Thursday, December 22, 2022

CUỘC CHIẾN DRONE ÁC LIỆT TRÊN BẦU TRỜI UKRAINE (Thụy My / RFI)

 



Cuộc chiến drone ác liệt trên bầu trời Ukraina 

Thụy My  -  RFI

Đăng ngày: 18/10/2022 - 19:42

https://www.rfi.fr/vi/%C4%91i%E1%BB%83m-b%C3%A1o/20221018-cu%E1%BB%99c-chi%E1%BA%BFn-drone-%C3%A1c-li%E1%BB%87t-tr%C3%AAn-b%E1%BA%A7u-tr%E1%BB%9Di-ukraina

 

Lâu nay các drone Bayraktar TB2 của Thổ Nhĩ Kỳ vẫn góp phần quan trọng trong cuộc chiến chống xâm lăng của Kiev, gây phấn chấn cho binh sĩ. Giờ đây Nga dùng drone Shahed của Iran để oanh kích vô tội vạ vào Ukraina. Cung cấp drone và hỏa tiễn cho Matxcơva, Teheran thủ lợi trong quan hệ đồng thời có thể dùng chiến trường Ukraina để thử vũ khí mới.

 

https://s.rfi.fr/media/display/b68482da-4f06-11ed-8a5e-005056bfb2b6/w:980/p:16x9/drone_04.webp

Ảnh minh họa : Các drone trong một cuộc tập trận tại một địa điểm không được tiết lộ của Iran, do quân đội nước này công bố ngày 24/08/2022. via REUTERS - WANA NEWS AGENCY

 

Đình công ở Pháp, Nga sử dụng drone của Iran để tấn công các thành phố Ukraina là hai đề tài được đề cập nhiều nhất hôm nay.

 

Zaporijia, thành phố thiệt hại nhiều nhất vì drone Iran

 

Đặc phái viên Le Figaro tại Zaporijia cho biết « Các drone Iran gieo rắc đau thương lên các thành phố Ukraina ». Từ hơn hai tuần qua, ngày nào Nga cũng oanh kích thành phố. Vào ban đêm, còi báo động thường xuyên hú lên, rồi đến tiếng nổ của vũ khí phòng không và hỏa tiễn, drone. Mỗi đêm Oleksandr, sĩ quan trung đoàn Hortitza cùng với khoảng hai mươi đồng đội tìm cách bắn hạ các drone Shahed-136, tuy khá thô sơ nhưng có thể gây thiệt hại nặng nề, người Ukraina đặt cho chúng biệt danh là « Mobylette ».

 

Họ dùng súng trường hay đại bác loại nhỏ bắn vào drone và hạ được khá nhiều vì chúng bay tương đối chậm. Chính phủ Ukraina còn công bố một tập hướng dẫn nhỏ, khuyến cáo nên bắn ở cách 13 mét nếu drone bay ở độ cao 200 mét. Khó khăn nằm ở chỗ làm sao nhận ra chúng. Biết drone dễ bị tiêu diệt, Nga tung ra vào ban đêm và hàng đàn nhằm tăng xác suất phá hoại. Oleksandr cho biết từ cuối tuần trước đã triển khai một hệ thống để nhắm bắn trong bóng tối, nhưng không thể tiết lộ, và cùng với các kỹ sư vi tính lập ra một chương trình để nếu phát hiện drone mà không bắn được thì báo cho đơn vị bạn.

 

Tuy khá thành công nhưng tất nhiên không thể diệt hết, hàng đêm các drone vẫn lao vào những tòa nhà của dân. Youri Rouzhine, chỉ huy trưởng và là người tài trợ chính cho trung đoàn Hortitza lo ngại trước việc thành phố này tiếp tục phải trả giá cho cơn giận của Putin vì vụ chiếc cầu ở Crimée. Dù mặt trận Zaporijia thuộc loại yên tĩnh, các cuộc tấn công vào thường dân đã làm 79 người chết chỉ trong vòng hai tuần qua.

 

Chiến tranh drone, từ Bayraktar tới Shahed

 

Trên Le Monde, giáo sư Jean-Pierre Filiu của Sciences Po nhận định, các drone Shahed của Iran đang đóng vai trò chính trong các cuộc oanh kích vô tội vạ của Nga trên lãnh thổ nước láng giềng. Cuộc chiến drone đang dữ dội trên bầu trời Ukraina.

 

Từ lâu Kiev vẫn trông cậy vào tính ưu việt của các drone Bayraktar TB2 của Thổ Nhĩ Kỳ, và sắp tới có thể sản xuất trong nước. Những drone này góp phần quan trọng trong cuộc chiến chống xâm lăng, gây phấn chấn cho binh sĩ, đến nỗi đã có bài hát ca ngợi. Tổng thống Volodymyr Zelensky hôm 09/09 cũng đã nồng nhiệt đón tiếp Selcuk Bayraktar, con rể tổng thống Erdogan và là chủ công ty đã cho ra đời loại drone mang tên mình.

 

Để cố gắng khắc phục điểm yếu này, Matxcơva đã mua drone Shahed (nghĩa là « cảm tử »). Tuy không tinh tế bằng, nhưng chúng có thể bay xa 2.500 kilomet, và như vậy có thể bắn đi từ Belarus hay Crimée. Các drone này được sản xuất bởi Iran Aircraft Manufacturing Industries (viết tắt theo mẫu tự Ba Tư là HESA), công ty nằm trong danh sách bị phương Tây trừng phạt vì tham gia chương trình nguyên tử. Loại drone trên đã được dùng để tấn công vào các cơ sở dầu khí của Ả Rập Xê Út tháng 9/2019 và vào Các tiểu vương quốc Ả Rập Thống Nhất tháng 1/2022.

 

Cung cấp drone, Iran giành lợi thế trong quan hệ với Nga

 

Trong bài « Chiến tranh Ukraina, khi Nga lệ thuộc drone của Iran », La Croix cho biết ngoài những drone đang đóng vai trò quan trọng, Iran còn cung cấp hỏa tiễn cho Nga. Đợt tấn công mới nhất của các drone tự sát hôm qua vào khu vực trung tâm Kiev cho thấy vai trò đang tăng lên của Iran như nhà cung cấp thiết bị quân sự cho Matxcơva, tuy lâu nay Nga là nhà xuất khẩu vũ khí thứ nhì thế giới.

 

Nga có các drone không vũ trang chuyên dọ thám, nhưng không đầu tư vào drone tác chiến. Các cố vấn kỹ thuật Iran những tuần lễ gần đây đã đến các vùng đang do Nga kiếm soát để hướng dẫn sử dụng drone. Theo chính phủ Ukraina, cố vấn Iran có mặt tại Zaliznyi Port và Hladivtsi (Kherson) và Djankoi (Crimée).

 

Giảng viên Clément Therme của Sciences Po phân tích, điều này cho thấy Nga đang cần đến Iran nhiều hơn trước. Để đổi lấy các drone và hỏa tiễn, Iran sẽ nhận được chiến đấu cơ Sukhoi-35 và hiện đại hóa thiết bị quân sự, trong khi lâu nay Matxcơva vẫn ngần ngại không muốn cung cấp các loại vũ khí tân tiến cho Teheran.

 

Chiến trường Ukraina thành nơi Teheran thử vũ khí

 

Can dự vào cuộc chiến Ukraina dù luôn chối cãi, Iran có nguy cơ bị phương Tây trừng phạt. Pháp đã cảnh báo Teheran vì nghị quyết 2231 của Liên Hiệp Quốc cấm Iran xuất khẩu hỏe tiễn cho đến năm 2023. Tuy nhiên theo chuyên gia Pierre Razoux trên Le Figaro : « Iran đang bị cô lập và không muốn rơi vào tay Trung Quốc, nên cần đến Ấn Độ và Nga. »

.

Không chỉ chuyển cho Nga hàng trăm drone Shahed-136 và Mohajer-6, các quan chức Iran còn sang Matxcơva vào giữa tháng Chín để bàn việc cung cấp thêm nhiều loại vũ khí khác kể cả hỏa tiễn địa-địa. Theo cơ quan tình báo của một nước đồng minh Mỹ được Washington Post nêu ra, Teheran chuẩn bị giao các hỏa tiễn đạn đạo đầu tiên loại Fateh-110 và Zolfaghar có tầm bắn 300 đến 700 kilomet.

 

Teheran sở hữu trên 3.000 hỏa tiễn đạn đạo. Những phiên bản mới mạnh hơn và chính xác hơn, một số được trang bị hệ thống dẫn đường. Trở thành đối tác quân sự ưu tiên của Nga, các cố vấn quân sự Iran có mặt bên cạnh lực lượng Nga sẽ rút tỉa được kinh nghiệm để hoàn thiện công nghệ cho vũ khí. Một nguồn tin quân sự Pháp cho biết Iran đã có những bước tiến quan trọng « sau khi nghiên cứu một drone của Mỹ ở Afghanistan ».

 

Mykhailo Podolyak, cố vấn tổng thống Ukraina phẫn nộ : « Iran phải chịu trách nhiệm về các vụ sát hại người Ukraina. Một đất nước đàn áp nhân dân mình và nay đang cung cấp vũ khí cho Nga để giết người hàng loạt ngay tại châu Âu ».

 

Hải chiến tương lai không thể thiếu drone

 

Đối với tổng giám đốc tập đoàn Pháp Naval Group, « Drone cũng là tương lai của các trận hải chiến ». Nhân hội chợ Euronaval, khi trả lời Les Echos ông Pierre-Eric Pommellet cho rằng cuộc chiến tranh ở Ukraina cho thấy cần phải bảo vệ vùng duyên hải và hiện đại hóa đội tàu, được bổ sung bằng các drone hoạt động trên biển. Vụ đánh chìm soái hạm Moskva chứng tỏ một khi chiến hạm hoạt động trên biển cần kích hoạt một loạt hệ thống tự vệ (radar, phòng không, máy dò tàu ngầm…).

 

Cách đây vài tháng, Hoa Kỳ cảnh báo sẽ không tăng số chiến hạm mà tăng cường drone để thêm hiệu quả cho các trận hải chiến. Đã có các drone chuyên phá mìn dưới nước, thám hiểm đáy biển, và giờ đây cần triển khai drone tác chiến, có thể mở rộng khả năng của hạm đội về tình báo, bảo vệ cơ sở hạ tầng…Ông Pommellet hy vọng có được một bộ phận chuyên về drone hải chiến, riêng Naval Group đã thử nghiệm một drone hoạt động trên đại dương, dài 10 mét và nặng hơn chục tấn.

 

Tiết lộ về vụ xả súng ở căn cứ quân sự Nga

 

Về vụ xả súng đẫm máu tại căn cứ quân sự Soloti tại Belgorod hôm 15/10 mà bộ Quốc Phòng Nga nói rằng « tấn công khủng bố », Le Monde tiết lộ thêm một số thông tin từ các nguồn độc lập. Ngay từ đầu dư luận đã nghi ngờ vì bản thông cáo quá ngắn gọn đưa ra 10 tiếng đồng hồ sau sự kiện, nói rằng 11 binh sĩ chết và 15 bị thương, thủ phạm là « hai công dân một nước thuộc Cộng đồng các quốc gia độc lập » (gồm 9 nước thuộc Liên Xô cũ). Nhiều blogger và báo chí độc lập cho biết đó là Tadjikistan.

 

Astra, trang web do các nhà báo lưu vong thành lập dẫn lời một nhân chứng với những mô tả rất cụ thể, nói rằng cuộc xung đột đã nổ ra khi ba tân binh vừa bị động viên, xuất thân từ nhiều vùng đất Nga theo đạo Hồi, tuyên bố từ chối chiến đấu tại Ukraina. Viên sĩ quan phụ trách bèn tập hợp những người lính lại, nói rằng « Allah sẽ là một kẻ hèn nhát nếu không cho phép các bạn chiến đấu vì đất nước ». Câu nói này gây phẫn nộ cho những tân binh theo đạo Hồi dẫn đến vụ xả súng. Nhân chứng này, cũng bị thương trong vụ xung đột, nói rằng có đến 29 người thiệt mạng trong đó có vị sĩ quan.

 

Về các nạn nhân cũng có nhiều nghi vấn. Từ cuối tháng Chín, nhiều nhân chứng cho biết căn cứ Soloti có khoảng 100 tân binh từ vùng Briansk, phản đối việc bị gởi đi tác chiến ở Lyman mà chưa hề được huấn luyện. Ngay cả những người thân cận với chế độ cũng nhìn nhận quân đội thâu nạp hàng ngàn người mà không kiểm tra sức khỏe. Những video từ khắp nước cho thấy có những thanh niên bị bắt ngay trên đường phố, trên phương tiện giao thông công cộng, những người tuyển mộ trấn giữ ở lối vào các tòa nhà để phân phát lệnh động viên. Những thông tin độc lập cho biết những ngày gần đây lệnh động viên còn được trao cho công dân các nước Trung Á đang lao động tại Nga, trong khi họ chỉ có mỗi tờ giấy phép cư trú.

 

Đảng lãnh đạo và chủ nghĩa xã hội : Công thức « hiện đại hóa » của Tập Cận Bình

 

Nhìn sang châu Á, nơi đảng Cộng sản Trung Quốc bắt đầu họp kín sau lễ khai mạc đại hội đảng, Le Monde nhận thấy quả là đặc biệt khi trong bài diễn văn dài gần hai tiếng đồng hồ, tổng bí thư không hề nhắc đến cuộc chiến tranh ở Ukraina. Tập Cận Bình cũng không một lời về tình trạng kinh tế đang chậm lại, thanh niên thất nghiệp hàng loạt, tình hình Tân Cương, sửa đổi Hiến Pháp. Ngay cả chính sách zero Covid đang làm tê liệt một phần đất nước từ gần ba năm qua cũng chỉ được gói gọn trong mỗi một câu, là « cuộc sống và sức khỏe của nhân dân được bảo vệ tối đa ». Không một lời về hàng mấy chục triệu người bị phong tỏa nhiều tuần lễ trong các điều kiện đôi khi vô nhân đạo. Về việc đàn áp Hồng Kông, ông Tập nói rằng « trật tự đã được tái lập ».

 

Ấn tượng hơn nữa là ông phê phán tình trạng của đảng trước khi ông lên ngôi tháng 11/2012, « ban lãnh đạo yếu kém », và mạng xã hội thì rất lộn xộn. Xu hướng mác-xít thấy rõ khi Tập Cận Bình nhắc đến đảng cộng sản 142 lần, và chủ nghĩa xã hội 81 lần. Sự hiện diện của đảng cần phải bao trùm lên tất cả để biến Trung Quốc thành « một đại quốc tân tiến trong tất cả mọi lãnh vực ». Nhưng không phải « hiện đại » gắn liền với « phương Tây », mà ngược lại. Trung Quốc đứng về « phía tốt đẹp của lịch sử », khác với « một số nước đã hiện đại hóa nhờ chiến tranh, thực dân và tước đoạt ».

 

Hiện đại hóa, theo ông Tập, có nghĩa là « duy trì sự lãnh đạo của đảng cộng sản Trung Quốc và tiếp tục chủ nghĩa xã hội theo đặc thù Trung Hoa ». Tập Cận Bình vẽ ra một bức tranh u ám đối với phương Tây, tố cáo việc bắt bí của Mỹ về công nghệ. Trong khi đó cũng theo Le Monde, « Nông nghiệp Trung Quốc đang đứng trước thách thức biến đổi khí hậu ». Ông Tập nhiều lần nhắc đến « chén cơm » - đất nước hơn 1 tỉ dân luôn bị ám ảnh bởi lương thực. Chưa bao giờ nhiệt độ lại cao như vậy ở Hoa lục : 45°C ở Trùng Khánh hôm 18/08, nhiều tỉnh khác nhiệt độ vượt quá 40°C, và cũng chưa bao giờ hạn hán lại kéo dài như thế.





No comments:

Post a Comment