Thursday, February 2, 2023

HÃY ĐỂ CHO XUÂN BẮC LỤI TÀN CÙNG VỚI CHỦ TRƯƠNG "VĂN NGHỆ PHỤC VỤ CHÍNH TRỊ"! (Mai Luân, RFA)

 



Hãy để cho Xuân Bắc lụi tàn cùng với chủ trương “văn nghệ phục vụ chính trị”!

Bình luận của Mai Luân
2023.01.31

https://www.rfa.org/vietnamese/news/comment/blog/let-xuan-bac-be-burried-alongside-art-for-political-will-01312023093035.html

 

Phải chăng ông Nguyễn Xuân Bắc – 47 tuổi, Nghệ sĩ Ưu tú, Giám đốc Nhà hát kịch Việt Nam, Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp thanh niên Việt Nam – là nhân vật nổi nhất trên mạng xã hội Việt ngữ khoảng chục ngày trở lại đây?

 

https://www.rfa.org/vietnamese/news/comment/blog/let-xuan-bac-be-burried-alongside-art-for-political-will-01312023093035.html/@@images/d2127077-4f3e-4fff-be9f-1ec93b3dd699.jpeg

Nghệ sĩ hài Xuân Bắc.  Công Lý

 

Sau khi xem “Gặp nhau cuối năm” (“Táo quân”), chương trình mang tính thường niên mà Đài Truyền hình Quốc gia (VTV) phát vào tối tất niên âm lịch, rất nhiều khán giả đã bày tỏ sự thất vọng của họ trên mạng xã hội, nhiều người cho rằng, đã đến lúc VTV nên dẹp bỏ chương trình này... Thế rồi ông Bắc – một trong những thành viên chính của nhóm thực hiện “Táo quân” – post lên trang của riêng ông trên Facebook “Cái tát của mẹ”. “Cái tát của mẹ” viết theo lối ẩn dụ, trong đó, ông Bắc xem ông như “mẹ”, khán giả như “con”, lũ con vô tri, vô cảm, đặc biệt là vô ơn nên mới dám chê “bánh chưng”. “Táo quân” do “mẹ” gói nên cần được “mẹ” giáo dục cho nên “người”. (1)

 

Chắc chắn chuyện ăn bánh chưng không chỉ là chuyện ăn bánh chưng. Bởi nếu thuần chuyện riêng về cái bánh chưng trong gia đình của Xuân Bắc thì anh chẳng phải chia sẻ với tư cách một diễn viên hài của công chúng. Xuân Bắc mượn chuyện ăn bánh chưng để nói về cái khó của chính mình và anh em văn nghệ sĩ trong nhà hát kịch. Vậy thì bà mẹ và ông bố kia là ai? Dễ hình dung, có thể bà mẹ là Đài Truyền hình trung ương, người trực tiếp tổ chức chương trình Táo quân? Còn người bố có thể là Bộ Văn hóa hay là cơ quan tuyên giáo kiểm duyệt chương trình?

 

Xuân Bắc muốn nói, các diễn viên nhà hát kịch trung ương xét đến cùng cũng chỉ là những đứa con trong cái gia đình được bà mẹ và ông bố trên nuôi dưỡng. Muốn hay không muốn thì cũng phải ăn cơm chúa múa tối ngày. Không chỉ múa, tức biểu diễn một chương trình mua vui làm thuốc giảm đau cho nhân dân, mà còn phải biết khen, dù kịch bản có sạn, đạo diễn tồi tệ hay kiểm duyệt khe khắt. 

 

Thì đấy, kịch bản có phải do các diễn viên làm ra đâu mà do biên kịch viết theo định hướng của lãnh đạo đài. Còn đạo diễn và kiểm duyệt thì coi như hai tầng điều hành, giống như gói bánh chưng, một lớp lá ép vào khuôn, một lớp lạt buộc. Diễn viên cứ như gạo nếp, thịt nạc thịt mỡ bị nhồi vào khuôn với nhiều lớp lá và bị buộc chặt, luộc nhừ suốt ngày đêm. Diễn nôm là họ bị buộc phải thực hiện trong cái nghịch lý: vừa diễn theo định hướng của nhà đài, vừa bị kiểm duyệt bởi cơ quan quản lý văn hóa, lại vừa bị lời khen chê của công chúng khi trình diễn sản phẩm. Nghịch lý vì được công chúng khen thì bị đạo diễn và cơ quan kiểm duyệt gõ đầu, đòi rút phép thông công. Ngược lại, được đạo diễn và cơ quan kiểm duyệt khen thì bị công chúng chửi. Làm đứa con như vậy khác nào làm dâu trăm họ? (2)

 

Mặc dầu Xuân Bắc có ý trình bày hoàn cảnh “trở đi mắc núi, trở lại mắc sông” của bản thân và đoàn kịch nhưng dư luận chung vẫn ác cảm và phản đối ông cùng với chương trình “Táo quân”. Một Facebooker có tên là Xuân Sơn Võ viết: “Sở dĩ đến tận hôm nay tôi mới biết chương trình tầm thường và rẻ tiền ấy vẫn còn tồn tại không phải vì tôi thấy nó, hay nghe người ta nói về nó - bạn bè tôi gần như chẳng còn ai nói gì đến chương trình “Táo quân” cả. Tôi biết đến nó khi người ta bình luận về việc nghệ sĩ Xuân Bắc chửi người xem khi họ chê chương trình này. Tôi phải tìm xem bài viết của nghệ sĩ này... thì ra những điều người ta nói là đúng. Từ trước đến giờ, tôi cứ nghĩ, chương trình này phải theo định hướng nên các nghệ sĩ không thể nói khác được. Thậm chí, tôi còn nghĩ các nghệ sĩ đóng chương trình này đau lòng khi phải né tránh những chuyện nóng bỏng, chỉ tập trung moi móc những người, những ngành yếu thế, hoặc chỉ dám nói chung chung, xa xa... Đọc status của nghệ sĩ Xuân Bắc, tôi chợt nhận ra, không chỉ có chương trình “Táo quân” là tầm thường, rẻ tiền, mà trình độ của anh chàng nghệ sĩ này cũng không hơn gì. Nghệ sĩ mà chửi khán giả khi họ chê tác phẩm nghệ thuật của mình, rồi tự ví mình ở vai trò là mẹ của khán giả thì đó là loại nghệ sĩ gì?” 

 

Dù hiểu ngược hay hiểu xuôi các thông tin trong bài viết dưới dạng ngụ ngôn nói trên thì độc giả vẫn rần rần phản đối Xuân Bắc. Tuy nhiên cũng có những độc giả muốn làm trạng sư, bào chữa cho Xuân Bắc “tội nghiệp”. Có lý nào mà một chuyện ngụ ngôn, chẳng hướng vào một đối tượng xác thực nào mà dư luận cứ buộc Xuân Bắc phải xin lỗi và còn yêu cầu cơ quan chức năng xử phạt? Có hàm hồ quá không? Và từ thiện ý của các trạng sư này, một thuyết âm mưu ra đời. Mấy chục năm qua đất nước chúng ta sống chủ yếu bằng đời sống chính trị. Cách mạng, chiến tranh, các sự kiện chính trị, sinh hoạt chính trị đi vào cuộc sống hàng ngày. Mọi thứ đều được đo bằng chính trị. Từ đánh giá con người đến xem xét tác phẩm, tất cả chủ yếu đều quy về lập trường, quan điểm, đôi khi cả những thứ rất xa như ăn mặc, cách sử dụng các hình thức miêu tả nghệ thuật. Vì cái gì cũng quy về chính trị nên bài viết nói trên của Xuân Bắc cũng bị liệt kê vào một âm mưu. Âm mưu đó là Xuân Bắc được Đảng Cộng sản Việt Nam “bố trí” làm đặc tình cho một sứ mệnh.

 

Sứ mệnh đó là Xuân Bắc “giải cứu” cho khủng hoảng truyền thông của Đảng. Sau Tết, Đảng không muốn dư luận bàn ra tán vào về chuyện ra đi một cách vội vã của hai ông Ủy viên Bộ Chính trị, trong đấy có Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc và một loạt các bê bối trong nội bộ cấp cao. Rồi nữa, ngay cả những chuyến chướng tai gai mắt như TBT Nguyễn Phú Trọng “cướp diễn đàn”, gạt bà quyền Chủ tịch nước để dọc diễn văn chúc Tết, mà không một lời giải thích cho công chúng. Chưa hết, hàng loạt các câu hỏi liên quan đến “trùm cuối” vẫn còn dậy sóng. Và một loạt những thông tin dậy sóng khác trên mạng xã hội như: Phu nhân cựu Chủ tịch nước bị Công an mời ra làm việc, con gái rượu của Đại tướng Tô Lâm, Bộ trưởng Công an đã du học năm năm Anh quốc… Tất cả những chuyện này ĐCS không muốn dân bàn tán. Người dân sẽ đặt vấn đề “trách nhiệm chính trị” của ông Trọng, vì chính ông đã đứng đầu Tiểu ban Nhân sự Đại hội 13, chọn lựa ra các vị này để Trung ương “bấm nút”. Nếu thuyết âm mưu này đúng, thì Xuân Bắc không chỉ cứu Xuân Phúc mà Xuân Bắc còn cứu cả Đảng, giải tỏa thông tin, không để cho người dân tập trung vào những tin tức Đảng không muôn dân “chõ mũi” vào. Thế thì Ban Tuyên giao Trung ương phải chỉ đạo sao cho 800 tờ báo hãy “đánh hội đồng” Xuân Bắc mà  không cho ông này mở miệng! (3)

 

Với xì-căng-đan Xuân Bắc, TS. Nguyễn Ngọc Chu cho rằng, phải tìm ra nhiều phương thức tiếp cận để cải thiện nội dung và nghệ thuật của chương trình văn nghệ tất niên trên VTV. TS. Chu đưa ra hai đề xuất sơ bộ lược giản. 1) Cho tự do cạnh tranh về kịch bản và đạo diễn. Khi mở rộng tự do cạnh tranh, chắc chắn sẽ có nhiều tác giả có những kịch bản hay, nhiều đạo diễn giỏi sẽ xuất hiện. Các đạo diễn được quyền chọn kịch bản, chọn diễn viên. Dù trong giới hạn của sự kiểm duyệt, thì các chương trình mới vẫn có nội dung hay hơn cùng với giá trị nghệ thuật cao hơn. 2) Cho cạnh tranh vùng miền. Ít nhất là ba miền Bắc, Trung, Nam. Trước hết là đáp ứng thị hiếu văn hoá vùng miền. Tiếp đến là xoá bỏ sự độc tôn của miền Bắc. Không bỏ sót các tài năng ở mọi địa phương. Thậm chí, có thể chia thời gian biểu diễn cho các chương trình xuất sắc, bao gồm phân chia cho cả vùng miền. (4)

 

Với hai mục đổi mới nêu trên, TS. Nguyễn Ngọc Chu hiến kế cho chính quyền làm thế nào để khán giả cả nước được đón xem một chương trình văn nghệ cuối năm tiếp theo vượt trội so với quá khứ. Mấy năm trở lại đây, những người yêu và hiểu văn hóa nghệ thuật có mấy ai xem Táo quân đâu. Nhưng Táo quân chiếm trọn " giờ vàng " VTV của đêm giao thừa, có những khán giả đành phải xem “cưỡng bức”. Năm nay, không rõ là do Xuân Bắc đã làm giọt nước tràn ly hay Đảng đã đẩy Xuân Bắc vào tình huống ấy? TS. Chu nêu vấn đề rất xác đáng, sắc sảo. Nhưng có lẽ điều cơ bản hơn là đã đến lúc nên xét lại một cách toàn diện cái chủ trương bao đời này, đem nghệ thuật phụ vụ chính trị. Thời của Giang Thanh và Mao Trạch Đông còn ở Diên An thì đành vậy. Tất cả chuyện xa xưa ấy dĩ nhiên có cái lý lịch sử của nó, mặc dù lịch sử là do chính con người làm ra. Nhưng bây giờ lịch sử nước nhà hình như đang chuyển sang một chương khác. Hãy để cho Xuân Bắc lụi tàn cùng với chủ trương “văn nghệ phục vụ chính trị”! (5)

_____________

Tham khảo:

1. https://www.facebook.com/nghesi.nguyenxuanbac/posts/pfbid0FoGAhS8bviEh9zbMFUnmFvx12QTNFCJKXRqEp7fyrwK1fH14Q1VUiatjBJ8PEqDol

 

2. https://www.facebook.com/Chumonglong/posts/pfbid0efjLrSypwXNBEVSJK3BtVD495Zw1Ygi1QwkaBEXAYZQgB7g8C7bg7roPwyb7a1Mol

 

3. https://www.youtube.com/watch?v=ymB1T1GoY18

 

4. https://www.facebook.com/chu.nguyenngoc/posts/pfbid0Rqnqke5y3h9xvEXrsWyS75rZuh9sbWEiJMHACV3vqN8ypmpQBb7FtaxQpdMRLPDsl

 

5. http://redsvn.net/ban-ve-moi-quan-he-giua-van-nghe-va-chinh-tri/

 

--------------------------------------------------------------------

* Bài viết không thể hiện quan điểm của Đài Á Châu Tự Do.

 




No comments:

Post a Comment