Tuesday, January 31, 2023

ROBOT NGA SẮP ĐỐI ĐẦU XE TĂNG HẠNG NẶNG PHƯƠNG TÂY TRÊN CHIẾN TRƯỜNG UKRAINE? (Thụy My / RFI)

 


Robot Nga sắp đối đầu xe tăng hạng nặng phương Tây trên chiến trường Ukraina ?

Thụy My  -  RFI

Đăng ngày: 31/01/2023 - 19:29

https://www.rfi.fr/vi/%C4%91i%E1%BB%83m-b%C3%A1o/20230131-robot-nga-s%E1%BA%AFp-%C4%91%E1%BB%91i-%C4%91%E1%BA%A7u-xe-t%C4%83ng-h%E1%BA%A1ng-n%E1%BA%B7ng-ph%C6%B0%C6%A1ng-t%C3%A2y-tr%C3%AAn-chi%E1%BA%BFn-tr%C6%B0%E1%BB%9Dng-ukraina

 

Estonia cảnh báo, đối với Matxcơva, số 600 lính Nga tử trận mỗi ngày là con số có thể chấp nhận được để làm kiệt quệ Ukraina. Về vũ khí, Le Figaro đặt câu hỏi, liệu robot chống tăng « Marker » của Nga có thể « thiêu cháy » các xe tăng hạng nặng phương Tây mà Kiev sắp nhận được, như Matxcơva tuyên bố hay không ?

 

https://s.rfi.fr/media/display/7034d62e-9e6e-11ed-8608-005056bfb2b6/w:980/p:16x9/000_337T4Q4.webp

Ảnh tư liệu chụp ngày 20/05/2019: Xe tăng Leopard 2 A7 của quân đội Đức trong một cuộc tập trận. AFP - PATRIK STOLLARZ

 

Tham mưu trưởng quân đội Estonia : Nga còn nhiều vũ khí

 

Liên quan đến tình hình Ukraina, tướng Martin Herem, tổng tham mưu trưởng quân đội Estonia khi trả lời phỏng vấn Le Figaro đã nhận xét « Nga vẫn còn nhiều nguồn lực » cho một cuộc chiến lâu dài. Trước chiến tranh Nga đã sản xuất 1,7 triệu quả đạn pháo, và số dự trữ còn trên 10 triệu quả. Với lệnh động viên, Matxcơva có thể tăng gấp đôi sản lượng. Ngoài ra vẫn còn nhiều loại hỏa tiễn khác nhau như S300, hỏa tiễn chống hạm X22, được sử dụng để làm lực lượng phòng không Ukraina kiệt sức.

 

Trong một, hai tháng nữa khi thời tiết tốt hơn, Nga có thể lại tấn công. Không nên ngồi chờ, vì vậy mà Kiev cần phương Tây hỗ trợ rất nhiều. Nếu Ukraina có được nhiều xe tăng hạng nặng tốt hơn các xe tăng thời Liên Xô hay do Nga sản xuất hiện có, sẽ tạo được sự khác biệt trên chiến trường, nhưng phải đi kèm với pháo, thiết giáp và phòng không. Giờ đây là một cuộc chạy đua chuẩn bị giữa hai phe. Phương Tây nên giúp cho Kiev các phương tiện tấn công tầm xa hơn 20 kilomet và giúp huấn luyện.

 

Tuy nhiên tướng Herem cảnh báo, nếu đánh giá tình hình theo cách nhìn của phương Tây, thì Nga mỗi ngày đều chịu thiệt hại, thậm chí coi như đã bại trận. Nhưng đối với Matxcơva, số 600 lính Nga tử trận mỗi ngày là con số có thể chấp nhận được, để làm kiệt quệ Ukraina. Trước cái chết, Nga và phương Tây có thái độ không giống nhau. Ông Herem nói : « Từ khi người Nga mất đi một người anh em, người cha hay con trai vì Ukraina và sự yểm trợ của các nước, họ thù oán chúng ta ». Vladimir Putin lại được ủng hộ nhiều hơn.

 

Về các kế hoạch mới đang được NATO thảo luận, Estonia chờ đợi những chi tiết cụ thể trong phân bố lực lượng với Ba Lan, Rumani để đối phó trong trường hợp khủng hoảng. Tướng Martin Herem tin rằng một khi có dịp, lực lượng quy ước của Nga sẽ vượt qua biên giới nước ông trong hai, ba năm tới. Quân Nga không cần chiếm thủ đô, mà chỉ tấn công một thời gian ngắn để gây rối loạn ở Estonia và trong khu vực.

 

.

Bakhmut : Nga truy lùng sĩ quan và đội ngũ y tế Ukraina

 

Trên thực địa, đặc phái viên của Libération tại Bakhmut mô tả ở chiến trường khốc liệt này, « quân Nga truy lùng các sĩ quan và nhân viên y tế ». Áp lực của Nga ngày càng gia tăng với những trận bom không ngơi nghỉ, thương vong của phía Ukraina rất lớn.

 

Dưới tầng hầm của một căn cứ, khoảng 30 chiến binh của một đơn vị vô danh lo tháo gỡ những chiếc giường tầng để di chuyển sang một địa điểm khác. Người chỉ huy cho biết Nga tấn công dữ dội hơn từ khi chiếm được làng Soledar. Từ khi mất ngôi làng này, mỗi ngày phải chăm sóc khoảng 30 thương binh thay vì 5 như trước. Giờ đây quân Nga đánh vào Bakhmut đồng thời từ ba hướng : vùng ngoại ô Bakhmoutka ở phía đông, làng Opytne ở phía nam, và từ Soledar phía bắc.

 

Một đơn vị y tế khác dời từ Soledar sang cách đây một tuần, đang trú ngụ bên trong một cửa tiệm. Sasha, một nhân viên nói rằng số bị thương nhiều đến nỗi đôi khi xe không đủ chỗ chứa. Anh rơi nước mắt cho biết lực lượng Ukraina thiệt hại đến 75 %. Đơn vị này chịu trách nhiệm duy trì sự sống cho thương binh cho đến khi đưa họ tới bệnh viện dã chiến mới, được dời khỏi Bakhmut sau khi bị một hỏa tiễn S300 làm hư hại và giết chết bốn nhân viên y tế. Gmenka nói với nhà báo, quân Nga dùng các drone để theo dõi, và nhắm vào hai mục tiêu chính là các sĩ quan và đơn vị y tế Ukraina.

 

Ở Bakhmut vẫn còn lại 8.000 thường dân, sống với nhịp độ bom đạn không ngừng rơi. Đi bộ hay đi xe đạp, họ cố tránh những hố bom, những quả đạn chưa nổ, những mảnh kính vỡ rải đầy trên những con đường của thành phố trước đây có 73.000 dân. Họ sống sót bằng thực phẩm, thuốc men do các tổ chức tình nguyện cung cấp, và với ngôi chợ nằm lọt trong những đống đổ nát. Có người cho rằng không thể để mất Bakhmut vì như vậy sẽ mở đường cho Nga tiến vào Kramatorsk và Sloviansk, hai thành phố chính ở Donetsk đang do Ukraina kiểm soát. Người khác lại cho rằng vẫn có thể rút khỏi Bakhmut và tái chiếm sau đó khi thuận tiện, « hy sinh mạng người là chiến lược của Wagner chứ không phải của chúng tôi ».

 

.

Robot Nga đối đầu xe tăng hạng nặng phương Tây ?

 

Về phương tiện chiến đấu, Le Figaro đặt câu hỏi, robot chống tăng « Marker » của Nga liệu có thể « thiêu cháy » các xe tăng hạng nặng phương Tây mà Kiev sắp nhận được hay không ?

 

Xe tăng đấu với robot ? Lời đáp trả của Nga trước việc Đức, Mỹ, Anh chi viện cho Ukraina, theo tờ báo, mang màu sắc khoa học giả tưởng. Ngày 29/01, Dimitri Rogozine, người lãnh đạo Roscosmos (tức NASA của Nga) loan báo gởi đến Donbass trong tháng Hai, bốn drone mặt đất chống tăng « Marker ». Những robot này sau khi tập dượt sẽ chiến đấu với các xe tăng hạng nặng được phương Tây chuyển giao cho Ukraina. Tuyên bố trên đây được đưa ra một ngày sau khi thủ tướng Đức Olaf Scholz rồi đến tổng thống Mỹ Joe Biden bật đèn xanh cho việc cung cấp xe tăng Leopard 2 và Abrams. Phát ngôn viên Kremlin Dimitri Peskov dọa sẽ « thiêu cháy » tất cả.

 

Đốt cháy bằng robot chăng ? Chuyên gia vũ khí Marc Chassillan nhận định, dùng chữ cỗ máy điều khiển từ xa đúng hơn là robot, vì đó là những mô hình thí nghiệm. Các robot quân sự mặt đất ở Nga cũng như các nơi khác vẫn chưa hoàn chỉnh để có thể tự đi chiến đấu, khác với các drone trên không và dưới nước. « Marker » là thiết giáp không người điều khiển tương đối nhẹ, với 6 bánh xe hoặc bánh xích, nặng 3 tấn thay vì 40 tấn như xe hạng nặng ; trang bị súng máy, súng phóng lựu và nhất là hỏa tiễn chống tăng.

 

.

Chỉ là tiểu thuyết viễn tưởng

 

Loại drone mặt đất này có thể điều khiển từ xa, hoặc tự hành nhờ trí thông minh nhân tạo. Vẫn cần đến hai người để vận hành, một cho việc di chuyển, người thứ hai lo về hệ thống vũ khí. Cho đến nay, các cảm biến và thuật toán dùng để xử lý vẫn chưa thể giúp drone mặt đất chọn lựa đường đi và đối phó chướng ngại vật. Chúng chỉ được sử dụng như lính canh hoặc lính tuần tra, phải học thuộc lòng lộ trình để bảo vệ một địa điểm, và chỉ biết có thế. Cũng với nhiệm vụ này mà « Marker » được dùng lần đầu năm 2021 tại sân bay vũ trụ Vostochny.

 

Dimitri Rogozine khoe với RIA Novosti, ngay khi Abrams và Leopard bắt đầu được giao, « Marker » sẽ được tải hình các xe tăng này về và có thể tự động tấn công bằng ATGM (hỏa tiễn chống tăng thông minh). Marc Chassillan cho rằng đó chỉ là lời khoác lác, tuy vậy Nga cũng có lợi khi cho các drone mặt đất thử nghiệm trên chiến trường thực sự. Theo nhà nghiên cứu Christian A. Andersson, Nga, Trung Quốc và Hoa Kỳ đang chạy đua phát triển robot cho những cuộc chiến tranh tương lai. Từ năm 2016, Nga đã đưa sang Syria các drone chiến đấu mặt đất Uran-9, drone chống mìn Uran-6 và drone cứu hỏa Uran-14.

 

Le Figaro kết luận, ít nhất có một điều chắc chắn là « Marker » của Nga không thể « đốt cháy » Leopard, Challenger và Abrams. Lợi ích của Matxcơva nằm ở chỗ khác. Thay vì đưa vào hoạt động các xe tăng loại mới Armata, hiện chỉ đếm được trên đầu ngón tay, Nga cần phải phối hợp thành công giữa các xe tăng Tu-72, Tu-80, Tu-90, các loại pháo cơ động và pháo kéo, trực thăng chiến đấu Mi-28 và Ka-52, chiến đấu cơ Su-25, drone tự hủy Lancet.

Dùng chiến thuật « biển vũ khí », Nga có hy vọng đối phó được với công nghệ tân tiến của phương Tây. Còn phía Ukraina đối mặt với những khó khăn trước số vũ khí đa dạng, cách điều khiển phức tạp. Chiến trường thực sự dữ dội, chứ không như việc « làm truyền thông » và sáng tác tiểu thuyết viễn tưởng.

 

.

Pháp & Úc hòa giải, sản xuất đạn 155 ly cho Ukraina

 

Cũng về vũ khí, Les Echos cho biết « Pháp và Úc sẽ cùng sản xuất đạn pháo cho Ukraina ». Đây là một trong những dấu hiệu đầu tiên về sự hòa giải giữa hai nước. Hàng ngàn quả đạn 155 ly mà Kiev đang rất cần sẽ được tập đoàn Pháp Nexter sản xuất, Úc cung cấp thuốc súng. Đợt hàng đầu tiên của hợp đồng nhiều triệu đô la sẽ được giao vào cuối quý I.

 

Tuy Pháp không có chỗ trong liên minh AUKUS, nhưng Paris và Canberra cùng nhìn về tương lai, nhất là trong lãnh vực vũ trụ, drone giám sát hàng hải. Bên cạnh đó là cuộc tập trận chung Pitch Black tại Nam Thái Bình Dương, nơi Pháp muốn tăng cường sự hiện diện quân sự.

 

.

Ấn Độ bị Trung Quốc lấn dần lãnh thổ ở Himalaya

 

Tại châu Á, Le Monde chú ý đến tình trạng « Ấn Độ đang chịu sự đe dọa của Trung Quốc ở Himalaya ». Đó là một cuộc xung đột ít được truyền thông đưa tin rộng rãi như cuộc đối đầu giữa Bắc Kinh với Đài Loan.

 

Những cuộc đàm phán từ hai năm rưỡi qua vẫn trong ngõ cụt. Dường như Bắc Kinh đã chiếm thêm được 1.000 đến 2.000 kilomet vuông nữa, quân đội Ấn Độ không còn có thể tuần tra và dân du mục cũng không thể chăn thả đàn gia súc.

 

Ấn Độ đứng trước thế lưỡng nan : leo thang quân sự gây lo ngại, nhưng không phản ứng sẽ bị Trung Quốc gặm nhấm dần và chắc chắn sẽ mất hẳn đất đai. Giáo sư Happymon Jacob của Hội đồng Nghiên cứu Chiến lược Quốc phòng nhận định thái độ của New Delhi trước Bắc Kinh giống như « nhắm mắt và tự nhủ rằng đang là ban đêm ».

 

.

Bắc Kinh héo tàn giấc mơ đuổi kịp công nghệ Mỹ

 

Trên lãnh vực kinh tế, Les Echos nhận định « Bắc Kinh thấy hy vọng rút ngắn khoảng cách về công nghệ bị các trừng phạt của Mỹ đe dọa ». YMTC (Yangtze Memory Technologies Co), tập đoàn hàng đầu Trung Quốc về chip điện tử sắp sửa được Apple nhận làm nhà cung cấp, thì có tin « sét đánh » : bị bộ Thương Mại Hoa Kỳ cho vào danh sách đen cùng với 35 công ty Trung Quốc khác. Các công ty Mỹ bị cấm buôn bán với những đơn vị trong danh sách, trừ phi xin được giấy phép. Biện pháp này đã từng hạ gục tập đoàn viễn thông Hoa Vi (Huawei) đang làm mưa làm gió trên thị trường hồi năm 2019.

 

Được thành lập năm 2016 với sự hỗ trợ tài chánh của nhà nước, YMTC nhanh chóng vươn lên hàng đầu về bộ nhớ. Bộ chip thế hệ mới 3D NAND của hãng này với 232 lớp, kém đối thủ Hàn Quốc đôi chút (238 lớp) nhưng rẻ hơn 20 %, được Apple dự định dùng cho iPhone. Nhưng tất cả đã sụp đổ, Apple nhanh chóng nói lời từ biệt và các khách hàng ngoại quốc khác bắt đầu chuyển hợp đồng sang các nhà cung cấp ngoài Hoa lục. Theo South China Morning Post hôm qua, YMTC có thể phải sa thải 10 % nhân viên.

 

Bắc Kinh đã đầu tư nhiều tỉ đô la vào công nghệ chất bán dẫn, tạo ra các công ty hàng đầu như SMIC et YMTC, thúc đẩy các lãnh vực chiến lược như bộ vi xử lý cần thiết cho trí thông minh nhân tạo. Nhưng đòn tấn công của Mỹ có thể làm chiến lược này sụp đổ, nhất là Washington đã thuyết phục được Nhật Bản và Hà Lan cùng hạn chế bán thiết bị sản xuất chất bán dẫn tân tiến cho Trung Quốc - lãnh vực đang được thống trị bởi hai công ty không phải của Mỹ. Tập đoàn ASML của Hà Lan hiện chiếm 90 % thị trường thiết bị « in » chip vi mạch, và Nikon của Nhật chiếm số còn lại. Cơ quan tư vấn Gavekal cho rằng dù chi tiết chưa được công bố, thỏa thuận này khiến Trung Quốc rất khó duy trì những tiến bộ mới đây về các loại chip cao cấp.

 

.

Đình công chống cải cách hưu trí chiếm trang nhất báo Pháp

 

Hôm nay 31/01/2023 ngày tổng đình công để phản đối cải cách hưu trí, đề tài này được đề cập nhiều nhất bên cạnh chiến sự Ukraina. Nhật báo Le Figaro cánh hữu chạy tựa trang nhất « Trước những phản đối, Macron tỏ ra cứng rắn », Libération thiên tả đăng hình vẽ nhân vật Obélix đang cõng tảng đá quen thuộc trên đó có những người Gô-loa, xông tới tấn công phe cải cách, chân đạp lên tấm vải có mang con số « 64 » mà chú chó đang ngậm, hăng hái kêu gọi « Hưu trí : Toàn bộ xứ Gaule phản đối ». Le Monde giải thích « Hưu trí : Những chiếc chìa khóa trong cuộc chiến ở Quốc Hội ». Các dân biểu đảng cầm quyền muốn sửa đổi một số điều khoản liên quan đến phụ nữ và thâm niên, thủ tướng Elisabeth Borne nhấn mạnh tuổi về hưu 64 là « không thể thương lượng ».





No comments:

Post a Comment