua khắp nước này, căng thẳng ngoại giao đã nổ ra giữa Washington và Bắc Kinh, về khả năng Trung Quốc hỗ trợ vũ khí sát thương cho Nga trong cuộc chiến ở Ukraine.

 

Trong lúc căng thẳng gia tăng, yếu tố có thể làm thay đổi cuộc chơi sẽ là việc chính quyền Biden chọn áp dụng các biện pháp trừng phạt cứng rắn hơn đối với Trung Quốc – những hình phạt tương đương với việc coi Trung Quốc là nhà tài trợ khủng bố.

 

Ngay cả khi Trung Quốc không bị nêu đích danh là khủng bố, thì các biện pháp trừng phạt khiến nước này bị xếp ngang hàng với Iran, Triều Tiên và Syria vẫn sẽ tạo thêm một khía cạnh nguy hiểm mới cho quan hệ Mỹ-Trung.

 

Một nguồn tin quen thuộc với ngoại giao Mỹ-Trung tin rằng điều có thể khiến Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình mất ngủ không phải là hậu quả từ vụ khinh khí cầu, mà là khả năng Mỹ có thể áp dụng một đường lối trừng phạt cứng rắn hơn trước.

 

Trong cuộc gặp ở Đức giữa Vương Nghị, nhà ngoại giao hàng đầu Trung Quốc, và người đồng cấp Mỹ, Ngoại trưởng Antony Blinken, Blinken đã cảnh báo sẽ có “hệ lụy và hậu quả” nếu Trung Quốc hỗ trợ quân sự cho Nga hoặc giúp nước này trốn tránh các biện pháp trừng phạt một cách có hệ thống.

 

Tuyên bố đó có thể còn ẩn chứa nhiều hàm ý.

 

https://www.ft.com/__origami/service/image/v2/images/raw/https%253A%252F%252Fs3-ap-northeast-1.amazonaws.com%252Fpsh-ex-ftnikkei-3937bb4%252Fimages%252F_aliases%252Farticleimage%252F8%252F6%252F0%252F6%252F44506068-1-eng-GB%252F%25E5%2590%258D%25E7%25A7%25B0%25E6%259C%25AA%25E8%25A8%25AD%25E5%25AE%259A%25201.jpg?source=nar-cms

Vương Nghị, Chủ nhiệm Văn phòng Ủy ban Công tác Ngoại sự Trung ương Trung Quốc, và Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken đã gặp nhau tại Munich, Đức, vào ngày 18/2 để thảo luận về mức độ hỗ trợ của Trung Quốc đối với Nga trong cuộc chiến đang diễn ra ở Ukraine. (Nguồn ảnh: AP và EPA/Jiji)

 

Như một cách để phản ánh sự ngờ vực của Bắc Kinh đối với Washington, Trung Quốc đã lạnh lùng mô tả cuộc gặp ở Munich là “một cuộc tiếp xúc không chính thức” diễn ra theo yêu cầu của người Mỹ.

 

Sau cuộc gặp, Blinken đã lên mạng truyền hình Mỹ để trình bày câu chuyện từ góc nhìn của ông.

 

“Chúng tôi biết họ cung cấp hỗ trợ phi sát thương cho Nga để sử dụng ở Ukraine,” Blinken nói với đài CBS. Mối lo hiện tại của chúng tôi được dựa trên thông tin mà chúng tôi thu thập được, rằng họ đang xem xét cung cấp hỗ trợ sát thương, và chúng tôi đã nói rất rõ ràng với họ rằng điều đó sẽ gây ra vấn đề nghiêm trọng cho chúng tôi và cho quan hệ giữa hai bên.”

 

Blinken đã nói rõ rằng Trung Quốc vẫn chưa vượt qua lằn ranh đỏ – tức viện trợ vũ khí sát thương cho Moscow – và bằng cách đó, họ đã để ngỏ cánh cửa cho hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Trung trong tương lai giữa Tập và Tổng thống Joe Biden.

 

Vài ngày sau, ở Thổ Nhĩ Kỳ, Blinken được các phóng viên hỏi về hậu quả của việc Trung Quốc cung cấp hỗ trợ cho Nga.

 

“Tôi sẽ không nêu chi tiết những hậu quả sẽ xảy ra,” nhà ngoại giao này nói, đồng thời lưu ý rằng ông đã trực tiếp chuyển những lo ngại của Mỹ tới Vương Nghị ở Munich. Tôi nghĩ Trung Quốc hiểu rủi ro là gì.”

 

Theo nguồn tin ngoại giao, nguy cơ đó có thể gồm các biện pháp trừng phạt tương đương với các biện pháp áp dụng cho những nước mà Mỹ cho là tài trợ khủng bố.

 

Nghị viện châu Âu đã thông qua một nghị quyết với đa số phiếu thuận, xem Nga là nước tài trợ khủng bố, nhưng nghị quyết này không mang tính ràng buộc pháp lý.

 

Nếu chính quyền Biden tấn công Trung Quốc bằng các lệnh trừng phạt ở cấp độ đó, thì cơ bản là họ đã coi Trung Quốc là đồng phạm của Nga.

 

https://www.ft.com/__origami/service/image/v2/images/raw/https%253A%252F%252Fs3-ap-northeast-1.amazonaws.com%252Fpsh-ex-ftnikkei-3937bb4%252Fimages%252F_aliases%252Farticleimage%252F5%252F1%252F9%252F5%252F44505915-1-eng-GB%252F20230204-AP23046725712218.jpg?source=nar-cms

Sau khi một máy bay chiến đấu của Mỹ bắn hạ quả khí cầu do thám của Trung Quốc ở vùng trời Bắc Đại Tây Dương, Bắc Kinh đã phản đối rằng đó chỉ là khí cầu khí tượng bị thổi bay lệch hướng và đe dọa sẽ giảm hợp tác với Mỹ. © Chad Fish /AP

 

Gần đây, sau khi máy bay tiêm kích F-22 của Mỹ bắn hạ quả khí cầu do thám Trung Quốc đang bay ngang qua nước Mỹ, Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Tạ Phong đã gửi công hàm phản đối tới Washington. Ông là người phụ trách các vấn đề ngoại giao với Mỹ và công hàm phản đối của ông đi kèm một thông điệp thể hiện rằng các biện pháp trừng phạt có thể khiến Bắc Kinh không thể thỏa hiệp về vấn đề Ukraine theo cách mà Washington mong muốn.

 

Trung Quốc có thể nhận ra rằng Biden đang rất dễ bị tổn thương, khi ông cố gắng đạt được tiến bộ ở Ukraine trước cuộc bầu cử tổng thống năm 2024.

 

Một trong những lợi ích chính của Bắc Kinh là ngăn chặn các hạn chế sâu rộng của Washington đối với xuất khẩu chất bán dẫn sang Trung Quốc, gồm cả việc thành lập một liên minh quốc tế với Nhật Bản và Hà Lan. Họ đang cố gắng hợp tác để giải quyết tình trạng bế tắc ở Ukraine với điều kiện là Washington phải nhượng bộ về lệnh cấm chip bán dẫn. Đây là một trong những vấn đề được thảo luận tại Munich, trong cuộc giằng co phức tạp giữa Vương và Blinken.

 

Hôm thứ Tư (22/02/2023), Vương đã đến Moscow và gặp Tổng thống Nga Vladimir Putin. “Trung Quốc sẵn sàng hợp tác với Nga để duy trì quyết tâm chiến lược,” Tân Hoa Xã thuật lại lời Vương.

 

https://www.ft.com/__origami/service/image/v2/images/raw/https%253A%252F%252Fs3-ap-northeast-1.amazonaws.com%252Fpsh-ex-ftnikkei-3937bb4%252Fimages%252F_aliases%252Farticleimage%252F6%252F6%252F9%252F5%252F44505966-1-eng-GB%252F20230218-PR20230221-0039-01.jpg?source=nar-cms

Ngoại trưởng Nhật Bản Yoshimasa Hayashi (trái) gặp Vương Nghị, nhà ngoại giao hàng đầu của Trung Quốc, tại Munich vào ngày 18/2. © Bộ Ngoại giao Nhật Bản/Kyodo

 

Lần này cũng có sự tham gia của Nhật Bản. Ngày 18/2, Vương Nghị đã hội đàm với Ngoại trưởng Nhật Bản Yoshimasa Hayashi bên lề Hội nghị An ninh Munich.

 

Vương khẳng định rằng chủ nghĩa đơn phương và quan điểm phân tách sẽ “không phục vụ lợi ích của bất kỳ ai.” Ông nói với Hayashi rằng Nhật Bản “nên nắm bắt tình hình và đưa ra lựa chọn một cách độc lập.”

 

Từ quan điểm kinh tế thuần túy, phân tách chắc chắn là điều không được mong muốn, đúng như Vương nói. Nhưng khi tính đến cả an ninh quốc gia – bao gồm Ukraine, Đài Loan, Biển Hoa Đông và Biển Đông – vấn đề chắc chắn sẽ trở nên phức tạp hơn.

 

Ký ức về chính sách “ngoại giao chiến lang” của Trung Quốc vẫn còn rất tươi mới, và các công ty Nhật Bản có thể phải suy nghĩ kỹ về việc mở rộng hoạt động kinh doanh của họ ở Trung Quốc trong lúc những quả khí cầu gián điệp bị nghi đến từ Trung Quốc bay ngang qua không phận Nhật Bản.

 

Quan hệ Mỹ-Trung đã trở nên tồi tệ hơn vào ngày 4/2/2022, khi Tập Cận Bình có cuộc gặp với Putin, người đã đến Bắc Kinh để dự lễ khai mạc Thế vận hội Mùa đông. Ngày càng bị cô lập trên trường quốc tế, nhà lãnh đạo Nga đã có mặt ở Trung Quốc theo lời mời của Tập.

 

Trung Quốc khi đó mô tả quan hệ với Nga là hữu nghị và hợp tác “không giới hạn.” Có lẽ chính nhờ lời trấn an này, Putin đã quyết định xâm lược Ukraine chỉ 20 ngày sau đó.

 

Chuỗi sự kiện đó rất dễ bị hiểu là bằng chứng về hợp tác quân sự và ngoại giao giữa Nga và Trung Quốc. Bất kể điều đó có thực hay không, hình ảnh quốc tế của Trung Quốc đã bị sứt mẻ đáng kể – đặc biệt là khi Tập không bác bỏ cách giải thích này. Nhà lãnh đạo Trung Quốc tiếp tục duy trì một lập trường mơ hồ.

 

https://www.ft.com/__origami/service/image/v2/images/raw/https%253A%252F%252Fs3-ap-northeast-1.amazonaws.com%252Fpsh-ex-ftnikkei-3937bb4%252Fimages%252F_aliases%252Farticleimage%252F7%252F1%252F0%252F6%252F44506017-1-eng-GB%252F20230220-2023-02-20T142634Z_91216894_RC2XEZ9HR6HY_RTRMADP_3_UKRAINE-CRISIS-BIDEN.jpg?source=nar-cms

Tổng thống Mỹ Joe Biden đã thể hiện sự ủng hộ hết mình đối với Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskyy bằng chuyến thăm không báo trước tới Kyiv vào ngày 20/02. © Reuters

 

Chuyến thăm bất ngờ của Biden tới Ukraine vào ngày 20/02, ngay trước lễ kỷ niệm cuộc xâm lược của Nga, đã gửi một thông điệp mạnh mẽ rằng Mỹ kiên quyết sát cánh với Ukraine. Liệu Tập có gửi thông điệp của riêng mình tới thế giới hay không?

 

Người ta đồn rằng Tập sẽ đến thăm Nga trong thời gian tới. Khi Putin nói chuyện qua điện thoại với Tập vào cuối năm ngoái, truyền thông nhà nước Nga đã đề cập đến chuyến thăm của Tập vào mùa xuân. Putin được dẫn lời rằng ông sẽ tìm cách tăng cường trao đổi giữa quân đội hai nước.

 

Nếu Trung Quốc và Nga tiếp tục tăng cường hợp tác quân sự và an ninh, liệu chính quyền Biden có coi hai nước là đồng minh về thực chất? Nếu câu trả lời là có, các biện pháp cứng rắn chống lại Trung Quốc có lẽ đang được chuẩn bị.

 

----------------------

Katsuji Nakazawa là nhà báo và biên tập viên cấp cao của Nikkei, hiện sinh sống tại Tokyo. Ông đã dành bảy năm làm phóng viên thường trú ở Trung Quốc và sau đó trở thành trưởng văn phòng Trung Quốc. Ông đã nhận Giải Nhà báo Quốc tế Vaughn-Ueda năm 2014.

 

 

NGUỒN :

 

Katsuji Nakazawa, “Xi ponders ramifications of supporting Russia,” Nikkei Asia, 23/02/2023

 

 




No comments:

Post a Comment