Monday, November 21, 2022

MỸ CAM KẾT BẢO VỆ MANILA, NẾU QUÂN ĐỘI PHILIPPINES TẠI BIỂN ĐÔNG BỊ TẤN CÔNG (Trọng Thành / RFI)

 



Mỹ cam kết bảo vệ Manila, nếu quân đội Philippines tại Biển Đông bị tấn công

Trọng Thành  -  RFI

Đăng ngày: 21/11/2022 - 13:25

https://www.rfi.fr/vi/qu%E1%BB%91c-t%E1%BA%BF/20221121-m%E1%BB%B9-cam-k%E1%BA%BFt-b%E1%BA%A3o-v%E1%BB%8....8B-t%E1%BA%A5n-c%C3%B4ng

 

Phó tổng thống Mỹ Kamala Harris trong chuyến công du Philippines hôm nay, 21/11/2022, tái khẳng định cam kết của Hoa Kỳ“kích hoạt” thỏa thuận phòng thủ chung, nếu “quân đội, tàu thuyền của chính quyền hay phi cơ Philippines hoạt động tại Biển Đông bị tấn công”. Tuyên bố của lãnh đạo Mỹ được coi là một cảnh báo gửi đến Trung Quốc.

 

Theo AFP, trong cuộc gặp tổng thống Philippines Ferdianand Marcos Jr, phó tổng thống Mỹ Kamala Harris khẳng định : Hoa Kỳ luôn sát cánh với Manila để “bảo vệ các quy tắc và luật pháp quốc tế liên quan đến Biển Đông”. Về phần mình, tổng thống Marcos cũng nhấn mạnh: vận mệnh của Philippines gắn liền với nước Mỹ.  

 

Lần đầu tiên một lãnh đạo cao cấp của Hoa Kỳ đến Philippines kể từ khi tổng thống Marcos lên nắm quyền hồi tháng 6/2022. Đây là một dấu hiệu cho thấy Washington và Manila xích lại gần nhau sau nhiều năm quan hệ song phương căng thẳng trong nhiệm kỳ của tổng thống Rodrigo Duterte. Một trong các mục tiêu chính của chuyến đi của phó tổng thống Mỹ là thực thi thỏa thuận tăng cường hợp tác quốc phòng (EDCA) Mỹ - Philippines, đạt được vào năm 2014, nhưng bị đình chỉ dưới thời tổng thống tiền nhiệm Duterte.  

 

AFP dẫn lời một quan chức Hoa Kỳ, xin ẩn danh, đưa ra trước chuyến công du của phó tổng thống Harris, theo đó hai bên đã đàm phán để thúc đẩy việc hoàn tất thỏa thuận EDCA. Theo thỏa thuận ký kết năm 2014, các lực lượng vũ trang Mỹ có quyền sử dụng 5 căn cứ quân sự tại Philippines, để bố trí các phương tiện quân sự.

 

Phó tổng thống Mỹ có kế hoạch gặp các lực lượng tuần duyên Philippines và tới đảo Palawan vào ngày mai 22/11. Đảo Palawan là nơi tiếp giáp với các vùng tranh chấp ở Biển Đông.

QUẢNG CÁO

 

Biển Đông: Philippines cáo buộc Trung Quốc tranh giành một vật thể trôi nổi gần đảo Thị Tứ

 

Ít giờ trước chuyến công du của phó tổng thống Mỹ, hãng tin AP hôm nay, 21/11/2022, cho biết một sự cố xảy ra giữa một đơn vị hải quân Philippines và tuần duyên Trung Quốc gần đảo Thị Tứ (Pag-asa), thuộc quần đảo Trường Sa, do Philippines kiểm soát.  

 

Theo Hải quân Philippines hôm nay, 21/11/2022, tàu Trung Quốc đã không ngăn không cho phía Philippines đưa về một số mảnh vỡ trôi nổi cách bờ của đảo Thị Tứ khoảng hơn 300 mét. Các mảnh vỡ dường như do một vụ phóng tên lửa của Trung Quốc để lại. Theo thiếu tá Cherryl Tindog, phát ngôn viên quân đội Philippines, các vật thể nói trên tương tự với các mảnh vỡ giống đầu đạn tên lửa Trung Quốc phát hiện trong tháng này gần đảo Busuagan, phía bắc đảo Palawan.  

 

Rút cục phía Trung Quốc đã giành được vật thể nói trên. Không có ai thương tích trong sự cố này. Theo một phát ngôn viên của Quân khu miền Tây Philippines, phía Philippines đã kìm chế tối đa, và đây là ‘‘một vật thể không xác định và không có tầm quan trọng đặc biệt’’ nên không cần thiết phải giữ lại bằng mọi giá. 

 

Thị Tứ là đảo tự nhiên có diện tích lớn thứ hai ở Biển Đông, Việt Nam kiểm soát trước 1970. Hiện tại Việt Nam và Trung Quốc đòi hỏi chủ quyền.

.

------------------------------

.

Harris cam kết ‘Mỹ gia tăng hiện diện quân sự, bảo vệ Philippines’

Người Việt 

November 21, 2022

https://www.nguoi-viet.com/hoa-ky/ptt-harris-my-tang-cuong-hien-dien-quan-su-cam-ket-bao-ve-philippines/

 

MANILA, Philippines (NV) – Mỹ sẽ bảo vệ Philippines, quốc gia đồng minh hiệp ước lâu đời nhất trong trường hợp bị tấn công ở Biển Đông, Phó Tổng Thống Kamala Harris cam kết hôm Thứ Hai, 21 Tháng Mười Một, theo Reuters.

 

https://www.nguoi-viet.com/wp-content/uploads/2022/11/TS-harris-philippines-1-1068x712.jpeg

Phó Tổng Thống Kamala Harris (trái) duyệt hàng quân danh dự tại Phủ Tổng Thống Philippines. (Hình: Ted Aljibe/AFP via Getty Images)

 

Bà Harris tái khẳng định cam kết “kiên định” của Mỹ đối với thuộc địa cũ khi gặp gỡ ông Ferdinand Marcos Jr., tổng thống Philippines, tại Manila.

 

Ông Marcos cho biết mối quan hệ bền chặt của hai quốc gia thậm chí còn trở nên quan trọng hơn, khi đang có “những biến động” trong khu vực.

 

“Tôi không thể hình dung được tương lai Philippines mà không bao gồm sự hiện diện của nước Mỹ,” lời đáp từ của đương kim tổng thống Philippines, con trai của nhà lãnh đạo độc tài phải sống lưu vong tại Hawaii hồi năm 1986 dưới sự giúp đỡ và bảo trợ của Washington.

 

Chuyến công du của bà Harris được coi là nỗ lực của Washington nhằm khôi phục mối quan hệ với Manila, một đồng minh châu Á trọng tâm trong nỗ lực của Hoa Kỳ nhằm chống lại các chính sách ngày càng cứng rắn của Trung Quốc với Đài Loan.

 

Phó Tổng Thống Harris nói với Marcos, nhà lãnh đạo của Philippines: “Nước Mỹ sát cánh với Philippines để bảo vệ các quy tắc và chuẩn mực quốc tế liên quan đến Biển Đông.”

 

“Một cuộc tấn công quân sự vào quân đội, tàu thuyền hoặc máy bay của Philippines ở Biển Đông đều kích hoạt các cam kết phòng thủ chung từ phía Mỹ,” bà Harris nhấn mạnh.

 

Philippines, một thuộc địa cũ của Mỹ, từng là nơi có căn cứ Hải Quân và Không Quân lớn nhất của Mỹ bên ngoài lãnh thổ. Các căn cứ này đã bị đóng cửa vào đầu những năm 1990, nhưng quân đội Mỹ đã quay trở lại để tập trận quy mô lớn với quân đội Philippines theo Hiệp Định Lực Lượng Viếng Thăm Philippines – Mỹ (VFA) năm 1999.

 

Vào năm 2014, hai đồng minh lâu năm đã ký Thỏa Thuận Tăng Cường Hợp Tác Quốc Phòng, cho phép số lượng lớn hơn binh sĩ Mỹ ở lại thành các đợt luân phiên trong doanh trại Philippines để xây dựng nhà kho, khu sinh hoạt, cơ sở huấn luyện chung và cất giữ thiết bị chiến đấu, ngoại trừ võ khí nguyên tử. Philippines có thể tiếp quản những tòa nhà và cơ sở đó khi quân đội Mỹ rời đi.

 

Sau khi thỏa thuận được ký kết, Mỹ đã khởi động các dự án xây dựng tại năm khu trại và khu vực của Philippines, bao gồm cả ở phía Nam đất nước, nơi lực lượng chống khủng bố Mỹ đã hỗ trợ đào tạo và cung cấp thông tin tình báo cho Philippines trong nhiều năm qua. Nhiều dự án bị trì hoãn do các vấn đề pháp lý, giới chức quốc phòng Philippines cho biết.

 

https://www.nguoi-viet.com/wp-content/uploads/2022/11/TS-harris-philippines-2-1068x712.jpeg

Quang cảnh Tổng Thống Ferdinand Marcos Jr. (Philippines) tiếp đón bà Kamala Harris, phó tổng thống Mỹ, hôm Thứ Hai, 21 Tháng Mười Một. (Hình: Haiyun Jiang/Pool/AFP via Getty Images)

 

Một số lượng lớn quân nhân Mỹ ở lại các doanh trại phía Nam thành phố Zamboanga và các tỉnh hẻo lánh do các mối đe dọa từ lực lượng chiến binh Hồi giáo, vốn đã giảm bớt trong những năm gần đây. Hơn 100 nhân viên quân sự Mỹ hiện đang trú tại Zamboanga và ba tỉnh miền Nam khác, một viên chức quân đội Philippines tiết lộ.

 

Một giới chức Mỹ cho biết quân đội đã chỉ định các khu vực mới để phát triển mở rộng hợp tác và đào tạo an ninh chung. Người này không cung cấp thông tin chi tiết như cơ sở quân sự, địa điểm và số lượng quân nhân Mỹ sẽ được điều động tại các địa điểm này, đồng thời cho biết các dự án sẽ phải được hoàn tất cùng với Philippines.

 

Trung Tướng Bartolome Bacarro, tham mưu trưởng quân đội Philippines, vào tuần trước cho biết Mỹ muốn xây dựng các cơ sở quân sự tại năm khu vực thuộc miền Bắc Philippines.

Hiến pháp Philippines nghiêm cấm sự hiện diện của quân đội ngoại quốc trong nước, trừ khi các hiệp ước hoặc thỏa thuận được ký kết. Quân đội ngoại quốc cũng bị cấm tham gia chiến đấu trong lãnh thổ nước này.

 

Vào Thứ Ba, 22 Tháng Mười Một, bà Harris dự trù sẽ đến Palawan để thăm ngư dân, dân làng, viên chức và lực lượng bảo vệ bờ biển Philippines. Bà sẽ là nhà lãnh đạo cấp cao nhất của Mỹ đến thăm hòn đảo biên giới, nơi có các tranh chấp lãnh hải kéo dài giữa Trung Quốc, Philippines, Việt Nam, Malaysia, Brunei và Đài Loan.

 

Theo giới chức Mỹ, tại đây bà Harris sẽ nhấn mạnh tầm quan trọng của luật pháp quốc tế, thương mại tự do và tự do hàng hải ở Biển Đông, đồng thời tái khẳng định phán quyết năm 2016 của tòa án quốc tế nhằm vô hiệu hóa các yêu sách đòi chủ quyền của Trung Quốc ở Biển Đông.(MPL) [kn]

 

 



No comments:

Post a Comment