Saturday, January 28, 2023

HAI ĐỀ XUẤT VỀ CHƯƠNG TRÌNH VĂN NGHỆ TẤT NIÊN TRÊN ĐÀI TRUYỀN HÌNH TRUNG ƯƠNG (Nguyễn Ngọc Chu)

 



HAI ĐỀ XUẤT VỀ CHƯƠNG TRÌNH VĂN NGHỆ TẤT NIÊN TRÊN ĐÀI TRUYỀN HÌNH TRUNG ƯƠNG   

Nguyễn Ngọc Chu

27-1-2023  23:12   

https://www.facebook.com/chu.nguyenngoc/posts/pfbid0Rqnqke5y3h9xvEXrsWyS75rZuh9sbWEiJMHACV3vqN8ypmpQBb7FtaxQpdMRLPDsl

 

 

1. TẠI SAO NHÂN DÂN QUAN TÂM?

 

Dư luận xã hội từ sau đêm 30 Tết đến hôm nay vẫn không ngừng bàn luận về chương trình ‘Táo quân’ cuối năm 2022. Việc một bộ phận lớn nhân dân cả nước quan tâm đến chương trình văn nghệ cuối năm phát trên VTV là điều dễ hiểu.

 

Trước hết bởi vì VTV là kênh truyền hình đại diện cho cả nước. Chương trình văn nghệ cuối năm của VTV phải tập trung được trí tuệ và tài năng văn nghệ cả nước. Chương trình văn nghệ cuối năm của VTV thành công thì có nghĩa là trí tuệ và tài năng của đất nước trong lĩnh vực văn nghệ được sử dụng. Ngược lại, chương trình văn nghệ cuối năm của VTV không thành công thì đó không chỉ là sự không thành công của giới văn nghệ, mà còn mang đến thất vọng cho khán giả cả nước.

 

Thứ hai là, sau một năm lao động vất vả, ngoài tiền bạc và vật chất, thì người dân muốn được thưởng thức những món ăn tinh thần làm sảng khoái tâm hồn, rũ bỏ những khó khăn nhọc nhằn của năm cũ, để hướng tới một năm mới tốt đẹp hơn. Vì thế, họ kỳ vọng vào chương trình văn nghệ tất niên của Đài Truyền hình Trung ương.

 

Thứ ba, nhưng quan trọng hơn cả, VTV là tài sản của nhân dân cả nước. Nhân dân cả nước đóng thuế để thành lập và nuôi dưỡng VTV. Bởi thế, nhân dân cả nước không chỉ có quyền phê phán, mà còn có quyền yêu cầu VTV phải thay đổi chương trình, thậm chí có quyền yêu cầu Chính phủ có giải pháp với VTV, nếu VTV không đáp ứng được yêu cầu của nhân dân. Đến Chính phủ mà “nhân dân có quyền đuổi Chính phủ, nếu Chính phủ không phục vụ tốt cho nhân dân” như cụ Hồ đã nói, thì huống chi là một chương trình truyền hình. Từ đó để thấy không ai có quyền được phép tự mình cho rằng: “không thích thì đừng xem”, mà phải ý thức rằng: “nếu nhân dân không thích thì bị xoá sổ”.

 

2. SỰ NGỘ NHẬN VÀ NGUYÊN NHÂN

 

Tại sao lại xuất hiện tư tưởng cửa quyền “không thích thì đừng xem”? Ấy là vì sự ngộ nhận. Sự ngộ nhận về vai trò, sự ngộ nhận về tài năng, sự ngộ nhận về “chủ-tớ”.

 

Đài Truyền hình ở nước ta không phải của tư nhân mà là của Nhà nước. Nhà nước quản lý toàn diện. Bởi thế chỉ có một số các đơn vị có chức năng văn nghệ mới được thường xuyên biểu diễn trên các chương trình văn nghệ được Đài Truyền hình Trung ương phát sóng. Dẫn đến chỉ một số văn nghệ sĩ có cơ hội thường xuyên xuất hiện trong các chương trình văn nghệ của VTV. Từ đó, một số người ngộ nhận biểu diễn ở VTV là quyền đương nhiên của họ. Hơn thế nữa, được biểu diễn trên truyền hình mà không mất phí quảng cáo, lại được nhiều người biết, trở nên nổi danh, nên có người ngộ nhận là mình tài gỏi. Họ quên mất, VTV là của Nhà nước, tức là của nhân dân. Họ nhận lương của Nhà nước, tức là nhân dân trả lương cho họ. Họ là người làm thuê cho nhân dân. Nhân dân là chủ của họ. Nhưng có người nhầm lẫn mình là ông chủ, nên mới cửa quyền “không thích thì đừng xem”, “không thích thì bật sang chương trình khác”, “không thích thì tắt TV”.

 

Nhưng tại sao lại chỉ có một số người thường xuyên xuất hiện trên các chương trình văn nghệ tất niên của VTV? Ấy là vì không có cạnh tranh. Nếu có cạnh tranh thì tất đã có nhiều thay đổi.

 

Hai chục năm qua, chương trình ‘Táo quân’ của VTV chỉ do một số diễn viên đảm nhận. Dẫu tài năng đến đâu, nhưng suốt hai chục năm mà chỉ gặp các khuôn mặt cũ mèm thì khó có được điều gì mới lạ. Chương trình ‘Táo quân’ mỗi ngày một kém đi là điều hiển nhiên.

 

Bao cấp dẫn đến ngộ nhận “chủ-tớ”. Không mất tiền quảng cáo mà được nhiều người biết nên tưởng mình tài năng. Thiếu cạnh tranh nên không có chương trình hay. Độc quyền nên chưa có người xuất chúng. Chương trình “Taó quân’ không hay không phải vì “vùng cấm”, không phải vì kiểm duyệt, mà vì độc quyền, vì thiếu cạnh tranh.

 

3. HAI ĐỀ XUẤT

 

Với chương trình văn nghệ cuối năm của VTV, trong lúc chưa thể có những bước phát triển rẽ hướng, thì vẫn có cách cải thiện được chất lượng trong biên giới đường hướng hiện thời, không phụ thuộc vào “vùng cấm”. Có nhiều phương thức tiếp cận để cải thiện nội dung và nghệ thuật của chương trình văn nghệ tất niên trên Đài Truyền hình Trung ương. Dưới đây là một đề xuất sơ bộ lược giản.

 

1. Cho tự do cạnh tranh về kịch bản và đạo diễn. Khi mở rộng tự do cạnh tranh, chắc chắn sẽ có nhiều tác giả có những kịch bản hay, nhiều đạo diễn giỏi sẽ xuất hiện. Các đạo diễn được quyền chọn kịch bản, chọn diễn viên. Dù trong giới hạn của sự kiểm duyệt, thì các chương trình mới vẫn có nội dung hay hơn cùng với giá trị nghệ thuật cao hơn.

 

2. Cho cạnh tranh vùng miền. Ít nhất là ba miền Bắc, Trung , Nam. Trước hết là đáp ứng thị hiếu văn hoá vùng miền. Tiếp đến là xoá bỏ sự độc tôn của miền Bắc. Tiếp nữa là không bỏ sót các tài năng ở mọi địa phương. Thậm chí, có thể chia thời gian biểu diễn cho các chương trình xuất sắc, bao gồm phân chia cho cả vùng miền.

 

Chỉ với hai mục đổi mới nêu trên, chắc chắn khán giả cả nước sẽ được đón xem một chương trình văn nghệ cuối năm tiếp theo vượt trội so với quá khứ.

 

3. ĐỘC QUYỀN VÀ “HÔN NHÂN CẬN HUYẾT THỐNG”

 

Một sân khấu mà hàng chục năm chỉ có một dàn diễn viên không đổi được giữ quyền biểu diễn, nếu có các khuôn mặt mới thì cũng là “truyền nhân” của họ, thì không khác gì một chuỗi dài các cuộc “hôn nhân cận huyết thống”. Hệ quả là mai một và lụi tàn.

 

Các triều đại phong kiến bị diệt vong là vì ‘cha truyền con nối’ mà không trao quyền lực cho người tài giỏi ngoài huyết thống. Không chỉ các vương triều, mà trong lựa chọn lãnh đạo các tập đoàn cũng vậy, nếu chỉ dựa vào huyết thống thì sớm muộn cũng đi đến lụi tàn. Bởi thế mà dòng họ Toyoda sáng lập ra hãng xe Toyota lớn nhất thế giới đã nhiều lần lựa chọn người đứng đầu không phụ thuộc vào huyết thống. Vừa mới hôm qua thôi, ngày 26/1/2023 Chủ tịch tập đoàn Toyo ta là Akio Toyoda (66 tuổi) đã tuyên bố từ chức từ ngày 01/4/ 2023, nhường lại vị trí điều hành tập đoàn cho Koji Sato (53 tuổi) - không thuộc dòng họ Toyoda. Đây là lần thứ ba, hãng Toyota (ra đời từ năm 1937) có người đứng đầu không phải là dòng họ sáng lập (https://www.cnbc.com/.../toyota-ceo-and-president-akio...).

 

Mở rộng ra, không chỉ trong lĩnh vực nghệ thuật mà trong tất cả các lĩnh vực khác bao gồm khoa học, kinh tế, chính trị… độc quyền và “truyền nhân được sinh ra” từ dạng “hôn nhân cận huyết thống” là hai nhân tố huỷ diệt và kìm hãm sự tiến bộ.

 

.

536 BÌNH LUẬN  





No comments:

Post a Comment