Tuesday, January 31, 2023

THỔ NHĨ KỲ, ĐỒNG MINH "HAI MẶT" GIỮA ĐÔNG và TÂY (RFI)

 



NỘI DUNG :

Thổ Nhĩ Kỳ, đồng minh « hai mặt » giữa Đông và Tây

Minh Anh  -  RFI

.

Gia nhập NATO: Thổ Nhĩ Kỳ để ngỏ khả năng ủng hộ riêng Phần Lan và từ chối Thụy Điển

Trọng Thành  -  RFI

.

Tại sao Thổ Nhĩ Kỳ vẫn ngáng đường Thụy Điển gia nhập NATO?

Phạm Nghĩa  -  Người Lao Động Online

.

.

===================================================

.

.

Thổ Nhĩ Kỳ, đồng minh « hai mặt » giữa Đông và Tây

Minh Anh  -  RFI

Đăng ngày: 31/01/2023 - 14:40

https://www.rfi.fr/vi/ph%C3%A2n-t%C3%ADch/20230131-th%E1%BB%95-nh%C4%A9-k%E1%BB%B3-%C4%91%E1%BB%93ng-minh-hai-m%E1%BA%B7t-gi%E1%BB%AFa-%C4%91%C3%B4ng-v%C3%A0-t%C3%A2y

 

Trong bối cảnh thế cân bằng địa chính trị thế giới đang tái định hình và châu Âu đang đối mặt với một nguy cơ Chiến Tranh Lạnh mới, không một nước nào có thể buộc Thổ Nhĩ Kỳ phải chọn phe. Trên thực tế, tổng thống Recep Tayyip Erdogan duy trì một truyền thống ngoại giao lâu đời : Tính « hai mặt » và « phi liên kết ».  

 

https://s.rfi.fr/media/display/76f701b4-a169-11ed-9541-005056bfb2b6/w:980/p:16x9/AP23017291324701.webp

Tổng thống Mỹ Joe Biden (P) gặp tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan nhân thượng đỉnh khối NATO, tại Madrid, ngày 29/06/2022. AP - Susan Walsh

 

Thổ Nhĩ Kỳ tuần rồi khẳng định sẽ không hậu thuẫn Thụy Điển gia nhập NATO sau sự cố một thành viên cực hữu Thụy Điển đốt kinh Coran. Lo sợ có chung số phận, Phần Lan hôm thứ Tư 25/01, lần đầu tiên kể từ năm 2019, đã cho phép bán các thiết bị quân sự cho Thổ Nhĩ Kỳ. Những sự kiện này thể hiện rõ nét về vai trò mập mờ của Thổ Nhĩ Kỳ trong mối quan hệ với phương Tây và khả năng gây « phiền toái » của nước này trên trường quốc tế.   

 

Trang mạng Atlantico của Pháp, nhắc lại chính sự nghi kỵ nội tại đối với nước Nga, bắt nguồn từ việc Đế chế Ottoman bị tan rã sau hai thế kỷ đối đầu quân sự với Đế chế Sa hoàng, đã đẩy Thổ Nhĩ Kỳ chuyển hướng sang châu Âu và Mỹ, ngay khi Đệ Nhị Thế Chiến kết thúc. Thế nhưng, quan hệ với phương Tây luôn mang đậm dấu ấn ngờ vực lẫn nhau.   

 

Được cho là chiếc cầu nối châu Âu với Trung Đông và điểm giao tiếp với thế giới Ả Rập, Thổ Nhĩ Kỳ từ sạu vụ tấn công khủng bố trên nước Mỹ 11/09/2001, dần dần từ bỏ học thuyết « không có rắc rối với các nước láng giềng » để theo đuổi một lịch trình chiến lược riêng của mình nhưng đôi khi lại không cùng nhịp với các mục tiêu của phương Tây trong khu vực.  

 

Từ vài năm gần đây, mối quan hệ giữa Thổ Nhĩ Kỳ với phương Tây đã chuyển sang kiểu mặc cả và những đòn gây áp lực thường trực, mà hành động « bắt chẹt » gần đây nhất đối với hai nước ứng viên Bắc Âu xin gia nhập NATO là một minh chứng. Thông qua cử chỉ này, Ankara còn tìm cách gây áp lực với Washington trong nhiều hồ sơ lớn khác như vấn đề người Kurdistan tại Syria chẳng hạn, mà Lực lượng Bảo vệ Nhân dân (YPG) là một ví dụ điển hình. Đối với Ankara, lực lượng vũ trang này, vốn được Mỹ hậu thuẫn, là một chiếc gai cần phải nhổ.  

 

Ngược lại, trong quan hệ với Nga, tổng thống Erdogan tỏ rõ mối quan hệ hữu hảo bất chấp cuộc chiến xâm lăng Ukraina do tổng thống Putin phát động. Hơn nữa, khi tìm cách giữ vai trò trung gian hòa giải giữa Matxcơva và Kiev, Thổ Nhĩ Kỳ trước hết, tìm cách duy trì mối liên kết với Ukraina, những lợi ích của mình tại vùng Biển Đen, và thể hiện vai trò như là một cường quốc có ảnh hưởng trong khu vực, và sau cùng là để cho mối quan hệ kinh tế, năng lượng với Nga không bị cuộc chiến tác động. Tình hình kinh tế Thổ Nhĩ Kỳ thảm hại đến mức đã đẩy tổng thống Erdogan rơi vào vòng tay của Matxcơva. Năm 2022, Nga là đối tác thương mại thứ ba của Thổ Nhĩ Kỳ.  

 

Khi không ngừng gây căng thẳng với phương Tây, Thổ Nhĩ Kỳ viện dẫn đến quyền tự chủ, tỏ rõ ý đồ mở rộng ảnh hưởng trong khu vực nhằm phục vụ cho các mục tiêu riêng của mình. Trong xu hướng này, ngành ngoại giao Thổ gia tăng các mối liên minh đầy mâu thuẫn. Một mặt, Ankara muốn là chiếc cầu nối giữa phương Tây với châu Á, một quân cờ cho phép Thổ Nhĩ Kỳ vẫn có thể làm chủ tại khu vực « nước ngoài gần ».   

 

Mặt khác, với tư cách là một « phân tử tự do », Thổ Nhĩ Kỳ là một mối nguy hiểm tiềm tàng cho thế cân bằng trong khu vực, nhất là tại vùng Kavkaz. Điều này được thể hiện rõ qua chính sách can thiệp của Thổ tại vùng Thượng Karabagh bên cạnh Azerbaijan, những dự án bành trướng chủ nghĩa dân tộc Thổ, tạo ra một hành động gây hấn thường trực đối với Armenia và một cường quốc đối thủ, quốc gia láng giềng là Iran.   

 

Bất chấp chính sách ngoại giao phiêu lưu này, tầm ảnh hưởng của Thổ Nhĩ Kỳ vẫn mang tính tương đối. Nhưng những hành động khiêu khích của chính phủ tổng thống Erdogan có nguy cơ tước mất nguồn hậu thuẫn thiết yếu từ châu Âu, thị trường xuất khẩu lớn nhất của Thổ.  

 

Cuối cùng, trang mạng Atlantico cho rằng tính chất « hai mặt » giữa Á và Âu, giữa Đông và Tây, trước hết phần nào phản ảnh một sự khủng hoảng bản sắc ám ảnh đất nước từ ngày lập quốc cách nay một thế kỷ. Giữa sự hấp dẫn đối với phương Tây và nỗi hoài niệm về nguồn cội châu Á, Thổ Nhĩ Kỳ đang từ chối chọn và cố gắng hòa giải một cách khó khăn các mặt đối lập. Đây có lẽ là giải thích duy nhất cho chính sách ngoại giao hung hăng và khô khan của Ankara, khiến các đồng minh mất niềm tin và có nguy cơ Thổ Nhĩ Kỳ rơi vào thế « cường quốc bậc trung », thậm chí là bị cô lập !  

 .

------------------------------

.

.

Gia nhập NATO: Thổ Nhĩ Kỳ để ngỏ khả năng ủng hộ riêng Phần Lan và từ chối Thụy Điển

Trọng Thành   -  RFI

Đăng ngày: 30/01/2023 - 13:25

https://www.rfi.fr/vi/qu%E1%BB%91c-t%E1%BA%BF/20230130-gia-nh%E1%BA%ADp-nato-th%E1%BB%95-nh%C4%A9-k%E1%BB%B....BB%A5y-%C4%91i%E1%BB%83n

 

Hôm qua, 29/01/2023, lần đầu tiên nguyên thủ Thổ Nhĩ Kỳ để ngỏ khả năng ủng hộ riêng Phần Lan, và chống lại đề nghị gia nhập khối NATO của Thụy Điển. Ankara muốn gia tăng áp lực để Stockholm nhân nhượng trong hồ sơ người Kurdistan.

 

Theo AFP, trong một cuộc gặp với giới trẻ được truyền hình, tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan cho biết: ‘‘Nếu cần, chúng tôi có thể đưa ra một thông điệp khác với Phần Lan’’. Cho đến nay, Thổ Nhĩ Kỳ không phản đối việc gia nhập NATO của Phần Lan, nhưng khối NATO muốn xem xét cùng lúc đơn gia nhập NATO của cả hai nước Phần Lan và Thụy Điển, theo nguyện vọng của hai nước. Cho đến nay, chính quyền Erdogan cũng chưa bao giờ chính thức tách biệt đề nghị gia nhập NATO của hai nước Bắc Âu.

 

Thổ Nhĩ Kỳ, cũng như tất cả 29 quốc gia thành viên, có quyền phủ quyết đơn gia nhập NATO. Hôm 24/01, Thổ Nhĩ Kỳ đã đình hoãn vô thời hạn một cuộc họp tay ba với Thụy Điển và Phần Lan về chủ đề này, dự kiến vào đầu tháng 2.

 

Thông điệp chủ yếu mà tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ gửi đến Thụy Điển trong phát biểu hôm qua liên quan đến các thành viên và những người ủng hộ đảng PKK của người Kurdistan, nổi dậy chống chính quyền Thổ Nhĩ Kỳ năm 1984, đang tị nạn tại Thụy Điển. Đối với Thổ Nhĩ Kỳ, đây là các phần tử khủng bố. Ông Erdogan nói rõ: ‘‘Nếu quý vị muốn vào NATO, quý vị phải trao cho Thổ Nhĩ Kỳ các phần tử khủng bố. Chúng tôi đã đưa cho họ danh sách 120 người (…). Nhưng họ đã nhạo báng chúng tôi, và nói rằng họ đã thay đổi Hiến pháp’’.

 

Về phản ứng của Phần Lan, theo AFP, cho đến nay Helsinki vẫn từ chối gia nhập NATO nếu không có Thụy Điển. Ngày 25/01, ngoại trưởng Phần Lan Pekka Haavisto bày tỏ hy vọng là tiến trình phê chuẩn đơn gia nhập của cả hai nước sẽ được hoàn tất trước thượng đỉnh của NATO tại Vilnius vào tháng 7/2023, bất chấp các bất đồng của Thổ Nhĩ Kỳ.

 

Danh sách yêu cầu trục xuất từ 33 nâng thành 120

Theo Libération, cho đến nay chính quyền Thụy Điển mới chỉ chấp nhận trục xuất một người Kurdistan theo đòi hỏi của Ankara. Người bị trục xuất là Mahmut Tat, đệ đơn tị nạn từ 2021, đã bị trả về Thổ Nhĩ Kỳ, nơi người này có thể bị phạt tù đến 6 năm, do bị tình nghi có quan hệ với đảng PKK. Hồi tháng 6/2022, khi Thụy Điển đệ đơn gia nhập NATO, Ankara yêu cầu trục xuất 33 người. Theo phát biểu của tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ trên đây, danh sách này nay đã lên đến 120. Thụy Điển là nơi định cư của khoảng 100.000 người Kurdistan, trong đó có nhiều người Kurdistan gốc Thổ Nhĩ Kỳ tị nạn vì các lý do chính trị.

.

--------------------------------------

.

.

Tại sao Thổ Nhĩ Kỳ vẫn ngáng đường Thụy Điển gia nhập NATO?

Phạm Nghĩa  -  Người Lao Động Online

27-01-2023 - 09:25

https://nld.com.vn/thoi-su-quoc-te/tai-sao-tho-nhi-ky-van-ngang-duong-thuy-dien-gia-nhap-nato-20230126212504696.htm

 

(NLĐO) - Thổ Nhĩ Kỳ ngăn Thụy Điển gia nhập Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) trừ khi nước này tích cực trấn áp các nhóm bị đặt ngoài vòng pháp luật ở Thổ Nhĩ Kỳ, bao gồm Đảng Công nhân người Kurd (PKK).

 

Bloomberg cho biết khi NATO mời Thụy Điển và Phần Lan gia nhập liên minh quân sự này vào tháng 6-2022, các nhà lãnh đạo NATO ca ngợi đây là một "quyết định lịch sử". 

Nhưng kế hoạch trên vẫn chưa thành do bị Thổ Nhĩ Kỳ phản đối…

 

1. Thổ Nhĩ Kỳ muốn gì?

Thổ Nhĩ Kỳ đã yêu cầu Thụy Điển dẫn độ các thành viên người Kurd tình nghi và những kẻ âm mưu đảo chính bị Ankara truy nã, đồng thời ngăn nhóm người ủng hộ phong trào người Kurd tại Thụy Điển công khai thể hiện lòng trung thành.

 

2. Điều gì sẽ xảy ra tiếp theo?

Tháng 12-2022, Tòa án Tối cao Thụy Điển ra phán quyết bác bỏ việc dẫn độ một người đàn ông bị Thổ Nhĩ Kỳ cáo buộc liên quan tới âm mưu đảo chính chống lại Tổng thống Recep Tayyip Erdogan năm 2016. Ankara gọi phán quyết này là "một diễn biến rất tiêu cực". 

 

Tháng 1 năm nay, căng thẳng bùng phát trở lại sau khi những người biểu tình ở Stockholm - Thuỵ Điển trưng bày hình nộm lộn ngược của ông Erdogan. Tiếp theo đó là vụ đốt một bản dịch Kinh Koran gần đại sứ quán Thổ Nhĩ Kỳ, khiến Ankara và các quốc gia Hồi giáo khác phẫn nộ. Ông Erdogan sau đó tuyên bố Thổ Nhĩ Kỳ sẽ không ủng hộ Thụy Điển gia nhập NATO.

 

Thụy Điển khẳng định đã làm tất cả những gì có thể để tôn trọng thỏa thuận hồi tháng 6-2022. Tuy nhiên, luật về quyền tự do ngôn luận của Thụy Điển khiến chính phủ khó ngăn chặn hành động công khai ủng hộ người Kurd.

 

3. Vấn đề của Thổ Nhĩ Kỳ với người Kurd là gì?

PKK đã chiến đấu với các lực lượng Thổ Nhĩ Kỳ trong và ngoài nước kể từ giữa những năm 1980 khi họ tìm kiếm một khu vực tự trị cho người Kurd bên trong lãnh thổ Thổ Nhĩ Kỳ. Ankara đặc biệt tập trung vào Đơn vị Bảo vệ Nhân dân người Kurd (YPG). Thổ Nhĩ Kỳ coi YPG là mối đe dọa an ninh do lực lượng này có quan hệ với lực lượng ly khai người Kurd ở Thổ Nhĩ Kỳ.

 

4. Tại sao Thụy Điển dính líu?

Thụy Điển từ lâu tìm cách thúc đẩy nhân quyền và tôn trọng các nhóm dân tộc thiểu số ở nước ngoài. Nước này mở rộng cửa đối với những người tị nạn, bao gồm khoảng 100.000 người Kurd hiện sinh sống tại đây. Một số người Kurd ở Thuỵ Điển là thành viên phe đối lập Thổ Nhĩ Kỳ bị chính phủ của ông Erdogan truy lùng. Ông Erdogan đã gọi Thụy Điển là "nơi các tổ chức khủng bố làm tổ".

 

Hình : https://nld.mediacdn.vn/thumb_w/684/291774122806476800/2023/1/26/7be1b955-6002-4385-8daf-8715136e1165-167474278529046598896.jpeg

Việc Thuỵ Điển và Phần Lan gia nhập NATO sẽ mang lại nhiều lợi ích cho khối này. Ảnh: Bloomberg

 

5. Vai trò của Thuỵ Điển đối với NATO?

Thụy Điển - và cả Phần Lan - đã tiến hành các cuộc tập trận quân sự với NATO, đồng thời ngày càng chia sẻ nhiều thông tin tình báo hơn với khối này.

 

Nếu Thụy Điển và Phần Lan gia nhập NATO, an ninh khu vực xung quanh biển Baltic có thể được đảm bảo cũng như việc bảo vệ các thành viên NATO gồm Estonia, Latvia và Lithuania sẽ dễ dàng hơn.

 

Phần Lan và Thụy Điển cũng sở hữu quân đội mạnh, được trang bị tốt, có thiết bị quân sự tương thích với của NATO cũng như giúp tăng gấp đôi chiều dài biên giới của NATO với Nga và cho phép liên minh này cải thiện khả năng giám sát sườn phía Tây.

 

6. Có cơ hội để giải quyết tranh chấp không?

Ông Erdogan sắp bước vào các cuộc bầu cử tổng thống và quốc hội trong tháng 5 tới. Việc duy trì lập trường cứng rắn chống lại Thụy Điển có thể củng cố sự ủng hộ dành cho ông. Vì vậy, khó tìm ra lối thoát lúc này.

 

Hướng đi của Phần Lan?

Bộ trưởng Ngoại giao Phần Lan để ngỏ khả năng một mình gia nhập NATO mà không có Thuỵ Điển. Nhưng điều đó có khả năng gây rủi ro cho các tuyến đường tiếp tế của Phần Lan và việc đảm bảo an ninh của NATO. Bỏ Thuỵ Điển ở lại cũng sẽ khiến một số hợp tác quân sự mà hai nước đã phát triển trong nhiều năm bị huỷ bỏ. Lập trường chính thức vẫn là Phần Lan và Thuỵ Điển sẽ gia nhập NATO cùng nhau.

 

Phạm Nghĩa

 

 

 

No comments:

Post a Comment