Trung
Quốc: Cái giá của “zero-COVID”
Hiếu Chân - Saigon Nhỏ
27 tháng 11, 2022
https://saigonnhonews.com/thoi-su/the-gioi/trung-quoc-cai-gia-cua-zero-covid/
Chuyện phải đến rồi cũng đã đến. Trong hai ngày cuối
tuần biểu tình đã bùng ra ở các thành phố và trường đại học trên khắp Trung Quốc
do dân chúng ngày càng tức giận với các biện pháp kiểm soát COVID hà khắc của đất
nước. Một số người biểu tình ở Thượng Hải thậm chí còn hướng sự giận dữ của họ
vào đảng Cộng Sản và lãnh tụ đảng Tập Cận Bình.
https://saigonnhonews.com/wp-content/uploads/2022/11/GettyImages-1445031647.jpg
Người dân Bắc Kinh
xuống đường biểu tình phản đối chính sách zero Covid, đòi trả lại quyền tự do
cho dân. Người biểu tình giương cao các tờ giấy trắng như một dấu hiệu tố cáo chính
sách kiểm duyệt hà khắc của đảng CSTQ. Ảnh chụp ở Bắc Kinh tối Chủ Nhật 27
tháng Mười Một 2022 của Kevin Frayer / Getty Images.
Như Sài
Gòn Nhỏ đã loan tin hôm qua, tại Thượng Hải, hàng trăm
người biểu tình đã phá dỡ rào chắn, đụng độ với cảnh sát vào tối 27 tháng Mười
Một khi cảnh sát được phái đến giải tán một đám đông đang thắp nến tưởng niệm
những nạn nhân của vụ hỏa hoạn xảy ra ở một chúng cư cao tầng tại thành phố
Urumqi, thủ phủ tỉnh Tân Cương hôm thứ Năm 24-11 vừa qua. Một nhóm người thậm
chí đã hô to khẩu hiệu “Đả đảo đảng Cộng sản, đả đảo Tập Cận Bình”.
Reuters đưa tin cảnh sát đã tống hàng chục người lên xe buýt và đưa họ đi.
Người biểu tình cũng xuống đường tại các thành
phố như Vũ Hán, Thành Đô và ở 14 trường đại học trong cả nước, kể cả Đại học
Thanh Hoa hàng đầu nước này.
Vụ hỏa hoạn ở Urumqi làm chết ít nhất 10 người
và chín người khác bị thương chính là giọt nước làm tràn ly, thổi bùng lên ngọn
lửa phản kháng của người dân Trung Quốc. Người ta cho rằng, chính sách “không
COVID” (zero COVID) với những biện pháp phong tỏa, cách ly nghiêm ngặt đã làm
cho các nạn nhân không thể chạy thoát thân khỏi đám cháy và con số tử vong thật
sự có thể còn cao hơn rất nhiều.
Nỗi bất mãn ngày càng tăng và đang biến thành
hành động phản kháng của đám đông là thử thách nghiêm trọng nỗ lực của ông Tập
trong việc duy trì các quy tắc “không COVID”.
Tuy chưa có dấu hiệu biến thành một Thiên An Môn thứ
hai hoặc làm suy yếu sự cai trị chuyên chế của đảng Cộng sản, những cuộc phản
kháng của người dân Trung Quốc vẫn chứng tỏ mô hình cai trị độc đảng độc tôn
không phải là ưu việt như Bắc Kinh thường xuyên tuyên bố. Cái giá của chính
sách “không COVID” của ông Tập không hề rẻ!
Đại dịch COVID-19 khởi phát từ Trung Quốc và
trong hai năm đầu của đại dịch, Trung Quốc là mẫu mực toàn cầu về công tác
phòng và chống dịch, với số nhiễm bệnh và tử vong thấp một cách đáng kinh ngạc
so với các nước phát triển. Nhà cầm quyền Bắc Kinh đã áp dụng triệt để các biện
pháp khắc nghiệt như truy vết virus, cách ly, xét nghiệm toàn dân, phong tỏa
nhiều thành phố, đô thị.
Người dân Trung Quốc chấp nhận bị hạn chế về tự
do, hoạt động kinh tế xã hội bị ngưng trệ và cuộc sống bị đảo lộn để phòng dịch.
Các chuyên gia y tế công cộng coi biện pháp chống COVID của Trung Quốc là giải
pháp có hiệu quả hơn, thay cho tình trạng dân chủ lộn xộn của Mỹ và phương Tây.
Đảng Cộng sản Trung Quốc không ngần ngại quảng bá thành công của họ là sự thể
hiện tính chất ưu việt rõ ràng của chế độ độc đảng toàn trị so với thể chế dân
chủ tự do và khuyến khích các nước nhỏ nên đi theo con đường của Bắc Kinh.
Việt Nam cũng nhập cảng mô hình phòng chống dịch
COVID của Trung Quốc, cũng áp dụng biện pháp truy dấu vết, xác định người mang
mầm bệnh F0, F1…, cách ly và phong tỏa các thành phố lớn như Sài Gòn, gây biết
bao thảm cảnh cho người dân vào giữa năm ngoái 2021.
Nay thì tình hình đảo ngược 180 độ: Trong lúc
cả thế giới đã gần như trở lại hoạt động bình thường thì Trung Quốc vẫn loay
hoay với những biện pháp “không COVID” bất chấp những hậu quả tai hại về kinh tế
xã hội và nỗi bất mãn của người dân sau ba năm bị “giam lỏng”, không được tự do
đi lại và tiếp xúc với người thân. Người Trung Quốc ngỡ ngàng khi xem giải bóng
đá World Cup đang được truyền hình khắp thế giới: Những sân vận động hàng
vạn người ngồi san sát nhau, gần như không ai phải mang khẩu trang, không phải
giữ khoảng cách tối thiểu 1.5 mét. Rồi họ so sánh với hoàn cảnh bị giam lỏng của
chính họ và không thể không tức giận.
https://saigonnhonews.com/wp-content/uploads/2022/11/GettyImages-1445011259.jpg
Người dân nhiều
thành phố Trung Quốc xuống đường biểu tình và lập ra những điểm tưởng niệm các
nạn nhân bị thiệt mạng oan ức trong vụ hỏa hoạn làm ít nhất 10 người chết ở Tân
Cương. Họ cho rằng biện pháp phong tỏa “không COVID” đã khiến các nạn nhân
không thể thoát ra khỏi đám cháy. Ảnh một điểm thắp nến tưởng niệm ở Bắc Kinh tối
27-11-2022. Ảnh Kevin Frayer / Getty Images
Trong một năm qua, khi các nhà bào chế cho ra
đời các loại vaccine ngừa COVID-19, đặc biệt là các chủng vaccine sử dụng công
nghệ mới mRNA, thì COVID không còn khủng khiếp như trước. Các nước làm chủ được
công nghệ vaccine, có nguồn thuốc dồi dào, lập tức tổ chức các đợt tiêm chủng
trong toàn quốc, bắt đầu từ những nhóm dân có nguy cơ nhiễm bệnh cao như người
cao niên, đội ngũ nhân viên y tế, người lao động có sự tiếp xúc rộng rãi với
người khác… rồi mở rộng dần sang mọi thành phần dân chúng khác.
Quan điểm được khoa học công nhận là, việc
tiêm chủng đại trà, cùng với một bộ phận dân chúng bị nhiễm virus nhưng đã vượt
qua được, sẽ tạo thành cái gọi là miễn dịch cộng đồng – bức tường thành ngăn chặn
hiệu quả sự truyền nhiễm của virus. Càng nhiều người dân được tiêm vaccine thì
nguy cơ mắc bệnh nặng sẽ giảm. Hơn thế nữa, khi cộng đồng được miễn dịch với
coronavirus thì các hoạt động sản xuất kinh doanh, giao thông vận tải có thể được
khôi phục; người dân được tự do đi lại, cửa tiệm nhà máy nối lại việc sản xuất
kinh doanh, việc làm được tạo ra và thu nhập của người dân được bảo đảm. Thực
tiễn ba năm chống dịch cho thấy quan điểm này là đúng và hầu hết các nước đã trở
lại bình thường như thời trước đại dịch. Trừ Trung Quốc.
Khi thế giới chuẩn bị kỷ niệm ba năm ngày bùng
phát COVID-19 tại Vũ Hán với tiếng thở phào nhẹ nhõm thì Trung Quốc đang báo
cáo các ca nhiễm kỷ lục.
Theo dữ liệu của OurWorldInData, hôm thứ Bảy
26 tháng Mười Một, Trung Quốc ghi nhận 25,834 ca nhiễm COVID – chỉ hơn một nửa
số ca nhiễm của Mỹ trong cùng ngày, 36,147 ca, nhưng với chính sách
“zero-COVID” của Bắc Kinh thì đó đã là một kỷ lục đáng báo động. Hồi tháng Tư,
Trung Quốc đã phong tỏa thành phố Thượng Hải – trung tâm tài chính lớn nhất –
khi cả nước chỉ ghi nhận 26,469 ca nhiễm. Còn với đợt bùng phát hiện nay, hơn một
phần năm đất nước 1.4 tỷ dân này đang bị hạn chế di chuyển, theo ước tính của
ngân hàng đầu tư Nomura.
Vấn đề cụ thể của Trung Quốc là chính sách
“không COVID” hà khắc đã khiến người dân ít được bảo vệ bằng vaccine hoặc miễn
dịch tự nhiên.
Vì những lý do dân tộc chủ nghĩa, đảng Cộng sản
Trung Quốc không chấp nhận vaccine phương Tây, dù các loại vaccine công nghệ
mRNA có hiệu quả cao hơn nhiều so với vaccine do chính Trung Quốc sản xuất. Lệnh
phong tỏa kéo dài có nghĩa là có ít người tiếp xúc với virus hơn và do đó Trung
Quốc không phát triển được khả năng miễn dịch tự nhiên trong cộng đồng như phần
còn lại của thế giới.
Hệ thống y tế của nước này cũng thiếu bệnh viện
và giường điều trị tăng cường (ICU) để đối phó với những căn bệnh trầm trọng.
Hiện Trung Quốc chỉ có bốn giường ICU phục vụ 100,000 dân. Theo một ước tính, nếu
Trung Quốc mở cửa hoàn toàn như các nước khác thì số người nhiễm COVID nặng cần
được chăm sóc đặc biệt có thể lên đến 5.8 triệu người.
Tình trạng yếu kém của hệ thống y tế có thể là
một lý do giải thích cho sự cương quyết của đảng Cộng sản trong việc duy trì
chính sách “không COVID”, bất chấp bằng chứng toàn cầu cho thấy biện pháp phong
tỏa chỉ làm chậm sự lây lan của dịch bệnh trong khi gây ra tác hại lớn về kinh
tế và xã hội.
***
Một vấn đề khác của Chủ tịch Tập Cận Bình là
chính trị. Một chế độ độc tài luôn muốn làm những việc mà nó làm tốt nhất: Giám
sát, theo dõi, ép buộc và phong tỏa. Nhưng nó thiếu một cơ chế để người dân có
tiếng nói và thể hiện sự ủng hộ hay phản đối các biện pháp y tế công cộng như
COVID-19. Các nền dân chủ, mặc dù có nhiều sự lộn xộn nhưng linh hoạt hơn trong
việc thay đổi chính sách và thích nghi khi công chúng và thực tế đòi hỏi.
Ở một đất nước rộng lớn mà người dân không có
cách nào để đưa ra các khiếu nại công khai và được chính quyền lắng nghe; bất đắc
dĩ người ta phải dùng tới biện pháp phản kháng. Cuộc biểu tình của công nhân
vào tuần trước tại cơ sở khổng lồ chuyên sản xuất điện thoại iPhone của tập
đoàn Foxconn ở thành phố Trịnh Châu, tỉnh Hà Nam là một trường hợp đã được báo
chí quốc tế đưa lên trang nhất. Rồi những vụ biểu tình lan rộng khắp Trung Quốc
vào cuối tuần này là những sự kiện đã được dự đoán trước.
Các đợt phong tỏa mới sẽ làm chậm nền kinh tế
Trung Quốc. Các chuyên gia kinh tế ước tính tăng trưởng của nền kinh tế này sẽ
giảm trong quý 4 và cả năm, dưới mức 3%/năm; thấp hơn nhiều so với mục tiêu mà
chính phủ Bắc Kinh đặt ra là 5.5%.
Bài học lớn về biện pháp phòng chống dịch
COVID của Trung Quốc là các chế độ độc tài không phải là ưu việt, không phải mẫu
mực trong việc bảo đảm lợi ích của đất nước và người dân, đặc biệt là trong
lĩnh vực sức khỏe cộng đồng hay bất cứ lĩnh vực nào đòi hỏi sự tham gia ý tưởng
của cả nước.
Trung
Quốc: Người dân biểu tình phản đối phong tỏa
26
tháng 11, 2022
----------------
Đọc thêm:
·
Trung
Quốc: Từ “Diệt Chim Sẻ” tới “zero-Covid”
·
Trung
Quốc: Phong tỏa Thượng Hải để chống COVID-19
No comments:
Post a Comment