Tuesday, February 28, 2023

TA CHÉP LUẬT CỦA NGA "SÁNG TẠO" THẬT! (Ngô Huy Cương)

 



Ta chép luật của Nga “sáng tạo” thật!

Ngô Huy Cương

28/02/2023

https://baotiengdan.com/2023/02/28/ta-chep-luat-cua-nga-sang-tao-that/

 

Bộ luật Dân sự 2015 của ta có một kết cấu rất lạ. Bộ luật của ta được pháp điển hóa theo kiểu Bộ luật Dân sự Đức, tức là thiết kế riêng một phần chung hay một quyển chung để bao gồm trong đó các nguyên tắc và các quy tắc nền tảng của luật dân sự.

 

Ấy thế mà ngay dưới tổ hợp từ “Phần thứ nhất – Quy định chung” là tới tổ hợp từ “Chương I- Những quy định chung”.

 

Nhiều người không học luật mủm mỉm cười hỏi tôi rằng: “quy định chung” có gì khác với “những quy định chung”? Tôi cười xòa và nói “những quy định chung” tức là có “nhiều quy định chung chung”, vậy thôi.

 

Tìm hiểu kỹ thì mới thấy kết cấu của “chương I” này ta chép từ Bộ luật Dân sự 1994 của Cộng hòa Liên Bang Nga (được sửa đổi, bổ sung lần gần đây nhất vào năm 2008). Bộ luật Dân sự Nga này được chia thành các phần. “Phần một” của nó có “Mục I” mang tên là “Các quy định chung”. Và trong “Mục I” này có “Tiểu mục 1” mang tên “Các quy định cơ bản”.

 

Ta chép “Tiểu mục 1” này thành Chương I của ta và lấy tên là “Những quy định chung”. Vậy nên ta phải hiểu: “Những quy định chung” tại chương I của ta là các quy định cơ bản của “Quy định chung”.

 

Sáng tạo chưa? Bắt đầu vào từng điều luật cụ thể, ta mới thấy hết sự sáng tạo kinh khủng của ta.

 

Xem đây: Bộ luật Dân sự Nga này có hai điều liên hệ chặt chẽ với nhau nhưng nói về hai vấn đề pháp lý khác nhau. Điều 11 của Bộ luật Dân sự Nga nói về cơ chế (hay tổ chức) bảo vệ các quyền dân sự. Điều 12 của nó nói về cách thức bảo vệ các quyền dân sự. Sau đó là một vài điều quy định cụ thể hơn về một vài cách thức bảo vệ.

 

Ta thảy Điều 11 của nó xuống thành Điều 14 của ta (đứng nép vào sau Điều 12 và Điều 13 của ta mà chúng lần lượt nói về cách thức bảo vệ bởi tự thân và bảo vệ bởi chế tài bồi thường thiệt hại). Còn Điều 11 của ta thì chép Điều 12 của nó. Nhưng ta lược bỏ một số cách thức và chế tài quan trọng nhất của luật dân sự nói chung mà Điều 12 của nó nói tới rất trân trọng, chẳng hạn: ta đã lược đi chế tài vô hiệu hóa các hành vi pháp lý không đủ tiêu chuẩn- một chế tài quan trọng và bao quát của luật tư, rồi nhiều chế tài khác.

 

Thế không phải là sáng tạo lắm ư?

 

* Điều 11 của ta ĐÂY:

 

“Khi quyền dân sự của cá nhân, pháp nhân bị xâm phạm thì chủ thể đó có quyền tự bảo vệ theo quy định của Bộ luật này, luật khác có liên quan hoặc yêu cầu cơ quan, tổ chức có thẩm quyền:

1. Công nhận, tôn trọng, bảo vệ và bảo đảm quyền dân sự của mình;

2. Buộc chấm dứt hành vi xâm phạm;

3. Buộc xin lỗi, cải chính công khai;

4. Buộc thực hiện nghĩa vụ;

5. Buộc bồi thường thiệt hại;

6. Hủy quyết định cá biệt trái pháp luật của cơ quan, tổ chức, người có thẩm quyền;

7. Yêu cầu khác theo quy định của luật.”

 

* Còn Điều 12 của Bộ luật Dân sự Nga đây:

 

“Các quyền dân sự phải được bảo vệ bằng cách:

– Công nhận quyền;

– Khôi phục lại tình trạng như trước khi quyền bị vi phạm, và ngăn chặn các hành động vi phạm quyền hoặc tạo ra sự đe dọa vi phạm quyền;

– Tuyên vô hiệu giao dịch tranh chấp và thi hành các hậu quả của sự vô hiệu đó, và thi hành các hậu quả của sự mất hiệu lực của một giao dịch không có giá trị;

– Tuyên vô hiệu một hành vi của cơ quan nhà nước hoặc của cơ quan tự quản địa phương;

– Tự bảo vệ quyền;

– Quyết định việc thực hiện nghĩa vụ hiện vật;

– Bồi thường thiệt hại;

– Phạt tiền;

– Bồi thường tổn thất về tinh thần;

– Chấm dứt hoặc thay đổi quan hệ pháp lý;

– Không áp dụng bởi tòa án một hành vi trái luật của cơ quan nhà nước hoặc cơ quan tự quản địa phương;

– Sử dụng các phương thức khác được quy định bởi pháp luật.”

 

Câu hỏi đặt ra:

 

(1) Tại sao ta lại bắt chước các quy định về hệ thống hình phạt và các biện pháp tư pháp khác trong Phần chung của Bộ luật Hình sự để liệt kê các chế tài dân sự trong một Điều tại Phần chung của Bộ luật Dân sự, trong khi hầu hết chế tài dân sự được áp dụng do yêu cầu của đương sự, và từng chế tài đã được quy định trong các điều ở phía dưới của Bộ luật Dân sự có kèm theo cả những điều kiện áp dụng?

 

(2) Tại sao, khi có các điều quy định về hệ thống các chế tài như vậy trong Bộ luật Dân sự, ta lại liệt kê thiếu những chế tài khá phổ biến như hủy bỏ hợp đồng, đình chỉ thực hiện hợp đồng và tạm ngừng thực hiện hợp đồng mà đã được liệt kê bởi Luật Thương mại 2005, nhưng thiếu chỉ dẫn và có thể gây nên sự xô lệch trong hệ thống văn bản quy phạm pháp luật?

 

.

14 BÌNH LUẬN   





No comments:

Post a Comment