Saturday, February 25, 2023

KHINH KHÍ CẦU ĐƯỢC ĐƯA VÀO CHIẾN LƯỢC BẢO VỆ KHÔNG PHẬN MỸ (Lê Tây Sơn / Saigon Nhỏ)

 



Khinh khí cầu được đưa vào chiến lược bảo vệ không phận Mỹ

Lê Tây Sơn  -  Saigon Nhỏ

24 tháng 2, 2023

https://saigonnhonews.com/thoi-su/hoa-ky/khinh-khi-cau-duoc-dua-vao-chien-luoc-bao-ve-khong-phan-my/

 

Sau vụ khinh khí cầu Trung Quốc (TQ) xâm nhập bất hợp pháp không phận, Mỹ đã nâng cấp hướng dẫn đối phó với vật thể vốn không được xem là ưu tiên trong chiến lược phòng thủ quốc gia.

 

Trong quá khứ, các kế hoạch gia quân sự của Ngũ Giác Đài đã liên tục lên kế hoạch và giả lập trò chơi chiến tranh (war game) để dự đoán trước các hình thức và tình huống xâm nhập hoặc tấn công khác nhau của kẻ thù vào không phận Mỹ.

 

Tuy nhiên, sự xuất hiện vào tháng trước của một khinh khí cầu tầm cao của TQ (vật thể mà chiến lược phòng thủ của Mỹ không mong đợi) đã buộc họ phải suy nghĩ lại. Thực tế cho thấy, “vật thể không mong đợi” này đã gây đau đầu cho cả Tổng thống Joe Biden lẫn các quan chức quốc phòng hàng đầu. Họ khá lúng túng trước khi quyết định bắn hạ khinh khí cầu.

 

Ngày càng có nhiều lời kêu gọi hãy phát triển các biện pháp sáng tạo với những thử nghiệm vũ khí mới bắn hạ các vật thể xâm nhập trái phép bầu trời Mỹ, kể cả khí cầu. Trở lại ngày 28 Tháng Một (ngày mà một người gọi là “ngày làm thay đổi chiến lược phòng thủ không gian”) khi một “mối đe dọa mới và bất ngờ” đã bay vào không phận Hoa Kỳ trên Quần đảo Aleutian, gần lục địa Alaska.

 

Đó là một khinh khí cầu bay rất cao, trên dưới 60,000 feet. Không lâu sau, các kế hoạch gia quân sự Mỹ đánh giá đây là khinh khí cầu giám sát của TQ (dù TQ khẳng định là khí cầu khí tượng bay lạc) nhưng chưa thể đưa ra ngay đối sách ứng biến thích đáng. Xu hướng gió trong thời gian phát hiện khinh khí cầu gần đúng với hành trình bay của nó với các luồng gió mạnh thổi qua Thái Bình Dương có vẻ ủng hộ câu chuyện phía TQ đưa ra và được một số nhà phân tích Mỹ chấp nhận: Khinh khí cầu đã bị kéo chệch hướng dự kiến.

 

Nhưng đến đây, một thách thức lớn xuất hiện là khinh khí cầu đang bay ở độ cao mà các loại máy bay (kể cả một số máy bay chiến đấu của Mỹ) không thể đạt tới. Những độ cao rất cao này thường là phạm vi của các máy bay chuyên dụng như máy bay do thám U-2 được Ngũ Giác Đài  sử dụng để trinh sát và chụp ảnh khinh khí cầu khi họ đánh giá các lựa chọn.

 

Cuối cùng Mỹ đã có giải pháp: Dùng F-22 Raptor. Do công ty Lockheed Martin sản xuất, được sử dụng lần đầu tiên vào cuối thập niên 1990, F-22 Raptor là máy bay chiến đấu không đối không hàng đầu của quân đội Mỹ và có thể đạt độ cao trên 65,000 feet, tức bay trên khinh khí cầu TQ. Trong số vũ khí Raptor mang theo có một loại vũ khí mà Ngũ Giác Đài cần cho cuộc tấn công “bất thường” này.

 

Đó là hỏa tiễn tầm nhiệt không đối không AIM-9X Sidewinder do hãng Raytheon chế tạo nhưng là phiên bản hiện đại hóa của loại hỏa tiễn đã có từ thập niên 1950. Nhanh và thông minh, AIM-9X Sidewinder sử dụng cảm biến hồng ngoại và dò tìm sự tương phản trên bầu trời để săn mục tiêu, kể cả khinh khí cầu năng lượng thấp bay trong trạng thái bình lưu. Một máy bay chiến đấu Raptor có thể bắn tên lửa Sidewinder đến độ cao khinh khí cầu, và các máy dò siêu nhạy của nó có thể nhắm chính xác những mục tiêu tỏa ra rất ít nhiệt so với máy bay và các mục tiêu thông thường khác.

 

Tuy nhiên, các kế hoạch gia quân sự Mỹ nhận ra chỉ bắn hỏa tiễn xuyên qua khinh khí cầu sẽ không hoàn thành công việc. Nếu lớp vỏ của khinh khí cầu chỉ bị thủng nó vẫn có thể bay được, vẫn còn đủ khí heli để ở lại trên cao. Để hạ được khinh khí cầu của TQ, đầu đạn của hỏa tiễn cần phải nổ khi chạm vào khinh khí cầu, xé toạc phần trên để giải phóng khí heli theo cách mà đầu đạn xuyên thủng không thể làm được.

 

The Washington Post cho biết, đầu đạn nổ hình khuyên của Sidewinder sẽ làm văng ra các mảnh vỡ theo nhiều hướng và có độ chính xác như phẫu thuật. Cân nhắc lần cuối, Ngũ Giác Đài quyết định không bắn hạ khinh khí cầu trên đất liền vì lo ngại các mảnh vỡ rơi xuống dân chúng hoặc hỏa tiễn bắn chệch mục tiêu. Đến ngày 4 Tháng Hai, khi khinh khí cầu trôi dạt đến ngoài khơi bờ biển South Carolina trên vùng nước tương đối nông, hai chiếc F-22 Raptor từ phía Đông Nam Virginia và hai chiếc F-15 từ Massachusetts tiến đến mục tiêu và Rapter đã hạ gục nó bằng một hỏa tiễn duy nhất.

 

Nếu cần nhiều Sidewinder hơn, các chiếc F-22 và F-15 còn lại cũng đạt đủ độ cao để tấn công. Mảnh vỡ của khinh khí cầu TQ rơi xuống độ sâu chưa đầy 50 feet ngoài khơi bờ biển. Hải quân Mỹ đã kết thúc việc tìm kiếm các mảnh vỡ vào ngày 16 Tháng Hai và chuyển toàn bộ “tang vật” đến phòng thí nghiệm của FBI tại Căn cứ Thủy quân lục chiến Quantico, Virginia. Vụ khinh khí cầu TQ đã cho Ngũ Giác Đài cơ hội để đối phó với một loại vật thể không được xem là ưu tiên phòng thủ trên bầu trời này.

 




No comments:

Post a Comment