Thursday, February 2, 2023

ĐẢNG CỘNG SẢN TRÒN 93 TUỔI và TẦM NHÌN 2045 CHO VIỆT NAM TỪ CÁC PHÍA (BBC News Tiếng Việt)

 



Đảng Cộng sản tròn 93 tuổi và Tầm nhìn 2045 cho VN từ các phía

BBC News Tiếng Việt

1 tháng 2 2023

https://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-64480120

 

Trước ngày kỷ niệm 93 năm thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (03/02/1930-2023), báo chí chính thống ở nước này có nhiều bài về các hoạt động kỷ niệm công cộng.

 

https://ichef.bbci.co.uk/news/700/cpsprodpb/143DC/production/_110780928_quotecardangthanhdntc.png

Hình kỷ niệm ngày 3/02 ở VN vài năm trước

 

Ví dụ như đợt chiếu phim kỷ niệm ngày 03/02, phong trào "cán bộ, đảng viên tiên phong nêu gương" trong nhiệm vụ...cùng nhiều hoạt động khác.

 

Bên cạnh dòng tin bài thuần tuý ca ngợi cũng có những phân tích về thách thức cho đảng cầm quyền ở Việt Nam hiện nay.

 

Trên trang Tuần Việt Nam (VietnamNet 01/02/2023), TS ngành quản trị công Nguyễn Văn Đáng đề cập đến hai thách thức ông cho là lớn nhất của ĐCSVN trong hai thập niên tới: thu hút sự ủng hộ của dân, và quản trị quốc gia tốt.

 

Tác giả này viết:

 

"Từ góc độ lãnh đạo và cầm quyền, có thể thấy hai thách thức lớn nhất đối với Đảng Cộng Sản Việt Nam trong tiến trình hiện thực hóa khát vọng quốc gia phát triển trong hơn hai thập kỷ tới.

Thứ nhất, với vai trò lãnh đạo là thu hút và vun đắp sự ủng hộ của quảng đại quần chúng nhân dân cho tầm nhìn lãnh đạo...

Thứ hai, với vai trò cầm quyền là thực hiện quản trị quốc gia tốt."

 

.

Thực tế thay đổi nhanh hơn bộ máy?

 

Có vẻ như cả hai điều này, được giới quan sát nước ngoài chỉ ra lâu nay, đều nảy sinh từ hoàn cảnh đặc thù của Việt Nam hiện nay:

 

Hội nhập quốc tế sâu rộng dẫn tới đa dạng hóa tư duy, tư tưởng, lối sống; dân số trẻ rất đông (không còn nhớ 'công lao cách mạng' của các thế hệ cộng sản đi trước), và độc quyền của đảng cộng sản lãnh đạo nhà nước ở quốc gia gần 100 triệu dân - đông dân nên quản lý và phát triển không dễ như trước.

 

Xã hội Việt Nam đã thay đổi nhiều và các vấn đề trở nên phức tạp hơn, yêu cầu, áp lực với bộ máy chuyên chính kiểu Leninist xem ra đã bất cập ở nhiều điểm.

 

Thế nhưng, trong khuôn khổ của hệ thống hiện nay, TS Đáng chỉ nêu ra biện pháp mang tính kỹ thuật, tăng hiệu năng chứ không thay đổi cơ bản thể chế hiện hành, vì mô hình tam quyền phân lập bị chính thức tẩy chay ở Việt Nam:

 

"Đảng cần đẩy nhanh tiến trình hiện đại hóa cấu trúc quản trị quốc gia nhằm gia tăng hiệu lực, hiệu quả của việc ban hành và thực thi chính sách.

 

Những chính sách tốt sẽ chứng minh năng lực cầm quyền của Đảng với bằng chứng là sự thay đổi tích cực cho các nhóm xã hội cụ thể, qua đó góp phần vào sự thay đổi chung của đất nước..."

 

Quan chức ví von 'Đảng là dân tộc' gây xôn xao dư luận

BS Trần Duy Hưng và cách VNDCCH dùng trí thức thời kỳ đầu

5 điều đáng nhớ về Karl Marx

Ông tổ của CHXH yêu hai chị em một nhà

 

Điều này đã được các nhà nghiên cứu nước ngoài chỉ ra từ mấy năm trước khi nói về tham vọng tự đổi mới của ĐCSVN.

 

Cuối năm 2017, bài của Adam Fforde và Lada Homutova "Political Authority in Vietnam: Is The Vietnamese Communist Party a Paper Leviathan?" (Uy quyền chính trị ở VN: ĐCSVN có phải là nhà khổng lồ chân đất sét? - nguyên văn: bằng giấy) đặt câu hỏi tiến trình Đổi mới có mục tiêu gì.

 

Theo họ, ban đầu thì Đổi mới là để cứu chế độ, nhưng sau nó có thêm mục tiêu là tạo thành công. Tham vọng của ĐCSVN vừa là "bảo tồn thể chế" (regime survival) và "thành công của thể chế này" (regime success).

 

Điều này lý giải một mặt nền kinh tế và xã hội cứ tiếp tục mở, một mặt, bộ máy cứ tiếp tục học theo lối cũ, nặng về tư tưởng.

 

Từ 2017 đến nay, tiến trình không thay đổi.

 

Điểm mới là xung khắc 'thị trường-ý thức hệ' tiếp tục giằng xé nội bộ, nhân sự của 5 triệu đảng viên ở VN, và một số không nhỏ đã dính án tham nhũng.

 

Ngay tuần này các báo Đảng CS ở Việt Nam tiếp tục đề xuất lấy lý luận chính trị là kim chỉ nam cho hệ thống công:

 

"Mọi cán bộ, đảng viên ra sức học tập lý luận chính trị, nâng cao trình độ lý luận, trí tuệ, khắc phục tình trạng ngại, lười học lý luận hoặc học hời hợt, hình thức cốt có bằng cấp để xếp ngạch cán bộ, công chức hoặc quy hoạch cán bộ, thăng tiến."

 

https://ichef.bbci.co.uk/news/800/cpsprodpb/8EBC/production/_121204563_b36b3988-5e1a-4100-8cb5-0a250b17f277.jpg

Những ngày đầu của nền độc lập. Thị trưởng HN, bác sĩ Trần Duy Hưng đọc diễn văn chào mừng Chủ tịch VNDCCH Hồ Chí Minh từ Pháp trở về. Đây là giai đoạn Đảng CS VN chấp nhận có tính chiến thuật thể chế đa đảng trong Quốc hội 1946. Trong số quan khách có sĩ quan Pháp.

 

.

Có chỗ cho cải cách kiểu 'tân tự do' hay không?

 

Trong các văn bản chính thức tại Việt Nam về Tầm nhìn 2045 (có chỗ nêu 2050), Đảng cầm quyền hoàn toàn bác bỏ mô hình đa nguyên chính trị và 'dân chủ, nhân quyền kiểu Phương Tây".

 

Cùng lúc cải cách kinh tế của nước này hưởng lợi lớn từ hệ thống tân tự do toàn cầu, tạm gọi là 'Trật tự đồng đô la'.

 

Dù các nhóm phản biện trong nội bộ hệ thống ở Việt Nam, cùng một số nhà hoạt động, nhân sĩ đã nêu ra nhu cầu cải tổ thể chế từ lâu, các báo Đảng coi việc chuyển đổi mô hình này là nguy hiểm:

 

"Bốn nguy cơ Đảng nêu ra gần 30 năm trước đến nay vẫn tồn tại có mặt phức tạp hơn, như tham nhũng, suy thoái, tiêu cực, "tự diễn biến", "tự chuyển hóa."

 

Trong khi đó, các sử gia quan trọng trên thế giới như Niall Ferguson (ĐH Harvard) tin rằng sau Chiến tranh Lạnh, bước vào Thế kỷ 21, "công nghệ và kinh tế" sẽ quyết định chính trị, xã hội và sự tồn vong của các dân tộc, chứ không phải ngược lại.

 

Điều này làm bật ra câu hỏi tính đặc thù của thể chế ở Việt Nam có sức sống thế nào, và với các học giả nước ngoài, mô hình tân tự do (neoliberalism) có tương lai gì ở Việt Nam hay không.

 

Vẫn hai tác giả nước ngoài nói trên, gồm ông Adam Fforde, một chuyên gia có thời gian làm việc lâu tại Việt Nam, dùng biểu tượng Leviathan - người khổng lồ nắm quyền, của Thomas Hobbes để cho rằng chính quyền ở VN cố tìm một con đường khả thi trong bối cảnh thay đổi nội bộ và quốc tế.

 

Họ không phải là độc tài, mà là một thứ thể chế nhấn mạnh đến uy quyền để làm một cái gì đó cho quốc gia và cho chính họ. Nói ngắn gọn thì thể chế của ĐCSVN cố gắng làm một thứ Leviathan có uy quyền thực sự, không phải "hổ giấy".

 

Họ giữ quyền trong tâm thế vì quốc gia và bảo vệ dân, tuy bằng ngôn ngữ khá độc đoán, chứ không phải là thứ quyền lực thô bạo, hai nhà nghiên cứu viết.

 

Tuy thế, thách thức hiện đại hóa bộ máy lại gặp một cản trở lớn...ngay trong mảng khái niệm chính trị cơ bản.

 

Phân tích hai khái niệm 'uy' (authority) và 'quyền lực' (power) trong chính tiếng Việt, Fforde và Homutova đi đến kết luận khá cơ bản về cơ hội tiếp tục áp dụng các biện pháp của chủ nghĩa tân tự do tại Việt Nam, hiểu rộng ra là cải cách kiểu hiện đại hóa, toàn cầu hóa, kỹ trị:

 

"Nếu thể chế này muốn dùng các kỹ năng quản trị tân tự do, nó phải cải tổ về mặt chính trị và cùng lúc, đảm bảo uy quyền" (if it wants to use neoliberal governing techniques, it must reform politically and, concurrently, secure authority).

 

Tầm nhìn 2045 như thế có vẻ như đang tiếp tục cần được thảo luận để xem con đường nào ít mâu thuẫn nội tại nhất cho hệ thống chính trị Việt Nam những năm tháng tới.

 

---------------------------

TIN LIÊN QUAN

 

Chiến dịch đốt lò kỳ 1: TBT Nguyễn Phú Trọng và sứ mệnh cứu Đảng Cộng sản VN

26 tháng 7 năm 2022

.

LS Lê Công Định: Đảng Cộng sản cần 'gạn đục, khơi trong'

31 tháng 7 năm 2019

.

Đại hội 13: Ông Nguyễn Phú Trọng và hình ảnh 'người cộng sản cuối cùng'

13 tháng 1 năm 2021

.

Bác sỹ Trần Duy Hưng và cách Đảng CS 'dùng mà không trọng trí thức'

23 tháng 10 năm 2021





No comments:

Post a Comment