Friday, February 24, 2023

CUỘC ĐÀN ÁP CHỐNG THAM NHŨNG ĐẨY CÁC QUAN CHỨC ĐANG SỢ HÃI CỦA VIỆT NAM ĐẾN CHỖ 'KHÔNG LÀM GÌ CẢ' (Bloomberg)

 



Cuộc đàn áp chống tham nhũng đẩy các quan chức đang sợ hãi của Việt Nam đến chỗ ‘không làm gì cả’

Bloomberg   

Cù Tuấn dịch

Tháng Hai 24, 2023

https://nghiencuulichsu.com/2023/02/24/cuoc-dan-ap-chong-tham-nhung-day-cac-quan-chuc-dang-so-hai-cua-viet-nam-den-cho-khong-lam-gi-ca/

 

Đảng Cộng sản Việt Nam đang ngày càng cảnh giác về một câu thần chú mới đang được giới quan chức sử dụng: “Làm nhiều, sai nhiều. Làm ít, sai ít. Không làm, không sai.”

 

                                                           *

 

Càng ngày, các quan chức càng thiên về việc lựa chọn phương án cuối cùng — và điều đó đang đè nặng lên một trong những nền kinh tế phát triển nhanh nhất châu Á.

 

Các công chức Việt Nam hiện tại rất cảnh giác khi ký kết các dự án đầu tư vì sợ rằng họ có thể bị dính líu trong một chiến dịch chống tham nhũng trên diện rộng, mà đã hạ bệ ba quan chức cấp cao nhất của đất nước này trong năm nay, theo nhiều quan chức đã yêu cầu không nêu tên vì sợ bị trừng phạt. Họ nói rằng việc phê duyệt mang tính thông lệ cho các dự án phát triển bất động sản hoặc chi tiêu cho cơ sở hạ tầng đang ngày càng bị trì hoãn.

 

Một quan chức giám sát việc phê duyệt cơ sở hạ tầng cho biết anh ta thà bị khiển trách vì không làm gì, còn hơn là có nguy cơ bị bỏ tù vì mắc bất kỳ sai lầm nào. Một người khác cho biết các quan chức cấp tỉnh đang lo lắng nhiều nhất, vì họ là những người phải ký duyệt các dự án và văn bản pháp lý.

 

Albert Park, nhà kinh tế trưởng của Ngân hàng Phát triển Châu Á, cho biết: “Không ai ở Việt Nam muốn ký tên vào hồ sơ phê duyệt bất cứ điều gì ngay bây giờ, bởi vì họ không biết liệu chữ ký đó sẽ là bằng chứng chống lại họ trong chiến dịch chống tham nhũng hay không.” Park nói, ngay cả bộ phận nghiên cứu của ông cũng đang phải vật lộn để có được sự chấp thuận cần thiết cho một dự án.

 

Đại diện từ Văn phòng Thủ tướng và Bộ ngoại giao Việt Nam đã không đưa ra bình luận nào.

Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Nguyễn Phú Trọng, kiến trúc sư trưởng của chiến dịch chống tham nhũng, đã bảo vệ nỗ lực này, từng kéo dài nhiều năm qua, như liều thuốc mạnh cần thiết để thúc đẩy sự ổn định lâu dài của Việt Nam. Khi chiến dịch chống tham nhũng lần đầu tiên được quảng bá vào tháng 3 năm 2022, các vụ bắt giữ các quan chức cấp cao trong lĩnh vực kinh doanh và chứng khoán đã khiến các nhà đầu tư trong nước hoảng sợ nhưng không gây hoang mang, vì cuộc thanh trừng được tuyên truyền như là một cách để giải quyết tình trạng thao túng chứng khoán.

 

Nhưng khi các cơ quan quản lý thị trường bắt đầu hủy bỏ các đợt chào bán trái phiếu một tháng sau đó, các nhà đầu tư đã tạm ngưng dòng vốn để đánh giá lại thiệt hại. Những lo lắng này trở nên càng sâu sắc hơn vào tháng Giêng, khi chiến dịch chống tham nhũng đã đánh gục ba người chức cao nhất — Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc và hai cấp phó của Thủ tướng Phạm Minh Chính. Đòn đánh tổng lực này đã báo động cho các quan chức cấp thấp hơn, với nỗi sợ rằng họ có thể bị liên lụy trong cuộc điều tra tham nhũng tiếp theo. Có hơn 500 đảng viên Đảng Cộng sản đã bị truy tố tội tham nhũng chỉ riêng trong năm 2022.

 

Thủ tướng Phạm Minh Chính hiện đang tìm cách thúc đẩy bộ máy chính quyền hoạt động trở lại để hạn chế sự sụp đổ kinh tế. Trong những tuần gần đây, ông đã tổ chức các cuộc họp cấp cao với những ngân hàng cho vay, giám đốc điều hành các công ty bất động sản và các bên liên quan quan trọng khác để thảo luận về cách khắc phục cái mà họ gọi là nút cổ chai trên thị trường, chẳng hạn như khôi phục phát hành trái phiếu doanh nghiệp. Ông cũng tuyên bố sẽ giảm bớt căng thẳng về tài sản, đảm bảo ổn định kinh tế và chỉ trích các bộ trưởng vì không giải ngân số vốn đã được phê duyệt cho các dự án cơ sở hạ tầng quan trọng.

 

“Các quan chức hiện đang chịu áp lực phải chi tiêu ngân sách nhà nước nhiều hơn để đáp ứng mục tiêu và cải thiện hiệu quả quản lý kinh tế của họ,” Linh Nguyễn, nhà phân tích chính của thị trường Việt Nam tại Control Risks cho biết. Việc ông Chính có thành công hay không sẽ không chỉ phụ thuộc vào khả năng xoa dịu lo lắng của các quan chức, mà còn thuyết phục các nhà đầu tư rằng Việt Nam vẫn là một nền kinh tế ổn định và ủng hộ doanh nghiệp.”

 

Ông Trọng, nhà lãnh đạo quyền lực nhất của Việt Nam, đã không đưa ra dấu hiệu nào cho thấy khi nào các cuộc điều tra gây chú ý gần đây sẽ giảm bớt. Đài Tiếng nói Việt Nam thuộc sở hữu nhà nước đã bác bỏ các báo cáo xem xét đến sự sụp đổ kinh tế, coi chúng là “vu khống” và “được đưa ra vì những lý do vô đạo đức thay vì dựa trên sự thật.”

 

Từ ngân hàng đến bất động sản, nhiều lĩnh vực kinh doanh đã phải đối mặt với những thất bại ngày càng lớn. Tỷ lệ đóng cửa của công ty bất động sản trong năm 2022 đã tăng gần 40% trong khi chỉ số chứng khoán VN Index của Việt Nam trở thành chỉ số chứng khoán lớn có sự sụt giảm mạnh thứ hai thế giới, chỉ sau Nga. Ngân hàng Phát triển Châu Á đã hạ dự báo tăng trưởng năm 2023 của Việt Nam do việc giải ngân các quỹ công cho chăm sóc sức khỏe, công viên, cơ sở hạ tầng và các khoản chi tiêu khác đã bị đình trệ.

 

Các thương nhân nói rằng việc soạn thảo lại các quy tắc phát hành trái phiếu của Việt Nam có thể giúp khôi phục niềm tin vào thị trường và thúc đẩy hoạt động cho vay trở lại, đặc biệt là đối với lĩnh vực bất động sản đang gặp khó khăn. Thủ tướng Chính đang xem xét đề xuất cho phép các tổ chức phát hành trái phiếu kéo dài thời gian đáo hạn thêm hai năm, trong khi các quan chức Thành phố Hồ Chí Minh tuyên bố sẽ nhanh chóng giải quyết mọi chậm trễ về thủ tục giấy tờ trong lĩnh vực bất động sản.

 

Một số nhà đầu tư nước ngoài vẫn lạc quan về triển vọng dài hạn của Việt Nam như một giải pháp thay thế chuỗi cung ứng cho Trung Quốc. Chỉ số môi trường kinh doanh của EuroCham cho biết các doanh nghiệp chuyển hoạt động từ Trung Quốc sang Việt Nam đã tăng lên 41% trong quý IV, ngay cả khi chiến dịch chống tham nhũng vẫn tiếp tục.

 

Oliver Massmann, luật sư tại Duane Morris Vietnam LLC, người đã hỗ trợ các doanh nghiệp thành lập tại Việt Nam trong hơn 20 năm, cho biết môi trường kinh doanh thân thiện và hấp dẫn vẫn là một trong những ưu điểm hàng đầu của Việt Nam.

 

“Việc thanh lọc trong đảng là chuyện chính trị và có thể khiến những người thân thiện với đầu tư nước ngoài phải trả giá,” ông nói trong một email. “Tuy nhiên, về lâu dài, các công ty sạch sẽ sẽ được hưởng lợi nhiều hơn từ chiến dịch chống tham nhũng này trong khi các công ty/dự án liên quan đến nhà nước có thể phải đối mặt với tình trạng suy giảm nhiều hơn.”

 

Tham nhũng cấp thấp ở Việt Nam từ lâu đã là mối quan tâm của các nhà ngoại giao và nhà đầu tư, một phần bởi vì — tương tự như các quốc gia khác trong khu vực — các khoản lót tay không chính thức là thu nhập mang tính sống còn đối với các công chức, vốn thường phàn nàn về mức lương thấp. Nhưng sức mạnh của chiến dịch chống tham nhũng của chính phủ đã tạo ra những nút thắt cổ chai đối với dòng vốn, khi các thủ tục giấy tờ chạy qua bộ máy quan liêu vốn đã phiền phức của Việt Nam trở nên hoàn toàn đình trệ.

 

Một trong những lời phàn nàn lớn nhất từ các doanh nghiệp nước ngoài là sự chậm trễ trên diện rộng về giấy phép đăng ký kinh doanh và các giấy phép khác. Do sợ hãi, các cơ quan chính phủ đã chỉ giải ngân 70% số vốn theo kế hoạch vào năm ngoái, mức thấp nhất kể từ ít nhất là năm 2017, theo dữ liệu tháng 12 do Bộ Tài chính Việt Nam công bố. Điều đó khiến Thủ tướng Chính phải ra lệnh cho họ tăng tốc chi tiêu. Thậm chí có 17 bộ, tỉnh chỉ chi dưới 50% so với dự kiến ban đầu của Trung ương.

 

Ngân hàng là một lĩnh vực khác đang đối mặt với rủi ro. Trong một cảnh tượng rất đáng lo ngại vào tháng 10, rất nhiều người đã tràn vào các chi nhánh của Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB) để rút tiền tiết kiệm giữa lúc có tin đồn rằng ngân hàng này có liên quan đến một tập đoàn bất động sản đang bị điều tra về tội lừa đảo. Ngân hàng trung ương Việt Nam đã dành cả tuần để xoa dịu thị trường và người gửi tiền. Các ngân hàng đã tăng lãi suất để thu hút khách hàng quay trở lại.

 

Nhưng bị ảnh hưởng nặng nề nhất cho đến nay là ngành bất động sản, ngành đã chứng kiến nhiều công ty báo cáo về tình trạng khủng hoảng thanh khoản, tạm dừng hoạt động và sa thải hàng loạt. Ngay cả Novaland Group – công ty bất động sản đã lên sàn chứng khoán lớn số 2 của Việt Nam – đã phải vật lộn để thanh toán cho các trái chủ sau khi tuyên bố rằng những ngân hàng cho vay đang yêu cầu thêm tài sản thế chấp, theo một báo cáo của báo chí địa phương. Novaland đã yêu cầu chủ sở hữu gia hạn thanh toán liên quan đến một trong các trái phiếu của mình.

 

Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM, cho biết trong một cuộc phỏng vấn: “Việc dừng dự án xảy ra ở hầu hết mọi nơi và ảnh hưởng đến tất cả các công ty bất động sản. Dự án của bạn sẽ chỉ nằm ỳ một chỗ. Bạn không thể làm bất cứ điều gì với nó.


 

NGUỒN :

 

Anti-Graft Crackdown Pushes Vietnam’s Fearful Bureaucrats to 'Do Nothing’   

Philip Heijmans and Nguyen Dieu Tu Uyen

February 21, 2023 at 7:00 PM EST - Updated on February 22, 2023 at 1:51 AM EST

Bloomberg   

 

 



No comments:

Post a Comment