Saturday, December 3, 2022

CHỤC CÁI ĐẦU NHÉT VÀO MỘT CÁI ĐẦU (Chu Mộng Long)

 



CHỤC CÁI ĐẦU NHÉT VÀO MỘT CÁI ĐẦU   

Chu Mộng Long

1-12-2022  11:37   

https://www.facebook.com/Chumonglong/posts/6470343176313204

 

Khi họp Hội đồng thông qua Chương trình đào tạo Chứng chỉ liên môn, tôi hỏi: Riêng liên môn Lý - Hoá - Sinh, có đến gần chục giảng viên đứng tên dạy với các chuyên ngành (chuyên môn sâu hoặc đại cương) khác nhau. Liệu có thể để một giảng viên dạy hết hệ thống các chuyên đề từ Lý đến Hoá, Sinh được không? Cả hội đồng im lặng. Hiển nhiên là không thể. Không ai đủ khả năng dạy hai ba ngành khác nhau, dù ở đây toàn tiến sĩ trở lên. Nếu có, đó chỉ có thể là kẻ điếc không sợ súng!

 

Bộ Giáo dục & Đào tạo và ông Nguyễn Minh Thuyết chủ trương đem chục cái đầu nhét vào một cái đầu. Nói cách khác, cái đầu của giáo viên phổ thông sau khi học bổ túc vài tháng có khả năng bằng chục cái đầu giảng viên đại học cộng lại. Khó thế mà họ vẫn nghĩ ra và làm được. Xem chừng khó hơn 10m2 mà sản xuất mỗi ngày 30.000 bộ kittest của Việt Á.

 

Giá một cái tờ giấy in Chứng chỉ liên môn chắc chắn cao hơn nhiều lần một bộ Kittest Việt Á đấy! Hơn 3 triệu đồng/một cái tờ giấy có tên là Chứng chỉ tích hợp liên môn, trong khi thời gian vài ba tháng và cách thức dạy học trực tiếp hoặc online chiếu lệ, ai cũng biết nó đạt được gì trong đó. Trong khi quy trình để đạt được chuẩn của khối kiến thức gọi là liên môn đó phải nhân ba hoặc bốn lần so với học cao đẳng và đại học chuyên ngành.

 

Tưởng tượng ra một giáo viên phổ thông có thể dạy được ba bộ môn khoa học khác biệt, có lẽ ông Phùng Xuân Nhạ, Nguyễn Kim Sơn và ông Nguyễn Minh Thuyết đã từng đạt được mới to gan tạo ra và giữ cái lập trường phản khoa học vậy?

 

Nếu đúng các ông là thiên tài, gì cũng học và dạy được, đề nghị hai ông đi học chứng chỉ và dạy mẫu cho thiên hạ xem?

 

Trong bài phát biểu mừng 20.11, ông Sơn nói, mô hình người thầy biết 10 dạy 1 không cần nữa. Chỉ cần biết phương pháp tổ chức học tập là dạy gì cũng được. Trong khi sự thực, Chương trình đào tạo chứng chỉ "tích hợp liên môn" toàn là học Hóa, Lý, Sinh cao cấp, tức chuyên sâu, hoặc là rất đại cương, điều đã học ở phổ thông, chỉ có một học phần nhỏ gọi là phương pháp dạy học. Kiến thức tự nó hình thành phương pháp hay phương pháp hình thành kiến thức? Chỉ tổ chức hoạt động và tự hình thành kiến thức, kỹ năng như khi nhân loại mới bắt đầu những mày mò nghiên cứu khoa học ư? Tức là theo các ông, người học trở về thời cổ đại hay cái thời chỉ cần biết cưa bom là có thể chế tạo được bom?

 

Khi họp thông qua chương trình đào tạo, tôi chưa thấy sách giáo khoa "tích hợp", "liên môn" kiểu gì. Sau đó mới biết chẳng có "liên môn", chẳng có "tích hợp" gì cả. Chỉ là gộp ba quyển sách lại thành một quyển sách, vẫn môn nào ra môn nấy, bài nào ra bài nấy rồi lấy cái tên là "Khoa học tự nhiên". Trung học mà tên sách giống như Tiểu học vậy. Não con người phát triển theo hướng chuyên biệt sau khi học thường thức ở tiểu học. Chuyên biệt để phục vụ cho nhu cầu nghề nghiệp đòi hỏi ngày một chuyên sâu. Trong khi tích hợp theo cách cộng gộp này chỉ có thể làm loạn não giáo viên và học sinh, bắt ép giáo viên phải bỏ tiền học thi chứng chỉ, và kéo theo đe dọa giảm biên chế. Ở đất nước này, người ta tạo "áp lực" để biến thành "động lực" cho kẻ làm tiền chứ thành "động lực" chính đáng nào trong chủ thể là người học?

 

Và sự thực, từ khi công bố chương trình cho đến giờ, các trường đại học đã háo hức thi nhau làm tiền bằng cách mở đủ hình thức đào tạo chứng chỉ, mở loạn xạ, mở chộp giật như cái chợ trời để làm tiền. Lãi suất được cống nộp thế nào không ai biết. Còn giáo viên và học sinh thì sống chết mặc bay.

 

Chu Mộng Long

 

Hình :  https://www.facebook.com/photo/?fbid=6470343132979875&set=a.2850091388338419

 

.

41 BÌNH LUẬN  





No comments:

Post a Comment