Monday, January 30, 2023

TỰ DO CHO HÀI KỊCH CHÍNH TRỊ (Trịnh Hữu Long / Luật Khoa Tạp Chí)

 



Tự do cho hài kịch chính trị  

Dân biết, dân cười.

Trịnh Hữu Long

January 30, 2023

https://www.diendan.org/viet-nam/tu-do-cho-hai-kich

 

https://www.diendan.org/viet-nam/tu-do-cho-hai-kich/LKTC-baiTHL.png

Đồ hoạ : Luật khoa

 

Mỗi năm hoa đào nở, ở phía Đông nước Lào lại thấy ít nhất hai chuyện: VTV phát hài kịch Táo Quân và khán giả chê ỏng chê eo.

 

“Ối giồi ôi sao mà nhạt hơn nước ốc thế” - ai đó sẽ nói đại khái như vậy.

 

Năm nay lại thấy thêm một chuyện nữa: danh hài Xuân Bắc phản pháo khán giả qua một câu chuyện bóng gió, trong đó có đoạn người mẹ tát con trai và mắng rằng “[...] mày nghĩ mày có quyền chê à!? Cứ cho là mày có quyền chê đi thì chê phải cho đúng. Có giỏi năm sau mày gói bánh đi xem nào […]”. [1]

 

Hài kịch nhạt nhẽo là chuyện thường. Hài kịch bị chê cũng là chuyện thường. Danh hài bị khán giả chê xong mà phản pháo lại cũng… hoàn toàn bình thường, dù không hay ho gì cho lắm.

 

Cái bất bình thường ở ta là cái thói độc quyền hài kịch chính trị.

 

Chương trình Táo Quân mỗi đêm giao thừa 20 năm qua là món độc quyền của nhà đài. Mà ở ta, nhà đài cũng chính là… nhà nước.

 

Hài kịch chính trị được sinh ra để châm biếm, đả kích chính trị; mà chính trị thì lại là việc của… nhà nước; mà nhà nước thì lại độc quyền sản xuất hài kịch. Thế nghĩa là nhà nước tự châm biếm mình, tự đả kích mình, không cho ai khác làm.

 

Hài kịch là một hình thức ngôn luận. Diễn hài mà nói “trái đường lối, chủ trương của Đảng" thì đi tù. Một ví dụ gần đây là “Thánh rắc hành" Bùi Tuấn Lâm bị bắt vì làm video clip rắc hành vào tô phở sau sự kiện Bộ trưởng Công an Tô Lâm (cũng tên Lâm) ăn bò dát vàng của “Thánh rắc muối" Salt Bae. [2]

 

Muốn diễn hài thì phải có sân khấu. Có mấy loại sân khấu: chuyên nghiệp (nhà hát kịch công và tư, đài phát thanh - truyền hình), bán chuyên nghiệp (các câu lạc bộ hài kịch, hài độc thoại), và nghiệp dư (các sân khấu tự phát của sinh viên chẳng hạn). Giờ đây, với Internet, các sân khấu đều có chỗ trên mạng cả. Thế nhưng, muốn diễn hài chuyên nghiệp thì phải qua các đơn vị của nhà nước kiểm duyệt và cấp giấy phép biểu diễn (chương trình Táo Quân là ví dụ điển hình). Muốn đưa lên mạng - nơi ai cũng có thể đăng gần như bất kỳ cái gì - thì lại bị cái còng số 8 treo trên đầu (như trường hợp của Bùi Tuấn Lâm nêu trên). Thành ra, sân khấu chính quy thì bị tiền kiểm, các loại sân khấu khác thì bị hậu kiểm. Đằng nào cũng chết.

 

Tôi không phán xét gì nội dung của chương trình Táo Quân, hay những lời khen chê của khán giả, hay cả lời phản pháo của Xuân Bắc. Từ góc nhìn tự do ngôn luận, tôi không thấy có vấn đề gì cả. Tôi chỉ có vấn đề với việc nhà nước độc quyền sản xuất và phát sóng hài kịch chính trị, đồng thời trừng phạt những ai cả gan làm kịch “chui”.

 

Năm mới năm me, ta hãy thử hình dung về một đất nước nơi mọi người đều được tự do làm hài kịch chính trị.

 

Đó là nơi không chỉ các nhà hát kịch hay đài truyền hình nhà nước mà cả các chủ thể tư nhân đều được làm hài kịch chính trị. Mọi nhà hát, đài truyền hình, câu lạc bộ, diễn viên đều có cơ hội được làm nghề và được cạnh tranh một cách bình đẳng trên thị trường hài kịch. Hoàn toàn tương tự như thị trường rau, thị trường máy vi tính, thị trường săm lốp.

 

Đó là nơi các diễn viên - dù chuyên nghiệp hay nghiệp dư - có thể mặc sức châm biếm, đả kích từ cô cậu hoa hậu cho tới ông bà tổng bí thư một đảng nào đó mà không bị bỏ tù, không bị xử phạt hành chính. Ai có ngứa tai thì kiện ra tòa dân sự để giải quyết tranh chấp chứ không dùng tới công an hay nhà tù.

 

Đó là nơi khán giả có nhiều lựa chọn hài kịch khác nhau. Chán xem Táo Quân thì đổi qua Táo Tướng, Táo Khuyết, Táo Tàu, v.v. Xem thấy dở thì chửi nhưng chửi xong có cái hay hơn (hoặc cái khác) để xem, chứ không phải vừa chửi vừa tuyệt vọng vì không còn gì khác để xem. Hoặc nếu không có cái khác để xem thì họ vẫn biết là họ có thể tạo ra một sản phẩm thay thế.

 

Trong một đất nước như thế, những cuộc tranh cãi về Táo Quân sẽ không rơi vào bế tắc mà mở ra cơ hội. Cơ hội cho người diễn. Cơ hội cho người xem. Và cơ hội cho một đất nước được giải tỏa bức xúc chính trị thông qua tiếng cười.

 

Mà thường, không giải tỏa được bức xúc qua tiếng cười thì người ta sẽ phải giải tỏa qua tiếng khóc và tiếng hét.



Trịnh Hữu Long



Chú thích:

1. VnExpress. (2023, January 27). Xuân Bắc xin lỗi khán giả. Vnexpress.net
2. BBC. (2022, September 8). Vụ bị triệu tập sau video “rắc hành”: Chủ nhân khẳng định sẽ không gỡ video. BBC News Tiếng Việt. 

 

Nguồn: Luật khoa Tạp chí  (phải đăng ký mới đọc được).





No comments:

Post a Comment