Saturday, February 25, 2023

DÂN BẤT BÌNH VỚI THÁI ĐỘ CỦA CHÍNH QUYỀN VIỆT NAM TRONG SUỐT MỘT NĂM CUỘC CHIẾN NGA - UKRAINE (RFA)

 



Dân bất bình với thái độ của chính quyền Việt Nam trong suốt một năm cuộc chiến Nga-Ukraine

RFA
2023.02.24

https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/vietnamese-not-satisfied-with-governmental-attitute-regarding-russian-invasion-in-ukraine-02242023075909.html

 

Một năm sau khi Nga đưa quân sang xâm lược Ukraine, nhiều người tỏ ý không đồng tình với thái độ “thân Nga” của Nhà nước Việt Nam đối với cuộc chiến này và kêu gọi Hà Nội hành động thiết thực hơn cùng với cộng đồng quốc tế mang lại hoà bình ở Ukraine.

 

Đại sứ Đặng Hoàng Giang, trưởng Phái đoàn thường trực Việt Nam tại LHQ hôm 22/2 kêu gọi các bên liên quan của cuộc chiến chấm dứt xung đột, khẩn trương nối lại đàm phán tìm giải pháp hòa bình toàn diện, thỏa đáng và lâu dài cho vấn đề Ukraine.

 

Tuy nhiên, trong cuộc bỏ phiếu của Đại Hội đồng LHQ sau đó cho nghị quyết yêu cầu Nga rút quân khỏi Ukraine, Việt Nam nằm trong số 32 quốc gia bỏ phiếu trắng, trong khi 141 quốc gia đồng ý với nghị quyết này và bảy quốc gia bỏ phiếu chống bao gồm Nga.

 

Đây là cuộc bỏ phiếu lần thứ sáu về cuộc xâm lược của Nga ở Ukraine trong một năm qua.

Trước đó, Hà Nội năm lần bỏ phiếu trắng cho các nghị quyết liên quan đến cuộc chiến của Nga và một lần bỏ phiếu chống lại đề nghị đưa Moscow ra khỏi Hội đồng Nhân quyền LHQ vì các hành động bạo lực chống lại dân thường ở Ukraine.

 

Nhà nước Việt Nam tỏ rõ lập trường ủng hộ Nga

 

Giáo sư Zachary Abuza, giảng viên về an ninh chiến lược tại National War College (Hoa Kỳ) và là chuyên gia về tình hình Việt Nam và Đông Nam Á, tỏ ra nghi ngờ về khác biệt giữa lời nói và hành động của chính quyền Việt Nam. Ông nói với Đài Á Châu Tự Do (RFA) qua email vào ngày 23/2:

 

“Đại sứ Giang nói tất cả những điều đúng đắn, và một quốc gia tầm trung như Việt Nam rất lo ngại về những vi phạm luật pháp quốc tế và tiền lệ được thiết lập bằng cách thay đổi biên giới quốc tế thông qua vũ lực."

 

Dẫn lại những lần đại diện của quốc gia Đông Nam Á bỏ phiếu có lợi cho Nga và tiếp đón Ngoại trưởng Sergei Lavrov ở Hà Nội vào tháng 7 năm ngoái, ông Zachary Abuza khẳng định nó cho thấy "sự ủng hộ rõ ràng đối với Moscow."

 

Ông cho rằng, truyền thông do nhà nước kiểm soát tỏ rỏ lập trường ủng hộ Moscow và lặp đi lặp lại những lời biện minh của Putin cho cuộc chiến, ngoài ra những nhân vật có ảnh hưởng mà ông gọi là “Red Bull/ Bò Đỏ” và dư luận viên của chính phủ khuếch đại tuyên truyền của Nga trên mạng xã hội và quấy rối những người đứng lên bảo vệ Ukraine...

 

Ông cũng nhắc lại việc Quân đội Nhân dân Việt Nam tham gia hội thao quân sự (army games) với Nga vào tháng 8 năm ngoái, đương lúc cuộc xâm lược Ukraine diễn ra.

 

“Bộ Ngoại giao Việt Nam hiểu vấn đề nhưng giới lãnh đạo chính trị của đất nước vẫn bị ràng buộc với tình bạn lịch sử của họ với Moscow và mô hình quản trị độc đoán của họ.

Họ có chung quan điểm rằng Hoa Kỳ đang ủng hộ ‘các cuộc cách mạng màu’ và đang làm suy yếu quyền lực của các chính phủ tương ứng,” vị học giả này nói.

 

Cựu quân nhân Nguyễn Quang Vinh từ Hà Nội phản đối thái độ "đu dây" của Nhà nước Việt Nam trong cuộc chiến này. Ông nói:

 

"Theo tôi trong một năm qua, Chính phủ Việt Nam chẳng làm được gì cho việc chấm dứt cuộc chiến Nga-Ukraine, ngoại trừ việc kêu gọi suông trên diễn đàn ngoại giao.

Trong nước thì họ ngăn chặn một cách trắng trợn và thô bạo việc người dân và trí thức tiến bộ bày tỏ công khai sự ủng hộ Ukraine. Tuy vậy, nhân dân trong nước vẫn ủng hộ Ukraine theo tiếng gọi của lương tri.”

 

Tuy Chính phủ Việt Nam ủng hộ nhân đạo 500.000 đôla Mỹ cho nhân dân Ukraine, nhưng nhà chức trách của thủ đô Hà Nội ngăn cản giới bất đồng chính kiến tham gia các hoạt động có mục tiêu ủng hộ Ukraine và thậm chí đột ngột dừng sự kiện gây quỹ từ thiện nhằm giúp đỡ người dân Ukraine do cộng đồng người Ukraine tổ chức.

 

Cựu giáo chức Trần Thị Thảo (Hà Nội) cho rằng bằng việc bỏ phiếu có lợi cho Nga, Việt Nam đi ngược lại với tuyên bố của ông Phạm Minh Chính ở Mỹ: “Việt Nam không chọn bên mà chọn công lý, chính nghĩa, và lẽ phải.”

 

Theo bà, trong tương lai gần “Việt Nam vẫn chọn Nga theo đường lối như hiện nay. Bản chất của Đảng Cộng sản Việt Nam rất khó thay đổi vì một phần là do họ phụ thuộc vào Nga và Trung Quốc quá sâu rộng.”

 

Một luật sư trẻ từ thành phố Hồ Chí Minh yêu cầu giấu tên vì lý do an ninh, cho rằng việc Nga tấn công vào Ukraine là hành vi xâm lược, vi phạm trắng trợn luật pháp quốc tế và sự toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine. Thêm nữa, việc Nga không ngừng tấn công vào các cơ sở dân sự của Ukraine là hành vi vi phạm luật pháp quốc tế và bị xem là tội ác chiến tranh.

 

Về thái độ của Nhà nước Việt Nam, tôi cho rằng đối với kinh nghiệm kháng chiến của mình họ biết rằng chính nghĩa thuộc về bên nào, và chỉ một số rất ít là có cảm tình và ủng hộ Nga.

Ở thời điểm hiện tại Nhà nước Việt Nam không tỏ thái độ rõ ràng cũng do cái khó của họ, khi chưa chủ động trong việc thay đổi trang thiết bị khí tài phòng thủ.”

 

Tuy nhiên, người này kêu gọi Nhà nước Việt Nam cần có thái độ rõ ràng và sự lựa chọn đúng.

 

“Tôi cho rằng vào thời điểm quan trọng khi cần đồng minh và đối tác quan trọng, Nhà nước Việt Nam cần dứt khoát trong việc chọn bạn và đối tác chiến lược lâu dài bởi lịch sự sẽ không có chữ nếu. Mọi hành động ủng hộ hay phản đối ở hiện tại đều ảnh hưởng, tác động sâu sắc tới tương lai dân tộc mai sau.”

 

Ông cho rằng điểm sáng là Chính phủ Việt Nam đã trợ giúp nhân đạo cho Ukraine trong khi tìm cách tuân thủ các biện pháp cấm vận của Mỹ và Phương Tây trong việc mua bán dầu mỏ và khí đốt với Nga.

 

Một giảng viên đại học kỳ cựu ở Hà Nội không muốn công khai danh tính kể lại việc bạn bè ông (từ người đương giữ chức vụ cao trong chính quyền đến những công chức cấp thấp) đều không đồng tình với thái độ của chính quyền trong cuộc chiến Nga-Ukraine.

 

Trong khi đó, ông Vũ Xuân Khang - nghiên cứu sinh tiến sĩ chuyên ngành an ninh quốc tế tại Khoa Chính trị học của Đại học Boston (Boston College) cho rằng hoàn toàn dễ hiểu về thái độ của Việt Nam thường trung dung đối với xung đột quốc tế. Trong email gửi RFA, ông viết:

 

“Việc Việt Nam giữ thái độ trung lập là một chính sách hợp lý, khi Việt Nam không được hưởng bất kỳ lợi ích gì nếu lên án một trong hai phe. Giữ vị trí trung lập sẽ giúp Hà Nội duy trì quan hệ hữu hảo với Nga, và bất chấp việc Hà Nội không ủng hộ Ukraine, Mỹ vẫn ưu tiên tăng cường quan hệ Việt-Mỹ để đối trọng với Trung Quốc.”

 

Ông nói nhiều nhà bất đồng chính kiến có thể coi chính sách này là sai về đạo đức, tuy nhiên, theo ông, trong quan hệ quốc tế không có đúng hay sai, chỉ có quyền lợi quốc gia là trên hết.

 

Tác giả của nhiều bài báo liên quan đến Việt Nam trên các tạp chí War on The Rocks, The Diplomat, The National Interest, East Asia Forum… giải thích :

 

“Cần phải nhớ Mỹ và đồng minh đã từng lên án khi Việt Nam tấn công Campuchia để tiêu diệt Khmer đỏ, nên thực ra các quốc gia đều không coi đạo đức là một yếu tố chính. Đạo đức chỉ là cái cớ để các quốc gia bảo vệ quyền lợi của mình.”

 

Nhà nước Việt Nam cần phải làm gì trong cuộc chiến Nga-Ukraine?

 

Từ Hà Nội, nhà báo Nguyễn Vũ Bình, một blogger của RFA, nói việc Nga tấn công vào Ukraine là hành vi xâm lược, vi phạm trắng trợn luật pháp quốc tế và sự toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine.

 

Việt Nam cần phải đứng về phía cộng đồng quốc tế, đứng về phía luật pháp quốc tế để lên án cuộc chiến của Nga ở Ukraine và ủng hộ Ukraine.

Quan hệ Việt Nam-Nga là truyền thống nhưng anh không thể vì mối quan hệ truyền thống mà ủng hộ cuộc chiến phi nghĩa được.” 

 

Một nhà bình luận chính trị ở Sài Gòn không muốn nêu tên, cho rằng Nhà nước Việt Nam bị buộc ở thế không thể bộc lộ quan điểm quá rõ ràng trong cuộc chiến Nga-Ukraine.

 

Nếu ra mặt ủng hộ Nga quá lại rơi vào thế bất lợi vì Việt Nam cũng ở vị trí như Ukraine đối với Trung Quốc. Nhưng chống Nga cũng không được, vì tình cảm và nợ ân tình trong quá khứ và hiện tại bị phụ thuộc vào vũ khí Nga. Hơn nữa là Việt Nam lấy cách ứng xử của Trung Quốc làm khuôn mẫu nên cũng phải theo người láng giềng phương Bắc.”

 

Theo ông này, Việt Nam có thể đóng vai trò trung gian hoà giải giữa hai quốc gia ở Đông Âu.

 

Do mối quan hệ tương đối cân bằng với Nga và Ukraine, Việt Nam có thể tham gia với vai trò trung gian hòa giải, ví dụ như tổ chức đàm phán hòa bình như đã từng làm chủ nhà cho đàm phán giữa Hoa Kỳ và Bắc Triều Tiên.”

 

Còn theo luật sư Nguyễn Văn Đài từ Đức, chính quyền Việt Nam trợ giúp nhân đạo cho Ukraine với số tiền khiêm tốn nhưng có thể làm nhiều hơn để giúp người dân Ukraine bằng cách bật đèn xanh để người dân trong nước đóng góp và các tổ chức xã hội dân sự gây quỹ. Ông tin rằng nếu được tự do, nhiều người dân Việt Nam sẵn sàng ủng hộ nạn nhân của cuộc xâm lược của Nga.





No comments:

Post a Comment