Saturday, January 28, 2023

50 NĂM HIỆP ĐỊNH PARIS : VIỆT NAM TRÊN VÁN CỜ CHÍNH TRỊ THẾ GIỚI (Nguyễn Hải Di / Diễn Đàn Thế Kỷ)

 



50 năm Hiệp Định Paris: Việt Nam trên ván cờ chính trị thế giới

Nguyễn Hải Di    

Thứ Sáu, tháng 1 27, 2023

https://www.diendantheky.net/2023/01/hai-di-nguyen-50-nam-hiep-inh-paris.html

 

27/1/2023 là tròn 50 năm ngày ký Hiệp định Paris, để Mỹ rút quân khỏi cuộc chiến Việt Nam

 

https://live.staticflickr.com/65535/52653231469_1152de50ec.jpg

https://live.staticflickr.com/65535/52653462603_662a043e1c.jpg

Tổng trưởng Trần Văn Lắm và chữ ký trong Hiệp định Paris

 

Nhìn lại Hiệp định Paris sau nửa thế kỷ, tôi phỏng vấn ông Từ Thức, ký giả của miền Nam có mặt theo dõi hội đàm từ đầu đến cuối ; sử gia Lê Mạnh Hùng ; và kỹ sư Nguyễn Gia Kiểng, người sáng lập và đứng đầu Tập hợp Dân chủ Đa nguyên. 

 

Hiệp định Paris có những lỗ hổng nào ? 

 

Hiệp định Paris là hiệp định chấm dứt chiến tranh, ký ngày 27/1/1973. Các bên đàm phán chính thức là Hoa Kỳ, Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (Bắc Việt), Việt Nam Cộng hòa (Nam Việt Nam), và Chính phủ Cách mạng Lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam (Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam). 

 

https://live.staticflickr.com/65535/52653395185_74ff7e9a59_n.jpg

Kỹ sư Nguyễn Gia Kiểng, Thành viên Ban Lãnh đạo Tập Hợp Dân chủ Đa Nguyên

 

Ông Nguyễn Gia Kiểng cho rằng Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam "được coi như là một trong hai "bên miền Nam" trong khi ai cũng biết nó không có thực chất nào cả mà chỉ là một danh xưng rỗng nghĩa. Lực lượng cộng sản chiến đấu tại miền Nam hoàn toàn của Hà Nội và do Hà Nội điều khiển.

 

"Hai là hiệp định hoàn toàn không nói tới chính quyền cộng sản Bắc Việt, làm như là miền Bắc không có trách nhiệm gì trong cuộc chiến, trong khi chính quyền cộng sản Bắc Việt là kẻ chủ trương và điều động cuộc chiến đồng thời cũng là một trong hai bên đối thoại chính, cùng với Mỹ, trong hội nghị Paris.

 

"Ba là hiệp định quy định Mỹ sẽ rút hết quân khỏi miền Nam và hai bên miền Nam, đặc biệt là chính quyền Việt Nam Cộng Hòa, sẽ không được nhận thêm vũ khí và sử dụng cố vấn hay chuyên viên quân sự nước ngoài trong khi Hà Nội không bị bó buộc gì cả, không phải rút quân khỏi miền Nam và vẫn tiếp tục nhận viện trợ quân sự từ bên ngoài". 

 

Ông nói thêm, những người hiểu lầm nhất về Hiệp định khi đó có lẽ là những người thuộc "lực lượng thứ ba". 

 

"Họ nghĩ rằng hiệp định này sẽ dành cho họ một chỗ đứng trước hết trong Hội đồng Hòa giải và Hòa hợp Dân tộc và sau đó trong một chính quyền miền Nam trung lập. Họ không hiểu rằng miền Nam đang đứng trước nguy cơ gần như chắc chắn sắp bị thôn tính. Trên thực tế họ chỉ tiếp tay làm cho Việt Nam Cộng hòa sụp đổ nhanh hơn". 

 

.

Ai vi phạm Hiệp định Paris ? 

 

Năm 1973, Henry Kissinger và Lê Đức Thọ, hai nhân vật chủ chốt trong đàm phán, được trao giải Nobel Hòa bình. Ông Lê Đức Thọ từ chối. 

 

https://live.staticflickr.com/65535/52653435393_0a4f455251.jpg

Ký giả Từ Thức, người từng theo dõi về Hòa đàm Paris 1973 trong nhiều năm

 

Ông Từ Thức nói "Hiệp định Paris 1973 đòi ngừng bắn trên toàn miền Nam ; việc thống nhất đất nước sẽ được thực hiện bằng phương pháp hòa bình, qua tổng tuyển cử, trong thời hạn do miền Bắc và miền Nam đồng thuận. Trên thực tế, ngay sau khi ký Hiệp định, Cộng sản đã đánh phá nhiều nơi, gia tăng quân sự để chiếm thêm đất ở những vùng "da beo", thí dụ tổng công kích Bình Long, Ban Mê Thuột, và cuối năm 1974, đã chiếm trọn tỉnh Phước Long.

"Hiệp định Paris quy định miền Bắc phải ngưng việc đưa quân vào miền Nam. Trên thực tế, chỉ trong tháng 5/1973, Bắc Việt đã đưa thêm vào miền Nam 35.000 quân, 30.000 tấn võ khí". 

 

Hiệp định Paris cũng yêu cầu hai bên rút quân khỏi Lào và Campuchia, nhưng "Bắc Việt không những không rút quân, còn gia tăng hoạt động quân sự tại hai nước này".

 

Sử gia Lê Mạnh Hùng thì cho rằng Hiệp định Paris "là một cách để Mỹ tháo chạy ra khỏi Việt Nam mà không mất mặt. Trên phương diện pháp lý nó không có cả tính chính đáng (legitimacy) vì cả bốn bên không bên nào thông qua. Việt Nam Cộng hòa, Bắc Việt và Giải phóng Miền Nam không nói làm gì, nhưng ngay cả đến Mỹ, Hiệp định này cũng không được Thượng viện Mỹ thông qua".

 

Theo ông, "vì được thiết kế để cho Mỹ rút quân thành ra có thể nói không có điều khoản nào ràng buộc phía bên kia cả. Ngoài ra cũng không có biện pháp chế tài nào nếu bên kia vi phạm. Vả lại vì nó không có tính cách pháp lý thành ra ta cũng không thể lên án bên kia là vi phạm được". 

 

Nhưng Hiệp định Paris không chỉ nói ngừng chiến tranh và chấm dứt mọi can thiệp quân sự trực tiếp của Hoa Kỳ với vấn đề Việt Nam. 

 

Ông Từ Thức nói thêm : 

 

"Hiệp định Paris cấm mọi hành động trả thù, phân biệt đối xử. Sau khi Cộng sản chiếm miền Nam, tháng 4/1973, hàng triệu người bị bắt vào trại cải tạo, nhiều người mất mạng vì bị hành hạ, đói khát, mở đầu cho phong trào "boat people" của hàng triệu dân miền Nam liều chết vượt biển, tìm cách thoát khỏi chế độ".

 

.

50 năm nhìn lại 

 

https://live.staticflickr.com/65535/52653255674_4c3a6fcc0f_m.jpg

Sử gia Lê Mạnh Hùng 

 

Ông Lê Mạnh Hùng cho rằng "Trên quan điểm lịch sử, sau 50 năm nhìn lại, tôi nghĩ rằng trong tình thế lúc đó, Hiệp định Paris là một cái gì tất yếu phải xảy ra. Như Afghanistan trong năm 2021 cho thấy, khi Mỹ thấy cần bỏ chạy là họ bỏ chạy. Đối với Nixon và Kissinger, Việt Nam không còn quan trọng nữa khi họ đã mua được Tàu thành ra bỏ chạy ra khỏi Việt Nam là tất yếu, nhất là khi sự chống đối chiến tranh Việt Nam đang dâng lên ào ạt tại Mỹ. 

 

"Điều đáng buồn độc nhất là tuy rằng về phía Việt Nam Cộng Hòa, người ta có biết chuyện đó, nhưng giới lãnh đạo cũng vẫn không hoàn toàn tin hẳn rằng nó nói bỏ là bỏ ! Vì vậy không có bao nhiêu chuẩn bị để có thể cầm cự lâu dài với những phương tiện mình có hoặc là tìm thêm nguồn cung cấp vũ khí tại nơi khác".

 

Ông Từ Thức thì nói "Nhiều người ngạc nhiên trước sự thất thủ nhanh chóng của miền Nam năm 75, nhưng hãy tưởng tượng những gì xảy ra ở Ukraine ngày nay, nếu một sớm một chiều các nước Tây Phương cắt đứt viện trợ kinh tế, quân sự cho nước này ?" 

 

Ông cho rằng "Hiệp định Paris là một ô nhục đối với những người tranh đấu cho quyền tự quyết của các dân tộc, một vết đen trong lịch sử Hoa Kỳ, vì đây là lần đầu cường quốc này đã bỏ rơi đồng minh, tháo chạy. Nixon và Kissinger chỉ có một mục tiêu, làm quà cho cử tri Mỹ bằng cách chấm dứt chiến tranh".

 

Vì làn sóng phản chiến tại nhà, và để ngưng chiến và mang quân Mỹ trở về, Nixon đã chấp nhận rút toàn bộ quân Mỹ nhưng không nói gì đến quân đội Bắc Việt ở miền Nam. 

 

"Nixon hứa với ông Thiệu sẽ tái oanh tạc, sẽ phản ứng mạnh, nếu Bắc Việt vi phạm những điều đã ký kết, nhưng đã khoanh tay khi Cộng sản gia tăng chiến tranh, vì đang gặp khó khăn chính trị, đặc biệt là vụ Watergate. Sinh mệnh của hàng triệu người dân miền Nam rơi vào quên lãng". 

 

Nixon, theo ông Từ Thức, muốn "hòa bình trong danh dự", nhưng cuối cùng "chẳng có hòa bình cũng chẳng có danh dự, như tựa đề một cuốn sách của sử gia Larry Berman, No Peace, No Honor : Nixon, Kissinger and the Betrayal in Vietnam. Theo Larry Berman, đó là một hiệp định tự sát, một hòa bình ô nhục". 

 

Ông Nguyễn Gia Kiểng cho biết "Theo tôi hiệp định này đánh dấu một khúc quanh lớn của Mỹ trong đạo đức chính trị và chính sách đối ngoại. Đó là lần đầu tiên mà Mỹ rút lui và bỏ rơi một đồng minh, dần dần sự trở mặt đã thành một tập quán của Mỹ, dù là tại Liban, Iraq, Syria, Venezuela hay gần đây nhất tại Afghanistan.

 

"Điều mà tôi chỉ hiểu sau này khi các bí mật dần dần được tiết lộ là việc Mỹ bỏ rơi Việt Nam Cộng Hòa có liên hệ mật thiết với việc Mỹ vừa bắt tay được với Trung Cộng. Theo tính toán của Nixon và Kissinger nếu Hà Nội thôn tính được Sài Gòn thì Việt Nam sẽ rơi hẳn vào quỹ đạo Liên Xô vì Đảng cộng sản Việt Nam lúc đó theo Liên Xô và chống Trung Cộng, như thế Bắc Kinh sẽ phải sáp lại hơn nữa với Mỹ vì Liên Xô đang là thù địch của họ. Tính toán này ít nhiều được các tổng thống Mỹ sau đó tán thành, cho đến khi Trung Quốc trở thành mối đe dọa cho thế giới.

 

"Hệ quả là đất nước ta hoàn toàn bị đặt dưới chế độ cộng sản. Đó là một tai họa lớn. Chúng ta đang là một nước rất chậm tiến với một đảng cầm quyền cư xử như một lực lượng chiếm đóng hung bạo".

 

Ông Từ Thức nói "Bài học cay đắng là miền Nam nhỏ bé rơi vào trò chơi, tính toán chính trị của các thế lực quốc tế".

 

Nhìn lại sau 50 năm, ông Nguyễn Gia Kiểng nói "Thật đáng buồn, nếu miền Bắc chấp nhận bắt tay hợp tác với miền Nam để dần dần tiến tới thống nhất đất nước trong hòa bình thì bây giờ Việt Nam ít lắm cũng phải phồn vinh gấp nhiều lần hiện nay. Nhưng Đảng cộng sản đã đặt quyền lực và chủ nghĩa Mác Lênin lên trên hết".

 

Nguyễn Hải Di





No comments:

Post a Comment