Thursday, February 2, 2023

CHÙA HƯƠNG CÓ ĐỘNG BÀN TƠ (*)? (Nguyễn Tâm Du, RFA)

 



Chùa Hương có động Bàn Tơ (*)?

Bình luận của Nguyễn Tâm Du
2023.02.01

https://www.rfa.org/vietnamese/news/comment/blog/huong-pagoda-has-a-case-of-silken-web-02012023105046.html

 

https://www.rfa.org/vietnamese/news/comment/blog/huong-pagoda-has-a-case-of-silken-web-02012023105046.html/@@images/37f8a033-488e-4fb2-ae02-8a296b83ab9a.jpeg

Lễ khai hội Chùa Hương 2023.    FB Phạm Ngọc Thắng

 

Tôi đọc bình luận của bác sĩ Phạm Ngọc Thắng trên trang mạng Facebook, phì cười. Cứ tưởng ông bác sĩ đáo để.

 

Hóa ra là thật.

 

Trong đoạn clip phát trên báo Tin tức (báo của Thông tấn xã Việt Nam) tường thuật về lễ khai Hội chùa Hương năm 2023, nhạc cảnh này có bảy cô gái mặc áo ngắn chẽn trên rốn phơi ra cả gang bụng, dưới là quần bó chặt từ hông đến đầu gối rồi xòe rộng lất phất. Quanh bụng và đầu gối đều quấn các dải tua rua vàng rung rinh. Khổ thay, dải tua rua quanh bụng lại hớt lên hình chữ V ngược ngay ở vùng… “ngã ba biên giới” khiến dù không muốn nhưng con mắt người xem cứ bị tập trung vào đó. Chiếc quần vải mỏng, may vụng và bó chặt khiến các cô – gọi theo ngôn ngữ bọn teen bây giờ là “lộ hết hàng”. Chiếc mão trên đầu na ná hình con chim Lạc cộng với bộ đồ màu vàng nghệ chói không liên quan gì đến thiết kế của bộ trang phục. Đường Tăng đội mão Liên hoa (mũ đội đầu hình bảy cánh hoa sen, mỗi cánh mang hình ảnh một vị Bồ tát nên còn gọi là mão Thất Phật), mặc cà sa đứng chắp tay phía sau. Tiền cảnh lại thêm một phụ nữ xinh đẹp trong áo choàng trắng xẻ tà khoác bên ngoài một bộ đồ không rõ là áo dài hay cosplay tiên nữ. Tay nhân vật này cầm một chiếc bình cam lồ màu vàng, tay kia cầm cành dương nên đây là Phật Bà Quan Âm, hiện xuống trừ yêu quái giúp Đường Tăng thuận lợi thỉnh kinh.

 

Hóa ra nhạc cảnh này tả lại cảnh bảy con yêu nhền nhện trong động Bàn Tơ đang lẳng lơ quyến rũ Đường Tăng.

 

Cách đó vài bước chân, hàng ngũ các chức sắc tôn giáo chùa Hương, các chùa lớn quanh vùng và Giáo hội Phật giáo Việt Nam nghiêm trang ngồi dự lễ. Hàng hàng hoa lan tượng trưng cho sự thanh khiết của nhà Phật nhưng được đặt ngay dưới đất, gần chân các vị.

Nhạc cảnh tiếp theo mở mắt cho chúng ta vào một level mới. Quý vị đọc bài này xong thì hẵng xem video, kẻo cười nhiều quá mắt mở không lên lại quên đọc bài viết. Tôi xin tả thực cho quý vị xem trước:

 

Có một con lân, một con rồng, hai con rùa, một con phượng và một con công.

 

Đầu tiên con rùa đỏ nằm chầu dưới sân. Con phượng từ dưới sân đi lên, nhảy lóc cóc quanh con rùa, thỉnh thoảng giơ cánh chạm vào nó một cái. Xong, nó quạt hai cánh đi nghiêng ngả như đang bị nướng chả khắp sân rồi 1,2, 3… nhảy cẫng lên rất kỳ cục. Con rùa thì rất phấn khích, cũng nhảy chồm chồm. Điệu múa độc lạ Bình Dương này lặp lại hai lần, con phượng nhảy cẫng lên hai lần, xong đâu đấy nó cúi đầu bái trước lư hương rồi về chỗ.

 

Nhạc cảnh tiếp theo, con công thay thế con phượng. Rùa đỏ thay bằng rùa xanh, nhưng con rùa này không nhảy mà chỉ ra sức duỗi cổ ra rồi rút vào. Trong khi đó con công tiếp tục điệu nhảy nướng chả quanh con rùa, chạm cánh, nhảy cẫng lên hai lần, bái tổ, về chỗ.

 

Trong khi rùa, công và phượng thực hiện các thủ tục xã giao hơi kỳ lạ ở sân chính Thiên Trù thì phía dưới diễn ra cuộc giao tranh ác liệt giữa một con người và một con lân.

 

Tôi đọc giới thiệu về quần thể đại danh thắng Hương Sơn có đoạn “Quần thể núi non tạo ra những dáng hình kỳ thú. Dáng núi tựa hai con rồng đá tranh hòn Ngọc Ốc ở cánh đồng Đục Khê. Núi nổi trên cánh đồng nước ở gần đền Trình tạo thành hình bốn con vật (rồng, sư tử, rùa, phượng) linh thiêng trong tâm thức người Việt” nên mạnh dạn đoán nhạc cảnh nói trên là mô tả lại quá trình thu phục các linh vật. Nhưng cái con đang bị con người cầm gậy Như ý bịt vàng nhảy chồm chồm và đâm mãnh liệt ở dưới sân có phải là sư tử đâu. Nó chính hiệu là con lân bắt nguồn từ văn hóa Trung Hoa, vì có cái sừng rõ to trên đầu.

 

Về phần con phượng và con công, lẽ ra đây phải là hình ảnh đẹp mắt, gây trầm trồ nhất trong nhạc cảnh. Nhưng hỡi ơi, có lẽ phượng và công chùa Hương đều bị nhiễm COVID nặng trong hai năm qua nên cả hai linh vật đều rụng trụi cả lông, mỗi con chỉ còn duy nhất ba sợi tun ngủn vừa chấm mông người đóng vai, vắt va vắt vẻo theo nhịp trống trông đến sặc cười.

 

Diễn phượng và công đều là đàn ông, trông dáng chắc ở tuổi trung niên và khá mập. Ba sợi lông vắt vẻo qua vai họ, phô trọn bộ đồ trắng tuyền đùng đục có nẹp đen suốt ống quần, hoàn chỉnh hình ảnh bằng đôi giày bata cũng trắng đục dưới chân. Thú thật nếu không được giới thiệu là Lễ khai hội chùa Hương 2023 thì tôi cứ tưởng một đội mai táng đang làm lễ cho một thân chủ nuôi chim chóc vừa qua đời.

 

Như giới thiệu, đảm trách phần văn nghệ cho lễ hội là các đội trống và đội rồng của địa phương. Nó ngô nghê, vụng về đến mức gây phản cảm.

 

Nên phải đặt câu hỏi tại sao một lễ hội cấp quốc gia thu hút hàng chục vạn khách du lịch (chỉ riêng ngày khai hội đã là 40.000 khách), mà không có nổi một ban tổ chức có đủ chuyên môn để thuê các nghệ sĩ xây dựng kịch bản nghệ thuật khai mạc xứng đáng?

 

Các phần văn nghệ của người dân địa phương vẫn có thể tổ chức nhưng chỉ nên diễn tại các xóm, các phường, theo kiểu cây nhà lá vườn, phục vụ nội bộ cho bà con địa phương mà thôi.

 

Nhưng, thôi! Chùa bây giờ có phải là nơi thiêng liêng, thánh địa tôn giáo đâu. Năm 2002, cách đây 20 năm, danh tiếng chùa Hương đã một thời bị làm nhơ nhuốc khi đám sư sãi giả mạo và sư sãi hổ mang lợi dụng dựng lên đến 42 chùa giả, động giả trên đường đến thánh địa, để lừa tiền công đức của phật tử và khách du lịch. Bây giờ chùa giả dẹp xong thì Phật pháp lại bị thương mại hóa quá nhiều để làm du lịch một cách thô vụng và xôi thịt. Nhiều người quen của tôi đang đi du xuân ở chùa Hương kể người đông đến nỗi nghẹt thở, hàng trăm mét đường lên chùa toàn người chen vai thích cánh không còn chỗ đặt chân. Sự ồn ào xô bồ đó phá hỏng toàn bộ không khí và cảnh đẹp thoát tục của Hương Sơn, vô cùng uổng phí.

 

Tới đây lại phải nhắc đến chùa Phúc Khánh (Hà Nội), ngôi chùa nổi tiếng nhiều năm qua với thành tích kinh doanh bán lá số và dâng sao giải hạn vào đầu năm âm lịch. Năm nào cũng vậy, báo chí Việt Nam chụp được vô số ảnh hàng ngàn người ngồi vòng trong vòng ngoài chùa, chen chúc kín cả đoạn đường cạnh đó để làm lễ giải hạn cầu an khiến giao thông tê liệt hoàn toàn.

 

https://www.rfa.org/vietnamese/news/comment/blog/huong-pagoda-has-a-case-of-silken-web-02012023105046.html/000_aph2000022105485.jpg/@@images/5ab72ff4-9464-4617-a1da-71b3cc8fb1b1.jpeg

Người đi lễ Chùa Hương đốt vàng (minh họa). AFP

 

Chùa Phúc Khánh hoạt động rất bài bản, có biểu giá cụ thể cho từng yêu cầu giải hạn sao xấu hay cầu an. Thiếu một đồng cũng không được. Năm 2019, có một phật tử muốn giải hạn toàn gia đình trọn gói giá 450.000 đ, nhưng móc hết ví chỉ còn 400.000 đ, nên bị chùa từ chối.

 

Từ nhiều năm trước, hoạt động kinh doanh chính này của chùa Phúc Khánh đã bị chính các chức sắc tôn giáo trong Giáo hội Phật giáo Việt Nam khẳng định là mê tín dị đoan và phê phán. Thượng tọa Thích Nhật Từ, Phó Viện trưởng Học viện Phật giáo Việt Nam, nói trong giáo lý nhà Phật không có sao xấu, sao tốt hay ngày tháng đẹp, xấu trong năm. “Nếu các chùa vừa tụng kinh vừa cúng sao thì đó là mê tín, thậm chí có tính chất kiếm tiền”- ông nói.

 

Thế nhưng ai nói mặc ai, tháng Giêng hàng năm sư sãi chùa Phúc Khánh vẫn đếm tiền mệt nghỉ, cúng sao giải hạn thật đều tay. Tuy nhiên, nói cho công bằng, không riêng chùa Phúc Khánh mà ở Hà Nội có cả một… tập đoàn chùa nhận làm lễ dâng sao giải hạn, xin sớ xem vận số năm mới các thứ. Biểu giá mỗi lần xem là 150.000 đ-500.000 đ, rẻ hơn chùa Phúc Khánh từng hoạt động của mỗi cá nhân đều phải trả 150.000 đ.

 

Thế nhưng càng rực rỡ xa hoa, màu mè choáng lộn, hoặc cái tâm tham hiện lên bừng bừng trong mắt thì Phật càng xa. Chùa giả không thể có Phật, nhưng chùa bị đem ra bán sỉ bán lẻ dưới những chiêu bài giả Phật thì càng làm Phật nổi giận mà thôi.

 

Ít nhất, những địa phương nơi có thắng cảnh, linh địa cần tách bạch mỹ tục vãn cảnh chùa sau Tết với những hoạt động mang tính giải trí mua vui bình thường khác như múa hát, trò chơi dân gian, ẩm thực đường phố… Tuy cảnh chùa đẹp đẽ là trọng tâm thu hút khách du lịch nhưng chính vì thế càng phải tỉnh táo, chớ bóc ngắn cắn dài. Trước mắt điều dễ làm nhất là hạn chế số du khách đến chùa trong cùng một thời điểm để bảo đảm được “thương hiệu” núi non xuất trần thanh tĩnh, vẻ đẹp thơ mộng hài hòa của thiên nhiên Hương Sơn đặng còn… kiếm tiền dài lâu.

 

______________ 

Tham khảo:

 

(*) Động Bàn Tơ: từ tác phẩm Tây Du Ký của Trung Quốc nơi có ổ yêu tinh nhền nhện nhả tơ trói Đường Tăng để ăn thịt

 

https://tuoitre.vn/nguoi-dan-doi-mua-vuot-gio-di-hoi-chua-huong-20230127133725383.htm

 

https://vneconomy.vn/khai-hoi-chua-huong-2023-cau-noi-giua-qua-khu-va-tuong-lai.htm

 

https://tienphong.vn/mung-2-tet-to-dinh-phuc-khanh-dong-nghit-nguoi-dan-di-le-cau-may-post1505112.tpo

 

https://video.afamily.vn/trang-tro-ng-le-khai-ho-i-chu-a-hu-o-ng-2023-89770.chn

 

https://video.afamily.vn/trang-tro-ng-le-khai-ho-i-chu-a-hu-o-ng-2023-89770.chn

 

https://www.google.com/search?q=khai+m%E1%BA%A1c+l%E1%BB%85+h%E1%BB%99i+ch%C3%B9a+h%C6%B0%C6%A1ng&rlz=1C1CHBF_enVN1024VN1024&sxsrf=AJOqlzWz6B_zL4uISPKn2glxTIQBDs2aoA:1675049921757&source=lnms&tbm=vid&sa=X&ved=2ahUKEwia0sScr-78AhVq7zgGHWGbC6wQ_AUoAnoECAEQBA&biw=1145&bih=874&dpr=1.5#fpstate=ive&vld=cid:b73a288e,vid:vzpwl_fYxAE

 

-----------------------------------------------------------------

- Bài viết không thể hiện quan điểm của Đài Á Châu Tự Do.





No comments:

Post a Comment