Thứ Tư, 11/30/2022 - 14:02
— nguyenhuuvinh
https://www.rfavietnam.com/node/7436
Hoa Kỳ vật vã xoay trục
Bắt đầu từ thời kỳ Tổng thống Obama cầm quyền,
chính quyền Hoa Kỳ đã khởi động một chương trình được gọi là “Xoay trục sang
châu Á – Thái Bình Dương”. Những cuộc bàn luận về việc rút quân khỏi Iraq lúc bấy
giờ đã khá căng thẳng trong Quốc hội Hoa Kỳ.
Khi đó cụm từ Xoay trục được nhắc đến nhiều lần.
Và có lẽ đó là thời kỳ mở đầu cho việc Hoa Kỳ
thi hành chính sách đối diện với Trung Quốc, nhất là thời kỳ Tập Cận Bình lên cầm
quyền, từ bỏ chính sách “Nằm im chờ thời” bắt đầu từ Đặng Tiểu Bình.
Nhiều chính sách, chiến lược của Hoa Kỳ đã
chuyển biến, có nhiều thay đổi nhằm chống lại nguy cơ ngày càng hiện rõ khi
Trung Quốc rõ ràng đang bằng mọi cách cả chính danh lẫn không chính danh vươn
lên chiếm vị trí kinh tế, quân sự và nhiều mặt khác cạnh tranh trực tiếp với
vai trò đứng đầu thế giới của Hoa Kỳ.
Trước hết, là vượt Nhật Bản về kinh tế, vươn
lên nền kinh tế thứ 2 thế giới và tập trung hiện đại hóa quân đội, kinh tế với
một tham vọng rõ ràng không cần giấu diếm như trước, thậm chí là những tham vọng
lãnh thổ, lãnh hải và hà hiếp các quốc gia nhỏ bé lân cận.
Điều đó, đã báo động Hoa Kỳ khi vị trí dẫn đầu
thế giới đã bị cạnh tranh khốc liệt.
Và mâu thuẫn bắt đầu từ đó được đẩy lên một bước
mới.
Hiệp ước xuyên Thái Bình Dương (TPP) được
chính quyền Obama dày công xây dựng, là bước đi ban đầu quyết liệt của chính
quyền Obama nhằm bước những bước tiến dài, cơ bản để bao vây và kiềm chế, cạnh
tranh trực tiếp với Trung Quốc bằng một vòng vây tập thể.
Thế rồi, Obama hết nhiệm kỳ Tổng thống thứ 44.
Thời đại Tổng thống thứ 45 Donald Trump bắt đầu,
căng thẳng Mỹ - Trung được khơi lên ầm ĩ bằng các đòn trừng phạt và trả đũa lẫn
nhau gọi là cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung.
Bằng những lời lẽ ồn ào đao búa, Tổng thống thứ
45 của Hoa Kỳ Donald Trump đã thẳng thừng tuyên bố việc chống lại Trung Quốc
trong thâm thủng mậu dịch, trong việc siết chặt các quy định nhằm hạn chế nạn
ăn cắp bản quyền, ăn cắp trí tuệ… đã vốn xảy ra từ lâu đời và hình thành ở
Trung Quốc một thứ văn hóa “Học tập và làm theo” đến mức “Giả như thật”.
Song song với những đòn tăng thuế suất nhập khẩu
hàng hóa từ Trung Quốc là các biện pháp cấm các công ty của Trung Quốc hoạt động
tại Hoa Kỳ trong các lĩnh vực nhạy cảm về an ninh, cạnh tranh trực tiếp đến sở
hữu trí tuệ của Mỹ…
Những kết quả của cuộc chiến chưa hẳn là rõ
ràng ngoài việc lượng hàng nhập khẩu của Trung Quốc vào Hoa Kỳ tăng giá theo mức
thuế bị đánh rất nặng, và người dân Hoa Kỳ là người trả số tiền đó. Nói cách
khác, người dân Hoa Kỳ đã trả tiền túi của mình cho việc thu thuế suất tăng cao
từ hàng hóa Trung Quốc nhập khẩu.
Số tiền đó, cũng được dùng để chi trả cho nông
dân các tiểu bang như Wisconsin, Minnesota, Iowa… không xuất khẩu đỗ tương và
ngô sang thị trường Trung Quốc. Và hẳn nhiên, lượng hàng hóa Trung Quốc cũng bị
hạn chế phần nào giảm đi.
Không chỉ với Trung Quốc, mà với nhiều đối tác
của Hoa Kỳ như Canada, EU… thời kỳ Tổng thống Donald Trump cũng là thời kỳ cơm
không lành, canh không ngọt”.
Bởi với TT Trump thì ông “Chiến tất”. Thế cho
nên, việc huy động cả thế giới để tạo thế bao vây với Trung Quốc của Hoa Kỳ
chưa rõ rệt.
Rồi thời kỳ ồn ào quan hệ Mỹ - Trung của Tổng
thống Donald Trump cũng qua.
Và thời kỳ của Tổng thống thứ 46
Joe Biden đến với một sắc thái khác. Khác với sự ồn ào của người tiền nhiệm,
Joe Biden và chính quyền mới của Hoa Kỳ lại vẫn tiếp tục chính sách kiềm chế
Trung Quốc tối đa.
Tuy nhiên, tình hình Quốc tế đã có những biến
chuyển mới.
Đó là cuộc chiến xâm lược Ukraine của Nga đã đẩy
cả thế giới vào những lựa chọn khá khốc liệt.
Một liên minh ma quỷ mới?
Người ta đã nghĩ đến một cục diện thế giới sẽ
thay đổi ra sao, khi mà Nga liên kết với Trung Quốc để chống lại Hoa Kỳ.
Có thể thấy đó là lo ngại chính đáng, khi Nga
là một cường quốc kế thừa từ Liên Xô, một bên trong cuộc chiến tranh lạnh kéo
dài, Nga thừa hưởng hầu hết những thành quả của Liên Xô để lại từ khoa học,
kinh tế, vũ khí và các mối quan hệ Quốc tế.
Nga là quốc gia có lãnh thổ lớn nhất thế giới
với đầy đủ các loại tài nguyên, khoáng sản, năng lượng…
Và những khi đó, Nga đã tưởng vượt qua được thời
kỳ độc tài cộng sản của Liên bang Xô viết trước đây để lột xác vươn mình thành
một quốc gia dân chủ. Đó cũng là hy vọng không chỉ của người dân Nga, mà là của
cả các quốc gia khác.
Bởi có nền dân chủ thật sự, thì cách hành xử
và trách nhiệm quốc tế sẽ thay đổi.
Tuy nhiên, là một đất nước đã quen nuôi dưỡng
độc tài chuyên quyền, nước Nga đã không vươn mình lên được về phía dân chủ, mà
quay lại chịu chấp nhận bởi một nhân vật Putin thay thế Staline thuở trước, đưa
nước Nga vào vòng độc tài trở lại ở mức độ cao hơn.
Vốn nòi cộng sản, việc Putin bắt tay Tập Cận
Bình, hình thành mối liên minh ma quỷ là điều rất có thể và rất đáng lo ngại
lúc bấy giờ, khi mà nước Nga được coi như một cường quốc về quân sự với những
vũ khí được ca ngợi lên tận mây xanh.
Và người ta tưởng rằng, phen này thì khối cộng
sản lại được tập hợp và thế giới lại chia hai như xưa.
Cuộc chiến xâm lược tàn bạo và sự vỡ mộng
Cuối năm 2021, đầu năm 2022, những cuộc tập
trung gần 200.000 quân Nga trên biên giới Nga – Ukraine làm cả thế giới chú ý.
Tình báo Hoa Kỳ đã liên tục cáo buộc Nga tập trung quân ở biên giới nhằm lên kế
hoạch tấn công Ukraine. Bên cạnh đó, Nga còn có những cuộc tập trận chung cùng
với Belerusia. Tuy nhiên, Mosow liên tục phủ nhận, khẳng định mọi động thái điều
binh đều nhằm tự vệ và đảm bảo an ninh của đất nước mình.
Đầu tháng 2/2022, Putin đã đích thân đến Bắc
Kinh và gặp Tập Cận Bình. Cuộc gặp này diễn ra khi trên biên giới Nga – Ukraine
đang có những căng thẳng leo thang nghiêm trọng. Tại cuộc gặp đó, hai bên thề
nguyền, cam kết sẽ nâng tầm mức quan hệ khăng khít giữa hai bên đến mức “không
hạn chế. Putin đã hào hứng rằng nó đang "phát triển tích cực theo
con đường hữu nghị và đối tác chiến lược", và "Thực
sự là chưa từng có tiền lệ". Thậm chí Putin mô tả quan hệ Nga - Trung
là "hình mẫu về một mối quan hệ đáng quý".
Về phía mình, Trung Quốc tích cực lên tiếng ủng
hộ Nga trong bất đồng giữa Moscow với NATO liên quan đến vấn đề Ukraine. Trước
đó, Trung Quốc gọi những lo ngại về an ninh của Nga là "chính đáng",
nói rằng chúng cần được "xem xét và giải quyết một cách nghiêm
túc".
Được lời như cởi tấm lòng, Putin tin tưởng: "Khả
năng phối hợp chính sách đối ngoại giữa Nga và Trung Quốc được dựa trên các
cách tiếp cận gần gũi và trùng khớp trong nỗ lực giải quyết các vấn đề toàn cầu
lẫn khu vực”.
Thế rồi, với sự tin tưởng về tình “bạn
không giới hạn”, Putin yên chí trở về Moscow rồi trở mặt xua quân xâm lược
Ukraine một cách tàn bạo và trắng trợn bất chấp những lời mình đã tuyên bố cũng
như các nguyên tắc quốc tế.
Putin tin tưởng rằng, sẽ nhanh chóng giải quyết
việc xâm lược Ukraine và cả thế giới chỉ đứng nhìn như đã từng đứng nhìn Nga cướp
bán đảo Criema của Ukraine năm 2014.
Thế nhưng cuộc đời vốn không như là mơ. Cuộc
xâm lược của Putin đã vấp phải sự chống trả quyết liệt với tinh thần dũng mãnh
của quân và dân Ukraine.
Điều đặc biệt, là cả thế giới đã bừng tỉnh trước
sự kháng cự quật cường của Ukraine trước họa xâm lăng và đã sát cánh cùng với họ
trong cuộc chiến.
Cuộc chiến Ukraine bước sang tháng thứ 10.
Tính chất cuộc chiến vẫn là cuộc chiến xâm lược
và chống xâm lược. Tuy nhiên, tương quan cuộc chiến đã thay đổi. Có thể nói rằng,
đó là một cuộc chiến khốc liệt với những chuyển biến nhanh chóng về thế và lực
trên chiến trường.
Phía Nga, cuộc xâm lược tưởng chừng như sẽ thực
hiện hoàn hảo phương châm đánh nhanh, thắng nhanh, nay đã sa lầy vào những thất
bại liên tiếp to lớn và nhục nhã trên nhiều chiến trường, để bước vào một cuộc
chiến cầm cự và phòng thủ.
Thậm chí, giờ đây quân đội Nga - một “Cường
quốc quân sự đứng hàng thứ 2 thế giới” - nay đã bỏ chiến trường để
chuyển sang chiến đấu với các công trình dân sự như trạm điện, đập nước, cơ sở
năng lượng, và trường học, trạm hộ sinh.
Đó là những hành động côn đồ khủng bố.
Ngược lại, phía Ukraine, cuộc chiến chống xâm
lược, chấp nhận mọi hy sinh để bảo vệ lãnh thổ và quyền tự do, độc lập của một
dân tộc đã đi từ sự bị động, lúng túng ban đầu đã chuyển sang thế phản công và
giải phóng.
Có thể nói, quá trình cuộc chiến diễn ra suốt
9 tháng qua, cả thế giới đã chứng kiến nhiều sự thay đổi, mà điều thay đổi dễ
thấy nhất, đó là vị thế của nước Nga.
Từ một quốc gia được mệnh danh là “Cường quốc”,
được vị nể hoặc ít nhất là e ngại trên trường quốc tế khi có những sự kiện liên
quan đến Nga, nói theo ngôn ngữ dân gian, thì “Nói có kẻ nghe, đe lắm
người sợ”, qua một thời gian ngắn của cuộc chiến, Nga đã tự đưa mình vào vị
trí bị cả thế giới lên án, phỉ nhổ và cô lập.
Có thể thấy rõ điều này: Những lệnh trừng phạt
khắc nghiệt giáng xuống không chỉ Nga, mà còn là các tổ chức, cá nhân liên quan
đến hệ thống lãnh đạo Nga. Không chỉ về kinh tế, mà còn là ngoại giao và thương
mại…
Giờ đây, thay vì các hãng xưởng, các tập đoàn
kinh tế thế giới tìm đường vào đầu tư tại Nga, thì ngược lại, những chuyến tháo
chạy bằng mọi cách đã thành một làn sóng đẩy nên kinh tế Nga vào ốc đảo của sự
cô lập.
Có thể nói rằng, trước cuộc xâm lăng của Nga,
nói đến mùa đông, hẳn nhiên Châu Âu sẽ nói đến Nga là nguồn cung cấp năng lượng
dầu mỏ, than đá, khí đốt như một điều hiển nhiên không thể thiếu. Và dù là mối
quan hệ mua bán, nhưng không thể không nói rằng năng lượng đã đưa Nga lên một vị
thế khó có thể thay thế đối với Châu Âu. Đã hình thành một quan niệm khi người
ta cho rằng không thể có bất cứ phương thuốc cai nghiện nào hữu hiệu để châu Âu
chấm dứt cơn nghiện đối với năng lượng Nga.
Vì vậy, Nga đã tận dụng thứ vũ khí này qua một
quá trình lịch sử dài trong các cuộc xung đột. Để nhiều khi, dù bất bình với
chính sách xâm lược, bành trướng phi nghĩa của Nga, nhiều quốc gia vẫn cứ phải
“ngậm bồ hòn làm ngọt” mà im lặng, mà bỏ qua hoặc phản đối lấy lệ.
Tuy nhiên, chỉ mấy tháng sau cuộc chiến ở
Ukraine, điều đó đã hoàn toàn thay đổi.
Và cuộc tình Trung – Nga
Có lẽ, trước khi cuộc xâm lược diễn ra, ít người
tưởng tượng được nước Nga hùng cường lại có những ngày đen tối như hôm nay. Khi
mà chỉ mấy tháng, Nga đã lâm vào cơn khủng hoảng toàn diện về nhân lực, vũ khí,
đạn dược và cả tinh thần quân sĩ, nhân dân dành cho cuộc chiến.
Chẳng ai nghĩ rằng, có lúc, nước Nga cường quốc
lại phải lạy lục quỵ lụy Iran để mong được bán cho máy bay không người lái hay
tên lửa dùng cho chiến trường, điều mà chỉ có thể làm ngược lại trước đây.
Chẳng ai có thể nghĩ đến việc Nga muối mặt đặt
vấn đề mua đạn được và thậm chí là quân lính của Triều Tiên cho cuộc chiến xâm
lược của mình.
Ở đây, chúng ta nhìn nhận về một mối quan hệ
mà thoạt nhìn, người ta cứ tưởng rằng lại có mối quan hệ “Môi hở răng lạnh”
hay “máu chảy ruột mềm”, đó là mối quan hệ Nga – Trung.
Tin tức cho
hay, Nga đã yêu cầu Trung Quốc giúp đỡ về khí tài và quân sự, hậu cần cho quân
đội, nhưng phía Trung Quốc đã đánh bài lờ. Nghĩa là chẳng hy vọng gì ở mối tình
“không giới hạn” này, điều này Nga đến nay mới thấm.
Mới đây, tin từ Bloomberg cho hay: Trung Quốc
tạm dừng mua dầu của Nga, chờ phương Tây đưa ra "giá trần" đối với
"vàng đen" của Nga bắt đầu từ 6/12/2022.
Thông tin này có vẻ như rất bình thường trong
hàng núi thông tin hàng ngày trên thế giới. Tuy nhiên, nếu ai chú ý, sẽ thấy rất
rõ điều này: Mối quan hệ Nga – Trung không hề đơn giản sống chết có nhau “không
giới hạn” như những lời tuyên bố, thề thốt của cả hai bên đã từng cao
giọng bấy lâu nay.
Thế nhưng, mặc cho Nga sa lầy trong cuộc chiến,
Trung Quốc về hình thức không tham gia các biện pháp trừng phạt chống lại Nga
và thậm chí còn phản đối bằng lời nói, nhưng trên thực tế lại tuân thủ chúng.
Những thông tin cho biết Nga đề nghị sự trợ
giúp về quân sự và kinh tế từ Trung Quốc, nhưng đã bị cự tuyệt đã nói lên thái
độ này. Nghĩa là “mối quan hệ không giới hạn” này, chỉ giới hạn trong lời nói.
Trong khi đó, lợi dụng hoàn cảnh khó khăn của
Nga sa lầy trong cuộc chiến, bị cấm vận và hạn chế xuất khẩu năng lượng cho
châu Âu và các nước khác. Trung Quốc đã cùng với vài nước chơi con bài “đục
nước, béo cò” bằng nguồn năng lượng giá rẻ, chiết khấu cao bất ngờ từ
Nga mà Nga phải nghiến răng chấp nhận.
Và đến nay, khi nghe tin Phương Tây quyết định
đòn trừng phạt thứ 9 vào Nga bằng cách áp giá trần xuất khẩu dầu từ Nga, thì
người ta phát hiện ra rằng Trung Quốc đã tạm dừng nhập khẩu dầu từ Nga để chờ đợi
việc áp giá trần dầu mỏ của Nga có hiệu lực vào ngày 5/12/2022.
Mặc dù Nga phản đối rằng sẽ cắt hoàn toàn việc
bán dầu cho các quốc gia áp giá trần. Nhưng điều đó đồng nghĩa với đóng cửa
ngành khai thác nhiên liệu – một ngành xương sống của nền kinh tế Nga.
Và khi đó, dưới chiêu bài là “bạn thân không
giới hạn” của Nga, Trung Quốc sẽ là quốc gia thu lợi nhiều nhất từ nguồn nhiên
liệu, khí đốt giá rẻ mà Nga buộc phải chấp nhận.
Và người ta đọc ra mối quan hệ “tình nghĩa, thắm
thiết và không giới hạn” của những người cộng sản có ý nghĩa như thế nào.
Điều đó, cũng có nghĩa là mối liên minh ma quỷ
Trung – Nga chẳng có gì đáng sợ.
27/11/2022
J.B Nguyễn Hữu Vinh
.
No comments:
Post a Comment