Covid-19 : Dân Trung Quốc được « tự do khóc thương cho người quá cố »
Chi Phương - RFI
Đăng ngày: 28/12/2022 - 14:45
Vào những ngày cuối năm 2022, tình hình Covid-19 tại
Trung Quốc là chủ đề lớn được nhiều báo Pháp số ra hôm nay, 28/12/2022, quan
tâm. Sau 3 năm áp dụng chính sách Zero-Covid với những hạn chế nghiêm ngặt,
chính quyền Bắc Kinh thông báo kể từ ngày 08/01 sẽ ngừng cách ly bắt buộc
đối với những người nhập cảnh Trung Quốc. Le Monde chạy tựa lớn trang nhất « Số
ca nhiễm Covid-19 bùng nổ, Trung Quốc mở cửa biên giới ».
Phi hành đoàn mặc đồ bảo
hộ trong chuyến bay tới Trung Quốc khởi hành từ sân bay JFK, New York, Mỹ, ngày
24/12/2022. AP - Emily Wang Fujiyama
Kể từ ngày 27/03/2020, Trung Quốc đã ngừng cấp visa cho người nước
ngoài, 98 % các chuyến bay quốc tế bị hủy. Những người hiếm hoi được nhập cảnh
vào Trung Quốc thì phải trải qua quá trình cách ly nghiêm ngặt trong « bong
bóng y tế », ngay cả các lãnh đạo thế giới như thủ tướng Đức Olaf
Scholz hay chủ tịch Hội Đồng Châu Âu Charles Michel cũng không được hưởng ngoại
lệ. Phóng sự của La Croix cho thấy nhiều người vui mừng vì sẽ có thể đi du lịch
nước ngoài. Một số khác thì tính đến việc xuất ngoại để đi tiêm vac-xin của Hoa
Kỳ, ví dụ như sang Macao. Tuy nhiên, việc xuất ngoại có thể không dễ dàng vì
tình trạng tiếp nhận khách du lịch từ Trung Quốc của một số nước. Le Monde nêu
ra trường hợp của Ấn Độ, mới đây vừa đưa ra yêu cầu xuất trình xét nghiệm âm
tính với Covid-19 (PCR) đối với du khách từ Trung Quốc, và cả Nhật Bản hay Hàn
Quốc.
Libération cũng dành hồ sơ lớn về chủ đề này. Xã luận của nhật báo
thiên tả dùng một từ trong tựa đề để miêu tả tình hình ở Trung Quốc : « bi
kịch ». Số ca nhiễm tăng vọt. Từ bệnh viện, nhà thuốc, cho đến các nhà
hỏa táng đều quá tải. Theo Libération, trước khi chính quyền nới lỏng hạn chế
di chuyển, dịch vụ hỏa táng ở nghĩa trang Bát Bảo Sơn ở Bắc Kinh tiếp nhận
khoảng 150 thi hài, nay phải xử lý đến 600. Nhân viên làm việc tại các cơ sở
này không xác định được những người này tử vong là do Covid hay không, vì không
có thông tin trên giấy chứng tử.
Xã luận Libération kết luận rằng, chính quyền Bắc Kinh đã đáp lại phản
ánh bất bình của người dân, dỡ bỏ chính sách Zero Covid. Người dân Trung Quốc
nay đã tìm lại được tự do, nhưng đó là tự do khóc thương cho người thân của họ
: « Một tấn bi kịch của lịch sử ».
Covid-19 nay chính thức được coi là một căn bệnh truyền nhiễm, ít nguy
hiểm hơn, và không còn là bệnh về phổi. Kể từ ngày 25/12, chính phủ Trung Quốc
không còn cung cấp thông tin về số ca nhiễm, cũng như ca tử vong vì Covid-19
thường nhật như thông lệ từ 3 năm qua. Tuy nhiên, theo số liệu của tỉnh Chiết
Giang, có đến khoảng 1 triệu ca nhiễm mỗi ngày và con số này có thể
lên đến 2 triệu ca vào dịp năm mới. Một số hãng thông tấn thì ước tính khoảng
18-20% dân số Trung Quốc đã bị nhiễm Covid-19.
Sau các cuộc biểu tình với quy mô lớn nhất từ nhiều thập kỷ, người dân
phẫn nộ với cảnh phong tỏa, chính quyền Bắc Kinh đã nhanh chóng nới lỏng các hạn
chế. Nhưng việc dỡ bỏ bị cho là « quá nhanh »
mà chưa có sự chuẩn bị. Trung Quốc vẫn cấm sử dụng các loại vac-xin của quốc
tế. Mặc dù Trung Quốc được cho là nhà sản xuất paracetamol lớn nhất thế giới,
nhưng nhiều dây chuyền sản xuất paracetamol cũng như các loại thuốc trị cúm
khác đã bị ngưng trệ do đại dịch. Nhiều loại thuốc trở nên khan hiếm.
Theo thông tín viên của Le Monde từ Tokyo, những người Trung Quốc ở hải
ngoại, như ở Nhật Bản, Hàn Quốc, Úc hay Singapore « đổ xô » đi
mua thuốc trị cúm gửi về nước cho người thân. Một số nhà thuốc tại một số quốc
gia này đã phải hạn chế số lượng thuốc bán ra cho mỗi khách hàng.
Không chỉ nói đến cú « lội ngược dòng », quay ngoắt
180 độ trong chính sách tuyên truyền về Covid-19 của Trung Quốc, Libération
cũng đề cập đến nguy cơ xuất hiện biến thể mới. Nhật báo thiên tả trích dẫn nhận
định của nhà nghiên cứu Yannick Simonin, thuộc Viện Nghiên cứu Y học và Sức khỏe
Quốc gia của Pháp (INSERM), cho rằng việc virus lây lan nhanh trên diện rộng và
không được kiểm soát có thể dẫn đến nguy cơ xuất hiện các biến thể mới, như trường
hợp của biến thể xuất phát từ Omircon BA.5 hay BQ.1.1. Một điều đáng lo ngại
khác là chính quyền Bắc Kinh ngừng đưa tin về số ca nhiễm. Nếu không được cung
cấp thông tin để truy vết cũng như nghiên cứu, thì rất khó có thể dự báo sự xuất
hiện của các biến thể nguy hiểm.
Hoa Kỳ : Trận bão tuyết « chết chóc »
Về thời sự quốc tế, nhiều báo vẫn quan tâm đến trận bão tuyết « thế
kỷ » ở Hoa Kỳ. Libération gọi đây là « cạm bẫy của băng tuyết ».
Một ngày sau lễ Giáng Sinh, khoảng 200 000 người sống trong tình trạng báo
động, 16 000 chuyến bay đã bị hủy vì hiện tượng khí hậu cực đoan, có nguy
cơ bao phủ khắp Bắc Mỹ đợt gió Bắc Cực băng giá. Gần 70 người đã thiệt mạng,
trong đó có ít nhất 28 người ở thành phố Buffalo. Có những người bỏ mạng vì mắc
kẹt ở trong xe, một số khác thì bị đột quỵ khi đang dọn tuyết.
Le Figaro thì gọi đây là « địa ngục tuyết » mà hàng
triệu người dân Mỹ đang phải trải qua. Nhiệt độ xuống -50 độ C tại Montana, -38
độ C tại Minnesota hay -18 độ C ở Dallas. Hơn 1,5 triệu người không có điện hoặc
không có hệ thống sưởi. Những người già chết vì lạnh hoặc vì một bệnh lý khác
vì không được trợ giúp y tế kịp thời do nhiều tuyến đường bị tuyết bao phủ. Nạn
nhân trẻ nhất là 27 tuổi, người cao tuổi nhất là 93 tuổi.
Vào thứ Tư, có khả năng tuyết sẽ ngừng rơi, nhưng các thành phố ngập
trong tuyết, có nơi lên đến 3 mét, khó có thể nhanh chóng quay về tình trạng
như cũ. Ngoài ra, cũng phải nói đến nguy cơ xảy ra ngập lụt nếu tuyết tan đột
ngột.
Về phần mình, La Croix nêu ra những trận bão tuyết mà Hoa Kỳ đã từng phải
hứng chịu trong lịch sử, điển hình là trận bão với tên gọi Snowzilla xảy ra vào
năm 2016, hay trận bão tuyết vào mùa đông năm 1976-1977, tuyết dày lên đến 2,5
mét ở nhiều nơi. Liệu hiện tượng khí hậu cực đoan này có phải do hiện tượng
Trái đất nóng lên ? Hiện vẫn chưa có nghiên cứu cụ thể để xác nhận, nhưng
theo giới chuyên gia, điều chắc chắn đó là các đợt giá lạnh kỷ lục sẽ xuất hiện
ít hơn những đợt nắng nóng kỷ lục trong những năm tới, vì Trái đất bị hâm
nóng.
Thế Vận Hội 2024 : Sân chơi thể thao của thế
giới nhưng không phải của người dân Pháp
Về thời sự nước Pháp, nếu như Le Figaro quan tâm đến cuộc khủng hoảng « giao
thông » và tình trạng xuống cấp của nhiều tuyến đường, đặc biệt là sự
bất cập của các chuyến tàu kết nối thủ đô Paris với các tỉnh thành khác, thì
Libération và Le Monde đề cập đến khả năng của Pháp đón tiếp Thế Vận Hội
2024.
Theo thống kê, khoảng 80 000 cơ sở thể thao ở Pháp cần được tu sửa,
đặc biệt là về hệ thống sưởi và cách nhiệt. Trong bối cảnh giá năng lượng tăng
cao, chi phí sưởi ngày càng đắt đỏ. Nhiều nơi đã quyết định đóng cửa các sân
trượt băng, hay bể bơi. Chi phí để cải tạo, sửa chữa hệ thống sưởi của các sơ sở
này lên đến hàng triệu euro, ngoài tầm với của nhiều địa phương. Vào
cuối tháng 11 vừa qua, khi biểu quyết để thông qua ngân sách cho năm 2023, thượng
nghị sĩ của đảng Những Người Cộng Hòa Michel Sauvin đã nêu ra nghịch lý, chất vấn
chính phủ : « Thế Vận Hội 2024 có thể tạo ra những di sản gì ,nếu
như mà tất cả người Pháp không thể tham gia các hoạt động thể thao tại nhiều
nơi ?». Trong khi đó, theo Le Monde, Thế Vận Hội là dịp mà chính quyền đưa
thể thao thành một vấn đề quốc gia, là sự kiện để khuyến khích phát triển các
hoạt động thể thao
Thế Vận Hội Paris, diễn ra từ ngày 26/07 đến 11/08/2024, cũng đang là
chủ đề tranh luận sôi nổi trong giới nghệ sĩ. Theo Libération, chính phủ Pháp
đã để ngỏ thông tin về nguy cơ hủy hoặc trì hoãn nhiều lễ hội âm nhạc tổ chức
trong dịp này, ước tính lên đến 2600 lễ hội âm nhạc. Quan chức Pháp muốn huy động
tối đa nhân lực trong lĩnh vực tổ chức sự kiện cho Thế Vận Hội. Nhiều ban tổ chức
lễ hội âm nhạc bức xúc vì chính phủ « nhập nhằng », không có
thông tin rõ ràng và có khả năng đưa ra quyết định vào phút cuối, trong khi mà
mỗi một lễ hội âm nhạc cần nhiều tháng, có khi vài năm, để chuẩn bị.
Sự phụ thuộc nguy hiểm của châu Âu
Về thời sự châu Âu, Le Figaro chỉ ra tình trạng phụ thuộc của Đức vào
công nghệ của Trung Quốc, đặc biệt là trong lĩnh vực viễn thông. Khoảng 59% hạ
tầng phát triển mạng 5G là do tập đoàn Hoa Vi của Trung Quốc phụ trách. Về phía
Pháp, tỷ lệ này là khoảng 17%. Trong khi đó các nước như Estonia, Đan Mạch thì
nói "không "với Hoa Vi vì vấn đề an ninh.
Nhật báo thiên hữu cũng chỉ ra rằng viễn thông không phải là lĩnh vực
duy nhất mà Đức phụ thuộc vào tập đoàn của Trung Quốc. Hoa Vi cũng đã ký nhiều
hợp đồng với các hãng ô tô lớn như BMW hay Mercedes-Benz. Các đối tác của Đức
lo ngại vì Berlin có thể mất đi khả năng đàm phán và tự chủ chiến lược, đặc biệt
là khi căng thẳng tại eo biển Đài Loan lên đến đỉnh điểm và có nguy cơ là Bắc
Kinh sẽ tấn công Đài Bắc. Như vậy thì châu Âu khó có thể nhất trí đưa ra một phản
ứng chung cũng như các quyết định trừng phạt Bắc Kinh, như đã làm với Matxcơva.
Đức cũng không phải là quốc gia duy nhất phụ thuộc vào Trung Quốc, mà trong đó
có cả Áo và Ý. Riêng Cộng hòa Chypre thì 100 % hạ tầng viễn thông của nước này
do Hoa Vi phát triển.
Trong một bài đăng khác, Le Figaro trích dẫn nhận định của lãnh đạo ngoại
giao châu Âu Josep Borrell, nhấn mạnh rằng « trách nhiệm của châu
Âu » đó là phải giành được tự chủ về kinh tế cũng như quân sự. Châu Âu
đã vực dậy sau Đệ Nhị Thế Chiến nhờ vào trợ giúp của Hoa Kỳ. Vào những năm
1990, trong cuộc chiến ở vùng Balkan, châu Âu không có đủ khả năng can thiệp và
phải đợi đến khi Hoa Kỳ nhảy vào này thì các nước châu Âu láng giềng của
vùng Balkan mới theo sau. Lãnh đạo ngoại giao châu Âu cho rằng sự phụ
thuộc rất nguy hiểm, ví dụ điển hình có thể thấy đó là việc mua khí đốt từ
Nga.
Vẫn về thời sự châu Âu, liên quan đến cuộc chiến ở Ukraina, theo Les
Echos, khủng hoảng nhập cư đứng đầu trong chương trình nghị sự năm 2023 của khối
27 nước. Khoảng 8 triệu người Ukraina hiện đang xin tị nạn ở các nước thuộc
Liên Hiệp Châu Âu, chủ yếu ở Đức, Ba Lan và Rumani. Ngoài việc phải đối mặt với
nạn nhập cư bất hợp pháp, châu Âu cũng phải giải quyết các hồ sơ nhập cư hợp
pháp đối với một số nhóm ngành thiếu hụt lao động, như xây dựng, nhà hàng,
khách sạn.
--------------------------
Các nội dung liên quan
Dịch
Covid bùng phát mạnh ở Trung Quốc và những hậu quả tiềm ẩn
Covid-19:
Bắc Kinh chấm dứt cách ly bắt buộc với khách đến Trung Quốc
Thống
kê số ca nhiễm Covid tại Trung Quốc: Trống đánh xuôi, kèn thổi ngược
No comments:
Post a Comment