Nga
là cơn bão, Trung Quốc là biến đổi khí hậu (3)
Cách
chống biến đổi khí hậu
Tuần qua
chính phủ Đức đã quyết định cho phép công ty hàng hải COSCO của nhà nước Trung
Quốc được mua 24,9% cổ phần của một trong 4 bãi container (terminal) ở cảng
Hamburrg, bất chấp sự phản đối của 6 bộ trưởng trong liên minh cầm quyền, của cả
phe đối lập, thậm chí của cả ba cơ quan tình báo. Thủ tướng Scholz cho rằng với
mức tham gia dưới 25% (không phải 35% như dự định) Cosco không được phép đưa
người vào ban lãnh đạo, không được phép phủ quyết và tham gia các quyết định.
Ngược lại, sự có mặt của nó sẽ giúp cho sức cạnh tranh của Hamburg tăng lên
đáng kể so với hai đối thủ Antwerpen (Bỉ) và Rotterdam (Hà-Lan), vốn đã có đầu
tư của Cosco.
Dư luận Đức
rất tức giận vì sự việc xảy ra ngay sau khi đại hội đảng cs Trung Quốc củng cố
địa vị tuyệt đối của Tập Cận Bình, khẳng định tham vọng bá chủ thế giới của Bắc
Kinh. Việc chính phủ Đức phải đi đến thỏa hiệp 24,9% để giảm thiểu rủi ro cho
thấy họ đang chịu sức ép ghê gớm từ Bắc Kinh với rất nhiều góc khuất không thể
kể hết.
Đó là Đức,
cường quốc kinh tế, anh cả đỏ về công nghệ cao, độc lập về địa chính trị mà vẫn
phải chịu luồng gió nóng phả vào mặt.
Đối với
các lãnh thổ lân bang, luồng khí độc này manh hơn nhiều. Hong Kong đã bị thâu
tóm, Lào, Campuchia, Thailand, Myanmar, Sri Lanca… đang chịu sức ép của xâm lược
mềm. Trung Quốc có thể sử dụng vũ lực giải quyết tham vọng lãnh thổ ở Đài Loan,
quần đảo Senkaku Nhật Bản và Biển Đông.
Nhật Bản
là đối thủ nặng ký và có kinh nghiệm chống Hán hóa từ lâu nên trước mắt Tập
chưa dám manh động. Việt Nam và Đài Loan thì khác.
Không nước
nào chịu sức ép về kinh tế, chính trị, văn hóa, quân sự của Trung Quốc như ở
Đài Loan. Nền dân chủ ở đây cho phép các phong trào thân Trung Quốc, chủ trương
„One China“ hoạt động công khai. Không loại trừ khả năng hỗ trợ tài chính, nhân
lực và chính trị từ Bắc Kinh đã thâm nhập vào đây. „One China“ không phải là
phát minh của đảng CS, mà là tham vọng của Quốc Dân Đảng (KMT) từ 1949. Sau khi
ôm đầu máu chạy ra đảo, Tưởng Giới Thạch đại diện cho Trung Quốc trên mọi diễn
đàn quốc tế và vẫn ôm mộng quay về thống nhất lục địa, cho đến khi gió đổi chiều
1972.
Sau khi bị
hất cẳng khỏi LHQ, nhiều người trong KMT vẫn mong muốn thống nhất với lục địa,
một mặt vì những gắn bó „Quốc-Cộng“ trong chiến tranh, vì chủ nghĩa dân tộc nằm
trong ADN của đảng này từ khi Tôn Trung Sơn lập ra nó. Mặt khác họ tin vào lời
hứa „Một quốc gia-Hai chế độ“ của Bắc-Kinh. Nhưng thực tế đã làm cho người Đài
Loan mở mắt và đảng Tiến bộ Nhân dân (PPP), chủ trương độc lập với lục địa đã
thắng thế trong các cuộc bầu cử gần đây.
One China
không còn chỉ là mối đe dọa cho tương lai Đài Loan mà đang ngoạm dần nguồn lực
của nó. Từ hơn 100 lãnh thổ có quan hệ ngoại giao với Taipei, nay con số này chỉ
la 14, đa số là các nước nhỏ. Càng ngày sự có mặt của phái đoàn Đài Loan tại
các diễn đàn, sự kiên quốc tế càng ít đi.
Về địa lý,
Trung Quốc chỉ cách các đảo nhỏ của Đài Loan 2-3 km. Hồi nhỏ tôi thích nghe
tin: „ Hôm nay Quân giải phóng Nhân dân Trung Quốc nã pháo sang các đảo Bành Hồ,
Mã Tổ, Kim Môn của Đài Loan“. Trong những năm 1950, đã hơn một lần Trung Quốc bị
đánh bại khi đổ bộ sang các đảo của Taiwan.
Tất cả các
mối đe dọa trên đã tạo ra phản ứng tự vệ khiến cho Đài Loan luôn chủ động chấp
nhận các thách thức trên. Điều đáng học tập là chưa bao giờ họ đổ lỗi cho lịch
sử, cho đồng minh. Thậm chí gần đây nhất, khi WHO không cung cấp tài trực tiếp
tài liệu và vakzin Covid 19, bắt phải qua Trung Quốc, Đài Loan đã chủ động cung
cấp ngược kinh nghiệm chống dịch của họ cho WHO. Đài Loan không cần mua vakzin
qua Trung Quốc mà vẫn chủ động tiêm chủng và đảm bảo sinh hoạt tự do cho toàn
dân. Trong suốt thời gian đại dịch, Đài Loan không những không lockdown trong
nước, mà còn mở cửa với Hoa Lục, mỗi ngày có đến 80.000 người qua lại eo biển
mà không có thảm họa nào xảy ra.
Nhìn vào
chính sách Zero Covid của Tập, người Đài Loan cùng văn hóa Trung Hoa, tuy không
hô hào „Thoát Trung“ mà vẫn xây dựng một xã hội tương phản 100% với Trung Quốc.
Việt Nam
có lịch sử lâu dài chống lại sự xâm lăng và đồng hóa từ Trung Quốc. Ngày nay,
chúng ta hay nói về „Thoát Trung“, nhưng thực tế thì sự phụ thuộc vào Trung Quốc
đã ở mức nguy hiểm. Tuy học tập Trung Quốc, nhưng Việt Nam không thể gặt hái dù
chỉ một góc những thành quả về công nghiệp hóa của họ. Cùng vùng vẫy ra khỏi nền
kinh tế kế hoạch hóa tập trung, quan liêu, nhưng sau 40 năm khoảng cách của nền
kinh tế Trung Quốc so với Việt Nam cả về chất, về lượng và cơ cấu là bằng chứng
rõ nét nhất của sự tụt hậu mà nhiều chuyên gia cảnh báo. (Nếu so sự tụt hậu của
ta với Singapore, Thailand hay Malaysia, sẽ có biện hộ rằng kinh tế tư nhân ở
đó không từng bị xóa bỏ bởi CNXH). Năm 1980, cả VN và TQ cùng có thu nhập bình
quân đầu người/năm xấp xỷ 200 USD. Năm 2021 với 3.690 USD/năm, mức sống của người
Việt chỉ bằng 1/3 người Hoa lục.
Điều duy
nhất không tụt hậu so với Trung Quốc là chế độ chính trị, từ cung cách kiểm duyệt
báo chí, ngôn luận đến cai quản xã hội. Việc hàng trăm ngàn người lao động bị
giam hãm trong các khu nhà trọ ổ chuột ở Sài Gòn, sau mấy tháng không chịu nổi
đã đồng loạt đi xe máy, xe đạp, thậm chí đi bộ bỏ về quê trong đại dịch Covid
2021 đã phơi bày những thất bại của xã hội kiểu hàng rào sắt China. Không phải
con virus, mà cách chống dịch, cách đối xử với dân đã khiến nhiều nhà đầu tư
không còn coi Việt Nam là mảnh đất thay thế Trung Quốc.
Sau 1949,
Lục địa và Đài Loan cùng lạc hậu như nhau. Vì không bị kìm hãm bởi nền kinh tế
XHCN nên Đài Loan công nghiệp hóa trước lục địa khoảng 20 năm. Do vậy khi Trung
Quốc mở cửa đầu những năm 1980, Đài Loan trở thành nhà đầu tư lớn nhất vào đó.
Người Trung Quốc, dù từ là Đài Loan hay lục địa đều nổi tiếng về tài kinh
doanh. Đối với Đài Loan, kinh doanh giỏi là phải thu nhiều lợi nhuận, nhưng
không để đối phương học lỏm và lũng đoạn mình. Đó là sự khác biệt cơ bản giữa
tư bản Đài Loan và tư bản Âu-Mỹ.
Tư bản
Trung Quốc coi giỏi là phải thu được nhiều lợi nhuận và tiết kiệm nhiều nhất vốn
đầu tư cho khoa học. Người Đài Loan biết điều này.
Trong bài:
Khúc gân Đài Loan, tôi viết về cách mà Đài Loan sử dụng Hoa lục làm nơi kiếm tiền,
nơi đầu tư nhưng không để mất ưu thế [1].
Cuộc đấu
tay đôi giữa hai đại công ty TSMC (Taiwan Semiconductor Manufacturing Company)
và Công ty nhà nước Trung Quốc SMIC (Semiconductor Manufacturing International
Corporation) là một ví dụ.
TSMC là một
trong ba nhà sản xuất chip lớn nhất thế giới (sau Intel và Samsung), nhưng là
nhà chế tạo bán dẫn thành phẩm đứng đầu thế giới với doanh thu 2020 là 1.339 tỷ
Đài tệ, lãi ròng 580 tỷ. Hiện nay TSMC đã làm chủ công nghệ 5nm và đang bước
sang nghiên cứu công nghệ 2nm[2].
Trung quốc
hiện phụ thuộc rất nặng vào chips nhập khẩu, chủ yếu từ Đài Loan và Mỹ. Cấm vận
của Mỹ về chips đang làm Trung Quốc điêu đứng. Do vậy SMIC nhận được hàng chục
tỷ UDS hỗ trợ của nhà nước, nhưng vẫn đang sản xuất chủ yếu 14 nm, mới bắt đầu
bước vào 7nm tháng 9.2022. Khoảng cách giữa TSMC và SMIC hiện là 4-5 năm, trong
khi chỉ cần ai đi trước sáu tháng là xong. Toàn thế giới: từ Apple, AMD, Intel
đến Samsung … sẽ nhập và định hình dây chuyền theo chip ra trước.
Đáng nói
là TSMC có vài nhà máy ở lục địa, nhưng ông chủ chỉ thuê nhân công giá rẻ để
gia công mà không để mất công nghệ.
Cùng đói
nghèo như nhau năm 1949, sau 73 năm, bất chấp sự phát triển ngoạn mục của Trung
Quốc suốt 40 năm qua, Đài Loan luôn giữ khoảng cách về mức sống, về trình độ
văn minh: Thu nhập đầu người/năm (nominal GDP per capital) của Đài Loan 2021 là
36.000 USD, hơn gấp 3 lần Trung Quốc (gấp 10 lần Việt Nam). Đó là chưa kể đến
công bằng xã hội. Đài Loan không có người nghèo như hàng trăm triệu nông dân
Hoa lục. Chỉ số phát triển con người (HDI-index) của Đài loan là 0,935, thuộc
nhóm các nước phát triển cao (Đứng đầu là Thụy Sỹ với 0,962. Chỉ số lý tưởng =
1). Trong khi đó HDI của Trung Quốc đạt 0,768, xếp thứ 79, nằm trong nhóm các
nước đang phát triển (Việt Nam: 0,703 xếp thứ 115/191)
Với tôi,
Đài Loan là một tấm gương về tinh thần độc lập dân tộc, cho đối sách đúng đắn đủ
để chung sống với kẻ thù hung ác mà vẫn chống lại được ý đồ thanh toán của nó.
Đài Loan đang chứng minh rằng: Chủ nghĩa Xã hội mang mầu sắc Trung Hoa không phải
là con đường đi lên duy nhất của các quốc gia chậm tiến, của các xã hội Á châu
phong kiến như nhiều người vẫn rao giảng. Đặc biệt Đài Loan còn cho thấy: Một
xã hội từng rên xiết dưới ách độc tài vẫn có thể chuyển sang văn minh mà không
đổ máu.
Đài Loan
là một cái gai trong mắt mà Tập muốn nhổ bằng được. Liệu điều đó có xảy ra? Liệu
Đài Loan có chống lại được cuộc xâm lăng đó?
(Còn tiếp)
Hình :
https://www.facebook.com/photo/?fbid=8631064406911556&set=pcb.8631085046909492
Trụ sở TSMC ở Đài Loan.
https://www.facebook.com/photo?fbid=8631064430244887&set=pcb.8631085046909492
Tỷ lệ đúc bánh waffer (nền chip) toàn
cầu 2020 của các ông lớn trong kỹ nghệ vi mạch. TSMC dẫn đầu.
https://www.facebook.com/photo?fbid=8631064463578217&set=pcb.8631085046909492
Cuộc chiến eo biển Đài Loan 1958. Quân
đội Quốc dân đảng tải thương.
https://www.facebook.com/photo?fbid=8631064423578221&set=pcb.8631085046909492
Cuộc chiến
eo biển Đài Loan 1958. Quân đôi Quốc dân đảng chuẩn bị đạn dược tấn công quân
Giải phóng Nhân dân TQ.
.
==========================
Nga
là cơn bão, Trung Quốc là biến đổi khí hậu (2)
·
Hôm qua thứ
bảy 22.10.22, trong phiên đại hội đảng được tường thuật trực tiếp, cả thế giới
chứng kiến cảnh Hồ Cẩm Đào, bậc thầy của Tập Cận Bình bị hai nhân viên bảo vệ
đưa ra khỏi hội trường. Ông Hồ tranh luận khá lâu với hai nhân viên này nhưng
không kết quả, ông quay sang Tập Cận Bình ngồi ghế bên, nhưng chỉ nhận được cái
nhìn lạnh lùng. Cuối cùng họ xốc nách đưa ông ra ngoài. Ai cũng biết Hồ Cẩm
Đào, người đã đưa Tập lên chức Tổng Bí Thư vào năm 2012, cũng là người đề cao
nguyên tắc „Lãnh đạo tập thể“ và điều lệ „Hai nhiệm kỳ“. Rất có thể việc điệu
ông thầy ra khỏi đại hội chính là hành động dằn mặt của Tập Cận Bình trước khi
đại hội „nhất trí“ bầu ông ta vào chức Tổng bí thư nhiệm kỳ 3 và tiến tới suốt
đời.
Với hành động
này,Tập đã đưa đảng CSTQ ra khỏi quỹ đạo „tập trung dân chủ“ của các chế độ đảng
trị, mở đầu cho chế độ độc tài cá nhân. Nếu chỉ có vậy thì cũng không có gì lạ,
vì Stalin, Mao Trạch Đông, Kim Nhật Thành... đều từng như thế.
Ông trùm
tình báo Đức Haldenwang ví mối đe dọa của Trung Quốc như biến đổi khí hậu chính
vào lúc đại hội đảng CSTQ khai mạc và đúng khi chính trường Đức đang cãi nhau về
vụ cảng Hamburg định bán 35% bãi container cho công ty Cosco của Trung Quốc.
Giá bán bao nhiêu không quan trọng, vì kinh tế Đức không đói ăn vài chục tỷ
Euro. Quan trọng là khi Cosco đã đầu tư vào đó, tàu Trung Quốc sẽ đến đây nhiều
hơn và Hamburg lại đủ sức cạnh tranh với Antwerpen và Rotterdam là hai cảng đã
chăn gối với nàng Cosco lâu nay. Cạnh tranh nhau bằng mọi giá vốn là bản chất của
CN Tư bản, và đó là lý do mà Trung Quốc đã nắm hơn một chục cảng biển của châu
Âu.
Trong suốt
thời gian chiến tranh lạnh mọi nhà nước TBCN đều rất cảnh giác với đối thủ
chính trị và mọi quan hệ làm ăn với bên kia đều bị soi bằng kính lúp.
Để tiêu diệt
Liên Xô, thành trì kinh tế, quân sự, chính trị và văn hóa của khối Cộng Sản, Mỹ
đã chọn Trung Quốc làm đối tác tay trong và họ đã có lý. Từ lâu Mao vẫn coi
Liên Xô là vật cản trên con đường lãnh đạo vô sản toàn thế giới. Đài Bắc Kinh
trong những năm 1960 ra rả chửi bọn „Đế quốc xã hội Liên-Xô“. Sau khi Mao chết,
Đặng Tiểu Bình thực hiện chính sách mèo trắng-meo đen đã đưa Trung Quốc ra khỏi
chế độ cộng sản đồ đá.
Ít ai biết
rằng Trung Quốc không chỉ đi đầu trong việc xóa bỏ nền kinh tế công hữu XHCN từ
đầu thập kỷ 80, mà còn đi trước Đông Âu gần chục năm trong việc cởi trói văn
hóa, tư tưởng. Trong khi Tiệp Khắc đang loay hoay đàn áp phong trào „Hiến
chương 77“, trong khi Đông Đức đang lo trục xuất các nghệ sỹ bất đồng chính kiến
như Wolf Biermann hay Manfred Krug thì năm 1978 ở Bắc Kinh đã có „Bức tường dân
chủ“ để trí thức xả xú-pắp phê phán đảng cầm quyền. Trong khi ở Ba-Lan đang thiết
quân luật, còn toàn bộ Đông Âu bị khóa chặt trong bức màn sắt thì năm 1987, bộ
phim „Cao Lương Đỏ“ đã thoát khỏi mọi khuôn khổ của nền văn hóa kiểm duyệt tô hồng,
trở nên một hiện tượng điện ảnh toàn cầu.
Nói ra chắc
ít người tin, nhưng cuộc biểu tình đòi tự do dân chủ, chiếm Thiên An Môn của
hàng chục ngàn sinh viên Bắc Kinh suốt cả tháng 5 và đầu tháng 6.1989 đã tạo cảm
hứng cho hàng triệu người dân Đông Âu. Việc dùng xe tăng đàn áp sinh viên cũng
là một giọt nước tràn ly góp phần cho các cuộc „Cách mạng nhung“ bắt đầu từ
tháng 9 năm đó ở Đông Âu.
Điểm qua
như vậy, người ta thấy đảng CSTQ đã thử nghiệm khá nhiều và cuối cùng họ đã chọn
con đường: Xây dựng kinh tế TBCN dưới bàn tay sắt của chế độ phát xít. Các vụ
đàn áp đẫm máu người Duy Ngô Nhĩ, những tội các đối với người theo đạo
Pháp-Luân-Công và mới đây đối với phong trào dân chủ Hong Kong chỉ là những điều
báo chí nói đến.
Cùng thoát
khỏi nền kinh tế bao cấp XHCN, nhưng Nga chỉ sống nhờ vào bán tài nguyên, khiến
nhiều ngành công nghiệp mũi nhọn như chế tạo máy, điện tử, hóa chất… lụn bại.
Người Nga hôm nay chủ yếu sử dụng hàng tiêu dùng nhập khẩu, vì vậy Nga không có
học trò. Nhưng Trung Quốc đã thành công không chỉ trong việc công nghiệp hóa,
hiện đại hóa đất nước trong vòng 40 năm, mà còn hội nhập kinh tế rất sâu, trở
thành bạn hàng, khách hàng, nhà cung cấp hàng lớn nhất thế giới.
Từ chỗ là
công xưởng gia công, làm thuê cho toàn cầu, Trung Quốc nay đã lần lượt có mặt
trong các ngành khoa học mũi nhọn. Hôm qua có tin Trung Quốc đang thử nghiệm việc
tạo ra các đám mây phóng xạ ở các tầng khí quyển nhằm tiêu diệt mạng lưới vệ
tinh của đối phương [1].
„Made in
China“ từ một khái niệm cho hàng rởm, hàng nhái đang được Trung Quốc biến thành
một thương hiệu lớn vào năm 2025.
Khái niệm
„Nền ngoại giao pháo hạm“ (Gunboat diplomacy) bắt nguồn từ sự khiếp nhược của
nhà Thanh khổng lồ trước các đế quốc phương tây tý hon nhưng có pháo hạm như Bồ
Đào Nha, Bỉ, Hà Lan. Giờ đây Trung Quốc đã xây dựng được lực lượng hải quân lớn
thứ hai thế giới và bắt đầu tìm kiếm căn cứ khắp năm châu.
Trung Quốc
không phát minh ra Trí tuệ nhân tạo, ra Big Data, ra camera, nhưng là nước đầu
tiên theo dõi, chấm điểm, kiểm soát và điều khiển hơn một tỷ công dân qua mạng.
Không cần cảnh sát, nhưng nhà nước cảnh sát có thể dùng smartphone để cấm những
công dân „bất hảo“ không được lên tàu, không được đi học, vào bệnh viện, mua
hàng v.v. Không phát minh ra Internet và thương mại điện tử, nhưng Trung Quốc
có hệ thống thanh toán, mua bán điện tử hiệu quả nhất thế giới. Đến gã ăn mày
cũng nhận được tiền của người mủi lòng qua QR-Code. Đây chính là nền độc tài số
(digital dictatorship) hoàn hảo nhất thế giới.
Thành công
lớn nhất của Trung Quốc là đã xây dựng được CNTB mà không cần tự do hóa xã hội,
vẫn giữ nguyên chế độ độc tài đảng trị mà không bị cô lập, vẫn tiếp tục bành
trướng và xâm lăng mềm mà không bị ngăn chặn. Các đặc điểm này khiến ông
Haldenwang coi mô hình Trung Quốc nguy hiểm tiềm tàng như biến đổi khí hậu.
Khi làm ăn
với bạn hàng Trung Quốc, ai cũng nghĩ là đang tiếp các nhà tư bản và thế là các
thương vụ như cảng Rotterdam của Hà-Lan, hãng Robot Kuka của Đức, như hãng xe
Volvo của Thụy Điển cứ ngọt ngào xảy ra. Nhưng tư bản Trung quốc là tư bản nhà
nước, là mặt nạ của một chế độ phát xit. Thậm chí các hãng máy bay Trung Quốc
đã tuyển dụng được hơn 30 phi công từng phục vụ trong quân đội Anh để lái và
góp ý cho các phi cơ chiến đấu họ đang sản xuất. Mức lương trả cho các phi công
về hưu này là 276.000 EUR/năm.[2]
Còn nguy
hiểm hơn cả là mô hình Trung Quốc đã trở thành tấm gương cho nhiều nước, trong
đó có Việt Nam. Không ít người có chữ ở Việt nam ca ngợi Đặng Tiểu Bình: Ông ấy
không dẹp vụ Thiên An Môn thì làm gì có Trung Quốc hôm nay! Ông Đặng xua quân
sang giết hàng chục ngàn người Việt ở Biên giới Việt Trung 1979 và ông Đặng giết
con cháu ông ta ở Bắc Kinh 1989 chỉ là một.
Theo mô
hình Trung Quốc rủi ro rất nhiều, thất bại đầy rẫy nhưng nhiều người cầm quyền
lại ham. Hàng loạt các nước đang phát triển ngắm nghía trầm trồ mô hình này khi
thấy nó đang được áp dụng thành công bởi các đế quốc mới trỗi dậy như Qatar,
Turkey, Iran. Việc các nhà xuất khẩu vũ khí truyền thống như Nga và Ukraine nay
phải mua máy bay của Turkey và Iran và việc Qatar trở thành người cùng quyết định
các ván bài ở Syria và Afghanistan là các ví dụ.
Đến nỗi
Viktor Orban của Hungary ca ngợi nền „Dân chủ không cần tự do“ vì thèm muốn cầm
quyền suốt đời như vua. Tất cả các thủ lĩnh cực hữu ở phương Tây, từ Meloni ở
Italia, Le Pen ở Pháp hay Bolzonaro ở Brazil đều hướng đến con đường Trung Quốc,
hướng đến thịnh vượng không cần tự do. Nghe có vẻ mâu thuẫn vì ai đó coi Trung
Quốc là cực tả. Nhầm to!
Nhà sử học
Mỹ Timothy Snyder từng kết luận: “Bước chuyển sang chủ nghĩa chuyên quyền cực hữu
có lẽ là bậc thang cuối cùng của Chủ nghĩa Cộng sản” [3]
Mô hình
Trung Quốc không chỉ phá hoại con đường phát triển của các nước thế giới thứ
ba, mà đang đe dọa cả các nền dân chủ già cỗi. Khí độc ở một quốc gia đã lan
truyền vào bầu khí quyển chính trị toàn cầu, đó là biến đổi khí hậu à la China.
(Còn tiếp)
----
[1]https://www.t-online.de/.../bericht-china-simuliert...
[2]https://www.bild.de/.../peking-rekrutiert-ex-soldaten...
[3] https://www.t-online.de/.../historiker-donald-trump...
Hình :
https://www.facebook.com/photo/?fbid=8592429530775044&set=pcb.8592445577440106
Cái nhìn lạnh lùng của ông Tập Cận
Bình khi ông Hồ Cẩm Đào muốn phân bua gì đó, trước khi bị áp tải ra khỏi phòng
họp đại hội.
https://www.facebook.com/photo?fbid=8592429550775042&set=pcb.8592445577440106
Đại hội lần thứ 20 của đảng CSTQ được
truyền hình ra ngoài cho dân chúng xem.
https://www.facebook.com/photo?fbid=8592445160773481&set=pcb.8592445577440106
Tổng bí thư đảng, chủ tịch nước, tổng
tư lệnh quân đội suốt đời Tập Cận Bình.
.
================================
.
.
Nga
là cơn bão, Trung Quốc là biến đổi khí hậu (1
Loài người
đang đứng trước nhiều mối đe dọa. Biến đổi khí hậu đang làm cho trái đất lúc
nào đó sẽ không thể ở nổi. Mọi người đều thấy nhưng tất cả cứ tiếp tục lao vào
làm cho quá trình này càng tăng tốc.
Cuộc chiến
tranh man rợ của Nga không chỉ đe dọa diệt chủng dân tộc Ukraine, mà còn đe dọa
xóa sổ phần lớn nhân loại bằng hạt nhân. Lời đe dọa sử dụng bom hạt nhân của
Putin có thể ai đó xem là thùng rỗng kêu to kiểu chí Phèo. Nhưng nhà máy điện hạt
nhân Saporishia thì đúng là một thùng thuốc súng. Đó là một hiểm họa vì sẽ có
lúc kể cả Putin cũng không kiểm soát được.
Hiểm họa
có nghĩa là có thể xảy ra hoặc không. Nhưng điều đang xảy ra là Nga đem hết kho
vũ khí tích lũy từ sau thế chiến thứ hai ra đốt để tàn sát người Ukraine. Quả
bom nguyên tử Mỹ ném xuống Hiroshima có sức nổ 15 Kilo tones, tức là 15 ngàn tấn
TNT. Chỉ riêng lượng bom Mỹ sử dụng trong chiến tranh Việt Nam là 2 triệu tấn,
chưa kể đại bác và mìn. Chiến tranh Ukraine chưa kết thúc, nhưng chắc chắn đế
quốc Nga sẽ vượt đế quốc Mỹ về sức phá hủy. Vì hơn 100 năm qua, đất nước này chỉ
dẫn đầu trong công nghiệp giết người. Sức tàn phá của Nga hôm nay vượt xa Mỹ vì
nó xảy ra vào lúc mà rừng và biển của trái đất đã không còn sức hấp thụ, trung
hòa chất độc như cách đây 50 năm.
778 triệu
mét khối khí Metan bị dò rỉ qua các đường ống Nordstream 1 và 2 trong tuần đầu
tháng 10 chẳng là cái gì so với lượng khí thải do Nga đốt gas lên trời từ tháng
3.2022 đến giờ. Putin thà hủy diệt thiên nhiên hơn là bán gas cho kẻ thù.
Nếu thua
cuộc chiến này Putin sẽ bị đưa ra tòa án quốc tế, không chỉ vì tội ác diệt chủng
chống lại loài người, mà còn vì tội ác phá hủy nguồn sống của nhân loại. Với
75% dân chúng đứng sau các tội ác này, nước Nga sẽ rơi xuống vực thẳm. Ai đó từng
nghĩ rằng nước Nga không thể thua vì lòng tự hào, nhưng đúng ra là Nga không
dám thua. Thua là tự sát vì bị sỉ nhục.
Đó chính
là điều bi thảm thứ nhất. Nga đang thua cả về chiến lược lẫn chiến thuật, đang
hụt cả về nhân lực lẫn tinh thần, nhưng thừa bom đạn. Không có chính nghĩa,
quân Nga không đươc lòng dân, kể trong cả cộng đồng nói tiếng Nga, nhưng sự man
rợ thì có thừa. Khi còn chiếm đóng, quân Nga thả sức giết chóc, hãm hiếp, vơ
vét, cướp bóc. Giờ đây khi đang bị đẩy lùi họ thả sức ném bom phá hủy đất nước
Ukrane. Hết đạn thông minh, Nga đang vét kho đạn mù tàng trữ từ 1945 để hủy diệt
toàn bộ đất nước đối phương.
Người
Ukraine có cách đánh thắng bộ binh, xe tăng của Nga. Sau cả thế kỷ chịu ảnh hưởng
học thuyết quân sự lấy thịt đè người của Nga, quân đội Ukraine đang hiện đại
hóa theo binh pháp phương tây, đưa sinh mạng lính lên hàng đầu. Cách tổ chức
quân đội theo hướng trao quyền quyết định nhiều hơn cho các sỹ quan ngoài mặt
trận và việc kết hợp sử dụng các loại vũ khí thông minh đã làm tăng hiệu quả
chiến đấu của họ. Hiện nay cục diện chiến tranh đã bắt đầu đổi chiều.
Nhưng trước
sự phá hủy mù quáng, điên cuồng của kẻ giàu thuốc nổ nhất hành tinh, Ukraine
đang lúng túng. Các dân tộc có lương tâm, yêu chuộng hòa bình đều lên án cuộc
xâm lăng cướp đất của Nga. Nhưng ai lại không sợ chiến tranh hạt nhân. Người có
đầu óc bình thường đều biết là bom hạt nhân không xoay chuyển được cuộc chiến,
càng không chiếm được lòng dân. Ngược lại nó chỉ khiến nước Nga bị hủy diệt.
Nhưng liệu Putin có còn là người đầu óc bình thường? Những người tỉnh táo quanh
ông ta dám có vượt qua sự khiếp nhược trước uy quyền vốn có của người Nga? Đó
là những câu hỏi không có trả lời.
Vì vậy
phương tây chỉ dám giúp đỡ Ukraine ở mức độ phòng thủ, không để cho Ukraine tấn
công sang Nga (Ví dụ: Mỹ giúp giàn phóng tên lửa HIMARS với tầm bắn tối đa
300km, nhưng chỉ cấp đầu đạn bay xa 70km). Có thể coi phương tây chỉ giúp
Ukraine để không bị đè bẹp nhưng khó mà thắng Nga. Đó là điều bi thảm thứ hai.
Chúng ta
đang sống trong một thế giới mà các nền dân chủ, các quốc gia công nghiệp đã mất
đi vai trò chủ đạo. Các nước nhỏ, chậm phát triển như Turkey (Thổ Nhĩ Kỳ) ,
Iran, Saudi (Ả rập Xê-ut), Indonesia, Brazil... ngày càng có tiếng nói trên bàn
cờ thế giới và đang tìm cách thoát khỏi sự ảnh hưởng của phương tây. Các nước
này cùng Trung Quốc, Ấn Độ đã làm cho chiến lược cấm vận Nga trở nên mất hiệu
quả. Nga vẫn bán được dầu khí với giá cao và ngân sách chiến tranh vẫn đầy ắp.
Đó là điều bi thảm thứ ba.
Nga vẫn có
tiền mua 2.400 máy bay không người lái thiêu thân của Iran (Kamikaze-Drone, mỗi
chiếc 20.000 USD) và hàng triệu viên đạn đại bác của Bắc Triều Tiên. Những vũ
khí này không có gì là thông minh và hiện đại, nhưng đủ giúp cho Nga nhắm mắt hủy
diệt Ukraine. Cứ 100 máy bay không người lái Nga phóng vào Kyiv, phòng không
Ukraine hạ được 70 chiếc. Nhưng mỗi chiếc trong số 30 chiếc lọt lưới, lao xuống
đất với 40kg thuốc nổ đủ gây bao nhiêu tang tóc cho dân thường trong một thành
phố lớn.
Tôi có thể
kể thêm nhiều điều bi thảm khác đang xảy ra trong cuộc chiến tranh này, kể cả với
những thanh niên Nga đang ngơ ngác làm mồi cho đại bác (cannon fodder).
Mặc dù
luôn ủng hộ nhân dân Ukraine trong cuộc chiến bảo vệ tổ quốc và bảo vệ con đường
dân chủ của họ, tôi chẳng thể lạc quan về kết cục cuộc chiến này, như nhiều bạn
khác. Cái giá mà người Ukraine phải trả để được sống như mình muốn sẽ rất cao.
Cho đến nay hàng chục ngàn người đã phải chết không như mình muốn và con số này
có thể tăng lên chóng mặt trong giai đoạn tới. Nhưng tôi không có quyền khuyên
người Ukraine dừng lại ở đâu. Chỉ có họ mới biết giá trị của tổ quốc, của nền
dân chủ, của cuộc đời tự do.
Cho dù cuộc
chiến kết thúc ra sao? Crimea, Donbaz thuộc về ai? Có xảy ra thảm họa hạt nhân
hay không? Thì tội ác của Putin và nước Nga cũng đã rõ ràng. Năm 1945, cả dân tộc
Đức đã phải chịu trách nhiệm vì để cho Hitler hoành hành. Ngày nay trách nhiệm
không chỉ của người Nga, mà của cả những ai ngậm miệng trước tội ác.
Sự tàn
phá, giết chóc của Nga chỉ những kẻ đui mù mới không nhận ra. Nhưng đó không phải
là xu thế. Sớm muộn gì đế quốc này cũng tan rã. Ông Haldenwang, Giám đốc cơ
quan Bảo vệ hiến pháp Đức cho rằng: Nước Nga chỉ là cơn bão, Trung Quốc mới là
biến đổi khí hậu. (Rusland ist der Sturm, China ist der Klimawandel)
Biến đổi
khí hậu cứ lừ lừ tiến đến. Con người khó lòng cảm nhận, như con ếch trong nồi
nước cứ nóng dần lên. Nhiều người còn vô ý giúp biến đổi khí hậu tăng tốc. Đó
chính là hiểm họa lâu dài. Biến đổi khí hậu sẽ tạo ra nhiều cơn bão, càng ngày
càng dữ dội. Tôi nhìn thấy ở đại hội lần thứ 20 đảng CS Trung Quốc khai mạc hôm
16.10 những thách thức nguy hiểm cho khí hậu chính trị toàn cầu.
(Còn tiếp)
[2]Trên một
diện tích 1cmx1cm (bằng móng tay người) chip 2nm thể chứa đến 50 tỷ bóng bán dẫn
No comments:
Post a Comment