Monday, January 30, 2023

ỦY BAN NHÂN QUYỀN MỸ NÓI VIỆT NAM PHẢI TRẢ TỰ DO VÔ ĐIỀU KIỆN CHO ÔNG TRẦN HUỲNH DUY THỨC (RFA)

 



Ủy ban Nhân quyền Mỹ nói VN phải trả tự do vô điều kiện cho ông Trần Huỳnh Duy Thức

RFA
2023.01.30

https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/us-tom-lantos-committee-urges-vietnam-to-release-activist-tran-huynh-duy-thuc-01302023070456.html

 

Uỷ ban Nhân quyền Hạ viện Hoa Kỳ Tom Lantos mới đây đưa ra lời kêu gọi Chính phủ Việt Nam phóng thích ông Trần Huỳnh Duy Thức, người đang phải ngồi tù năm thứ 14 với tội danh “Hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân.”

 

https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/us-tom-lantos-committee-urges-vietnam-to-release-activist-tran-huynh-duy-thuc-01302023070456.html/@@images/c85bc060-0625-4dff-9242-f218f3b63ab7.jpeg

Ông Trần Huỳnh Duy Thức tại phiên toà ở TPHCM hôm 20/1/2010.  AFP

 

“Tù nhân lương tâm Trần Huỳnh Duy Thức, một blogger và doanh nhân, bị kết án 16 năm tù vì cáo buộc cổ xúy ‘tuyên truyền chống chính quyền.’ Việt Nam phải trả tự do cho ông ấy ngay lập tức và vô điều kiện,” uỷ ban này đưa ra lời kêu gọi trên Twitter vào ngày 20/1.

 

Lời kêu gọi trên được đưa ra đúng 13 năm ngày ông Thức bị Tòa án nhân dân thành phố Hồ Chí Minh kết án 16 năm tù giam và năm năm quản chế  cùng với các đồng sự.

 

Những người trong cùng vụ án với ông như các ông Lê Công Định, Lê Thăng Long, và Nguyễn Tiến Trung được trả tự do trước thời hạn từ nhiều năm qua.

 

Lời kêu gọi rất đáng hoan nghênh

 

Từ Bangkok, ông Phil Robertson, Phó giám đốc phân ban châu Á của tổ chức Theo dõi Nhân quyền (HRW), nói với Đài Á Châu Tự Do (RFA) qua email về lời kêu gọi mới này:

 

“Đã quá lâu rồi, Việt Nam bỏ tù những nhà hoạt động chính trị ôn hòa như Trần Huỳnh Duy Thức mà không phải đối mặt với những chỉ trích quốc tế đáng lẽ phải nhắm vào Hà Nội vì những vi phạm nhân quyền có hệ thống đối với phong trào bất đồng chính kiến.

Vì vậy, rất đáng hoan nghênh khi các thành viên của Quốc hội Hoa Kỳ lên tiếng cho trường hợp của ông ấy, và bây giờ họ nên gây sức ép mạnh mẽ với Chính quyền Biden để đặt vấn đề nhân quyền lên hàng đầu trong quan hệ Hoa Kỳ-Việt Nam.”

 

Là người theo dõi sát sao tình hình nhân quyền ở Đông Nam Á, ông Phil Robertson nhắc lại việc chính quyền Hà Nội đang giam giữ số lượng tù nhân chính trị cao thứ hai trong số các quốc gia thành viên ASEAN.

 

Theo ông, trừ phi Việt Nam chấm dứt việc lạm dụng nhân quyền đàn áp những người chỉ trích chính phủ, chính quyền sẽ phải đối mặt với áp lực theo các chương trình ưu đãi thương mại của Hoa Kỳ và các điều khoản nhân quyền của Hiệp định Thương mại Tự do Việt Nam-EU.

 

“Đã đến lúc phải nói rõ với Việt Nam rằng họ không thể bỏ tù những nhà hoạt động như Trần Huỳnh Duy Thức trong hơn một thập kỷ mà không chịu hậu quả nghiêm trọng trong quan hệ quốc tế của mình với các quốc gia quan tâm đến nhân quyền,” ông nhấn mạnh.

 

Phóng viên gọi điện thoại và gửi email cho Bộ Ngoại giao Việt Nam để đề nghị họ cho ý kiến về lời kêu gọi của Uỷ ban Tom Lantos, nhưng chưa nhận được phản hồi.

 

Đòi Việt Nam thượng tôn pháp luật

 

Ông Trần Huỳnh Duy Tân, em trai của ông Thức cho biết, lần cuối cùng gia đình thăm ông Thức ở Trại giam số 6 (Thanh Chương, Nghệ An) là vào hôm 13/1/2023. 

 

Ông Thức dặn dò gia đình cố gắng vận động cho sự tự do của ông, bản thân nhà bất đồng chính kiến này sẽ không từ bỏ chân lý, không từ bỏ đấu tranh chống lại độc tài,... để đổi lấy tự do cho mình. Ông Tân nói với RFA qua tin nhắn:

 

“Đến bây giờ, anh Thức đã bị giam cầm hơn 13 năm 8 tháng cho một bản án oan trái, phi lý của Nhà nước Việt Nam.

Bỏ qua tính oan sai, phi lý của việc bắt và xét xử anh Thức mà chỉ căn cứ vào quy định luật pháp Việt Nam hiện tại, cụ thể là Bộ luật Hình sự (thông qua 2015, sửa đổi 2017), thì Nhà nước Việt Nam phải trả tự do ngay tức khắc cho anh Thức từ rất lâu rồi vì Bộ luật này quy định tội danh (mà họ đã kết án cho anh Thức) cũng chỉ bị giam tù tối đa 5 năm thôi.”

 

Ông Tân cho biết anh ruột của ông và gia đình vẫn đang yêu cầu Nhà nước Việt Nam tôn trọng luật pháp, áp dụng điều khoản có lợi của luật hiện hành để trả tự do ngay cho ông Thức.

 

Theo lập luận của luật sư của gia đình, ông Thức có thể bị quy vào hành vi “chuẩn bị phạm tội” theo khoản 3 Điều 109 tội danh “Hoạt động nhằm lật đổ chính quyền” của Bộ luật Hình sự 2015, với mức án tối đa là năm năm.

 

Chính vì điều này mà ngay sau khi Bộ luật Hình sự 2015 có hiệu lực năm 2018, ông Thức đã nhiều lần làm đơn yêu cầu được trả tự do khi ông đã thụ án tù vượt quá thời hạn năm năm. Ông tuyệt thực nhiều lần tổng cộng khoảng 100 ngày để yêu cầu Nhà nước Việt Nam thượng tôn pháp luật.

 

Nhiều tổ chức nhân quyền quốc tế và chính phủ các quốc gia dân chủ, trong đó có Hoa Kỳ và Liên minh Châu Âu nhiều lần kêu gọi Hà Nội trả tự do cho ông Thức.

 

Trước khi bị bắt vào năm 2009, Trần Huỳnh Duy Thức là một kỹ sư–doanh nhân thành đạt, từng là Tổng Giám đốc của Công ty Dịch vụ điện thoại Internet OCI.

 

Viết trên Facebook nhân dịp Năm mới Quý Mão, ông Lê Thăng Long, đánh giá về Trần Huỳnh Duy Thức, người mà ông biết từ thời đại học và cùng lập một số công ty công nghệ như EIS và One-Connection:

 

“… Thức là một người làm khoa học công nghệ, một người làm chính trị hết sức nghiêm túc và rất xuất sắc. Thức là một nhân tài đặc biệt hiếm có của đất nước Việt Nam.

Việc kéo dài giam giữ Trần Huỳnh Duy Thức liên tục 14 năm qua là một tổn hại lớn cho quốc gia, cho dân tộc Việt Nam. Điều đó không nên với đạo lý Việt Nam và cũng không phù hợp với đạo lý quốc tế…”

 

Uỷ ban Tom Lantos đưa trường hợp của ông Trần Huỳnh Duy Thức vào Dự án Bảo vệ Tự do (Defending Freedoms Project – DFP), một dự án nhằm để hỗ trợ tù nhân lương tâm trên khắp thế giới và khuyến khích các thành viên Quốc hội Mỹ vận động tự do cho tù nhân lương tâm mà họ nhận bảo trợ.

 

Vào tháng 5/2019, Dân biểu Liên bang Hoa Kỳ Zoe Lofgren trong ủy ban này đã chính thức bảo trợ cho ông Trần Huỳnh Duy Thức và liên tục kêu gọi chính quyền Việt Nam trả tự do cho ông. Tuy nhiên, các cơ quan chức năng của Việt Nam hoàn toàn im lặng trước yêu cầu phóng thích ông Thức.

 

Ông Trần Huỳnh Duy Tân cho RFA biết cộng đồng quốc tế, đặc biệt là Hoa Kỳ, rất quan tâm đến trường hợp của anh ruột ông. Ông tin rằng lời kêu gọi gần đây của Ủy ban Tom Lantos buộc Hà Nội phải xem xét và trả tự do cho ông Thức.

 

Gia đình rất vui và biết ơn cộng đồng quốc tế, và gần đây nhất là Ủy ban Nhân quyền Hạ viện Hoa Kỳ Tom Lantos đã luôn đồng hành, động viên và có hành đồng thiết thực tác động đến Chính quyền Việt Nam để kêu gọi trả tự do cho anh Thức.

 

Gia đình chúng tôi xin tri ân và mong được tiếp tục nhận được sự ủng hộ của cộng đồng quốc tế và Ủy ban Nhân quyền Hạ viện Tom Lantos cho tới khi anh Thức được trả tự do,” ông nói.

 

Thông qua Dự án Bảo vệ Tự do, dân biểu Hoa Kỳ đã nhận bảo trợ cho 25 tù nhân lương tâm ở Việt Nam, và nhiều người trong số họ đã được chính quyền Việt Nam trả tự do như nhà hoạt động Nguyễn Tiến Trung, luật sư Cù Huy Hà Vũ, Hoà thượng Thích Quảng Độ (qua đời tháng 2/2020)...

 

Ông Thức là một trong số sáu người nhận được bảo trợ trong dự án này nhưng vẫn còn bị cầm tù. Năm người khác là Phạm Đoan Trang, Nguyễn Bắc Truyển, phóng viên của Đài Á Châu Tự Do – Nguyễn Văn Hóa, và hai mục sư Tin lành người dân tộc thiểu số là Y Pum Bya và Y Yich.

 

----------------------

Tin, bài liên quan

TIN VIỆT NAM

·        Nghị sỹ Quốc hội Châu Âu và ASEAN kêu gọi trả tự do cho ba nhà hoạt động Việt Nam

·        Chính quyền Việt Nam im lặng trước yêu cầu trả tự do cho ông Trần Huỳnh Duy Thức

·        Sau 13 năm trong tù, TNLT Trần Huỳnh Duy Thức vẫn đau đáu về hiện tình đất nước

·        TNLT Trần Huỳnh Duy Thức: "Hoặc là anh được giải thoát, hoặc là siêu thoát!”

·        Gia đình lo ngại ông Trần Huỳnh Duy Thức đã có thể tuyệt thực lên đến hơn 120 ngày





No comments:

Post a Comment