Thursday, December 29, 2022

CHU VĂN TẤN, MỘT CÔNG THẦN BỊ CHÔN VÙI (Nguyễn Thông)

 



Một công thần bị chôn vùi   

Nguyễn Thông  (Nguyễn Thông Cào)

25-12-2022  03:32  

https://www.facebook.com/permalink.php?story_fbid=pfbid02CDkBvyHirA4cuSRthLoPFXFmPfsBzMQHF4NwHZ4mUDap6AwacFyX2TNfcuBK23j4l&id=100024722048900

 

Không phải thứ gì được phát trên tivi mậu dịch đều đáng “bỏ qua”, nói như ngôn ngữ chơi trò trên tivi. Có những thứ quái gở vẫn được thiên hạ quan tâm, chú mục vào, thậm chí săm soi, như vụ cô á hậu vừa xuất hiện trong veo vậy. Nhưng, trong đống rác tivi, vẫn có những cái không thể "bỏ qua", tạo được sự chú ý của người tử tế.

 

Tôi nói thế, bởi hôm 23.12 vừa rồi, trong chương trình buổi tối, kênh Truyền hình quốc hội phát bộ phim tài liệu về nhân vật lịch sử, ông Chu Văn Tấn.

 

Người xứ này, ở miền Bắc, thế hệ sinh vào thập niên 50 - 60 không mấy ai không biết tên tuổi ông Chu Văn Tấn. Lẽ đơn giản, học môn lịch sử quốc doanh, phần về thời kỳ trước cách mạng tháng 8, cả phần biên chép về lịch sử quân đội nữa, cái tên Chu Văn Tấn luôn nổi bật, có nhẽ chỉ sau Hồ Chí Minh, Võ Nguyên Giáp. Rồi 3 cuộc khởi nghĩa tiền cách mạng là Bắc Sơn, Nam Kỳ, Đô Lương, đáng chú ý nhất là khởi nghĩa Bắc Sơn do ông Chu Văn Tấn cầm đầu. Rồi bài hát “Bắc Sơn” của nhạc sĩ Văn Cao được phát thường xuyên trên đài tiếng nói Việt Nam tới mức nghe riết ai nấy đều thuộc, “Ai về châu xưa nhớ hồi máu thắm cây rừng/còn vang khe núi tiếng quân oai hùng”... Tất cả đều gắn với ông Chu Văn Tấn. Ông Tấn hiện diện lừng lững bên hình ảnh ông Hồ ông Giáp, là một thứ tên tuổi, idol, biểu tượng, thậm chí bạt mờ cả những Trường Chinh, Phạm Văn Đồng, Hoàng Quốc Việt, nói gì tới những Lê Duẩn, Lê Đức Thọ, Văn Tiến Dũng, Hoàng Văn Thái, Đàm Quang Trung, Lê Trọng Tấn…

 

Đám chúng tôi, từ khi trẻ con tới lúc thanh niên hầu như đều biết đều nghe con người và danh tiếng Chu Văn Tấn. Nói một cách đơn giản, chúng tôi hiểu đó là công thần của cách mạng giải phóng dân tộc, của chế độ mới, thuộc dạng đấng bậc chỉ dưới vài người và trên muôn người. Và đặc biệt, Chu Văn Tấn gắn với hình ảnh miền núi, dân tộc thiểu số, với Việt Bắc, với cuộc chiến đấu trước và sau cách mạng tháng 8. Ngay cả trong chiến dịch Điện Biên Phủ, tuy tên tuổi Chu công ít được nhắc tới, chẳng nổi như tướng Giáp tướng Thanh nhưng xin nhớ rằng không có hậu phương Việt Bắc vững mạnh chi chút cho mặt trận Tây Bắc từng hạt gạo, mà ông Tấn là người đứng đầu, thì cái sự “lừng lẫy Điện Biên, chấn động địa cầu” cũng chả phải dễ dàng gì.

 

Với lứa chúng tôi, cái tên Chu Văn Tấn, danh xưng thượng tướng Chu Văn Tấn được coi là một phần của cách mạng, phần đẹp đẽ, kính nể, tin phục. Tôi có người bạn đồng môn đại học, anh Ma Duy Giang ở Thái Nguyên, người Tày, hồi ấy cứ nhắc tới thượng tướng Tấn thì không giấu nổi sự kính phục. Chu công người Nùng, còn Ma huynh người Tày, tuy nhiên Tày - Nùng cả về xã hội cũng như ngôn ngữ có quan hệ gần gũi nên sự tự hào ấy không có gì khó hiểu. Tôi có lần nói với anh Giang, chả riêng anh, em đây người Kinh rặt nhưng rất bái phục đức độ của thượng tướng Chu Văn Tấn.

 

Ông Tấn công lao hãn mã, từng lên tới những đỉnh cao: thượng tướng (một trong 2 người, người kia là ông Văn Tiến Dũng), trong hàng quân chỉ dưới ông Giáp và ông Nguyễn Chí Thanh; là bí thư, chủ tịch khu tự trị Việt Bắc (gồm 6 tỉnh Cao Bằng, Lạng Sơn, Bắc Cạn, Thái Nguyên, Tuyên Quang, Hà Giang), một dạng siêu tổng đốc; phó chủ tịch quốc hội nhiều khóa liền; ủy viên trung ương nhiều khóa. Và điều quan trọng nhất, Chu công được người dân tin yêu nể trọng. (còn tiếp)

 

Nguyễn Thông

 

Hình :

https://www.facebook.com/photo/?fbid=1353456602155062&set=a.133382914162443

Thượng tướng Chu Văn Tấn và đại tướng Võ Nguyên Giáp (ảnh tư liệu)

 

.

137 BÌNH LUẬN  

 

--------------------------------------------------------------------------------------------------

.

Một công thần bị chôn vùi (kỳ 2)   

Nguyễn Thông  (Nguyễn Thông Cào)

25-12-2022  19:25  

https://www.facebook.com/permalink.php?story_fbid=pfbid0PWu2qzqsa8tfT9iBrMnG1kgUjanyj2D2mkWWgwGWdxxFm33uoWwJu7LEVYQj42wal&id=100024722048900

 

Sau năm 1975, đất nước thống nhất nhưng lòng người phân chia. Không phải chỉ giữa người Nam với người Bắc mà ngay trong nội bộ “bên thắng cuộc” đã nẩy sinh sự tranh giành, cướp công, trả thù cá nhân. Sự chia rẽ, bè phái, đố kỵ, ganh ghét, hãm hại nhau ngày càng nhiều trong bộ máy cai trị. Không còn ông Hồ, không còn gì để ngại ngần nữa, mà thực ra khi cụ Hồ còn sống, đám bề tôi đã lăng loàn coi thường, qua mặt, điều này ai sống trong thời ấy đều biết cả. Không hiểu Chu công đã làm chi để họ ghét, hay bởi tại danh tiếng ông quá lớn, nên tai họa chực chờ. Ngẫm câu thơ xưa của Ức Trai Nguyễn Trãi “Họa phúc hữu môi phi nhất nhật/Anh hùng di hận kỷ thiên niên” (họa phúc đều có duyên cớ chứ đâu phải chỉ một ngày/anh hùng để lại mối hận nghìn năm), vận chính xác vào con người Chu Văn Tấn.

 

Tập đoàn thống trị cộng sản ở các nước xã hội chủ nghĩa thường tự khoe, tự ca ngợi rằng họ luôn đoàn kết nhất trí, chia bùi sẻ ngọt, “thương nhau chia củ sắn lùi/bát cơm sẻ nửa chăn sui đắp cùng”, “chết còn trút áo cho nhau” nhưng thực tế thì tàn bạo với nhau hơn cả thực dân phong kiến phát xít. Làm quái gì có cái gọi là tình đồng chí. Cứ nhìn cách đám cầm quyền cộng sản ở Liên Xô, Trung Quốc đối xử với nhau từ bấy tới nay thì biết.

 

Ở xứ này, bề trên cũng dẫm vào vết của anh cả anh hai. Những “cải cách ruộng đất”, “nhân văn giai phẩm”, “nhóm xét lại chống đảng” đầy những oan sai, bi kịch, tang tóc đều là sản phẩm của họ. Chẳng biết họ giữ gìn tình đồng chí, “sự đoàn kết như con ngươi của mắt mình” thế nào, chỉ thấy biết bao đồng chí từng chung lưng đấu cật, chia bùi sẻ ngọt phải vào tù ra tội. Có khi chỉ bởi cái cớ hết sức vu vơ dạng “phải tên xưng xuất là thằng bán tơ”, nhưng cũng có khi chả cần cớ gì, mà chỉ ghét nhau, không ưa nhau, không ưa thì dưa có giòi. Tất cả được che đậy rằng để bảo vệ đường lối, làm trong sạch đội ngũ, giữ gìn sự nghiệp cách mạng, quyền lợi của dân tộc đất nước nhân dân. Nạn nhân của họ tới khi được giải oan, chờ được vạ má đã sưng. Những truy tặng, huân chương, danh hiệu vớt vát cho oan hồn chả có ý nghĩa gì. Nhiều, nhiều lắm, những Nguyễn Thị Năm, Vũ Đình Huỳnh, Nguyễn Hữu Đang, Phan Khôi, Bùi Công Trừng, Ung Văn Khiêm, Đặng Kim Giang, Lê Liêm, Trần Dần, Đặng Văn Việt, Nguyễn Tư Thoan, Nguyễn Hà Phan, Trần Độ, Trần Xuân Bách, Trần Văn Trà…, thậm chí cả Võ Nguyên Giáp. Và không thể không nhắc tới Chu công - thượng tướng Chu Văn Tấn.

 

Khoảng năm 1980, ở Sài Gòn, đám “bên thắng cuộc” ở độ tuổi 25 chúng tôi đang hừng hực khí thế cách mạng như bị dội gáo nước lạnh khi nghe tin ngoài ấy, trung ương đã cách tuột hết mọi chức vụ của idol, thượng tướng, phó chủ tịch quốc hội, người anh hùng của khởi nghĩa Bắc Sơn, thần tượng của biết bao người, ông Chu Văn Tấn. Nhà cầm quyền chỉ thông báo vắn tắt vậy trên báo Nhân Dân, chứ không nói rõ nguyên cớ, lý do. Những ì xèo, lời ra tiếng vào rộn lên một thời gian rồi cũng tắt. Dân chúng còn mải chống chọi cái đói, với hạt bo bo, gái góa không rỗi hơi lo việc triều đình. Ông Tấn dẫu là đấng bậc, dẫu có bị oan sai, bị vu vạ cần phải bênh vực, cũng chưa quan trọng bằng việc xếp hàng nửa ngày để mua 2 lạng thịt. Khi dân đã cam chịu và đần độn tự kỷ như vậy thì chính quyền mặc sức muốn làm gì thì làm, vua họ còn hạ bệ được, huống chi chỉ diệt hạng công thần đấng bậc. (còn tiếp)

 

Nguyễn Thông

 

https://www.facebook.com/photo?fbid=1353964938770895&set=a.133382914162443

Ảnh: Từ trái sang: Chu Văn Tấn, Hồ Chí Minh, Võ Nguyên Giáp ở Việt Bắc (ảnh tư liệu, nguồn internet)

 

87 BÌNH LUẬN  

.

Duy Ly

https://youtu.be/T4lkTv1XiRI

YOUTUBE.COM

Những ngày cuối đời của Thượng tướng Chu Văn Tấn | Duy Ly Radio

Những ngày cuối đời của Thượng tướng Chu Văn Tấn | Duy Ly Radio

 

 

----------------------------------------------------------------------------

 

Một công thần bị chôn vùi (kỳ 3, cuối)   

Nguyễn Thông   (Nguyễn Thông Cào)

28-12-2022  19:44    

https://www.facebook.com/permalink.php?story_fbid=pfbid0ns73N27ei8iWkd3qvimgi42TVmwtKaZZMRrQwNxfiZ3w6XbRPAMqnoPhqNaD5Uydl&id=100024722048900

 

Về sau, từ lời kể những người trong cuộc, từ con cháu Chu công, nhiều sự đã được phơi bày. Sau khi cách tuột hết cả chức vụ của ông Chu Văn Tấn, người ta ngầm lệnh cho báo chí truyền thông phải “quên” ông (cũng như sau này suốt gần chục năm người ta áp dụng triệt để đối với ông Giáp). Nếu bị cách làm thứ dân thì đã là may, đằng này người ta triệu tập ông tới “làm việc”, rồi an trí ông trong bệnh viện (Việt Xô, nơi dành riêng cho cán bộ cao cấp), như một dạng giam lỏng. 4 năm ròng rã bị cách ly với gia đình, người thân, bạn bè, đồng đội, chỉ thỉnh thoảng con cái được vào trò chuyện đôi ba câu. Năm 1984, thượng tướng Chu Văn Tấn qua đời tại cái nhà tù không tên ấy, không một người thân nào bên cạnh khi hữu sự, giây phút cuối. Thật thê thảm. “Khi sao phong gấm rủ là/Giờ sao tan tác như hoa giữa đường”.

 

Từ trường hợp thượng tướng Chu Văn Tấn, thấy cứ na ná số phận bi thảm của Lưu Thiếu Kỳ, Bành Đức Hoài bên Tàu, Trosky, Bukharin bên Liên Xô. Bi kịch cộng sản, những vết bùn khó rửa trên thượng tầng.

 

Nhà chức việc báo gia đình tới nhận xác đem về chôn. Tất nhiên không có suất Mai Dịch, thậm chí vợ con xin chồng cha mình được đặt tại khu cán bộ trung-cao ở Văn Điển cũng bị khước từ. Thân nhân đành chôn ông vào khu bình dân nơi nghĩa trang Văn Điển bởi định đem về quê cũng không được phép. Mộ danh tướng lừng lẫy một thời, vị phó chủ tịch quốc hội nhiều khóa, người đứng đầu khu tự trị Việt Bắc, giờ nằm chen giữa những nấm mồ đám cần lao, kể cả xích lô ba gác phu phen. Thập niên 80, tôi đã từng tới Văn Điển, lần mò tới bên mộ ông Trần Huy Liệu (một trong 3 người thay mặt trung ương vào kinh thành Huế tước ấn kiếm của vua Bảo Đại) cũng bị “đày” ra đây, rồi ra mộ tướng quân Chu Văn Tấn, giữa cái thế giới đầy âm khí ấy càng ngậm ngùi về sự ghẻ lạnh độc ác vô đạo của những kẻ nắm quyền. Sau có nghe nói thân nhân gia đình Chu công đã cải táng, rước ông về quê nhà, yên nghỉ trên đất của dòng họ.

 

Từ 1980 tới lúc này đã 42 năm ròng, nhà cầm quyền (mà ông Chu Văn Tấn đã góp phần công sức lớn tạo dựng nên) vẫn dửng dưng lạnh lùng không một lời giải thích về số phận bi thảm của vị công thần. Nếu Chu công chỉ là người của đoàn thể (đảng) thì đảng muốn xử lý thế nào mặc lòng, nhưng ông là bậc tướng quân, phó chủ tịch quốc hội, người đứng đầu một đơn vị hành chính lớn gồm 6 tỉnh thì ông thuộc về dân về nước, sự xử lý công tội đúng sai hay dở phải theo pháp luật, theo lòng dân, không thể tùy tiện, dấm dúi, mập mờ, để lâu cứt trâu hóa bùn. Không thể để danh dự một con người, bậc công thần, một dòng họ cứ bị đeo bám bởi những u ám, tai tiếng, xì xào, lời ra tiếng vào, đồn đoán, nửa tin nửa ngờ của dư luận, kiểu như “thân Tàu, có quan hệ với tên phản động Hoàng Văn Hoan, định làm vua một cõi, định đi trốn, vượt biên sang Trung Quốc…”. Không thể cấm được mồm thiên hạ, nhất là khi nhà cai trị còn có ý định lợi dụng những cái mồm ấy phát ngôn không chính thức thay cho mình. Nếu đảng đúng, ông Tấn sai, cứ bạch hóa công khai, làm sao lại phải mù mờ giấu diếm. Còn ông Tấn vô tội, phải cúi đầu xin lỗi, phục hồi danh dự và quyền lợi cho ông, đừng để con cháu Chu công mãi ngậm ngùi trong sự tủi hổ, thiệt thòi, hờn oán.

 

Tra tìm trên Gu gồ (Google), tên của thượng công Chu Văn Tấn chỉ có lần duy nhất lạc lõng giữa hàng vạn hàng triệu tên đường tên phố ở xứ này, nhưng lại đem đầy cảm xúc: đường Chu Văn Tấn ở thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk. Không nhẽ vùng cao nguyên có một danh nhân trùng tên với Chu công. Sực nghĩ, thời những năm 60, tỉnh Lạng Sơn được chính quyền Bắc Việt ghép kết nghĩa với tỉnh Đắc Lắc (hồi đó viết chữ c chứ không phải k) trong miền Nam. Năm xa ấy, sự kết hôn địa lý ăn vào đầu lứa chúng tôi, ví dụ quê tôi tỉnh Kiến An thì “lấy” Gò Công, đi đâu cũng thấy câu khẩu hiệu “Kiến An - Gò Công quật khởi”, TP.Hải Phòng lấy TP.Đà Nẵng “sánh vai cùng Đà Nẵng yêu thương”, Nghệ An lấy Quảng Ngãi nên trong sách tập đọc có bài “Vườn cây An Ngãi” đứa nào cũng thuộc, Thái Bình "đất ăn chơi" nên lấy cùng lúc hai bà Vĩnh Long - Trà Vinh, gọi là Vĩnh Trà, bất cứ nơi nào trên đất lúa mà thấy cái tên Vĩnh Trà là do vậy… Ông Chu Văn Tấn quê huyện Võ Nhai, tỉnh Lạng Sơn, về sau huyện ni bị cắt sáp nhập sang tỉnh Thái Nguyên, nên không ít người cứ nghĩ ông là người tỉnh Thái.

 

Có nhẽ bộ phim tài liệu về Chu công với những nhìn nhận đánh giá lại một cách công bằng được phát công khai trên kênh truyền hình chính thống của nhà nước (kênh Quốc hội) hôm 23.12 vừa rồi là tín hiệu, bật đèn xanh về sự phục thiện của bộ máy cầm quyền đương thời đối với thượng tướng Chu Văn Tấn chăng. Như nữ đạo diễn Nguyễn Thị Xuân Phượng (nay đã 93 tuổi, người rất hiểu về ông Tấn), phát biểu ở cuối phim, “những gì của thượng tướng Chu Văn Tấn cần phải trả lại cho ông”. Nếu vậy thì vẫn là quá muộn, nhưng muộn còn hơn không. Bậc công thần không thể bị vùi dập một cách vô đạo mãi, khi sự tử tế của con người chưa mất hẳn.

 

Nghĩ về Chu Văn Tấn, lại nhớ tới bài thơ ngắn ngủn của thi sĩ Phùng Cung (nạn nhân trong vụ Nhân văn giai phẩm): Lênh đênh muôn dặm/nước non/Dạt vào ao cạn/vẫn còn lênh đênh".

 

Và không chỉ riêng với Chu công, những nạn nhân oan khuất khác của chế độ cũng phải được đối xử đàng hoàng như vậy.

 

Nói hay nói tốt thì trẻ con cũng nói được, nhưng làm được việc tốt phải là người tử tế. Thứ người này trên thượng tầng đang rất hiếm, dường như không có.

 

Nguyễn Thông

 

Ảnh: https://www.facebook.com/photo/?fbid=1356079805226075&set=a.133382914162443

Thượng tướng Chu Văn Tấn và chủ tịch Hồ Chí Minh (ảnh tư liệu, nguồn internet)

 

.

45 BÌNH LUẬN  

 

 

Duy Ly

https://youtu.be/T4lkTv1XiRI

YOUTUBE.COM

Những ngày cuối đời của Thượng tướng Chu Văn Tấn | Duy Ly Radio

Những ngày cuối đời của Thượng tướng Chu Văn Tấn | Duy Ly Radio





No comments:

Post a Comment