Saturday, December 3, 2022

ĐẢNG và "CON BÒ SỮA" THÀNH PHỐ HCM! (RFA)

 



Đảng và “con bò sữa” Thành phố HCM!

RFA
2022.12.02

https://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/why-does-the-politburo-work-with-the-hcmc-party-committee-12022022130447.html

 

Tại buổi làm việc hôm 2/12 với Ban Thường vụ Thành ủy thành phố Hồ Chí Minh (TPHCM), Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thay mặt Bộ Chính trị đã cho ý kiến về Đề án tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết 16 của Bộ Chính trị về nhiệm vụ phát triển TPHCM đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

 

Báo chí nhà nước mấy ngày qua cũng liên tục có nhiều bài vở tuyên truyền về sự quan tâm đặt biệt của đảng và nhà nước với TPHCM. Tại buổi làm việc với Ban Thường vụ Thành ủy TPHCM, ngoài sự có mặt của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng còn có Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, Thủ tướng Phạm Minh Chính và các Ủy viên Bộ Chính Trị...

 

Liệu đây có phải là sự thay đổi về chính sách của đảng CSVN đối với TPHCM? Nhà báo Võ Văn Tạo hôm 2/12 nhận định:

 

“Lâu nay ai cũng biết TPHCM là đầu tàu kinh tế của cả nước, là nơi làm ra nhiều tiền nuôi sống xã hội nhất so với các địa phương khác, chiếm 25 % GDP của cả nước. Trong khi Việt Nam có sáu mươi mấy tỉnh thành, nhưng chính sách của nhà nước đã bóc lột TPHCM hơi nặng, từ 1975 cho đến gần đây, hằng năm tất cả vật chất làm ra chỉ được để lại TPHCM 17 %, còn lại là đưa hết về trung ương. Điều nay gây ra sự bất bình ngấm ngầm của những người ở miền Nam, cũng như TPHCM, như thế là quá bất công. Trong khi ở phía Bắc được đầu tư rất mạnh về hạ tầng cơ sở đường xá, tất cả những cái đó đều là ngân sách trung ương rót xuống. Mà ngân sách đó từ đâu, từ thu thuế của các địa phương, cho nên có sự bất bình ngấm ngầm.”

 

Theo Nhà báo Võ Văn Tạo, có thể vì tình hình đó cho nên nhà nước có những chính sách thay đổi nhất định, để tránh gây bất mãn không tốt trong dư luận của người dân. Ông nói tiếp:

 

“Thứ hai, danh chính ngôn thuận mà nói ai cũng biết TPHCM quan trọng, cho nên dù muốn hay không muốn, đảng và nhà nước cũng phải lưu tâm đến chuyện đó... Tức là có cách nào để TPHCM phát triển tương xứng với tiềm năng có thể có của nó. Chứ lâu nay như thế là chưa chú trọng, nên đã kìm hãm tiềm năng của TPHCM, chính cái đó sẽ làm ảnh hưởng đến cả nước.”

 

Tại cuộc họp hôm 2/12, Bộ Chính trị cũng đã ban hành Nghị quyết với mục tiêu đến năm 2030 TPHCM là thành phố dịch vụ – công nghiệp hiện đại, dẫn đầu về kinh tế số, xã hội số, là trung tâm kinh tế, tài chính, thương mại, khoa học công nghệ, văn hóa của khu vực Đông Nam Á...

 

Không những thế, Bộ Chính trị còn đề ra mục tiêu đến năm 2045, TPHCM trở thành trung tâm kinh tế, tài chính, dịch vụ châu Á, là điểm đến hấp dẫn toàn cầu, có chất lượng cuộc sống cao, phát triển ngang tầm các đô thị lớn trên thế giới...

 

Tiến sĩ Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương từ năm 1993 đến năm 2002, nhận định với RFA hôm 2/12:

 

“Vấn đề hiện nay là tổng số thu ngân sách ở TPHCM thì tỷ lệ để lại cho thành phố này là thấp, cần phải nâng lên. Tức là dành lại cho TPHCM một tỷ lệ thu ngân sách cao hơn, để TPHCM có thể thực hiện được các mục tiêu của mình. Ví dụ như là mục tiêu về kết cấu hạ tầng, xây dựng các khu đô thị hiện đại, vấn đề xây dựng nhà ở cho công nhân và người lao động... Tôi nghĩ rằng sắp tới đây, TPHCM sẽ tìm mọi cách tăng cường đầu tư để thu hút được lực lượng ưu tú khoa học công nghệ của người Việt ở nước ngoài và các lực lượng khoa học công nghệ của các nước khác... để về giúp TPHCM đạt được sự chuyển đổi mạnh mẽ hơn nữa trong cách mạng công nghiệp 4.0 sang kinh tế số.”

 

Nhiều năm trước đây, một số lãnh đạo Việt Nam cũng đề ra mục tiêu đến năm 2045, TP.HCM sẽ trở thành trung tâm kinh tế tài chính của châu Á, chất lượng đời sống cao, thu nhập bình quân đầu người khoảng 37.000 USD/năm, là điểm đến của toàn cầu.

 

Một người dân hiện sinh sống tại TP.HCM, không muốn nêu tên vì lý do an toàn, cho biết cách biệt giàu nghèo tại Sài Gòn hiện quá lớn:

 

“Tôi thấy mức sống người dân Sài Gòn giữa cái nghèo và cái giàu chênh lệch nhau lớn lắm. Người nghèo thì nghèo lắm, người giàu thì giàu lắm... Mà hầu hết dân nhập cư tại Sài Gòn, rồi dân tại Sài Gòn vẫn lao động chân tay thì lấy đâu ra... Mình phải thấy rõ chứ sao tuyên bố như vậy được, điều đó là vô lý.”

 

Còn Tiến sĩ Lê Đăng Doanh thì cho rằng mục tiêu đó còn khá xa vời:

 

“Mục tiêu đó đề ra, nhưng cho đến nay bước tiến để mà đến mục tiêu đó đang còn chậm và còn khá xa vời. TPHCM cần phải tiếp tục đẩy mạnh chuyển sang kinh tế số, phát triển mạnh mẽ hơn nữa các dịch vụ công nghệ thông tin, dịch vụ về quản trị doanh nghiệp và phát triển khoa học công nghệ... Cơ sở hạ tầng của TPHCM thì có các bước tiến, nhưng hiện nay sự kết nối giữa TPHCM với ĐBSCL đang còn chậm. Điều này đã được nhận thức và hiện nay đang có các kế hoạch để cố gắng thúc đẩy cải thiện tình hình kết cấu hạ tầng kết nối giữa ĐBSCL với TPHCM, để thúc đẩy giao thương, kết nối chuỗi giá trị của ĐBSCL với công nghiệp chế biến, chế tác của TPHCM được tăng cường mạnh mẽ hơn nữa.”

 

Lâu nay, nhiều vị lãnh đạo của Đảng và Chính phủ thường hay phát biểu, đưa ra mục tiêu Việt Nam sẽ sớm trở thành cường quốc về một lãnh vực nào đó. Đơn cử như tại Hội nghị lần thứ 12 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X hôm 28/3/2010, nguyên Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh khi phát biểu bế mạc hội nghị, từng nói mục tiêu năm 2020, Việt Nam sẽ trở thành nước công nghiệp, hiện đại. Đến nay mục tiêu đó cũng chưa đạt được.

 

Nguyên Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng khi còn tại chức cũng đã từng quyết xây dựng các tập đoàn Nhà nước lấy ý tưởng từ mô hình Chaebol của Nam Hàn để trang bị cho nền kinh tế những 'cú đấm thép'; tức áp dụng chính sách chủ động công nghiệp hóa để phát triển nhanh, trong đó có vai trò của các tập đoàn trụ cột. Tuy nhiên, ước mơ của ông Dũng đã để lại hậu quả là những tổng công ty như Vinalines, Vinashin... với những món nợ khổng lồ lên đến hàng chục ngàn tỷ đồng.

 

Làm sao TPHCM có thể đạt được mục tiêu Bộ Chính trị đế ra? Tiến sĩ Trần Quang Thắng - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế TPHCM, khi trả lời RFA liên quan vấn đề này, cho rằng:

 

“Điều đó phụ thuộc vào sự đồng bộ của cơ chế và sự sáng tạo đột phá của người dân. Có thể nhanh hoặc chậm hơn, nhưng ở đây cần nhấn mạnh một điểm, đó là tạo lòng tin của nhà đầu tư và sự đóng góp của người dân vào sự nghiệp chung của TP.HCM. Chúng ta thấy, nếu cơ chế đủ thoáng, sức sáng tạo của người dân được giải phóng đầy đủ, thì mục tiêu đó không phải là ghê gớm. Có thể chính phủ thấy trong thời gian tới có thể đáp ứng được, thì mục tiêu đó cũng không có gì là ghê gớm, nhưng nếu không đáp được các điều kiện cần và đủ thì nó sẽ lâu hơn.”

 

Chính phủ Việt Nam trước đây cũng đã đề ra ba khâu đột phá quan trọng: một là nỗ lực vượt bậc thiết lập thể chế kinh tế thị trường, định hướng xã hội chủ nghĩa; thứ hai là xây dựng kết cấu hạ tầng; thứ ba là nâng cao chất lượng của nguồn nhân lực. Theo Tiến sĩ Lê Đăng Doanh, cả ba khâu đột phá đó cho đến nay cũng chỉ làm được rất khiêm tốn. Còn những việc chính yếu của Nhà nước như bảo đảm luật pháp, bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô thì theo ông cũng chưa hiệu quả

 

------------------------------------

Tin, bài liên quan

THỜI SỰ

·        Thu phí cao tốc đầu tư từ ngân sách - Giới tài xế nói gì?

·        Bài toán khó của Việt Nam: vừa bảo toàn ngân sách, vừa bảo toàn động lực tăng trưởng

·        Vì sao tình trạng chi sai ngân sách nhà nước 5%/năm vẫn tiếp diễn?

·        Tăng thu ngân sách, giảm khoản giữ lại: vắt kiệt Thành phố Hồ Chí Minh

·        TP HCM dừng hai dự án BOT chuyển sang dùng ngân sách: bước lùi tạm thời?





No comments:

Post a Comment