Sunday, January 29, 2023

CUỘC XÂM LĂNG UKRAINA LÀM BỘC LỘ MỘT NƯỚC NGA BĂNG HOẠI ĐẠO ĐỨC (Thụy My / RFI)

 



Cuộc xâm lăng Ukraina làm bộc lộ một nước Nga băng hoại đạo đức

Thụy My  -  RFI

Đăng ngày: 28/01/2023 - 18:24

https://www.rfi.fr/vi/%C4%91i%E1%BB%83m-b%C3%A1o/20230128-cu%E1%BB%99c-x%C3%A2m-l%C4%83ng-uk...BA%A1i-%C4%91%E1%BA%A1o-%C4%91%E1%BB%A9c

 

Kẻ sát nhân thành lính đánh thuê chết trên chiến trường Ukraina được coi như liệt sĩ. Thượng phụ Chính thống giáo khuyến khích tín đồ, chết ở Ukraina sẽ « rửa hết những tội đã phạm ». Quân đội dùng hỏa tiễn diệt hàng không mẫu hạm để đánh vào dân thường, xâm lăng được gọi là « giải phóng » … Làm thế nào mà đất nước của Dostoievski và Tolstoi có thể đảo điên như thế ?

 

https://s.rfi.fr/media/display/0da0d0ce-9425-11ed-9e94-005056a90284/w:980/p:16x9/AP23014540259575.webp

Một tòa nhà ở Dnipro (Ukraina) sau khi bị quân Nga dùng hỏa tiễn Kh-22 do Liên Xô chế tạo để diệt hàng không mẫu hạm bắn trúng ngày 14/01/2023, chôn vùi 45 cư dân dưới đống đổ nát. AP

 

Chủ tịch nước mất chức : Sự kiện hiếm hoi ở Việt Nam

 

Tại châu Á, The Economist có bài viết mang tựa đề « Tham nhũng và Covid : Chiến dịch bài trừ tham nhũng làm chủ tịch nước Việt Nam mất chức ». Khi bị Covid tấn công năm 2020, Việt Nam nhanh chóng đóng cửa biên giới. Hàng mấy chục ngàn công dân bị kẹt ở nước ngoài, được tổ chức hồi hương trên 800 chuyến bay.

 

Nhưng sau đó được biết nhiều người phải trả cái giá cắt cổ để trở về, từ đầu năm 2022 các nhà điều tra bắt đầu thẩm vấn những viên chức đòi hối lộ, khoảng mấy chục người bị khởi tố trong đó có hai cựu bộ trưởng. Đến 17/01, chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc từ chức vì trách nhiệm trong xì-căng-đan này. Tuần báo Anh nhận xét nếu tham nhũng là phổ biến ở Việt Nam, thì việc chủ tịch nước từ chức là hết sức hiếm hoi.

 

Trường hợp ông Phúc cho thấy đại dịch đã đẩy mạnh tầm mức chiến dịch « đốt lò » của tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng như thế nào. Cũng như Tập Cận Bình bên Trung Quốc, ông Trọng dùng chiến dịch chống tham nhũng để tích lũy thêm quyền lực cho bản thân và cho đảng cộng sản. Theo ông Nguyễn Khắc Giang, Trung tâm Kinh tế Chiến lược Việt Nam ở Hà Nội, trước đó có sự cân bằng giữa đảng và nhà nước, các quan chức tham nhũng hầu hết do các cơ quan chính phủ xử lý, nay đảng nhiều quyền hành hơn.

 

Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, 78 tuổi, đang trong nhiệm kỳ thứ ba, thuộc lớp thế hệ lãnh đạo cuối cùng thời chống Mỹ. Ông được cho là người có lòng tin thực sự, muốn quét sạch nạn tham nhũng đang hoành hành kể từ khi Việt Nam áp dụng kinh tế thị trường trong thập niên 90. Những kẻ lợi dụng Covid để làm giàu lần lượt vào tù.

 

.

Việt Nam thăng hạng chống tham nhũng, nhưng nhiều dự án đình trệ

 

Tháng 12/2021, tổng giám đốc công ty trang thiết bị y tế Việt Á bị buộc tội hối lộ để bán bộ xét nghiệm Covid, các quan chức đồng lõa bị bắt trong đó có cả bộ trưởng y tế và bộ trưởng khoa học-công nghệ. Nhân viên các đại sứ quán từ Angola cho đến Nhật Bản bị trừng phạt vì nhũng nhiễu, làm tiền trong các chuyến bay hồi hương. Ngày 05/01, hai phó thủ tướng mất chức trong đó có ngoại trưởng, được cho là có thể trở thành thủ tướng tương lai. Lãnh vực tài chánh cũng bị tấn công. Tháng Tư, các nhà quản lý một tập đoàn địa ốc lớn bị bắt, tháng Mười đến lượt giám đốc một công ty bất động sản khác.

 

Chiến dịch tương đối thành công, thứ hạng về chỉ số tham nhũng của Việt Nam trong bảng xếp hạng của Minh bạch Quốc tế từ hạng 111 đã lên 87. Quốc gia này đang áp dụng các tiêu chuẩn kế toán theo các thỏa thuận bảo vệ nhà đầu tư với Mỹ và châu Âu. Về mặt tiêu cực, tiến sĩ Oliver Massmann cho biết với việc hạch toán chặt chẽ hơn, các quan chức tham nhũng không có lợi lộc gì trong việc thực hiện các dự án đầu tư vì không « ăn » được, còn người đàng hoàng thì sợ tai tiếng không dám phê duyệt. Hệ quả là tỉ lệ giải ngân vốn nhà nước sụt giảm, các dự án hạ tầng thiết yếu bị chậm lại. Cao tốc Bắc-Nam vẫn đang là những mảng chắp vá, métro ở Sài Gòn vẫn chưa hoạt động sau 10 năm xây dựng.

 

Trước mắt, tăng trưởng của Việt Nam chưa bị ảnh hưởng, đạt tỉ lệ 7,5 % trong năm 2022 và dự báo năm nay 6 %. Với xu hướng tách khỏi Trung Quốc, các nhà sản xuất Mỹ và châu Âu đang gia tăng chuyển dịch sản xuất sang Việt Nam. Ông Trọng muốn đất nước trở thành quốc gia có thu nhập trung bình vào năm 2030, và để khả thi, các viên chức trung thực cần có khả năng phê duyệt dự án mà không sợ bị bắt.

 

.

Ukraina mong xe tăng mới, Nga còn kho « đồ cổ » khổng lồ

 

Nhìn sang châu Âu, cuộc chiến tranh ở Ukraina được các báo đề cập theo nhiều góc độ. Le Point giải thích « Vì sao cần phải chuyển giao xe tăng cho Ukraina ». Tuần báo nhận xét, từ run sợ đến khom lưng chỉ cách có một bước. Cứ chần chừ mãi về việc này, sẽ bị coi là khiếp nhược. Đó là vì cuộc chiến ở Ukraina ngày càng trở thành cuộc chiến của phương Tây, mỗi ngày trôi qua lại càng dấn sâu hơn : giúp đỡ tài chánh, vũ khí hạng nặng, thông tin tình báo.

 

Theo một phân tích được rất nhiều người đồng tình, việc Barack Obama lùi bước sau khi Bachar Al Assad vượt qua lằn ranh đỏ đã thúc đẩy Vladimir Putin thao túng Donbass một năm sau đó và sáp nhập Crimée. Chuyện gì sẽ xảy ra nếu Nga chiếm ưu thế sau khi Kiev bị phương Tây từ chối cung cấp xe tăng hạng nặng ? Đó sẽ là tin tuyệt vời cho Iran, Azerbaijan và Thổ Nhĩ Kỳ.

 

Phóng sự của đặc phái viên Le Point tại mặt trận Bakhmut ác liệt mô tả các chiến binh Ukraina phải tận dụng những phương tiện eo hẹp có được, họ nóng lòng chờ đợi những chiếc Leopard của Đức. Tuy nhiêntuần báocũng lưu ý « Đối mặt với xe tăng phương Tây là kho dự trữ vô tận của Nga ». Trang web Oryx cho biết ít nhất 40 % chiến xa (MBT, Main Battle Tank) của đôi bên đã bị phá hủy hay không còn sử dụng được, trong đó Kiev mất khoảng 400 chiếc, Matxcơva 1.500 chiếc – tức phân nửa so với thời kỳ đầu cuộc chiến.

 

Nhưng Nga có đến 10.000 xe tăng thời Liên Xô cũ đang ngủ quên trong các nhà kho, bãi chứa trên khắp nước, và cũng có thể Matxcơva không thống kê cụ thể được. Một trang web Ukraina khai thác dữ liệu vệ tinh ước tính khoảng 2.000 xe tăng Nga có thể sửa chữa, 1.300 chiếc khác bảo quản trong tình trạng tốt, chưa kể số xe tăng mà vệ tinh không phát hiện được. Tuy chiến xa Mỹ, Đức hiệu quả hơn hẳn, nhưng trong cuộc chiến cường độ cao có thể số lượng ăn đứt chất lượng. Theo L’Express, Ukraina nay đang mơ đến các chiến đấu cơ Mirage 2000 của Pháp và F-16 của Mỹ, khi các nước châu Âu chuyển sang thế hệ mới hơn.

 

.

Tại sao phải lo Putin bại trận ? 

 

Dành hẳn một hồ sơ gồm nhiều trang, L'Express nhấn mạnh « Hãy chấm dứt việc cứ hình dung ra những điều tệ hại nếu Putin bại trận ». Phe không muốn viện trợ vũ khí hạng nặng cho Kiev đưa ra nhiều lý lẽ : sợ bị trả đũa bằng nguyên tử, sợ chế độ Putin sụp đổ - có thể xuất hiện một nhà độc tài khát máu hơn, thậm chí nước Nga bị chia nhỏ với sự đối đầu giữa những tỉnh có vũ khí hạt nhân. 

 

L'Express đề nghị hãy đặt vấn đề kiểu khác : Ai có lợi trước những suy nghĩ này, nếu không phải là chính Vladimir Putin ? Triết gia Ukraina Constantin Sigov nói : « Phương Tây sợ rằng tình hình sẽ tệ hơn nếu Putin biến mất, nhưng đó là sai lầm ! Nếu ông ta biến đi, nguồn gốc của nỗi sợ này cũng mất theo ». 

 

Như vậy hãy dẹp sang một bên kiểu biện luận được dùng làm bảo hiểm nhân thọ cho Putin, để nghĩ đến một tương lai không có ông ta. Có thể là quá sớm, nhưng không việc gì phải tưởng tượng ra những điều tồi tệ. Cung cấp vũ khí cần thiết cho Ukraina để đánh đuổi quân Nga khỏi lãnh thổ, biết đâu có thể tạo được cú sốc để linh hồn Nga chuộc lỗi, đứng dậy rũ khỏi bùn lầy đạo đức mà bạo chúa Putin đã nhấn chìm.

 

.

Những kẻ bán linh hồn cho quỷ

 

Trong bài « Sự băng hoại đạo đức của nước Nga », L'Express nêu ví dụ đám tang của Serguei Molodtsov, tù hình sự gia nhập lực lượng đánh thuê Wagner và chết trên chiến trường Ukraina. Bị ngồi tù nhiều năm vì sát hại dã man người mẹ của mình, nhưng trong nước Nga của Vladimir Putin, Molodtsov không phải là kẻ giết người mà là anh hùng, được chôn cất với nghi thức liệt sĩ.

 

Cũng như anh ta, trên 30.000 người tù đã ký hợp đồng bán linh hồn cho quỷ. Thủ lãnh Wagner, Evgueni Prigojine trơ tráo ca ngợi « những người con ưu tú của Nga ». Bản thân ông ta cũng từng ăn cơm tù vì lừa đảo và tổ chức mại dâm cho người vị thành niên. Thậm chí còn có ý kiến cho họ vào đại học, cho làm dân biểu...Dùng những kẻ sát nhân để tạo thành lớp tinh hoa cho quốc gia ? Một trong những ví dụ cho sự biến thái nguy hiểm của Nga. Những tuyên bố của các nhà lãnh đạo mà mới cách đây vài năm còn được châu Âu trân trọng đón tiếp, gây choáng váng.

 

Để tuyên truyền luận điệu Matxcơva bị phương Tây « suy đồi » tấn công, tổng thống Nga có thể dựa vào những quần thần hăng hái. Dimitri Medvedev, người từng đổi vai cho Putin một thời gian, liên tục đưa bom nguyên tử ra dọa nạt. Dimitri Peskov, phát ngôn viên Kremlin nói rằng Nga « chưa bao giờ tấn công ai cả », còn ngoại trưởng Serguei Lavrov giàu kinh nghiệm so sánh việc phương Tây chống lại Matxcơva với « giải pháp cuối cùng » - kế hoạch diệt chủng người Do Thái của Đức quốc xã.

 

.

Đất nước của Dostoievski và Tolstoi, vì đâu nên nỗi ?

 

Làm thế nào mà đất nước của Dostoievski và Tolstoi có thể chết chìm như thế ? Tatiana KastouévaJean, giám đốc Trung tâm Nga của Viện Quan hệ Quốc tế Pháp nhận xét : « Phương Tây bàng hoàng trước những gì mà cuộc chiến tranh đã bộc lộ : bạo lực lan tràn, nuôi dưỡng thù hận, cổ vũ diệt chủng, coi mạng người như cỏ rác. Nhưng người Nga lại nhìn qua một lăng kính khác ». 

 

Đó là cái nhìn của một xã hội mà các giá trị đều đảo lộn. Đi xâm lăng được gọi là « giải phóng ». Và để quảng bá, còn gì tốt hơn là sự ủng hộ của giáo hội Chính thống giáo ? Thượng phụ Kirill ở Matxcơva từng khuyến khích tín đồ, chết ở Ukraina « rửa hết những tội đã phạm ». Một thông điệp khiến người ta nghĩ đến tổ chức Nhà nước Hồi giáo hơn là Chúa Kitô.

 

Theo thăm dò gần nhất của viện Levada, có trên 71 % dân Nga ủng hộ « chiến dịch quân sự đặc biệt », chỉ có 21 % chống lại, nhưng khó thể biết được suy nghĩ thật của họ. L’Express cho rằng Vladimir Putin hoàn toàn nắm được lớp người nghèo và người lớn tuổi. Giai cấp trung lưu chia rẽ, người chạy khỏi đất nước, người ở lại ủng hộ chế độ vì tin vào tuyên truyền.

 

Tuy nhiên cũng có một nước Nga khác, cảm thấy xâm lược là sai trái nhưng chẳng biết làm gì khác. Le Monde số cuối tuần kể về những người Nga ở Matxcơva đến đặt hoa và đèn cầy dưới chân tượng nhà thơ Lessia Oukrainka ở đại lộ mang tên « Ukraina » để tưởng niệm các nạn nhân ở Dnipro. Một phụ nữ thổ lộ trong nước mắt : « Tôi hèn, nhưng ít nhất việc này thì tôi làm được ». Courrier International dịch bài phóng sự của The New York Times tại Kiev, nói về những tình nguyện quân từ Nga và các nước Trung Á. Họ là những người Chechnya, Tatar, Gruzia sang chiến đấu cho Ukraina để trả thù chế độ Matxcơva.

 

.

Quân đội và tội ác chiến tranh

 

Quân đội Nga thì không còn giới hạn nào. Khi giải phóng được những vùng đất Ukraina bị chiếm, thế giới kinh hoàng trước những hành động tra tấn, hành quyết, hãm hiếp của lính Nga. L'Express nhấn mạnh đến « Một quân đội gồm các tội phạm chiến tranh ». Hỏa tiễn Kh-22 được chế tạo thời Liên Xô để phá hủy hàng không mẫu hạm, hôm 14/01 đã xé toang một tòa nhà trong khu dân cư ở Dnipro khiến 45 thường dân thiệt mạng trong đó có 6 trẻ em. Từ đầu cuộc xâm lăng, quân Nga không hề quan tâm đến mạng sống người dân, chưa kể những vụ thảm sát như ở Bucha, Irpin. Các nạn nhân trong vụ vây hãm Mariupol có thể lên đến hàng mấy chục ngàn.

 

Nhà sử học Françoise Thom nhắc nhở, Hồng quân được lập ra dựa trên bạo lực, lính kỳ cựu đã quen hành hạ tân binh. Sự xuống cấp tinh thần thời Stalin càng nặng nề hơn dưới thời Putin. Ông chủ điện Kremlin dùng vũ lực ở Chechnya, Syria, Gruzia rồi Ukraina, giao những chức vụ chủ chốt cho các siloviki (cựu KGB, FSB và các lực lượng an ninh khác). Để hợp pháp hóa tội ác, ông ta khơi dậy chủ nghĩa dân tộc, tự cho rằng mình có chính nghĩa. Truyền thông Nga từ nhiều năm qua chuẩn bị tinh thần cho chiến tranh cũng phải chịu trách nhiệm nặng nề.

 

Quân đội Nga không chỉ phá sản về tinh thần, mà theo một nguồn tin quân sự Pháp, còn mất đến trên 40.000 lính ở Ukraina, cao hơn cả số tử trận trong hai cuộc chiến Chechnya và Afghanistan. Từ tháng Bảy đến nay, quân Nga chỉ chiếm được thành phố nhỏ bé Soledar, phải bỏ chạy khỏi Kharkiv và Kherson. Nhà nghiên cứu Vincent Tourret cho biết, những đội quân tinh nhuệ như nhảy dù chỉ còn lại vài đơn vị. Nga cũng mất những sĩ quan giỏi nhất, như chuyên gia chiến tranh điện tử, tướng Simonov, tử thương trong vụ oanh kích vào sở chỉ huy.

 

Còn có một đội quân khác của Putin trên Telegram. Lâu nay chuyên lũng đoạn các cuộc bầu cử nước ngoài, các dư luận viên này kể từ 24/02/2022 chỉ chuyên tập trung vào cuộc xâm lăng Ukraina. Trong nghiên cứu được công bố ngày 23/12/2022, cơ quan IDS Partners nhận diện gần 2.000 kênh ủng hộ chiến tranh, xuất xứ của 8 triệu bản tin trên mạng này, những kênh phổ biến nhất thường có liên hệ với cơ quan an ninh Nga. Bên cạnh đó là những điệp viên « bất hợp pháp ». L’Obs kể ra hai trường hợp mới nhất : hai gián điệp Nga đội lốt công dân Brazil nhiều năm trời, trong đó một người vừa được chấp nhận thực tập tại Tòa án Hình sự Quốc tế.

 

.

Chuẩn bị chiến tranh để có hòa bình

 

Nhìn rộng hơn, L’Obs ghi nhận ngân sách quốc phòng bùng nổ khắp nơi trên thế giới do cuộc xâm lăng Ukraina và Trung Quốc đe dọa Đài Loan. Trật tự quốc tế nay đành nhường bước cho mạnh được yếu thua như ngày xưa, nên các nước phải chạy đua vũ trang.

 

Tại Pháp, tổng thống Emmanuel Macron tăng gấp đôi ngân sách cho quân đội trong 11 năm, một nỗ lực chưa từng thấy kể từ thập niên 60. Paris đầu tư để chuyển đổi một quân đội chống khủng bố ở những chiến địa xa xôi thích ứng với một cuộc chiến tranh « cường độ cao » ngay tại châu lục. Ba Lan hy vọng trở thành quân đội mạnh nhất châu Âu, chẳng hạn với lực lượng xe tăng gấp bốn lần Pháp. Cũng không thể quên loan báo về ngân sách 100 tỉ euro cho quân đội của Đức sau khi quân Nga tràn sang Ukraina, một « Zeitenwende » (bước ngoặt lịch sử).

 

Châu Á còn đi trước châu Âu một bước, với chi quân sự tăng cao ở Ấn Độ, Trung Quốc, Hàn Quốc, Đài Loan, Nhật Bản, dấu hiệu chứng tỏ căng thẳng tăng lên tại Ấn Độ-Thái Bình Dương. Chi quốc phòng tăng không có nghĩa là xung đột không thể tránh khỏi. Trong thời chiến tranh lạnh, ngân sách quân sự còn lớn hơn nhiều, sự thăng bằng sức mạnh đã giúp duy trì nền hòa bình chung.

 

Tuy nhiên cần phải tránh « sleepwalking » (bước đi trong ngái ngủ) về phía chiến tranh như thời Đệ nhất Thế chiến, mà ngày nay có thể là xuất phát từ sự cao ngạo về ưu thế công nghệ hay phân tích sai về tương quan sức mạnh. Vladimir Putin đã phạm sai lầm lịch sử khi tiến đánh láng giềng Ukraina. « Chiến tranh thật ngu xuẩn », như Jacques Prévert đã viết, nhưng trong bối cảnh quốc tế hiện nay, « nếu muốn hòa bình, hãy chuẩn bị chiến tranh ».

 

.

Tựa chính các tuần báo Pháp

 

Courrier International tuần này chạy tựa « Hưu trí : Sự so găng », với hình vẽ tổng thống Pháp trong bộ đồ siêu nhân đang cầm gươm, ưỡn ngực trước một tảng đá. Le Point đăng ảnh năm chính khách trong đó có cả tổng thống, kê ra những vấn đề cải cách hưu trí, bất bình đẳng, nhập cư, nguyên tử...và dòng tít « Những kẻ dối trá ». L'Obs dùng nền đỏ cho trang bìa với chủ đề công ty điện lực Pháp « EDF : Điều tra về một thất bại Pháp ». L'Express nêu ra những vấn đề chiến tranh, tôn giáo, tuyên truyền và các giá trị, trong hồ sơ « Nga : Sự phá sản đạo đức ».

 




No comments:

Post a Comment